top

Danh mục sản phẩm

Ung thư dạ dày là gì? Bệnh ung thư dạ dày có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày

07/09/2024 15:01
Ung thư dạ dày là gì? Bệnh ung thư dạ dày có nguy hiểm không?
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới (chỉ xếp sau ung thư gan và ung thư phổi). Bệnh có thể gặp ở cả hai giới nhưng nam thường mắc nhiều hơn nữ (tỷ lệ nam giới bị ung thư dạ dày cao gấp đôi so với nữ giới). Mọi lứa tuổi đều có thể bị ung thư dạ dày nhưng thường gặp nhất là trong độ tuổi từ 40 – 60 tuổi. Các nước Đông Âu, Đông Á và Nam Mỹ là những khu vực dễ mắc ung thư dạ dày nhất trên thế giới.
Bệnh ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi rất cao (có thể lên đến 90%).
1. Bệnh ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào của dạ dày phát triển một cách bất thường, không theo quy luật chung là các tế bào cũ chết đi và các tế bào mới được sinh ra. Thay vào đó, một số tế bào bị đột biến và tăng sinh mất kiểm soát: chúng không chết đi mà tiếp tục phát triển một cách không kiểm soát và bắt đầu xâm lấn cục bộ các mô ở gần hoặc di căn đến các cơ quan ở xa thông qua hệ bạch huyết.
benh-ung-thu-da-day-la-gi
Bệnh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày thường bắt nguồn từ các tổn thương tiền ung thư (dạng loét hoặc chồi sùi) xuất phát từ sự phát triển không bình thường của một vài tế bào. Quá trình này mất ít nhất vài tháng cho đến vài năm. Vì vậy, trong giai đoạn đầu (khi khối u bắt đầu hình thành), sẽ rất khó phát hiện ra bệnh nếu không thực hiện việc tầm soát sớm.
Bệnh ung thư dạ dày có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào trong dạ dày nhưng hay gặp nhất là thân (phần chính của dạ dày) và chỗ giao giữa dạ dày và thực quản.
2. Bệnh ung thư dạ dày có nguy hiểm không?
Ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư đường tiêu hóa rất nguy hiểm. Theo số liệu thống kê năm 2020 của Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu): mỗi năm, ở nước ta trung bình có khoảng 17.906 người mắc mới (chiếm tỷ lệ 9.8%) và 14.615 trường hợp tử vong (chiếm 11.9%) do ung thư dạ dày. 
Ung thư dạ dày gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Hẹp, tắc môn vị
- Hẹp môn vị:
Là tình trạng thức ăn khó di chuyển từ dạ dày xuống tá tràng do khối u xâm lấn vào thành dạ dày gây cản trở quá trình lưu thông thức ăn.
- Tắc môn vị
Biến chứng này xảy ra khi khối u xuất hiện ở môn vị và thượng vị
Hẹp môn vị và tắc môn vị là những cấp cứu ngoại khoa đòi hỏi bệnh nhân phải được can thiệp kịp thời, nếu không có thể dẫn đến các biến chứng như: mất nước, rối loạn các chất điện giải hoặc rối loạn sự cân bằng kiềm – toan trong cơ thể.
Xuất huyết đường tiêu hóa
Ung thư dạ dày khiến cho các mạch máu trong hệ thống tiêu hóa bị tổn thương. Xuất huyết tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi vị trí trong dạ dày, hoặc ở mức độ nhẹ (chảy máu âm ỉ) gây thiếu máu mạn tính với các biểu hiện như: mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chóng mặt, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt. Một số ít trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết nặng do khối u xâm lấn và ăn thủng mạch máu. Lúc này, người bệnh sẽ có các triệu chứng: nôn ra máu, đi ngoài phân đen (có thể là phân đỏ nếu mất máu nhiều). Trong trường hợp xuất huyết ồ ạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến huyết động, người bệnh cần phải được phẫu thuật kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Thủng dạ dày
Là biến chứng nguy hiểm thường gặp ở ung thư dạ dày thể loét hoặc các tổ chức ung thư thể mủn nát. Thi thoảng có trường hợp dạ dày bị thủng nhưng lại dính vào các cơ quan khác như: gan, tụy, đại tràng tạo thành các ổ loét sâu tại đây hoặc tạo ra một lỗ thông giữa dạ dày và đại tràng gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Trường hợp này rất khó phát hiện do không biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng. Rất ít khi khối u xâm lấn vào đại tràng gây tắc ruột.
Nếu bệnh nhân bị thủng dạ dày, phải đưa đến viện ngay lập tức, đây là một cấp cứu ngoại khoa. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng của người bệnh.
thung-da-day
Ung thư dạ dày có thể gây biến chứng thủng dạ dày
3. Bệnh ung thư dạ dày có chữa khỏi được không?
Theo Bác sĩ Thảo Nghi – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM: Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm (trong giai đoạn khởi phát) thì cơ hội chữa khỏi rất cao (lên đến 90%). Ngược lại, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi các tế bào ung thư trong dạ dày đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thì khả năng sống của người bệnh rất thấp. Điều quan trọng là mỗi cá nhân cần thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, điều này giúp các bác sĩ đánh giá được các yếu tố nguy cơ và thực hiện việc tầm soát ung thư dạ dày nếu cần. Việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng giúp nâng cao hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Tiên lượng sống của người bệnh ung thư dạ dày phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh
Giai đoạn 1 (ung thư biểu mô tại chỗ)
Lúc này, các tế bào ung thư mới hình thành và chưa di căn đến các cơ quan xa. Nếu được phát hiện trong giai đoạn này thì tỷ lệ thành công trong điều trị tương đối cao: khoảng 70% bệnh nhân sống quá 5 năm và hơn 60% người bệnh sống trên 10 năm.
Giai đoạn 2 (còn được gọi là ung thư dưới cơ)
Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã xâm lấn vào lớp tế bào trên cùng của niêm mạc hoặc lớp cơ của dạ dày. Tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh khoảng 50%.
Giai đoạn 3: các tế bào ung thư dạ dày di căn và phát triển ở hạch bạch huyết cũng như các bộ phận khác trong cơ thể
Ở giai đoạn này, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm vào khoảng 40%
Giai đoạn 4: giai đoạn cuối
Lúc này các tế bào ung thư đã di căn rộng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Nguy cơ tử vong trong giai đoạn này là rất cao. Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn này thì chỉ có một số ít bệnh nhân (5 – 10%) sống được quá 5 năm.
ung-thu-da-day-co-may-giai-doan
Các giai đoạn của ung thư dạ dày
4. Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày
Có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư dạ dày, trong đó có một số nguyên nhân chính như:
Bệnh viêm loét dạ dày mạn tính
Viêm loét dạ dày là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ung thư dạ dày. Bệnh viêm loét dạ dày nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến hiện tượng niêm mạc dạ dày bị teo dần, các tế bào ở dạ dày biến đổi, đầu tiên là dị sản (sinh sản bất thường), sau đó dẫn đến loạn sản (tăng sinh mất kiểm soát theo các mức độ từ nhẹ đến nặng). Cuối cùng, tình trạng loạn sản tế bào sẽ dẫn đến ung thư dạ dày.
Khi dạ dày xuất hiện vết loét, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào dạ dày và gây đột biến DNA tế bào khiến các mô trong dạ dày bị tổn thương và dần trở thành mô sẹo – yếu tố gây ung thư dạ dày.
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày là vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori). Loài vi khuẩn này khiến niêm mạc dạ dày bị viêm dẫn đến teo đét và gây ra các tổn thương ở dạng tiền ung thư.
Các nhà khoa học cho rằng, có rất nhiều loại vi khuẩn Hp trong dạ dày (hơn 200 loại), nhưng không phải loại nào cũng gây ung thư dạ dày. Chỉ có các vi khuẩn có độc tính (mang gen CagA) mới có khả năng gây ung thư. Thực tế cho thấy có khoảng 80% số người trên 50 tuổi có vi khuẩn Hp trong người, chỉ một số ít trong đó tiến triển thành ung thư dạ dày.
vi-khuan-hp-co-gay-ung-thu-da-day-khong
Một số loại vi khuẩn Hp có thể gây ung thư dạ dày
Polyp dạ dày
Polyp dạ dày là các khối u có kích thước đa dạng (nhỏ từ 3 – 4 mm, hoặc lớn từ 2 – 3 cm) xuất hiện và phát triển trên bề mặt dạ dày. Số lượng polyp có thể ít (1 – 2 cái) hoặc nhiều (5 – 10 cái, có thể nhiều hơn). 
Có hai loại polyp dạ dày là polyp tăng sảnpolyp tuyến trong đó polyp tăng sản kích thước nhỏ thường lành tính, không phát triển thành ung thư còn polyp tăng sản lớn (kích thước trên 2 cm) có nguy cơ chuyển thành ung thư.
Polyp tuyến là loại polyp dạ dày phổ biến và có nguy cơ cao trở thành ung thư dạ dày nếu không được điều trị kịp thời.
Thói quen ăn uống sinh hoạt
Dạ dày là một cơ quan tiêu hóa nên rất dễ hiểu khi bệnh ung thư dạ dày có liên hệ mật thiết với chế độ ăn uống.
- Ăn nhiều đồ nướng, đồ xông khói, thực phẩm muối chua, thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là thực phẩm chứa nhiều nitrat như: các loại rau được bón bằng phân đạm chứa nhiều nitơ; các loại thịt cá được ướp muối hoặc chế biến bằng cách hun khói. Khi ăn các loại thực phẩm này vào thì nitrat sẽ biến đổi thành nitrosamine – một chất đã được chứng minh là gây ung thư trên người bằng cách gây đột biến gen (thông qua cơ chế alkyl hóa các acid nhân tế bào là ADN và ARN).
- Ăn mặn
Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa ung thư dạ dày và thói quen ăn mặn. Chính muối ăn được coi là yếu tố thúc đẩy vi khuẩn Hp hoạt động trong dạ dày (trong môi trường muối, vi khuẩn này phát triển rất nhanh và hoạt động mạnh). Mặt khác, muối còn kích thích hiện tượng viêm ở thành dạ dày khiến dạ dày trở nên nhạy cảm với các yếu tố gây ung thư.
- Hút thuốc lá và hít phải khói thuốc
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã chỉ rõ mối liên quan giữa thuốc lá và ung thư dạ dày. Theo cơ quan này: những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người không hút. Ung thư dạ dày thường xảy ra ở phía gần thực quản và tâm vị.
Thuốc lá gây ung thư dạ dày theo nhiều cơ chế khác nhau:
+ Trong khói thuốc lá có chứa nicotin, khi hút chất này vào sẽ kích thích cơ thể tiết ra nhiều cortisol – yếu tố gây viêm loét dạ dày, nếu người hút có vi khuẩn Hp thì sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.
+ Hút thuốc khiến lưu lượng máu cung cấp cho hệ thống niêm mạc của dạ dày bị giảm đi đồng thời ảnh hưởng đến quá trình bài tiết chất nhầy ở dạ dày.
+ Hút thuốc làm giảm sức đề kháng của dạ dày (chất endothelin do niêm mạc dạ dày sản xuất ra làm suy yếu cơ chế tự bảo vệ của dạ dày).
- Uống rượu, bia
Cũng giống như các căn bệnh ung thư khác, bia rượu được coi là một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Rượu bia gây phá hủy cấu trúc DNA của tế bào, tạo ra các đột biến gen, hình thành các gen bị lỗi từ đó dẫn đến ung thư.
nguyen-nhan-gay-ung-thu-da-day
Một số nguyên nhân gây ung thư dạ dày
- Thừa cân, béo phì
Những người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ bị ung thư cao hơn so với những người khác, trong đó có ung thư dạ dày (thường xảy ra ở phần trên của dạ dày, vị trí gần thực quản). Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng chính sự tăng trưởng của các mô mỡ dư thừa trong cơ thể là yếu tố gây ung thư. Người béo phì thường có nhiều mô mỡ hơn người thường, các mô mỡ này khiến tế bào ung thư tăng trưởng nhanh hơn do mô mỡ kích thích sản xuất các hormone và các chất gây viêm.
- Yếu tố di truyền
Những người có người thân (bố, mẹ, anh/chị em ruột) mắc ung thư dạ dày thì nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn 4 lần so với những gia đình không có người bị căn bệnh này. Nguyên nhân là do một loại đột biến gen có tên là CDH1 được xác định có liên quan với ung thư dạ dày. Loại gen này ức chế tế bào dạ dày dẫn đến sự phát triển không kiểm soát và gây ung thư.
- Nhóm máu
Các nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa những người nhóm máu A bệnh ung thư dạ dày. Tại Hoa Kỳ, một Tạp chí Dịch tễ học đã công bố nghiên cứu cho thấy: những người mang nhóm máu A có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn từ 15 – 20% so với những người ở các nhóm máu khác. Giải thích về điều này, các nhà khoa học cho rằng những người trong nhóm máu A thì khả năng miễn dịch của họ với Helicobacter pylori (loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày) rất kém.  Khi những người này bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp thì thường khiến dạ dày bị tổn thương nặng, khó hồi phục, các vết loét ở niêm mạc dễ tiến triển thành ung thư.
Ung thư dạ dày là bệnh rất nguy hiểm nhưng trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của bệnh thường mơ hồ, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa. Vì vậy để phòng tránh ung thư dạ dày, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, điều trị tốt các căn bệnh ở hệ tiêu hóa đặc biệt là viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7