top

Danh mục sản phẩm

Xét nghiệm máu là gì? Xét nghiệm máu bao gồm những gì? Xét nghiệm máu giúp phát hiện ra bệnh gì?

06/05/2022 09:18
Xét nghiệm máu là gì? Xét nghiệm máu bao gồm những gì?
Xét nghiệm máu giúp phát hiện ra bệnh gì?
Xét nghiệm máu là gì?
Xét nghiệm máu (hay còn gọi là xét nghiệm huyết học) là một loại xét nghiệm thường quy thường được các bác sĩ và nhân viên y tế chỉ định cho người nhằm mục đích tìm ra những dấu hiệu bất thường liên quan đến sức khỏe, phát hiện sớm một số bệnh lý, định lượng nồng độ kháng thể trong máu hoặc đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị.
xet-nghiem-mau-de-lam-gi
Xét nghiệm máu mang lại nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe
Có mấy loại xét nghiệm máu?
Có hai loại xét nghiệm máu cơ bản là xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu và xét nghiệm sinh hóa máu.
Xét nghiệm công thức máu toàn phần hay còn gọi là tổng phân tích tế bào máu. Đây là xét nghiệm máu phổ biến nhất thường được chỉ định khi khám sức khỏe tổng quát và chẩn đoán điều trị bệnh. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán một số bệnh về máu như: thiếu máu, rối loạn đông máu, tình trạng nhiễm trùng, ung thư máu, bệnh về hệ miễn dịch.
Xét nghiệm sinh hóa máu: thường được thực hiện dựa trên thành phần huyết tương hoặc huyết thanh của máu. Xét nghiệm sinh hóa máu thường bao gồm rất nhiều các xét nghiệm nhỏ đo, đếm các chất khác nhau trong máu. Mục đích của xét nghiệm này là đánh giá hoạt động của các cơ quan trong cơ thể: tim, gan, thận, khớp …
Các chỉ số cơ bản trong xét nghiệm máu
1. Xét nghiệm hồng cầu 
Hồng cầu (Red Blood Cell – RBC) là một trong ba thành cơ bản của tế bào máu, chiếm tỉ lệ lớn nhất. Hồng cầu có vai trò vận chuyển oxy từ phổi đến khắp các cơ quan trong cơ thể và mang khí carbonic từ các mô về phổi để đào thải ra bên ngoài môi trường. Chức năng chính của hồng cầu là đảm nhiệm quá trình hô hấp của tế bào. Nếu chỉ số hồng cầu cao hơn hoặc thấp hơn mức tiêu chuẩn thì điều đó cho thấy những dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Thông thường chỉ số hồng cầu thường dao động trong khoảng từ 4.2 đến 5.9 triệu tế bào/cm3, tính theo đơn vị quốc tế là 4.2 đến 5.9 x 1012 tế bào/l.
hong-cau-la-gi
Hồng cầu - một trong ba thành phần chính của tế bào máu
Trường hợp chỉ số hồng cầu giảm
Nếu chỉ số hồng cầu giảm cho thấy người bệnh bị thiếu máu, mất máu do chảy máu đường tiêu hóa (ở dạ dày hoặc tá tràng). Đa số các trường hợp hồng cầu trong máu thấp là do thiếu sắt, acid folic hoặc vitamin B12. Các đối tượng thường bị thiếu máu do thiếu hồng cầu như: người già, phụ nữ có thai, người mắc bệnh thận, thấp khớp cấp, bệnh nhân ung thư, suy tủy.
Trường hợp chỉ số hồng cầu tăng
Trường hợp này rất hiếm gặp, chỉ thấy một số người sống ở những vùng núi cao hoặc các vận đông viên sử dụng doping. Khi lượng hồng cầu trong máu tăng cao có thể khiến cho máu bị cô đặc, dẫn đến tình trạng mất nước, nôn ói nhiều hoặc đi ngoài. Bên cạnh đó, lượng hồng cầu tăng còn có thể dẫn đến một số bệnh lý khác: thiếu oxy, hẹp động mạch phổi, rối loạn tuần hoàn tim mạch, bệnh tim bẩm sinh.
2. Xét nghiệm bạch cầu
Bạch cầu (White Blood Cell – WBC) là thành phần quan trọng của tế bào máu, bạch cầu là thành phần không thể thiếu của máu, Chức năng của bạch cầu là phát hiện các yếu tố lạ có nguy cơ gây bệnh hoặc làm hại cơ thể và tiêu diệt chúng. 
Số lượng bạch cầu trung bình thường dao động trong khoảng từ 3.5 – 109 tế bào/L. Nếu số lượng bạch cầu cao hơn hoặc thấp hơn mức trên thì đó là dấu hiệu cho thấy có thể bị nhiễm trùng, rối loạn hệ miễn dịch hoặc nghiêm trọng hơn là bệnh ung thư máu.
Có nhiều chỉ số xét nghiệm liên quan đến bạch cầu: 
- Bạch cầu trung tính – Neutrophil (NEUT)
- Bạch cầu Lympho – Lymphocyte (LYM)
- Bạch cầu Mono – Monocyte (MONO)
- Bạch cầu đa nhân ưa acid Eosinophil (EOS)
- Bạch cầu đa nhân ưa kiềm Basophil (BASO)
chi-so-bach-cau
Các loại bạch cầu và chỉ số của chúng
Xét nghiệm bạch cầu có thể được thực hiện một cách riêng biệt hoặc kết hợp trong tổng phân tích tế bào máu. Tùy theo yêu cầu của việc chẩn đoán và điều trị mà bác sĩ lựa chọn loại xét nghiệm phù hợp với từng người.
3. Xét nghiệm tiểu cầu
Tiểu cầu (tên tiếng Anh là Platelets hoặc Thrombocytes) là thành phần nhỏ nhất trong ba loại tế bào máu. Tiểu cầu được hình thành trong tủy xương, chúng đi khắp cơ thể và đóng vai trò quan trọng đối với quá trình đông máu của cơ thể. 
Khi lượng tiểu cầu thấp sẽ khiến cho quá trình đông máu gặp khó khăn, cơ thể mất nhiều máu do tai nạn, chấn thương, hoặc phẫu thuật. Điều này rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. 
Ngược lại, nếu lượng tiểu cầu trong máu tăng cao thì quá trình đông máu dễ xảy ra, máu bị cô đặc tạo thành các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến hiện tượng tai biến mạch máu não có thể gây ra tử vong.
Bình thường, chỉ số tiểu cầu (Platelet – PLT) trong máu dao động từ 150.000 đến 400.000 tiểu cầu/µl (1 µl = 1 mm3), trung bình trong mỗi µl máu có 200.000 tiểu cầu, trong 1 lít máu có khoảng 150 đến 400 tỷ tế bào tiểu cầu.
tieu-cau
 Số lượng và v
ai trò của tiểu cầu trong máu
4. Xét nghiệm đường huyết
Xét nghiệm đường huyết cho biết nồng độ glucose trong máu, xét nghiệm này được thực hiện để xác định một người có bị mắc bệnh đái tháo đường hay không (tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2, tiểu đường thai kỳ). 
Trong cơ thể người, chỉ số đường huyết được chia thành 4 loại: đường huyết lúc đói, đường huyết sau khi ăn 1h và sau khi ăn 2h, đường huyết bất kỳ, Hemoglobin A1c (HbA1c) – một loại hemoglobin đặc biệt, là sự kết hợp của hemoglobin và đường glucose. HbA1c tồn tại ngay trong hồng cầu, đảm nhận chức năng vận chuyển oxy và đường glucose đi nuôi dưỡng các tế bào của cơ thể. HbA1c thể hiện tình trạng gắn kết của đường trên hồng cầu.
Mức đường huyết của một người được coi là an toàn nếu:
Đường huyết lúc đói < 100 mg/dL (< 5.6 mmol/l)
Đường huyết bất kỳ < 140 mg/dL (< 7.8 mmol/l)
Đường huyết sau bữa ăn < 140 mg/dL (< 7.8 mmol/l)
Chỉ số HbA1c < 5.7 %
chi-so-duong-huyet
Các chỉ số đường huyết ở người
Việc xét nghiệm đường huyết có ý nghĩa xác định một người ở mức bình thường, tiền tiểu đường hay tiểu đường. Để xét nghiệm tiểu đường, người thực hiện cần nhịn ăn ít nhất 8h trước thời điểm lấy máu, chỉ được uống nước lọc.
5. Xét nghiệm chức năng gan
Xét nghiệm chức năng gan thường được thực hiện trên những đối tượng sau:
Người nghi ngờ mắc bệnh viêm gan virus (viêm gan B, viêm gan C).
Người sử dụng các loại thuốc gây độc cho gan
Người có tiền sử mắc các bệnh gan mật
Người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn triglyceride, thiếu máu
Người uống bia rượu nhiều.
Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan phổ biến hiện nay:
Xét nghiệm men gan
Các xét nghiệm men gan nhằm mục đích đánh giá trình trạng tổn thương của các tế bào gan 
- Xét nghiệm AST
AST là viết tắt của cụm từ Aspartate Aminotransferase, còn có tên gọi khác là SGOT (Serum Glutamic Oxaloacetic Transminase). AST có ở nhiều cơ quan khác nhau: tim, thận, não, phổi, tuyến tụy, xương, hồng cầu, bạch cầu, trong đó nhiều nhất là ở gan. AST là một loại men do gan sản xuất ra nhằm giúp cơ quan này bài tiết mật phục vụ cho quá trình tiêu hóa thức ăn, loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể và sản xuất các loại protein giúp cho quá trình đông máu. Bình thường, nồng độ AST trong máu ở mức thấp, khi xuất hiện tổn thương ở gan thì lượng AST trong máu tăng lên. Ngoài các bệnh lý về gan mật, xét nghiệm AST còn được chỉ định cho những người nghi ngờ bị nhồi máu cơ tim hoặc tổn thương cơ xương khớp.
Chỉ số AST trong giới hạn bình thường như sau:
Nam giới: từ 10 – 40 đơn vị/lít (< 50 UI/L)
Nữ giới: từ 9 – 32 đơn vị/lít (< 35 UI/L)
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: < 60 UI/L
chi-so-men-gan-binh-thuong
Các chỉ số men gan trong giới hạn bình thường
- Xét nghiệm ALT
ALT là viết tắt của từ Alanine Aminotransferase – một loại enzyme được tìm thấy chủ yếu ở gan. ALT còn có tên gọi khác là SGPT (Serum Glutamic Pyruvic Transaminase). ALT rất quan trọng đối với cơ thể, nó là chất xúc tác giúp chuyển đổi thức ăn thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. ALT được tìm thấy chủ yếu ở gan, khi gan bị tổn thương ALT được phóng thích vào máu. Nếu nồng độ ALT trong máu tăng cao, điều đó báo hiệu gan đang bị tổn thương. So với AST, thì ALT mang tính cảnh báo rõ nét và đặc hiệu hơn về những tổn thương của gan (vì chỉ một lượng nhỏ men này có ở tim và cơ vân).
Bình thường, chỉ số ALT trong máu nằm trong khoảng từ 20 – 40 UI/L. Chỉ số này có thể dao động từ 7 – 56 UI/L. Giới hạn ALT ở nam giới là < 50 UI/L và ở nữ giới là < 35 UI/L. Khi nồng độ ALT vượt quá các giới hạn trên thì điều đó chứng tỏ gan của bạn đang gặp vấn đề.
- Xét nghiệm bilirubin
Bilirubin hay còn gọi là sắc tố mật, là sản phẩm của quá trình vỡ hồng cầu trong máu, sau khi bị vỡ, chúng đi qua gan và được đào thải ra khỏi cơ thể chủ yếu qua phân, một lượng nhỏ qua nước tiểu. Bình thường, quá trình xử lý bilirubin sẽ do gan thực hiện, trường hợp gan bị tổn thương khiến cho quá trình này bị ảnh hưởng gây ra hiện tượng vàng da (hoàng đản).
Việc xét nghiệm bilirubin sẽ giúp chẩn đoán các bệnh về gan mật: viêm gan, xơ gan, sỏi mật, tắc mật. Các bệnh về máu: hồng cầu hình liềm, thiếu máu, tan máu, suy tim. Với trẻ sơ sinh, giúp chẩn đoán bệnh vàng da hoặc hiện tượng thâm tím sau sinh.
6. Xét nghiệm chức năng thận
Thận là cơ quan bài tiết quan trọng của cơ thể. Chức năng của thận là lọc các chất thải, chất độc trong máu và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể thông qua việc bài xuất nước tiểu. Có rất nhiều xét nghiệm để đánh giá chức năng thận, trong đó phổ biến là
- Xét nghiệm creatinin huyết thanh
Creatinin là chất hóa học được sinh ra từ quá trình sản sinh năng lượng ở các cơ bắp. Creatinin được thận đào thải qua nước tiểu, lượng chất này sản xuất được mỗi ngày thường dao động rất thấp. Nồng độ creatinin trong máu của mỗi người khác nhau tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính và cân nặng. Nồng độ creatinnin trong máu thường ở mức hằng định và phản ánh chính xác chức năng lọc của thận. Nếu nồng độ creatinin trong máu tăng lên, điều đó chứng tỏ có rối loạn chức năng thận bởi khi chức năng thận giảm thì khả năng lọc creatinin giảm dẫn đến nồng độ chất này trong máu tăng lên.
Chỉ số Creatinin bình thường như sau
Nam giới: từ 0.6 – 1.2 mg/dl (tương đương 53 – 106 µmol/l)
Nữ giới: từ 0.5 – 1.1 mg/dl (tương đương 44 – 97 µmol/l)
Đối với người bị suy thận, người ta thường dựa vào lượng creatinin trong huyết thanh để phân chia mức độ suy thận (5 cấp) theo Tổ chức thận Mỹ (NFK)
Suy thận độ 1: creatinin < 130 mmol/l
Suy thận độ 2: creatinin 130 - 299 mmol/l
Suy thận độ 3A: creatinin 300 - 499 mmol/l
Suy thận độ 3B: creatinin < 500 – 899 mmol/l
Suy thận độ 4: creatinin > 899 mmol/l
cac-muc-do-suy-than
Các mức độ suy thận theo độ thanh thải Creatinin
- Xét nghiệm ure máu 
Ure là sản phẩm của quá trình thoái hóa protein trong cơ thể, ure tồn tại trong máu, được lọc ở cầu thận và bài tiết ra bên ngoài qua nước tiểu. Nồng độ ure trong máu tăng khi trong chế độ ăn có quá nhiều protein hoặc trường hợp mắc các bệnh lý về thận: suy thận, viêm cầu thận, viêm ống thận, sỏi thận, sỏi niệu quản, tiêu chảy, sốt cao, xuất huyết đường tiêu hóa, bệnh suy tim sung huyết.
Xét nghiệm ure máu dùng để đánh giá chức năng thận và theo dõi các bệnh về thận.
Chỉ số ure máu bình thường dao động từ 2.5 – 7.5 mmol/l.
Xét nghiệm máu là một phương pháp hữu ích giúp chẩn đoán và phát hiện sớm nhiều loại bệnh, vì vậy mỗi người cần chủ động thực hiện định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề của cơ thể. Để đảm bảo kết quả xét nghiệm máu chính xác, người bệnh cần nhịn ăn trong vòng 12h trước khi lấy mẫu máu và nên xét nghiệm vào buổi sáng. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, vì thế cần thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc mà bạn đang sử dụng.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7