top

Danh mục sản phẩm

Lò vi sóng có gây hại cho sức khỏe không?

10/03/2024 09:56
Lò vi sóng có gây hại cho sức khỏe không?
Lò vi sóng là gì?
Lò vi sóng hay còng gọi là lò viba, tên tiếng Anh: Microwave, là một thiết bị dùng để làm nóng thức ăn hoặc rã đông thực phẩm siêu nhanh bằng sử dụng vi sóng (sóng rất nhỏ)
Ngày nay, lò vi sóng trở thành thiết bị gia dụng phổ biến trong các gia đình, nó là một phương tiện hữu ích đối với việc nấu nướng, là công cụ hâm nóng thức ăn tiện lợi trong gian bếp của mọi nhà. Tuy nhiên, nhiều người tự hỏi: dùng lò vi sóng có an toàn không? Việc quá lạm dụng hoặc sử dụng lò vi sóng sai cách có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hoặc nguy hiểm cho người dùng.
lo-vi-song-microwave
Lò vi sóng (Microwave)
Lịch sử ra đời của lò vi sóng
Lò vi sóng được chế tạo lần đầu tiên vào năm 1945 bởi Percy Spencer – một kỹ sư người Mỹ làm việc cho Tập đoàn Quốc phòng và Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ Raytheon. Nhà sáng chế này, trong khi làm thí nghiệm với máy phát sóng tần số cao (sử dụng trong các loại rada) đã nhận thấy thanh sô cô la mà ông để quên trong túi bị tan chảy. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng chế tạo lò vi sóng, khi mới ra đời lò vi sóng có kích thước bằng chiếc tủ lạnh, nặng tới 340 kg và có giá thành lên đến 3.000 USD (một số tiền rất lớn vào thời điểm đó) và chủ yếu được trang bị trên tàu thủy và xe lửa. Phải mất tới hơn 20 năm, đến năm 1967 nhà khoa học này mới chế tạo được chiếc lò vi sóng gọn nhẹ như chúng ta đang sử dụng ngày nay.
ai-la-nguoi-phat-minh-ra-lo-vi-song
Percy Spencer - người phát minh ra lò vi sóng
Nguyên tắc hoạt động của lò vi sóng
Theo chuyên gia công nghệ Lê Xuân Thế (Cựu giảng viên Vật lý – Đại học Quốc Gia Hà Nội): Lò vi sóng được trang bị một máy phát sóng siêu cao tần, nguyên tắc hoạt động của lò vi sóng là sử dụng sóng điện từ tần số cao (2.450 MHz) có bước sóng ngắn (khoảng 12.24 cm) để làm chín thực phẩm. Dưới tác động của sóng điện từ, các chất lỏng trong thực phẩm (chủ yếu là nước) sẽ chuyển động nhanh, mạnh sinh ra nhiệt rồi truyền cho các phần khác của thức ăn, qua đó thức ăn được đun nóng.
Lò vi sóng có gây hại cho sức khỏe hay không?
Ông Lê Xuân Thế khẳng định: về nguyên tắc, lò vi sóng không gây hại đến sức khỏe người dùng do lớp vỏ của lò vi sóng được sản xuất bằng kim loại tạo ra “lồng Faraday” và được trang bị các thiết bị ngăn không cho sóng cao tần lọt ra ngoài. Mặt khác, sóng phát ra từ lò vi sóng thuộc loại bức xạ không ion hóa, năng lượng của chúng thấp, không đủ khả năng đánh bật các electron ra khỏi tế bào nên không làm tổn thương DNA của tế bào. Chính vì thế nên lò vi sóng không gây hại cho sức khỏe con người.
cau-tao-cua-lo-vi-song
Cấu tạo của lò vi sóng
Sử dụng lò vi sóng có gây ung thư không?
Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và trở thành đề tài tranh cãi giữa các nhà khoa học cũng như người dùng.
Đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh được lò vi sóng có thể gây ra bệnh ung thư.
Theo ông Vũ Thế Thành – chuyên gia về an toàn thực phẩm: Lò vi sóng sử dụng các loại sóng tần số cao nhưng bước sóng ngắn. Bức xạ (năng lượng phát ra) từ lò vi sóng là bức xạ không ion hóa (tương tự như sóng điện thoại, radio, tivi) có thể xuyên qua được tế bào, tuy nhiên chúng không đủ mạnh để làm biến đổi cấu trúc hóa học của tế bào. Hơn nữa, bức xạ phát ra từ lò vi sóng rất yếu, không đủ để gây hại cho các DNA (vật liệu di truyền) của tế bào nên khó có khả năng gây ung thư.
Lò vi sóng không trực tiếp gây ra bệnh ung thư, tuy nhiên việc sử dụng thiết bị này không đúng cách có thể gián tiếp gây ung thư. Các nhà khoa học nhấn mạnh đến các loại bao bì (chủ yếu là các loại nhựa) chứa các chất khi đun nóng có thể gây ra ung thư, điển hình là:
- Bisphenol A (BPA) 
Đây là chất được cho vào các vật dụng bằng nhựa để giúp nhựa cứng và trong hơn. Chất này được chứng minh là gây ung thư và nhiều tác hại đến sức khỏe. Chất này có thể ngấm vào thực phẩm khi đun nóng trong lò vi sóng.
Hiện nay, rất nhiều nước đã ban hành lệnh cấm sử dụng BPA đối với bao bì thực phẩm.
- Phthalates 
Chất này cũng được dùng trong ngành công nghiệp sản xuất nhựa để giúp các vật dụng bằng nhựa mềm và dẻo hơn. Phthalates cũng là một chất gây ung thư có thể ngấm vào thức ăn khi đun nóng.
- Acrylamid
Acrylamid cũng là chất gây ung thư được sinh ra khi đun nóng đường và tinh bột ở nhiệt độ cao. Việc hâm nóng các loại đồ ăn chứa nhiều đường và tinh bột cũng có nguy cơ tạo ra chất này.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, chúng ta không nên sử dụng các loại bao bì làm bằng nhựa (hộp nhựa) để đun nấu, hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng. Thay vào đó nên dùng các loại dụng cụ bằng gốm, sứ hoặc thủy tinh không sử dụng kim loại để trang trí hoa văn.
dung-lo-vi-song-co-bi-ung-thu-khong
Chưa có bằng chứng chứng minh sử dụng lò vi sóng gây bệnh ung thư
Sử dụng lò vi sóng có gây hại cho mắt không?
Một số nguồn tin cho rằng “nhìn vào lò vi sóng” đang hoạt động có thể gây tổn hại cho mắt: đục thủy tinh thể, thậm chí có trường hợp dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng.
Theo Thomas Steinemann – bác sĩ nhãn khoa làm việc tại viện Hàn lâm Cleveland (Mỹ): không có bằng chứng nào cho thấy việc nhìn vào lò vi sóng đang quay khiến bạn bị mù. Theo nhà khoa học này, các loại lò vi sóng hiện nay đều được trang bị 2 lớp ngăn bức xạ: một lớp lưới bên trong lò và lớp còn lại trên cửa lò. Thực tế, vẫn có thể có một lượng nhỏ bức xạ lọt ra ngoài lò vi sóng, nhưng lượng này cực kỳ nhỏ, không đủ để gây tổn hại đến cơ thể, cũng như cho mắt.
Lò vi sóng có làm giảm giá trị dinh dưỡng của thức ăn không?
Nhiều ý kiến cho rằng việc hâm nóng đồ ăn trong lò vi sóng sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của món ăn do sự biến đổi của các chất trong quá trình hâm nóng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Michael Schnepf (thuộc Đại học bang Indiana – Mỹ): các loại rau, củ, quả khi được nấu bằng lò vi sóng sẽ giữ được lượng vitamin nhiều hơn do thời gian nấu ngắn hơn, sự biến đổi các chất trong thực phẩm là không đáng kể. Mặt khác, khi nấu bằng lò vi sóng, thực phẩm được nấu chín đều, chín từ bên trong ra ngoài và quan trọng nhất là không sinh ra các chất độc.
Những lưu ý khi sử dụng lò vi sóng
1. Không nên sử dụng các vật dụng bằng nhựa (bát, đĩa, hộp) để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng, vì khi đun nóng ở nhiệt độ cao, chúng có thể biến đổi thành các chất độc và nhiễm vào thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Nên dùng các vật liệu thân thiện với môi trường như: gốm, sứ, thủy tinh để đảm bảo an toàn cho quá trình đun nấu bằng lò vi sóng.
co-nen-dung-hop-nhua-quay-lo-vi-song
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn: Không nên sử dụng hộp nhựa trong lò vi sóng
2. Tuyệt đối không cho các vật dụng làm bằng kim loại vào lò vi sóng 
Sóng phát ra từ lò vi sóng có khả năng làm nóng các chất lỏng rất nhanh, nhưng lại không xuyên qua được kim loại. Vì vậy, không được cho các dụng cụ bằng kim loại: nhôm, sắt, đồng hoặc inox vào lò vi sóng. Nếu để đồ kim loại trong lò vi sóng có thể dẫn đến hỏng lò hoặc gây ra các sự cố: cháy, nổ rất nguy hiểm.
3. Không nên đứng gần lò vi sóng đang hoạt động
Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định lò vi sóng gây hại cho người dùng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thận trọng, đề phòng bằng cách di chuyển ra xa vị trí đặt lò vi sóng khi đun nấu. Chỉ lại gần khi đặt và lấy đồ ăn ra ngoài.
4. Không nên cho trẻ em đến gần lò vi sóng
Trẻ em nói chung và trẻ nhỏ nói riêng, do cơ thể của các em còn non nớt, chưa phát triển toàn diện, sức đề kháng yếu nên rất nhạy cảm với các yếu tố có hại của môi trường, nhất là các loại sóng bức xạ. Vì vậy, tuyệt đối không nên để trẻ đứng gần lò vi sóng đang hoạt động, việc này có thể tác động xấu đến não bộ cũng như các bộ phận khác của cơ thể.
5. Không nên đun các loại thực phẩm sau bằng lò vi sóng
Luộc trứng
Nhiều người cho rằng, có thể luộc trứng bằng lò vi sóng, trứng sẽ chín rất nhanh. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Luộc trứng bằng lò vi sóng rất nguy hiểm, có thể khiến trứng bị nổ do khi đun, áp suất bên trong quả trứng tăng cao, thêm vào đó, lớp vỏ trứng kín, không có chỗ thoát hơi nên dễ gây ra nổ.
Sốt cà chua và các loại nước sốt khác
Giống như trứng, các loại nước sốt (sốt cà chua) khi đun trong lò vi sóng cũng có thể gây nổ vì nước sốt là chất lỏng, khi đun nóng, áp suất tích tụ đến một mức độ giới hạn dẫn đến việc các bong bóng bị vỡ ra, bắn tung tóe trong lò khiến bạn mất công vệ sinh.
Khoai tây và các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường.
Không nên làm nóng các loại đồ ăn chứa nhiều đường, tinh bột trong lò vi sóng vì dưới tác dụng của sóng viba, các chất trong thực phẩm sẽ biến đổi thành glycoalkaloid gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, một số trường hợp nặng có thể dẫn đến chảy máu đường ruột.
Các món ăn từ nấm
Các loại nấm thường chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các loại rau củ quả. Tuy nhiên, chúng chỉ tốt nếu được ăn ngay sau khi chế biến. Không nên hâm nóng lại, nhất là hâm trong lò vi sóng bởi khi đó hàm lượng protein và các chất dinh dưỡng sẽ bị giảm đi hoặc biến thành các chất độc gây hại cho dạ dày. Việc hâm nóng các món nấm trong lò vi sóng có thể gây độc cho cơ thể.
Thịt gà
Không nên luộc gà trong lò vi sóng bởi phương pháp này khiến gà chín không đều và không đảm bảo chắc chắn việc tiêu diệt hết các loại vi khuẩn có trong thịt gà. Chỉ nên sử dụng lò vi sóng để hâm nóng lại thịt gà. Nên chế biến thịt gà bằng xoong, nồi, chảo hoặc trong lò nướng để làm chín hoàn toàn.
Các loại rau và hoa quả có vỏ
Các loại quả như: đậu Hà Lan, cà chua … có đặc điểm chứa nhiều nước, lớp vỏ mỏng, không nên đun trong lò vi sóng vì khi nóng lên sẽ gây nổ lớp vỏ bên ngoài có thể dẫn đến bỏng cho người dùng.
Một điều đặc biệt cần lưu ý là không được làm nóng quả nho trong lò vi sóng, bởi khi bị đốt nóng bằng lò vi sóng, chúng tạo ra một phản ứng hóa học làm phát sinh tia lửa điện.
Bánh pizza, khoai tây chiên
Bánh pizza và khoai tây chiên là những món ăn cần độ giòn. Không nên làm nóng trong lò vi sóng bởi nếu hâm nóng theo cách này, món ăn dễ trở thành thảm họa (trở nên mềm và dai hơn). Nếu muốn nóng giòn, chúng ta nên chọn cách áp chảo hoặc dùng lò nướng.
nhung-thuc-pham-khong-duoc-cho-vao-lo-vi-song
Những loại thực phẩm không được cho vào lò vi sóng
6. Không sử dụng lò vi sóng bị hư hỏng
Lò vi sóng sử dụng sóng tần số cao để làm nóng thực phẩm nên theo khuyến nghị của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA): về nguyên tắc an toàn, lò vi sóng phải kín hoàn toàn để ngăn các loại sóng lọt ra ngoài. Chính vì thế nên chúng ta không nên sử dụng lò vi sóng khi có dấu hiệu hỏng hóc: hỏng cửa, cửa cong vênh, không đóng chặt
Hiện nay, vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận lò vi sóng gây hại đến sức khỏe người dùng. Chỉ cần lưu ý những nguyên tắc an toàn khi sử dụng thì lò vi sóng vẫn là một thiết bị rất hữu ích trong đời sống hằng ngày của các gia đình.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7