top

Danh mục sản phẩm

Bệnh Lupus ban đỏ là gì? Bệnh Lupus ban đỏ có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây ra bệnh Lupus ban đỏ

26/04/2024 09:15
Bệnh Lupus ban đỏ là gì?
Bệnh Lupus ban đỏ có nguy hiểm không?
Nguyên nhân gây ra bệnh Lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là một bệnh khá mới mẻ với nhiều người. Đây là một loại bệnh lý nguy hiểm với hơn 5 triệu người mắc trên toàn thế giới nhưng rất ít người biết đến sự tồn tại của nó. Ước tính mỗi năm có khoảng 16.000 người mắc mới căn bệnh này.
lupus-ban-do
Lupus ban đỏ 
Tại Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai. Số lượng bệnh nhân vào trung tâm điều trị lupus ban đỏ luôn chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 1.000 người mỗi năm), chiếm gần 50% số ca điều trị nội trú.
1. Bệnh Lupus ban đỏ là gì?
Bệnh lupus ban đỏ, tên tiếng Anh Systemic Lupus Erythematosus (viết tắt SLE) là một căn bệnh tự miễn (bệnh sinh ra do hệ thống miễn dịch bị rối loạn, mất đi khả năng phân biệt kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân có hại bên ngoài. Điều này có nghĩa là thay vì tạo ra các kháng thể để chống lại các loại virus, vi khuẩn gây bệnh thì các kháng nguyên lại nhầm lẫn và tấn công lại chính các cơ quan của cơ thể).
benh-lupus-ban-do-la-gi
Bệnh Lupus ban đỏ
Tại sao lại gọi là bệnh lupus ban đỏ hệ thống?
Lupus là một từ trong tiếng Latin, có nghĩa là chó Sói. Điều này có nghĩa là khi bị bệnh, trên mặt của bệnh nhân có những tổn thương như vết cắn của con chó sói.
Ban đỏ là từ ngữ chỉ màu sắc của các tổn thương trên da mặt (màu đỏ).
Hệ thống tức là bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể.
Lupus ban đỏ là căn bệnh mạn tính, chúng có thể gây ra triệu chứng ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn so với nam giới (cứ 10 người mắc bệnh thì có đến 9 người là phụ nữ) và hay gặp nhất là ở lứa tuổi cho con bú. Tỷ lệ mắc căn bệnh này ở nước ta là 50/100.000 dân.
2. Bệnh lupus ban đỏ có mấy loại?
Bệnh lupus ban đỏ thường gây viêm và đau nhiều bộ phận trên cơ thể. Chúng ảnh hưởng nhiều nhất đến da, các khớp và cơ quan nội tạng (thận, phổi).
Có 4 dạng lupus ban đỏ:
Lupus ban đỏ hệ thống (lupus ban đỏ toàn thân)
Đây là dạng lupus phổ biến nhất (chiếm đến 70% số trường hợp) và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy có khoảng một nửa số trường hợp của thể này gặp các vấn đề về não hoặc cơ quan nội tạng (tim, thận, phổi …). Biến chứng nặng hay gặp nhất là viêm thận do lupus gây tổn thương cầu thận khiến bệnh nhân có thể phải lọc máu hoặc ghép thận.
Lupus da
Đây là loại lupus ít gặp (chỉ chiếm khoảng 10%), thể này chỉ ảnh hưởng đến da với các biểu hiện: ban da màu hồng dạng đĩa, thường nổi gồ lên bề mặt da, có vảy và không ngứa. Các vị trí mà ban da và vết loét thường xuất hiện là: cổ, mặt, da đầu (nơi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc đèn huỳnh quang), niêm mạc mũi, miệng và cả âm đạo. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như: rụng tóc, thay đổi màu da.
benh-lupus-ban-do-co-nguy-hiem-khong
Hình ảnh bệnh Lupus ban đỏ
Lupus do thuốc
Chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 10% số trường hợp). Nguyên nhân là do người bệnh sử dụng liều cao một số loại thuốc điều trị trong thời gian dài. Triệu chứng của lupus ban đỏ do thuốc cũng giống như lupus toàn thân. Các triệu chứng thường giảm hoặc biến mất hoàn toàn trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm ngừng thuốc.
Lupus ban đỏ sơ sinh
Đây là một dạng lupus rất hiếm gặp, ở dạng này thai nhi bị ảnh hưởng bởi các kháng thể của người mẹ. Mặc dù hiếm, nhưng thể này có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng cho trẻ, thậm chí đe doạ đến tính mạng của bệnh nhân, điển hình là block tim bẩm sinh (biến chứng này thường được phát hiện vào tuần từ 18 – 24 của thai kỳ), nếu bị biến chứng này, trẻ phải cần tới một máy tạo nhịp tim.
Trẻ sơ sinh bị lupus sẽ có các triệu chứng như: phát ban trên da, số lượng tế bào máu thấp, hoặc gặp các vấn đề về gan. Những triệu chứng này thường biến mất hoàn toàn trong thời gian ngắn (thường sau 6 tháng) mà không để lại hậu quả lâu dài.
3. Bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
Lupus ban đỏ là một bệnh lý rất nguy hiểm, căn bệnh này có thể gây tổn thương cho nhiều cơ quan trong cơ thể như: da, khớp, tim, thận, não, phổi. Ở phụ nữ có thai, lupus ban đỏ có thể gây sảy thai, thai chết lưu.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: khoảng 10 – 15% số người bị lupus ban đỏ sẽ bị tử vong bởi các biến chứng của bệnh. Cũng theo một nghiên cứu khác được tài trợ bởi Quỹ Lupus của Mỹ cho thấy: lupus ban đỏ nằm trong danh sách 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ.
Người mắc lupus ban đỏ có nguy cơ tử vong cao gấp 2 – 4 lần so với người không bị bệnh. Bệnh nhân có thể tử vong ở giai đoạn sớm (vài năm đầu tiên) khi bệnh hoạt động mạnh gây tổn thương thận, thần kinh trung ương hoặc do nhiễm trùng, suy giảm khả năng miễn dịch. Người bệnh cũng có thể tử vong ở giai đoạn muộn bởi các biến chứng của bệnh: bệnh tim mạch, bệnh thận giai đoạn cuối hoặc do tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị.
Các biến chứng của bệnh lupus ban đỏ:
Biến chứng trên tim mạch
Xơ vữa động mạch là một trong những biến chứng nghiêm trọng của lupus ban đỏ. Biến chứng này rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Xơ vữa động mạch làm tăng nguy cơ dẫn tới các bệnh về tim mạch như: suy tim, viêm cơ tim, tràn dịch màng tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ
Lupus ban đỏ gây tổn thương tim bằng cách làm cho màng ngoài tim bị xơ hoá, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, tổn thương các van tim (van hai lá, van ba lá), gây rối loạn hệ thống truyền dẫn của tim. Người bệnh thường có các biểu hiện: tức ngực, khó thở, thậm chí là suy tim.
Biến chứng ở thận
Lupus ban đỏ gây viêm cầu thận dẫn đến phá huỷ cầu thận khiến bệnh nhân bị hội chứng thận hư, suy thận và có thể phải chạy thận nhân tạo. Đây là biến chứng thường gặp và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Người bệnh có các biểu hiện: phù, đi tiểu ít, nước tiểu có bọt hoặc tiểu ra máu hoặc protein niệu, buồn nôn, nôn mửa, ngứa ngáy, tăng huyết áp.
benh-lupus-ban-do-gay-ra-nhung-bien-chung-gi?
Viêm cầu thận Lupus là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân Lupus ban đỏ
Biến chứng ở phổi
Lupus ban đỏ còn gây ra hàng loạt vấn đề trên phổi: viêm phổi, tràn dịch màng phổi và các bệnh về phổi: thuyên tắc phổi, tăng áp lực động mạch phổi, bệnh phổi mô kẽ. Bệnh nhân thường bị ho khan hoặc có đờm, khó thở khi gắng sức, trường hợp nặng có thể dẫn đến suy hô hấp.
Biến chứng thần kinh
Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân lupus ban đỏ thường gặp các triệu chứng về não và hệ thần kinh trung ương với các biểu hiện như: nhức đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, ảo giác, co giật. Ngoài ra, họ còn bị rối loạn về phương hướng, mất trí nhớ, khả năng tri giác cũng giảm. Một số trường hợp gặp các triệu chứng nguy hiểm hơn như: yếu liệt người, chân tay tê bì, mất cảm giác, rối loạn tiểu tiện. Người bệnh lupus ban đỏ còn gặp vấn đề về thị giác: đau nhức mắt, mất thị lực (mù tạm thời) do viêm dây thần kinh thị giác, đây là sự tổn thương của dây thần kinh thị giác - đặc điểm chung của các bệnh tự miễn.
Biến chứng trên hệ tạo máu
Bệnh lupus ban đỏ có thể gây thiếu máu hoặc xuất huyết, thống kê cho thấy có đến 50 – 60% bệnh nhân bị thiếu máu. Ngoài ra, họ còn gặp các vấn đề khác về máu như: giảm bạch cầu (gặp trong 50%) và giảm tiểu cầu (20 – 50% trường hợp), rối loạn đông máu, cầm máu.
Bệnh lupus ban đỏ có chữa khỏi hoàn toàn được không?
Hiện nay, vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ. Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp kiểm soát tình trạng của bệnh, tránh trường hợp bệnh nặng hơn và hạn chế các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
benh-lupus-ban-do-co-nguy-hiem-khong
Biến chứng của bệnh lupus ban đỏ
4. Nguyên nhân gây ra bệnh lupus ban đỏ
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lupus ban đỏ. Cũng giống như các bệnh tự miễn khác, lupus ban đỏ hình thành do sự rối loạn của hệ miễn dịch. Ở người, hệ miễn dịch được coi là đội quân phòng vệ, là lá chắn bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra các kháng thể tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Khi hệ miễn dịch “bị lỗi”, thay vì tạo ra các kháng thể tấn công các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể thì hệ này lại sinh ra các kháng thể tự tấn công lại chính các tế bào và mô lành. Điều này giống như một cuộc nội chiến, dần dần các tế bào miẽn dịch khác cũng tham gia vào quá trình này khiến cho các mô bị viêm và tổn thương.
Người ta đã tìm được một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ như: di truyền, nội tiết và môi trường sống.
Di truyền
Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được trên 50 loại gen có liên quan đến bệnh lupus ban đỏ, những gene này thường được thấy nhiều hơn ở những người mắc bệnh so với những người không bị. Mặc dù các nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được các gene đó trực tiếp gây bệnh, song chúng được cho là góp phần gây ra bệnh.
Lupus ban đỏ cũng được coi là có liên quan đến yếu tố gia đình, những người có người thân (bố/mẹ, anh/chị em ruột) bị lupus ban đỏ hoặc các bệnh tự miễn khác thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn. Thực tế, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai từng nghi nhận các thành viên trong cùng một nhà bị bệnh (hai mẹ con, hai chị em, thậm chí có trường hợp chị gái và em trai cùng mắc bệnh). Cần nhấn mạnh yếu tố di truyền ở đây không phải là di truyền bệnh mà là di truyền gen liên quan đến bệnh. Nghĩa là, không phải cứ bố mẹ bị bệnh thì con cái cũng bị.
Nội tiết
Tỷ lệ mắc bệnh lupus ban đỏ ở nữ nhiều hơn hẳn so với nam giới (90% bệnh nhân là nữ), vì vậy các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu mối liên quan giữa giới tính với căn bệnh này. Khác với nam giới, trong quá trình sống của mình, cơ thể nữ giới phải trải qua rất nhiều thay đổi: chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh đẻ, mãn kinh … Tất cả các quá trình này đều khiến lượng hormone trong cơ thể họ biến đổi thất thường (thay đổi nội tiết). Chính yếu tố này góp phần làm khởi phát bệnh lupus ban đỏ.
Phụ nữ mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt, nếu bị lupus ban đỏ thì các triệu chứng của bệnh trong thời kỳ này cũng nặng hơn. Chính vì điều này mà các bác sĩ cho rằng yếu tố nội tiết (estrogen) có thể đóng một vai trò nào đó trong việc gây ra bệnh.
Môi trường sống
Các nhà khoa học nhận thấy môi trường sống cũng là yếu tố góp phần gây bệnh lupus ban đỏ. 
- Ánh sáng mặt trời
Trong ánh sáng mặt trời có chứa rất nhiều tia cực tím, khi da tiếp xúc với các tia này sẽ khiến cho lớp protein nội bào biến thành các tự kháng thể (kháng thể chống lại cơ thể) gây ra bệnh lupus.
- Khói bụi
Việc tiếp xúc thường xuyên với khói bụi, đặc biệt là bụi silica trong công nghiệp hoặc trong nông nghiệp cũng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh.
- Một số loại thuốc điều trị
Việc sử dụng một số thuốc như: thuốc chống động kinh (phenytoin), thuốc tim mạch (procainamid, hydralazine), thuốc kháng sinh (isoniazid, sulfonamide) cũng góp phần làm khởi phát lupus. Đối với các trường hợp mắc bệnh do thuốc, các triệu chứng sẽ thuyên giảm dần khi ngừng thuốc.
Các yếu tố khác
- Căng thẳng, stress, trải qua các biến cố lớn trong cuộc sống (ly hôn, mất người thân …)
- Cảm lạnh, nhiễm trùng (vi khuẩn hoặc virus).
- Mệt mỏi, kiệt sức 
nguyen-nhan-gay-ra-benh-lupus-ban-do
Nguyên nhân gây bệnh Lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là một bệnh rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bệnh nhân và đến nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học có thể giúp con người kiểm soát căn bệnh này. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, các chuyên gia y tế khuyên người dân nên thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, khi ra nắng cần có biện pháp bảo vệ da: mặc áo dài, nón, mũ che chắn cơ thể; sử dụng kem chống nắng.
- Nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch bằng các loại thực phẩm, thuốc …
- Có lối sống khoa học, lành mạnh: không sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá).
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
- Kiểm soát tốt cảm xúc: tránh căng thẳng, stress.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7