top

Danh mục sản phẩm

Triệu chứng của bệnh sỏi thận Bệnh sỏi thận khi nào cần nhập viện điều trị?

13/04/2023 10:54
Triệu chứng của bệnh sỏi thận
Bệnh sỏi thận khi nào cần nhập viện điều trị?
Sỏi thận là một khối rắn, cứng được hình thành do sự kết tinh của các tinh thể chất khoáng không tan trong nước tiểu. Các tinh thể này thường lắng đọng và gây sỏi ở thận, chúng cũng có thể di chuyển dọc theo đường tiết niệu gây sỏi ở niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo.
Bất cứ ai cũng có thể bị sỏi thận, thống kê cho thấy nam giới có tỷ lệ bị sỏi thận cao hơn so với nữ giới (12% so với 5%), lứa tuổi mắc bệnh phổ biến nhất là từ 20 – 60 tuổi. Có những người bị sỏi thận trong suốt cuộc đời (kể cả sau khi đã được phẫu thuật lấy sỏi) do cơ địa tạo sỏi.
benh-soi-than
Bệnh sỏi thận
Khi có hiện tượng lắng đọng và kết tinh sỏi trong đường tiết niệu, các viên sỏi nhỏ có thể đi qua đường tiểu và được bài tiết ra bên ngoài cơ thể. Tuy nhiên, đối với các viên sỏi có kích thước lớn, trong quá trình di chuyển trong đường tiết niệu, chúng có thể bị vướng và kẹt tại một bộ phần nào đó, tiếp tục kết tinh tạo thành những viên sỏi lớn hơn. Khi viên sỏi quá lớn, chúng sẽ cản trở sự lưu thông của nước tiểu. Hậu quả là người bệnh không đi tiểu được hoặc tiểu khó, nước tiểu bị ứ đọng trong đường tiết niệu khiến thận bị ứ nước, giãn thận, nhiễm trùng đường tiết niệu. Khi đó, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng nghiêm trọng: cơn đau quặn thận, đi tiểu buốt, rắt, tiểu ra máu …
Các triệu chứng phổ biến của sỏi thận:
1. Đau lưng, đau vùng bụng hoặc đau hai bên hông
Người bị sỏi thận có thể gặp các cơn đau với nhiều mức độ khác nhau: từ nhẹ, trung bình cho đến đau dữ dội. Cơn đau xuất hiện khi sỏi di chuyển trong đường tiết niệu. Khi đi từ thận xuống bàng quang, sỏi có thể bị mắc kẹt ở niệu quản gây tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu khiến thận bị ứ nước, gia tăng áp lực. Áp lực này khiến các dây thần kinh truyền tín hiệu đau đến não được kích hoạt. Thêm vào đó, cùng với việc niệu quản bị co thắt nên dẫn tới các cơn đau dữ dội.
con-dau-quan-than
Cơn đau quặn thận - Triệu chứng nghiêm trọng của bệnh sỏi thận
Cơn đau quặn thận là một trong những triệu chứng phổ biến ở người bị sỏi thận. Theo các bác sĩ, cơn đau do sỏi thận được xếp vào một trong các loại đau nghiêm trọng nhất. Một số bệnh nhân từng trải qua cơn đau quặn thận mô tả cảm giác giống như đau đẻ hoặc như bị dao đâm.
Đau có thể xuất hiện từng cơn do phản xạ co thắt của niệu quản để đẩy viên sỏi ra ngoài. Mỗi đợt đau quặn thận thường diễn ra trong vài phút. Cơn đau thường bắt đầu bằng cảm giác đau nhói và dữ dội ở thắt lưng, bên dưới xương sườn. Cường độ của cơn đau có thể thay đổi và không giảm kể cả khi bệnh nhân thay đổi tư thế. Khi sỏi di chuyển xuống đoạn thấp của niệu quản thì cơn đau có thể lan xuống vùng bụng dưới, bẹn hoặc bộ phận sinh dục.
Mức độ của cơn đau do sỏi thận có thể không liên quan đến kích thước của viên sỏi. Đôi khi, một viên sỏi nhỏ cũng có thể gây các cơn đau nếu chúng bị tắc nghẽn trong quá trình di chuyển trong đường tiết niệu.
2. Đi tiểu nhiều (tiểu gấp)
Trái ngược với tiểu ít hoặc bí tiểu, người bị sỏi thận cũng có thể tiểu gấp (đi tiểu liên tục) cả ngày. Khi bạn đi tiểu thường xuyên, tiểu tiện một cách nhỏ giọt thì có thể lúc này sỏi thận đã di chuyển xuống niệu quản. Viên sỏi kích thích bàng quang khiến người bệnh có cảm giác buồn tiểu liên tục. Nếu viên sỏi có kích thước lớn, nó có thể gây tắc nghẽn niệu quản khiến bệnh nhân không thể đi tiểu được.
3. Cảm giác đau, rát khi đi tiểu
Khi sỏi xuất hiện trong đường tiết niệu, nhất là khi đến vị trí nối giữa bàng quang và niệu quản, chúng gây cản trở đường đi của nước tiểu khiến người bệnh khó tiểu hoặc nặng hơn là nước tiểu không chảy xuống được niệu quản – bàng quang để thải ra ngoài làm cho người bệnh có cảm giác đau buốt khi đi tiểu. Đây cũng là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, nên rất dễ nhầm lẫn giữa hai căn bệnh này.
4. Đi tiểu ra máu (có máu trong nước tiểu)
Đi tiểu ra máu cũng là triệu chứng phổ biến ở những người bị sỏi thận. Sở dĩ có triệu chứng này là do khi viên sỏi có kích thước lớn, sắc nhọn, trong quá trình di chuyển trong đường tiết niệu, chúng cọ xát với lớp niêm mạc mỏng của đường tiết niệu gây chảy máu và tổn thương lớp niêm mạc này. Trường hợp sỏi thận rơi xuống niệu quản hoặc niệu đạo có thể gây chảy máu toàn thể đường tiết niệu.
Nước tiểu của bệnh nhân có thể mang màu đỏ, màu hồng hoặc màu nâu. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện được đi tiểu ra máu (xuất hiện các tế bào máu trong nước tiểu) bằng kính hiển vi bởi chúng quá nhỏ và màu sắc nước tiểu không thay đổi.
di-tieu-ra-mau
Sỏi thận có thể gây ra triệu chứng đi tiểu ra máu
5. Nước tiểu đục, có mùi hôi
Ở người bình thường, nước tiểu thường trong và không bị nặng mùi. Trong khi đó, với người bị sỏi thận, nước tiểu của họ thường bị đục (giống như nước vo gạo) và nặng mùi. Nước tiểu đục thường xuất phát từ sự tích tụ của các khoáng chất trong nước tiểu dẫn tới sự hình thành sỏi. Nước tiểu đục cũng có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh đã bị viêm đường tiết niệu dưới (kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi, sốt, cảm giác đau tức, nóng rát mỗi khi đi tiểu).
Sỏi thận cũng có thể khiến nước tiểu có mùi hôi tanh do vi khuẩn tích tụ gây nhiễm trùng đường tiết niệu
6. Tiểu ít hoặc bí tiểu
Các viên sỏi có kích thước lớn bị mắc kẹt ở niệu quản làm cho dòng chảy của nước tiểu bị chậm hoặc ngưng hoàn toàn khiến nước tiểu bị ứ đọng ở thận và niệu quản gây ra hiện tượng bí tiểu (bệnh nhân tiểu ít) ngày càng gia tăng. Nếu không được điều trị kịp thời để lấy sỏi thì nguy cơ dẫn đến suy thận do giãn thận vì ứ nước. Khi dòng chảy của nước tiểu bị tắc hoàn toàn, người bệnh không đi tiểu được (vô niệu) thì cần phải được cấp cứu ngay lập tức.
7. Buồn nôn, nôn mửa
Buồn nôn và nôn cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh sỏi thận. Các dây thần kinh trong đường tiêu hóa được kết nối với thận. Khi bị sỏi thận, các viên sỏi kích thích các dây thần kinh trong đường tiêu hóa khiến người bệnh cảm thấy khó chịu ở dạ dày, ruột. Hơn nữa, sỏi thận làm tắc nghẽn đường tiết niệu gây co thắt cơ trơn niệu quản và thận. Điều này kéo theo dạ dày co thắt khiến bệnh nhân buồn nôn và nôn.
Mặt khác, bệnh nhân cũng có thể thấy buồn nôn hoặc nôn mửa do chịu đựng các cơn đau quá mức của sỏi thận. Nôn cũng là cách cơ thể tống các chất độc ra ngoài khi chức năng bài tiết các chất độc và cặn bã của thận bị ảnh hưởng.
trieu-chung-cua-benh-soi-than
Dấu hiệu nhận biết bệnh sỏi thận
8. Sốt, thấy ớn lạnh
Sốt và ớn lạnh là triệu chứng nghiêm trọng của sỏi thận, sốt khiến người bệnh run rẩy. Đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm trùng ở thận hoặc đường tiết niệu – một biến chứng phổ biến của sỏi thận gây ra do các viên sỏi sắc nhọn cọ xát vào niêm mạc đường tiết niệu khiến cho đường này bị nhiễm khuẩn. Nếu như người bệnh bị sốt kèm theo đau thắt lưng hoặc đau bụng, hãy lập tức đưa họ đến bệnh viện, bởi đó có thể là tình trạng nguy hiểm.
Bệnh sỏi thận khi nào cần nhập viện điều trị?
Trong các triệu chứng của sỏi thận thì cơn đau quặn thậntắc tiểu là hai triệu chứng nghiêm trọng nhất.
Với cơn đau quặn thận cấp tính
Đây là một cấp cứu y khoa. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau.
Ban đầu, người bệnh được cho dùng thuốc chống viêm, giảm đau không steroid (NSAID). Nếu các thuốc này không hiệu quả thì có thể cần dùng đến các thuốc giảm đau mạnh hơn thuộc nhóm Opiod (dùng theo đường tiêm tĩnh mạch). Tiêu biểu nhất trong nhóm này là Lidocaine – thuốc phát huy tác dụng nhanh (3 – 5 phút sau khi tiêm tĩnh mạch) có hiệu quả khá tốt đối với các cơn đau quặn thận không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Theo phác đồ này thì Lidocaine 120 mg được pha trong 100 ml nước muối sinh lý và truyền tĩnh mạch liên tục trong 10 phút để điều trị đau cho người bệnh.
Nếu việc dùng thuốc không đạt kết quả thì bác sĩ phải tiến hành giải áp cho bệnh nhân (dẫn lưu nước tiểu từ thận). Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp.
soi-than-dau-o-dau
Các vị trí đau do sỏi thận gây ra
Điều gì xảy ra với người bệnh sau cơn đau quặn thận?
Sau khi gặp cơn đau quặn thận, đa số trường hợp sỏi thận được thải ra ngoài qua đường tiểu mà không gặp bất cứ khó khăn nào. Thời gian đào thải ở từng bệnh nhân là khác nhau (từ vài ngày đến vài tuần).
Để hỗ trợ cho việc tống sỏi ra khỏi cơ thể, người bệnh hãy uống thật nhiều nước để làm tăng lưu lượng nước tiểu và dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân cũng cần cố gắng vận động nhiều nhất có thể để đẩy sỏi ra bên ngoài. Không nên nằm một chỗ (trừ khi đau không thể đứng dậy, đi lại được). Trong quá trình đào thải sỏi, nước tiểu có thể có thể có màu đỏ, hồng hoặc màu nâu, điều này là bình thường.
Khi cần thiết, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho người bệnh dùng thêm các thuốc làm tăng quá trình tống thoát sỏi niệu. Đây là các thuốc chẹn alpha (tamsulosin, dutasteride, alfusozine). Cơ chế của các thuốc này là gây giãn cơ niệu quản giúp sỏi được thải ra nhanh hơn, bệnh nhân ít đau hơn.
Với triệu chứng tắc đường tiểu
Viên sỏi gây tắc nghẽn đường tiết niệu khiến bệnh nhân không đi tiểu được (thường xảy ra với trường hợp sỏi niệu quản). Lúc này các bác sĩ phải tiến hành giải áp cho người bệnh bằng một trong hai cách:
- Đặt ống thống JJ qua niệu quản để dẫn lưu nước tiểu từ thận xuống bàng quang, niệu đạo
- Đặt ống thông trực tiếp vào thận để dẫn lưu nước tiểu qua da (dẫn lưu bể thận qua da).
Cả hai phương pháp đều cho hiệu quả như nhau. Phương pháp giải áp nước tiểu bằng ống thông JJ thường được áp dụng khi bệnh nhân gặp cơn đau quặn thận cấp tính kèm theo sốt và được xác định nhiễm trùng đường tiết niệu (thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu).
dat-ong-thong-jj
Đặt ống thông JJ dẫn lưu nước tiểu trong trường hợp tắc nghẽn đường tiết niệu
Nếu bệnh nhân sỏi thận gặp các triệu chứng sau thì cần đến bệnh viện ngay lập tức:
- Sốt cao (trên 38℃)
- Không đi tiểu được.
- Người rét run hoặc run rẩy.
- Đau nhiều hơn, đặc biệt là các cơn đau đột ngột, dữ dội.
Sỏi thận là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây biến chứng nguy hiểm (suy thận), thậm chí tử vong. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa và kiểm soát căn bệnh này thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày:
Uống nhiều nước (nước lọc) để tránh hiện tượng các khoáng chất kết tinh thành sỏi ở thận. không uống các loại nước ngọt và đồ uống có gas.
Tiêu thụ lượng muối vừa phải (tránh ăn mặn) và không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều canxi (tôm, cua). Muối và canxi là hai yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành sỏi.
Ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả để tăng đào thải citrate, giảm nguy cơ hình thành sỏi oxalat.
Hạn chế các thực phẩm giàu đạm (thịt và nội tạng động vật, nhất là gan).
Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều oxalate: rau chân vịt (rau bina), khoai tây, khoai lang, củ cải, cà phê, sô cô la, hạt điều, hạnh nhân, đậu phộng, đậu nành.
Khi có các triệu chứng bất thường ở đường tiết niệu: đau quặn bụng, tiểu buốt, tiểu rắt, đi tiểu ra máu … cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7