top

Danh mục sản phẩm

Thức khuya có hại cho sức khỏe như thế nào?

21/06/2024 15:16
Tác hại khủng khiếp của việc thức khuya
Hiện nay, thức khuya là hiện tượng khá phổ biến ở giới trẻ, có người thức khuya vì lí do công việc, học tập. Nhưng cũng có nhiều người thức khuya chỉ để giải trí: xem phim; chơi game; lướt web; mua sắm trực tuyến hoặc nói chuyện với người thân, bạn bè. Nhiều người thức khuya mà không hề hay biết về những tác hại khủng khiếp của thói quen xấu này.
Theo thống kê của Hiệp hội Y học Giấc ngủ Trung Quốc: trên 70% người trẻ có thói quen thức khuya, trong đó chỉ có khoảng 30% thức khuya để làm việc. Khảo sát cũng cho thấy 90% số trường hợp thanh niên trẻ tuổi bị đột tử do nhồi máu cơ tim và xuất huyết não được cho là có liên quan đến việc thức khuya.
thuc-khuya-xem-dien-thoai-co-hai-khong
Thức khuya là thói quen phổ biến ở giới trẻ hiện nay
Vậy thức khuya có hại như thế nào cho sức khỏe?
Tạp chí về sức khỏe “Verywell Health” của Mỹ đưa ra kết luận: việc thức khuya thường xuyên sẽ làm đảo lộn đồng hồ sinh học của cơ thể dẫn đến mất ngủ và tăng nguy cơ mắc các bệnh, trong đó thường gặp nhất là bệnh về tim mạch: suy tim, đau tim, đột quỵ.
Những tác hại của việc thức khuya:
1. Hại mắt (giảm thị lực), hại tai (giảm thính lực)
Ban đêm là thời điểm mắt cần được nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc. Nếu chúng ta thức khuya, đôi mắt phải gồng mình làm việc tiếp trong điều kiện thiếu ánh sáng, dần dần thị lực sẽ giảm đi một cách đáng kể. 
Tại sao thức đêm lại gây hại mắt?
Khi thức khuya để làm việc, học tập và giải trí, chúng ta thường tiếp xúc với các thiết bị điện tử: máy vi tính, điện thoại smartphone, trong điều kiện kiện không đủ ánh sáng buộc mắt phải điều tiết nhiều hơn (tiết ra nhiều chất lỏng để bôi trơn mắt), điều này diễn ra lâu dần khiến mắt bị khô dẫn đến nhức mỏi mắt.
Mặt khác, phần lớn ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại, máy tính là ánh sáng xanh. Đây là loại ánh sáng có năng lượng lớn (bước sóng lớn nhất trong các loại ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy được). Ánh sáng xanh gây tổn thương võng mạc do có khả năng xuyên qua các lớp bảo vệ của mắt (lớp lọc ánh sáng tự nhiên của nhãn cầu) đến đáy mắt. Điều nguy hiểm là những tổn thương do ánh sáng xanh gây ra cho mắt là tổn thương vĩnh viễn (không hồi phục), các tổn thương này tích lũy theo thời gian và gây ra các bệnh về mắt, thường gặp nhất là thoái hóa điểm vàng – nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.
Việc thức khuya còn có thể gây giảm thính lực do tuần hoàn máu kém, lượng máu không cung cấp đủ cho hệ thống tai trong và màng nhĩ gây ra triệu chứng: đau tai, ù tai, nghe kém.
tac-hai-cua-anh-sang-xanh-voi-mat
Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử rất có hại cho mắt
2. Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ
Các nhà khoa học khẳng định: sức khỏe tim mạch có liên quan chặt chẽ với giấc ngủ.
Một nghiên cứu ở Bệnh viện Brigham & Woman, Boston (Hoa Kỳ) cho thấy: những người bị thiếu ngủ (ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi ngày) có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn 39% so với những người ngủ đủ. Ngay cả việc thay đổi thói quen sinh hoạt như: ngủ đều đặn trong tuần nhưng cuối tuần lại thức khuya đến sáng hôm sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch thêm 11%.
Theo Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, nếu những người trẻ tuổi bị thiếu ngủ thường xuyên (dưới 5 giờ/ngày) thì nguy cơ đột quỵ cao gấp 8 lần, nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành và các bệnh khác về tim mạch cao gấp 48 lần, nguy cơ bị teo não tăng 25% so với những người ngủ đủ giấc.
Thức đêm rất có hại cho tim mạch, lý do bởi khi thức khuya thường xuyên đồng nghĩa với việc não cần được tưới máu nhiều hơn để suy nghĩ, làm việc. Điều này khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu lên não. Việc bơm máu liên tục như vậy sẽ tạo ra một áp lực rất lớn lên thành mạch máu não, đến một lúc nào đó, các mạch máu này không chịu được áp lực cao, hậu quả dẫn đến vỡ mạch máu não.
Không phải ai thức khuya cũng bị đột quỵ, điều này còn tùy thuộc vào sức khỏe, tình trạng và sự chịu đựng của từng người. Tuy nhiên cần tránh thức khuya để hạn chế những tác hại của thói quen này.
3. Đau đầu, suy giảm trí nhớ
Thống kê cho thấy những người thường xuyên thức khuya, rất dễ bị suy giảm trí nhớ (nguy cơ cao gấp 5 lần) so với những người không thức khuya. Ban đêm là thời gian vàng để bộ não nghỉ ngơi và ghi nhớ lại những hoạt động diễn ra trong ngày. Vì vậy, khi chúng ta thức đêm, bộ não tiếp tục phải hoạt động do lượng thông tin cần ghi nhớ tăng lên, não bộ ít có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến quá tải, nhầm lẫn.
Thức khuya cũng gây ra các vấn đề về tâm thần như: căng thẳng, đau đầu, lo âu, mất ngủ, trầm cảm, kém tập trung, tính tình hay cáu gắt.
Ban đêm là khoảng thời gian mà hệ thần kinh giao cảm cần được nghỉ ngơi vì chúng đã hoạt động rất mạnh để cho con người tỉnh táo làm việc và sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp tục thức khuya thì hệ này vẫn ở trong trạng thái kích thích, làm việc liên tục. Điều này khiến ngày hôm sau chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, trí nhớ kém, khó tập trung, phản xạ chậm, hay bị nhức đầu, chóng mặt. Nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày có thể dẫn đến bệnh suy nhược thần kinh.
tac-hai-cua-thuc-dem-doi-voi-suc-khoe
Thức khuya gây tác hại rất lớn đến sức khỏe
4. Gây hại cho da
Thức khuya rất có hại cho da, đây là điều rất dễ nhận thấy, thậm chí chỉ sau 1 đêm mất ngủ. Việc thức đêm, thiếu ngủ khiến cho da bị nổi mụn, sạm đen, xuất hiện các nếp nhăn và tàn nhang.
Ban đêm là khoảng thời gian lý tưởng để các tế bào da tái tạo lại, tốc độ và mức độ tái tạo của da vào ban đêm diễn ra nhanh hơn so với ban ngày. Nếu chúng ta thức khuya sẽ ảnh hưởng đến quá trình tái tạo của da khiến da bị khô ráp, lão hóa nhanh, đàn hồi kém, nhanh xỉn màu, mọc mụn trứng cá …
Mặt khác, thức đêm dẫn đến rối loạn nội tiết, cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol hơn, chất này làm cho da bị nhờn, gây bít tắc các lỗ chân lông sinh ra mụn.
Một điều rất dễ nhận thấy là thức khuya gây quầng thâm và bọng mắt. Theo các nhà nghiên cứu: lớp biểu bì quanh mắt rất mỏng manh và nhạy cảm, dưới lớp biểu bì này có một mạng lưới dày đặc các mao mạch. Khi gặp các yếu tố tác động bất lợi như: thức khuya, căng thẳng, mệt mỏi …, sự tuần hoàn máu đến mắt bị giảm khiến các mao mạch này giãn nở sau đó vỡ ra và làm xuất hiện các vùng sắc tố da sạm đen (đây chính là những quầng thâm mắt).
Thức khuya nhiều sẽ ảnh hưởng tới sắc đẹp, nhất là đối với phụ nữ, nhìn chị em già hơn so với tuổi của mình. Vì vậy phái đẹp cần ngủ đủ để luôn khỏe mạnh, trẻ trung và xinh đẹp.
tac-hai-cua-thuc-khuya-doi-voi-lan-da
Thức khuya gây hại cho làn da, nhất là ở nữ giới
5. Giảm tuổi thọ
Các nghiên cứu khoa học cho thấy giấc ngủ ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người: những người thức khuya thường xuyên có nguy cơ tử vong cao hơn 10% so với những người không có thói quen này. Thức khuya thường kèm theo các hành vi không lành mạnh như: lười tập thể dục, ăn uống không đúng bữa, rối loạn tâm lý, sử dụng các chất kích thích: bia, rượu hoặc ma túy. Tất cả các yếu tố này đều góp phần làm giảm tuổi thọ.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tề về Thời gian sinh học của Anh cho thấy: nếu một người ngủ dưới 6.4 tiếng mỗi ngày thì tuổi thọ của họ sẽ giảm đi 6.2 ngày mỗi năm. Hiệp hội Giấc ngủ của Mỹ khuyến khích: những người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày.
Theo Bác sĩ La Đức Cương – Nguyên Giám Đốc Bệnh viện Tâm thần Trung Ương: Giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người. Hàng loạt các hoạt động quan trọng diễn ra vào ban đêm khi chúng ta ngủ như: đào thải các chất độc, tái tạo năng lượng, tăng cường miễn dịch, sức đề kháng … Vì vậy, để các quá trình trên diễn ra thuận lợi, chúng ta phải ngủ đủ: với người trẻ, cần ngủ tối thiểu 6 – 8 tiếng mỗi ngày; ở người già, thời gian ngủ thường ít hơn nhưng cần đảm bảo ít nhất 4 tiếng mỗi ngày.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7