top

Danh mục sản phẩm

Trẻ em dưới 1 tuổi thường mắc bệnh gì và cần tiêm chủng những loại vắc xin nào?

13/12/2021 22:53
TRẺ EM DƯỚI 1 TUỔI THƯỜNG MẮC BỆNH GÌ VÀ CẦN TIÊM CHỦNG NHỮNG LOẠI VẮC XIN NÀO?
Trẻ em trong giai đoạn từ sơ sinh đến 1 tuổi cần được bảo vệ và chăm sóc một cách đặc biệt, bởi trong độ tuổi này sức đề kháng của trẻ còn yếu, thêm vào đó các yếu tố bên ngoài: thời tiết, khí hậu, môi trường sống không thuận lợi tạo điều kiện cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều loại vắc xin đã được nghiên cứu và sản xuất thành công góp phần cứu sống hàng triệu trẻ em trên thế giới mỗi năm. Vậy trẻ trong giai đoạn dưới 1 tuổi thường gặp những bệnh gì và cần tiêm phòng những loại vắc xin nào?
Trẻ sơ sinh
Vắc xin phòng viêm gan B
Viêm gan B bệnh truyền nhiễm do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Đây là loại virus gây tổn thương nhu mô gan, nhiễm trùng gan dẫn đến suy giảm chức năng gan. Người mắc bệnh viêm gan B nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan B mạn tính, lâu ngày sẽ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
Trẻ em cũng có thể mắc viêm gan B nếu người mẹ bị nhiễm virus viêm gan B trong giai đoạn mang thai. Vì vậy, cần tiêm vắc xin cho bé trong 24 giờ đầu tiên sau khi sinh
Các loại vắc xin phòng viêm gan B: Engerix B (10 mcg/ 0.5 ml) của hãng Glaxo Smith Kline (Bỉ); Hepavax Gene (10 mcg/ 0.5 ml) do công ty Berna Biotech Korea của Hàn Quốc sản xuất.
tiem-chung-tre-em-1-thang-tuoi
Tiêm chủng cho trẻ em từ sơ sinh đến 1 tháng tuổi
Vắc xin phòng bệnh lao: BCG
Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc top 10 bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất hiện nay. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu người tử vong vì mắc bệnh lao. Lao có nhiều loại khác nhau: lao phổi, lao ngoài phổi (màng não, màng tim, màng bụng, xương khớp, tiết niệu, sinh dục …) trong đó phổ biến nhất là lao phổi. Bệnh lao nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: ho ra máu, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp … đe dọa tính mạng người bệnh.
Việc tiêm vắc xin phòng bệnh lao là hết sức cần thiết bởi nếu mắc bệnh lao, việc điều trị rất khó khăn, phức tạp do các thuốc chống lao có nhiều tác dụng phụ, thường phải uống trong thời gian dài gây độc cho gan, thận.
Hiện nay, nước ta đã sản xuất được vắc xin BCG phòng bệnh lao. Vắc xin này được tiêm cho trẻ trong tháng đầu tiên sau khi sinh, chỉ cần tiêm một mũi duy nhất sẽ có tác dụng bảo vệ suốt đời.
Vắc xin BCG (Bacille Calmette – Guerin) được đặt theo tên của hai nhà vi khuẩn học người Pháp là Albert CalmetteCamille Guerin – người tìm ra loại vắc xin này. Vắc xin này được nghiên cứu trong một thời gian dài: 13 năm (từ 1908 đến 1921)
Trẻ 2 tháng tuổi
Tiêm vắc xin phòng các bệnh sau: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, các bệnh do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae tuýp B) gây ra: viêm phổi, viêm màng não mủ.
Để phòng các bệnh trên, có thể tiêm một trong các loại vắc xin sau: vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem hoặc Pentaxim); vắc xin 6 trong 1 (Infanrix hoặc hexaxim).
- Có hai loại vắc xin 5 trong 1: Quinvaxem của Hàn Quốc và Pentaxim (Pháp)
Vắc xin Quinvaxem do hãng Berna Biotech của Hàn Quốc phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae tuýp B)
Quinvaxem và Pentaxim đều là các loại vắc xin hỗn hợp (phòng nhiều bệnh) nhưng chúng có sự khác biệt nhất định nằm ở thành phần ho gà. Vắc xin Quinvaxem chứa thành phần ho gà toàn tế bào (được điều chế từ vi khuẩn ho gà, sau đó làm chết bằng nhiệt độ) nên khi tiêm, trẻ hay gặp các phản ứng phụ (sốt, quấy khóc, co giật, giảm trương lực cơ). Còn vắc xin Pentaxim chứa thành phần ho gà vô bào (đã được loại bỏ các loại kháng nguyên không cần thiết của vi khuẩn, chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu) nên ít gây phản ứng sau tiêm hơn. 
- Vắc xin 6 trong 1 (Infanrix hexa) phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae tuýp B) gây ra: viêm phổi, viêm màng não mủ.
tiem-chung-tre-em-2-thang-tuoi
Tiêm chủng cho trẻ em 2 tháng tuổi
Bệnh bạch hầu
Bạch hầu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, đặc trưng của bệnh là xuất hiện các giả mạc (mảng trắng) ở mũi, hầu họng, thanh quản, tuyến hạnh nhân. Bệnh khởi phát với các triệu chứng: sốt, đau họng, sưng hạch ở cổ, khó ăn, khó nói.
Bệnh lây khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ vật có dính dịch tiết của người bệnh.
Bạch hầu là căn bệnh vừa nhiễm trùng, vừa nhiễm độc, vi khuẩn bạch hầu tiết ra độc tố gây tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể: suy hô hấp, tuần hoàn, liệt khẩu, sặc, nói khó, nuốt khó, lú lẫn, hôn mê, một số khác gặp biến chứng viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên.
Bệnh ho gà
Ho gà cũng là bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn ho gà (Bordetella pertussis) gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người mắc bệnh khi ho, hắt hơi. Bệnh lây lan nhanh đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín: trong nhà, trong lớp học … Triệu chứng của bệnh là: sốt nhẹ, ho khan, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, nước mũi. Một số trẻ có thể có triệu chứng khác: chảy máu cam, viêm kết mạc mắt, mi mắt dưới bị bầm tím. Triệu chứng chính của bệnh là các cơn ho dai dẳng 15 – 20 tiếng, ho liên tục, không kìm được, lưỡi đẩy ra ngoài, cơ thể tím tái, chảy nước mắt. Càng về sau, tiếng ho càng yếu dần, trẻ mệt mỏi, bơ phờ sau cơn ho, người vã mồ hôi, nôn mửa, nhiều đờm rãi đặc quánh, thở nhanh, phù nề ở mặt và mi mắt. Đặc biệt trẻ gặp những cơn ngừng thở, tím tái toàn thân, phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh uốn ván
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do trực khuẩn uấn ván (Clostridium tetani) gây ra. Đây là căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong rất cao (25 – 90%), đặc biệt nguy cơ gây tử vong đối với uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là trên 95%. Bệnh thường xuất hiện tái các vết thương, vi khuẩn uốn ván sinh ra độc tố xâm nhập vào máu, tấn công hệ thần kinh gây co cứng cơ khiến bệnh nhân bị co giật, rối loạn thần kinh thừng vật, ngừng tim, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Uốn ván ở trẻ sơ sinh thường gặp nhất trong 2 tuần đầu sau khi sinh. Trẻ có dấu hiệu cứng hàm, khó bú hoặc bỏ bú, quấy khóc. Giai đoạn nặng trẻ co giật, sùi bọt mép, co cứng cơ.
Bệnh bại liệt
Cùng với uốn ván, bại liệt cũng là căn bệnh nguy hiểm do virus Polio gây ra, đây là căn bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh có nhiều thể khác nhau: thể ẩn, thể nhẹ, thể viêm màng não vô khuẩn, thể liệt mềm cấp. Các triệu chứng của bệnh: sốt, đau đầu, đau cơ, chán ăn, buồn nôn, mất vận động dẫn đến liệt tủy sống, liệt cơ hô hấp gây tử vong hoặc tàn tật suốt đời.
Các bệnh do vi khuẩn Haemophilus Influenzae tuýp B (Hib)
Vi khuẩn Haemophilus Influenzae tuýp B (Hib) gây bệnh viêm phổi, viêm màng não thường hay gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi. Vi khuẩn này dễ để lại các di chứng vĩnh viễn về thần kinh (viêm màng não), viêm thượng vị, nhiễm trùng máu, viêm phổi. Các triệu chứng của bệnh là: nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (sốt cao, chảy nước mũi, ho), một số trẻ bị tiêu chảy, xuất hiện các rối loạn thị giác, tri giác: ánh mắt nhìn vô cảm, quấy khóc, nôn trớm bú ít, bỏ bú. Trường hợp nặng, trẻ bị co giật, hôn mê, người lơ mơ.
Trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn Hib nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại các di chứng nặng nề về thần kinh: trí nhớ kém, trẻ bị điếc, khả năng học tập bị giảm sút, vận động khó khăn.
Trẻ 3 tháng tuổi
Tiêm vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B.
Uống vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus (liều thứ 2)
Tiêu chảy Rota là bệnh tiêu chảy cấp tính do Rotavirus gây ra, trẻ bị tiêu chảy bởi Rotavirus có tỷ lệ nhập viện cao hơn gấp 3 lần so với các loại tiêu chảy khác. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi và chủ yếu lây qua đường phân – miệng, virus cũng có thể lây qua đường hô hấp. Trẻ bị tiêu chảy do rotavirus nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: mất nước và các chất điện giải dẫn đến trụy tim mạch, tử vong.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh là trẻ bị sốt và nôn, tiêu chảy tóe nước nhiều lần trong ngày (10 – 20 lần, một số trường hợp đi ngoài trên 20 lần/ngày), tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài đến 10 ngày). Một số triệu chứng khác như: khó chịu, biếng ăn.
Trẻ cần được bù nước và các chất điện giải thường xuyên, tốt nhất nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được điều trị kịp thời.
Trẻ 4 tháng tuổi
Tiêm vắc xin kết hợp (mũi 3), có thể chọn loại 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Nếu tiêm Pentaxim (vắc xin 5 trong 1) thì cần phải tiêm thêm mũi phòng viêm gan B
Tiêm vắc xin Synflorix (mũi 2) phòng 3 bệnh: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu.
tiem-chung-cho-tre-em-4-thang-tuoi
Tiêm chủng cho trẻ em 4 tháng tuổi
Viêm tai giữa và viêm phổi là hai bệnh rất phổ biến ở trẻ em, trong khi đó bệnh viêm màng não do phế cầu rất nguy hiểm, vì vậy việc tiêm vắc xin Synflorix là rất cần thiết.
Viêm màng não do phế cầu là tình trạng nhiễm khuẩn ở lớp vỏ não (lớp màng bao phủ bộ não và tủy sống). Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, có tỉ lệ tử vong cao thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi và để lại di chứng hết sức nặng nề về thần kinh: mù, liệt, điếc, động kinh, rối loạn nhận thức, nhiễm trùng máu, viêm não.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm màng não là sốt cao, đau đầu (kéo dài trong một vài giờ hoặc 1 – 2 ngày), nôn mửa, ăn không ngon, rối loạn ý thức, trẻ bứt rứt, khó chịu, ngủ gà, đau cứng cổ.
Trẻ 6 tháng tuổi
Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm (Vaxigrip hoặc Influvax).
Tiêm vắc xin Synflorix (mũi 3) phòng 3 bệnh: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu
Tiêm vắc xin VA – MENGOC - BC phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B + C (mũi 1)
Viêm màng não do não mô cầu là căn bệnh rất nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đó là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính có thể gây tử vong cho bệnh nhân trong vòng 24 giờ. Bệnh do vi khuẩn não mô cầu gây ra, chúng xâm nhập vào cơ thể tấn công não bộ gây viêm màng não hoặc viêm não. Bệnh lây qua đường hô hấp với các triệu chứng như: sốt cao (39 - 40 ºC), chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội, người mệt lừ, trẻ dưới 1 tuổi bị phồng thóp bất thường.
tiem-vac-xin-cho-tre-em-6-thang-tuoi
Tiêm chủng cho trẻ em 6 tháng tuổi
Trẻ 9 tháng tuổi
Tiêm vắc xin VA – MENGOC - BC phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B + C (mũi 1)
Tiêm vắc xin MVVac phòng bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do virus sởi gây ra. Bệnh rất dễ lây lan khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dịch tiết của họ khi ho hoặc hắt hơi. Bệnh sởi rất dễ phát triển thành dịch nếu không được phát hiện kịp thời. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm loét giác mạc, viêm não cấp, tiêu chảy, bùng phát bệnh lao tiềm ẩn. Triệu chứng của bệnh sởi là: sốt nhẹ rồi sau đó sốt cao, tiếp đó là tình trạng viêm kết mạc mắt: mắt đỏ, kèm nhèm, nhiều gỉ mắt, sưng mi mắt, chảy nước mắt, nước mũi. Đến thời kỳ toàn phát xuất hiện ban mọc trên da: đầu tiên ở sau tai, lan ra mặt sau đó đến lưng, cổ, ngực, tay, cuối cùng xuống đến chân. Ban da có đặc điểm: màu hồng, dát sẩn, nhỏ, nổi gồ trên mặt da, xen kẽ với chúng là các đám da lành.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi, các bậc cha mẹ cần theo dõi nhằm phát hiện sớm dấu hiệu trẻ mắc bệnh sởi để tránh trẻ bị các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Tốt nhất nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thích hợp.
tiem-chung-cho-tre-em-9-thang-tuoi
Tiêm chủng cho trẻ em 9 tháng tuổi
Trẻ 12 tháng tuổi.
Tiêm vắc xin Synflorix (mũi 3) phòng 3 bệnh: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu
Tiêm vắc xin Avaxim (80IU/0.5 ml) phòng bệnh viêm gan A
Tiêm vắc xin MMR-II/MMR (vắc xin 3 trong 1) phòng 3 bệnh: sởi, quai bị, rubella
Tiêm vắc xin Varivax hoặc Varicella phòng bệnh thủy đậu.
Tiêm vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (2 mũi cách nhau 1 – 2 tuần)
tiem-chung-cho-tre-em-12-thang-tuoi
Tiêm chủng cho trẻ em 12 tháng tuổi
Thủy đậu hay còn có tên gọi khác là phỏng dạ hay trái rạ là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra. Khi bị thủy đậu trên người sẽ có hiện tượng những nốt thủy đậu mưng mủ khiến bệnh nhân bị đau, ngứa, lâu lành. Triệu chứng khởi phát của bệnh là sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, biếng ăn, sau đó xuất hiện các mụn nước nhỏ (một số người có hạch sau tai kèm theo viêm họng). Giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, toàn thân xuất hiện các mụn nước.
Người bị thủy đậu bội nhiễm nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan nội tạng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Những biến chứng của thủy đậu: nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, zona thần kinh.
Trẻ em là đối tượng yếu ớt, do hệ miễn dịch ở trẻ chưa phát triển toàn diện nên cơ thể các bé rất dễ bị tấn công bởi các yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, virus. Vì vậy các bậc cha mẹ hãy đưa con em mình đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để trẻ được bảo vệ một cách tối đa.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7