top

Danh mục sản phẩm

Bệnh ung thư đại trực tràng là gì? Ung thư đại trực tràng có nguy hiểm không và có chữa khỏi được không?

02/08/2024 11:41
Bệnh ung thư đại trực tràng là gì?
Ung thư đại trực tràng có nguy hiểm không và 
có chữa khỏi được không?
Ung thư đại trực tràng là căn bệnh rất phổ biến hiện nay và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) thực hiện vào năm 2020 cho thấy, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1.9 triệu ca mắc mới và khoảng 935.000 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư đại trực tràng xếp thứ tư về tỷ lệ mắc mới (6%) và xếp thứ 5 về tỷ lệ tử vong (5.8%) chỉ sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày.
Ở nước ta, ung thư đại tràng nằm trong nhóm sáu bệnh ung thư thường gặp nhất. Theo ước tính: mỗi năm có khoảng 16.000 trường hợp mắc mới và hơn 8.200 người tử vong vì ung thư đại trực tràng.
1. Bệnh ung thư đại trực tràng là gì?
Đại tràng hay còn gọi “ruột kết” là phần chính của ruột già – nơi hình phân (sản phẩm cuối cùng của quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể).
Trực tràngmột đoạn của ống tiêu hóa nối đại tràng (Sigma) với hậu môn, có vai trò lưu giữ phân và bài tiết phân ra ngoài qua hậu môn.
Ung thư đại trực tràng là một khái niệm chỉ ung thư hình thành và phát triển ở đại tràng và/hoặc trực tràng. Đây là căn bệnh ác tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là ở người cao tuổi (trên 50 tuổi).
ung-thu-dai-trang
Vị trí của đại tràng và trực tràng trong cơ thể
2. Bệnh ung thư đại trực tràng có nguy hiểm không và có chữa khỏi được không?
Ung thư đại tràng rất nguy hiểm, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì việc điều trị rất khó khăn, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như: tắc ruột, thủng ruột …
Tắc ruột
Là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng, nhất là ở giai đoạn cuối. Theo thống kê, có khoảng 30% người bệnh ung thư đại trực tràng phải tiến hành mổ cấp cứu do bị tắc ruột.
Vì sao ung thư đại trực tràng dẫn đến tắc ruột? Lý do là:
- Khối u phát triển bên trong đại tràng, khi có kích thước lớn, chèn ép gây tắc ruột.
- Lòng đại tràng bị hẹp dần do khối u bị viêm sưng, phù nề.
- Khối u ở manh tràng lồng vào đại tràng gây lồng ruột.
Thủng ruột
Biến chứng thủng ruột xảy ra nếu không điều trị kịp thời vấn đề tắc ruột. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong do nhiễm trùng, viêm phúc mạc.
Khi ung thư đại trực tràng đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như: gan, não phổi, xương sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng:
- Đến gan: vàng da, vàng mắt, chướng bụng, đau tức bụng (hạ sườn phải).
- Đến não: đau đầu, nhìn mờ, nghe kém, co giật
- Đến phổi: ho, khó thở
- Đến xương: đau nhức khắp cơ thể, người nổi u cục
3. Các yếu tố và nguyên nhân gây bệnh ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng được xem là có liên hệ mật thiết với chế độ ăn uống và một số bệnh ở đường tiêu hóa như: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, … Đặc biệt là các polyp ở đại tràng.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có liên quan chặt chẽ với bệnh ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hóa. Việc ăn uống thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra ung thư đại trực tràng.
- Ăn quá nhiều thịt (đặc biệt là các loại thịt đỏ: thịt bò, thịt cừu, thịt trâu), mỡ động vật có liên hệ mật thiết với ung thư đại trực tràng. Các nghiên cứu cho thấy nếu chế độ ăn nhiều thịt (khoảng 160 g/ngày) hoặc thường xuyên ăn thịt (trên 5 lần mỗi tuần) thì nguy cơ bị ung thư đại trực tràng tăng gấp 3 lần. 
an-nhieu-thit-bi-ung-thu-dai-truc-trang
Ăn nhiều thịt có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng
Sở dĩ việc ăn nhiều thịt và mỡ động vật làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng là do tiêu thụ các loại thực phẩm này làm cho lượng axít mật tăng lên. Điều này làm thay đổi hệ vi khuẩn ở đường ruột (thúc đẩy sự phát triển của các loại vi khuẩn yếm khí như Clostridia). Các vi khuẩn này khiến axít mật bị biến đổi thành các chất chuyển hóa tác động đến quá trình sinh sản của các tế bào biểu mô ở ruột dẫn đến việc hình thành các tế bào bất thường (yếu tố tiền ung thư). Tương tự như vậy, việc ăn nhiều mỡ động vật khiến cơ thể cần nhiều vi khuẩn để chuyển hóa lượng mỡ này. Quá trình này làm các tế bào biểu mô ở niêm mạc ruột tăng sản bất thường và có nguy cơ phát triển thành ung thư.
- Ăn các loại đồ chiên, nướng, thịt xông khói
Từ lâu khoa học đã chứng minh việc thường xuyên ăn các loại đồ chiên nướng là nguyên nhân dẫn đến ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng. Quá trình chiên nướng, nhiệt độ cao sinh ra nitrosamine – chất đã được xác định là gây ung thư trên người và động vật.
- Ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn: giăm bông (jambon), xúc xích, thịt hộp.
Thực phẩm chế biến sẵn có chứa rất nhiều chất bảo quản làm tăng nguy cơ bị ung thư.
- Ăn ít chất xơ
Việc ăn ít chất xơ sẽ gây ra táo bón, phân ở lại trong ruột lâu hơn khiến ruột tiếp xúc với các loại vi khuẩn có hại và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất các chất nội sinh gây ung thư.
Việc thiếu canxi và các loại vitamin nhóm B, vitamin A, C, E cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
nguyen-nhan-gay-benh-ung-thu-dai-truc-trang
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng
Hút thuốc lá
Mới đây các nhà khoa học đã tìm ra mối liên quan giữa thói quen hút thuốc lá với bệnh ung thư đại trực tràng. Theo đó, những người hút thuốc thường xuyên thì tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng hơn 40% so với những người không hút thuốc. Nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí Gastroenterology. Giải thích về vấn đề này, Bác sĩ Hoàng Đình Chân – Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết: khi hút thuốc, khói thuốc ngoài tác động chính đến phổi còn ảnh hướng tới đại tràng, các chất gây ung thư cũng được đưa tới đây. Mặt khác, trong khói thuốc lá còn chứa các chất các chất làm tăng kích thước của các polyp đại tràng khiến cho quá trình chuyển biến thành tế bào ung thư diễn ra nhanh hơn.
Uống rượu bia
Uống rượu bia dẫn đến nhiều bệnh ung thư khác nhau trong đó có ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu cho thấy: những người sử dụng rượu bia ở mức trung bình đến nặng có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn 1.2 – 1.5 lần so với những người không uống. Sau khi uống rượu, chất ethanol sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde gây tổn thương tế bào (làm hỏng chuỗi DNA tế bào) dẫn đến đột biến gen, làm tăng quá trình oxy hóa tế bào dẫn đến ung thư.
Các tổn thương dạng tiền ung thư và bệnh lý ở đại trực tràng
- Polyp đại trực tràng
Polyp đại trực tràng là sự tăng sinh của lớp niêm mạc ở đại tràng và trực tràng. Bản thân các polyp không phải là ung thư, nhưng có thể tiến triển thành ung thư sau một thời gian, nhất là các polyp có kích thước lớn (trên 2 cm). Các loại polyp ở đại tràng và trực tràng: polyp tuyến, polyp tăng sản, polyp loạn sản phôi. Thống kê cho thấy có đến 70% các trường hợp ung thư đại trực tràng bắt nguồn từ polyp tuyến và 25 – 30% xuất phát từ polyp răng cưa. Chính vì khả năng gây ung thư cao nên polyp tuyến được gọi là tiền ung thư. Một dạng polyp khác phổ biến hơn là polyp tăng sản và polyp viêm nhưng không phải là yếu tố tiềng ung thư.
polyp-dai-trang-co-dan-den-ung-thu-khong
Polyp là một trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng
- Bệnh viêm đại trực tràng, Crohn
Có khoảng 20 – 25% số người bị viêm đại trực tràng chảy máu có nguy cơ tiến triển thành ung thư sau thời gian trên 10 năm.
Yếu tố gia đình
Các nghiên cứu cho thấy có một tỷ lệ nhỏ (5 – 10%) ung thư đại trực tràng liên quan đến yếu tố gia đình (di truyền): những người này bị ảnh hưởng bởi khiếm khuyết gen (đột biến gen) hoặc các hội chứng di truyền như: polyp tuyến gia đình FAP (thường gặp nhất), hội chứng ung thư đại trực tràng không do polyp (Lynch).
Tình trạng thừa cân, béo phì
Theo các nhà khoa học, những người có vấn đề về cân nặng (thừa cân, béo phì) thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 30% so với những người bình thường. Lí do bởi các chất béo dư thừa trong cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình viêm. Lượng insulin và nồng độ protein IGF-1 trong máu tăng lên. Tất cả các yếu tố này đều gây cản trở hoạt động của ruột, thúc đẩy quá trình hình thành tế bào ung thư ở đại trực tràng.
Lượng chất béo dư thừa gây ra tình trạng kháng insulin: sử dụng insulin không đúng cách khiến cơ thể phải tiết ra nhiều insulin hơn. Để đáp ứng với nhu cầu sử dụng insulin nhiều, một loại protein là IGF-1 sẽ được sản xuất ra nhiều hơn. Chính protein này thúc đẩy sự phát triển của các khối u, tăng sinh mạch (tạo ra các mạch máu mới) nuôi dưỡng tế bào ung thư. Mặt khác, thừa cân béo phì thường đi kèm với lượng đường trong máu cao khiến cho quá trình oxy hóa và viêm ở tế bào diễn ra sớm. Điều này góp phần làm cho các tế bào ở đại tràng bị hỏng và chuyển thành tế bào ung thư.
Chế độ ăn quá nhiều chất béo ở những người béo phì sẽ tác động xấu đến ruột: tăng áp lực thành ruột, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn có hại phát triển ở ruột. Quá trình tiêu hóa cũng diễn ra chậm hơn, các chất gây ung thư trong thực phẩm tiếp xúc lâu hơn với niêm mạc đại tràng.
4. Các giai đoạn của ung thư đại tràng và tỷ lệ thành công trong điều trị
Ung thư đại trực tràng được chia thành 4 giai đoạn
Giai đoạn 1
Đây là giai đoạn sớm nhất còn có tên gọi khác là ung thư biểu mô tại chỗ, ung thư giới hạn trong phạm vi đại tràng. Lúc này, các tế bào ung thư chỉ xuất hiện ở niêm mạc đại tràng và phát triển giữa các lớp của đại tràng.
Nếu phát hiện được bệnh trong giai đoạn này thì khả năng thành công trong điều trị rất cao: tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm sau khi làm phẫu thuật có thể đạt mức 94%.
Giai đoạn 2
Các tế bào ung thư lan ra khỏi đại tràng, di căn tới nhiều khu vực trong đại tràng.
Có khoảng gần ¼ (25%) số bệnh nhân được chẩn đoán trong giai đoạn này. Kết quả điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu phát hiện ở giai đoạn đầu (2A hoặc 2B), tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm sau khi phẫu thuật thành công có thể lên tới 82%.
Dựa vào mức độ lan xa của tế bào ung thư, người ta chia giai đoạn này thành các giai đoạn nhỏ hơn là 2A, 2B, 2C.
- Giai đoạn 2A
Các tế bào ung thư đã vượt qua lớp cơ, đi vào lớp thanh mạc đại tràng. Các tế bào này có đặc điểm: thường nằm ở ngoài cùng của đại tràng và chưa lan sang các mô cũng như các hạch bạch huyết gần đó.
- Giai đoạn 2B
Khối u đã lan đến phúc mạc nhưng vẫn chưa vào các hạch bạch huyết lân cận. Lúc này, các tế bào ung thư đã đi qua lớp ngoài cùng đại tràng và đến được niêm mạc của các cơ quan trong ổ bụng.
- Giai đoạn 2C
Lúc này khối u đã phát triển rộng, xuyên qua nhiều lớp của đại tràng. Khối u có thể phát triển trực tiếp hoặc dính vào cơ quan lân cận nhưng vẫn chưa lan đến các hạch bạch huyết chung quanh đó.
cac-giai-doan-cua-ung-thu-dai-truc-trang
Các giai đoạn của ung thư đại trực tràng
Giai đoạn 3
Khối u bắt đầu lan tới các hạch bạch huyết lân cận. Dựa trên số lượng hạch bạch huyết có các tế bào ung thư lan đến, người ta chia thành các giai đoạn nhỏ là 3A, 3B và 3C.
Có khoảng 23% số bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn này. Kết quả điều trị phụ thuộc vào số lượng hạch bạch huyết bị ảnh hưởng bởi tế bào ung thư. Tỷ lệ thành công trong thời kỳ này cũng tương đối cao: sau khi được phẫu thuật sẽ có khoảng 67% bệnh nhân sống thêm ít nhất 5 năm.
- Giai đoạn 3A
Khối u lan sang các hạch bạch huyết gần đại tràng. Lúc này, các tế bào ung thư đã xuất hiện ở lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ thành ruột sau đó lan đến hạch bạch huyết hoặc các mô gần hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 3B
Tế bào ung thư lan ra 2 – 3 hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 3C
Tế bào ung thư lan ra nhiều hơn 4 hạch bạch huyết ở xa đại tràng.
Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn cuối cùng của ung thư đại trực tràng. Lúc này, các tế bào ung thư đã di căn xa đến các bộ phận khác của cơ thể.
Có khoảng 9% người bệnh được chẩn đoán trong giai đoạn này. Tỷ lệ thành công trong điều trị rất thấp: chỉ có khoảng 11% bệnh nhân sống được trên 5 năm sau khi phát hiện bệnh.
ung-thu-dai-truc-trang-co-chua-khoi-duoc-khong
Tiên lượng sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là căn bệnh có liên quan chặt chẽ đến chế độ dinh dưỡng (thói quen ăn uống). Vì vậy, người dân cần đặc biệt lưu ý đến các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Bên cạnh đó, những người bị polyp đại tràng hoặc tiền sử gia đình có người bị polyp đại tràng cần thực hiện khám tầm soát ung thư đại trực tràng bởi nguy cơ mắc bệnh của những người này cao gấp 10 lần người bình thường. Những người có bệnh ở đường tiêu hóa như: bệnh Crohn, viêm loét đại tràng chảy máu cũng cần thận trọng với căn bệnh này.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7