Những thói quen xấu làm tăng nguy cơ bị đột qụy
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não (tên tiếng Anh: Stroke) là hiện tượng tuần hoàn máu não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể dẫn đến tình trạng thiếu oxy ở não bộ. Hậu quả là các tế bào não bị chết dần do không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng.
Đột quỵ là một bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề như: liệt (nửa người hoặc một bộ phận nào đó của cơ thể: chân, tay), vận động khó khăn, rối loạn cảm xúc (hay khóc, dễ bị tổn thương), rối loạn ngôn ngữ (nói khó), suy giảm thị lực.
Có hai dạng đột quỵ là nhồi máu não (tắc mạch máu não) và xuất huyết não (vỡ mạch máu não dẫn đến chảy máu não). Trong đó nhồi máu não là thể hay gặp hơn cả (chiếm 85% số trường hợp)
Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não)
Có nhiều nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. Các nguyên nhân bệnh lý như: cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn lipid máu (mỡ máu) …
Ngoài các nguyên nhân về bệnh lý, các chuyên gia y tế còn cho rằng đột quỵ có thể xuất phát từ các thói quen sinh hoạt xấu hàng ngày như:
1. Uống ít nước (lười uống nước)
Năm 2020, Tạp chí “Khoa học thần kinh lâm sàng” đã công bố một nghiên cứu về mối liên quan giữa việc uống nước và bệnh đột quỵ. Theo đó, những người uống ít nước làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và thời gian hồi phục sau đột quỵ cũng dài hơn.
Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho rằng: lượng nước trong cơ thể liên quan chặt chẽ với tuần hoàn máu và sức khỏe tim mạch. Theo Hiệp hội Thần kinh bang Michigan (Hoa Kỳ): khi thiếu nước, máu trở nên cô đặc hơn gây ra tình trạng tăng huyết áp: máu nhớt sẽ giữ muối (ion Natri) nhiều hơn, cục máu đông dễ hình thành hơn; lưu lượng máu giảm (máu chảy chậm lại) và có thể chảy vào các mạch máu bị hẹp hoặc tắc dẫn đến đột quỵ.
Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) cũng khẳng định rằng những bệnh nhân đột quỵ do không uống đủ nước thì nguy cơ bị nặng cao hơn 4 lần so với những người uống đủ nước.
Vì vậy các chuyên gia khuyên người dân nên uống đủ nước để tránh nguy cơ bị đột quỵ. Theo nghiên cứu của Đại học Loma Linda (Hoa Kỳ): việc uống đủ nước (tối thiểu 5 – 6 cốc mỗi ngày) có thể giảm tới 53% nguy cơ đột quỵ.
Các dấu hiệu bị thiếu nước: nước tiểu sẫm màu, da khô, môi khô, chóng mặt, đo huyết áp thấy thấp. Cần cung cấp đủ nước cho cơ thể nhất là khi ra mồ hôi nhiều hoặc cơ thể bị mất nước do sốt cao, tiêu chảy.
Uống ít nước làm tăng nguy cơ bị đột quỵ
2. Hút thuốc lá
Các chuyên gia y tế cho rằng: hút thuốc lá là một trong những tác nhân phổ biến, quan trọng gây tai biến mạch máu não. Tổ chức Đột quỵ Quốc tế cho biết: trên Thế giới, có khoảng ¼ (25%) số ca đột quỵ được cho là có liên quan đến thói quen hút thuốc lá. Nguy cơ đột quỵ phụ thuộc vào số lượng thuốc hút (nhiều hay ít), thời gian hút (dài hay ngắn), độ tuổi sử dụng (hút khi còn trẻ hay lúc già).
Theo thống kê của các Tổ chức nghiên cứu về tác hại của thuốc lá: những người hút khoảng 11 điếu thuốc lá mỗi ngày thì nguy cơ bị đột quỵ của họ cao hơn 46% so với những người không hút. Những người hút thuốc nhiều (trên 2 bao mỗi ngày) thì nguy cơ đột quỵ cao hơn 5 lần so với người bình thường.
Hút thuốc lá có thể gây ra cả hai dạng đột quỵ là nhồi máu não và xuất huyết não. Những người có tiền sử bị đột quỵ hoặc các bệnh lý về tim mạch như: tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu nếu hút thuốc lá thì sẽ thúc đẩy quá trình dẫn đến đột quỵ và nguy cơ tai biến cũng cao hơn.
Tại sao hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ?
Trong khói thuốc lá có chứa vô số chất độc, các chất này gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể trong đó có mạch máu. Khói thuốc khi vào bên trong sẽ gây xơ vữa động mạch, khiến mạch máu mất đi tính trơn, nhẵn, mềm dẻo, trở nên xơ cứng, kém đàn hồi hơn. Hút thuốc làm tăng lượng cholesterol xấu (LDL – cholesterol) và giảm lượng cholesterol tốt (HDL – cholesterol), tăng triglyceride, máu dễ đông hơn. Tất cả các yếu tố này góp phần hình thành các cục máu đông ở trong lòng mạch - nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Hút thuốc lá làm tổn thương mạch máu, dẫn đến đột quỵ
3. Sử dụng rượu, bia
Rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ. Việc uống rượu bia thường xuyên, liên tục trong thời gian dài làm gia tăng đáng kể nguy cơ bị đột quỵ.
Theo Tiến sĩ Murray A. Mittleman, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Đại học Y Havard – tác giả của công trình nghiên cứu: việc sử dụng rượu bia (kể cả các loại nhẹ như rượu vang) đều làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 2 lần sau khi uống một giờ. Bác sĩ này cho biết: nguy cơ đột quỵ phụ thuộc vào lượng bia rượu và tần suất của người dùng.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét hồ sơ của 390 bệnh nhân đột quỵ thì nhận thấy rằng có 14 người đã sử dụng rượu bia trong khoảng 1 giờ trước khi bị đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ sau khi uống bia, rượu theo thời gian như sau:
- Trong 1 giờ đầu tiên: nguy cơ cao hơn 2.3 lần so với bình thường (không uống rượu)
- Từ giờ thứ hai trở đi: nguy cơ là 1.6 lần.
Năm 2019, Tạp chí Y khoa nổi tiếng Lancet công bố một nghiên cứu cho thấy: uống rượu bia làm tăng nguy cơ đột quỵ (trong đó, có vẻ gây xuất huyết não nhiều hơn so với nhồi máu não). Cụ thể: 16% số trường hợp đột quỵ vì xuất huyết não do uống rượu, bia. Tỷ lệ này đối với nhồi máu não là 8% (cùng nguyên nhân).
Nguy cơ đột quỵ thường tỷ lệ thuận với lượng rượu bia tiêu thụ. Cụ thể
- Mỗi ngày uống 1 – 2 cốc rượu (hoặc bia) thì nguy cơ đột quỵ tăng 10 – 15%.
- Nếu uống nhiều hơn (3 – 4 ly/ngày) thì nguy cơ tăng lên 35%.
Lý giải về việc uống rượu bia dẫn đến đột quỵ, các nhà khoa học cho rằng: rượu bia là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng huyết áp. Huyết áp cao là yếu tố hàng đầu khiến một người bị đột quỵ. Rượu kích thích hệ thần kinh giao cảm, cản trở quá trình lưu thông máu. Sau khi uống rượu, huyết áp tăng nhanh, lượng tiểu cầu trong máu cũng tăng theo khiến máu trở nên đặc quánh, dễ hình thành cục máu đông.
Uống rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ
4. Ăn mặn
Ăn mặn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý như: tăng huyết áp, bệnh thận, ung thư dạ dày và cả đột quỵ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định: khoảng 62% số trường hợp đột quỵ não được cho là thường xuyên ăn mặn.
Chế độ ăn dư thừa muối sẽ dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng cao sẽ gây ra hàng loạt hệ lụy xấu như: các bệnh về thận, bệnh tim mạch, đột quỵ. Ăn mặn khiến lượng ion natri trong máu tăng lên, tính thẩm thấu của màng tế bào cũng tăng theo. Khi đó, các ion này sẽ di chuyển vào thành mạch máu nhiều hơn kéo theo lượng nước trong tế bào tăng lên, tăng trương lực thành mạch và sức cản ngoại vi, mạch máu bị co lại dẫn đến tăng huyết áp.
Việc ăn nhạt hơn làm giảm đáng kể nguy cơ về sức khỏe. Tại Anh, một nghiên cứu cho thấy việc giảm lượng muối ăn xuống còn 5g mỗi ngày sẽ giảm được nguy cơ đột quỵ khoảng 23% và nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm 17%.
Theo các chuyên gia y tế, người lớn chỉ nên ăn dưới 5g muối mỗi ngày, người bị cao huyết áp dùng từ 2 – 4g. Trẻ em (6 – 11 tuổi): dùng ít hơn 4g; trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi): dùng dưới 3g mỗi ngày.
5. Tắm ngay sau khi đi nắng về hoặc chưa khô mồ hôi
Nhiều người (đặc biệt là những người trẻ) thường có thói quen tắm ngay sau khi đi ngoài trời nắng về hoặc người ra nhiều mồ hôi sau khi chơi thể thao hoặc lao động mất nhiều sức vì họ cho rằng đó là cách giải nhiệt giúp cơ thể mát nhanh. Đây là một cách tắm sai lầm, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cơ thể. Trường hợp nhẹ thì bị cảm lạnh, trường hợp nặng có thể dẫn đến đột quỵ.
Tại sao tắm khi đi nắng về có thể bị đột quỵ?
Khi chúng ta hoạt độc thể lực (làm việc, chơi thể thao) hoặc vừa đi ngoài nắng về, lúc này người nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi, các lỗ chân lông mở rộng để hạ bớt nhiệt độ. Nếu tắm vào lúc này (thường dùng nước lạnh), sẽ làm cho các lỗ chân lông bị co lại, nhiệt không thoát ra được gây ra hiện tượng cảm lạnh. Mặt khác, khi nóng, các mao mạch giãn nở để thoát nhiệt ra ngoài, nếu gặp nước lạnh khi tắm, các mạch máu co lại khiến huyết áp tăng lên đột ngột dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Một điều nữa là lúc này cơ thể bị mất nhiều nước, máu đặc hơn, tuần hoàn máu bị cản trở cũng là yếu tố góp phần gây ra hiện tượng trên.
Để tránh nguy cơ này, các bác sĩ khuyên chúng ta nên ngồi nghỉ ngơi chỗ mát, uống nhiều nước, đợi tới khi người mát và khô ráo mới đi tắm. Nên tắm nhanh và tắm bằng nước ấm.
Tắm ngay sau khi vừa đi ngoài nắng về rất nguy hiểm
6. Thường xuyên uống nước lạnh khi trời nóng hoặc sau khi đi nắng về
Vào mùa hè, nhiều người có thói quen uống nước lạnh (nước đá hoặc nước mát) trong thời tiết nắng nóng hoặc ngay sau khi đi ngoài nắng về vì họ cho rằng đó là cách giúp giảm nhiệt và giải tỏa cơn khát. Việc làm này tưởng như vô hại nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong đó có tim mạch. Khi trời nóng nếu uống nhiều nước lạnh thì sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước đá và cơ thể có thể gây ra hiện tượng co thắt các mạch máu đột ngột, đặc biệt là động mạch vành và mạch máu não, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, gây bất lợi cho tim, làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng về tim mạch như: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
7. Để điều hòa ở nhiệt độ thấp hoặc chĩa thẳng vào người
Thời tiết nắng nóng, một số người thích để điều hòa ở nhiệt độ thấp hoặc chĩa thẳng vào người cho “nhanh mát”. Đây là sai lầm rất nguy hiểm, dễ gây ra hiện tượng “sốc nhiệt” hoặc liệt dây thần kinh số 7 do chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa bên ngoài và trong nhà (vừa đi ngoài nắng về thì vào phòng điều hòa hoặc đang ở trong nhà mát thì ra ngoài nắng). Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể không thích nghi kịp, các mạch máu co thắt khiến huyết áp tăng cao và dẫn đến đột quỵ.
Để điều hòa quá lạnh chiếu thẳng vào người có thể dẫn đến đột quỵ
Để tránh bị đột quỵ, ngoài việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như: cao huyết áp, bệnh tim mạch, mỡ máu … Người dân cần tránh các thói quen xấu trên. Đột quỵ là một cấp cứu y khoa khẩn cấp, khi thấy một người có các triệu chứng như: chân tay yếu (không cầm nắm được các đồ vật hoặc cầm bị rơi vãi), cử chỉ nói năng không bình thường (nói ngọng, nói lắp), mất thăng bằng, đi đứng không vững … thì cần lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất.