top

Danh mục sản phẩm

Hội chứng ruột kích thích là gì? Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây ra bệnh hội chứng ruột kích thích.

17/08/2024 11:35
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích.
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là viêm đại tràng co thắt, tên tiếng Anh là Iritable Bowel Syndrome (IBS) là một rối loạn đường tiêu hóa ảnh hưởng đến đại tràng (ruột già). Khi mắc hội chứng này, đại tràng bị co thắt dẫn đến các triệu chứng: đau quặn bụng, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón.
hoi-chung-ruot-kich-thich
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Như chúng ta đã biết trong quá trình tiêu hóa, thức ăn được vận chuyển từ dạ dày qua ruột non rồi xuống ruột già và cuối cùng ở trực tràng. Để thực hiện công việc này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hệ thần kinh (bộ não) và hệ tiêu hóa để điều khiển sự co thắt của các cơ lót ở thành ruột. Nhưng khi bị hội chứng ruột kích thích, hai hệ nói trên phối hợp không ăn ý với nhau khiến các cơ ở thành ruột co thắt bất thường (quá yếu hoặc quá mạnh). Nếu các cơ này co thắt yếu, quá trình vận chuyển thức ăn qua ruột diễn ra chậm, điều này làm cho phân trở nên khô, cứng. Ngược lại, nếu chúng co thắt mạnh và dài hơn bình thường thì thức ăn sẽ di chuyển nhanh gây ra tình trạng tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng.
Hội chứng ruột kích thích thường có tính chất mãn tính: tái đi tái lại nhiều lần, khi khám và làm các xét nghiệm, thăm dò chức năng, người bệnh không phát hiện thấy bất kỳ tổn thương nào ở ruột (kể cả về giải phẫu lẫn sinh hóa).
Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh phổ biến nhất ở đường tiêu hóa. Trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh này nói chung dao động từ 9 – 23% dân số tùy theo khu vực. Ở Mỹ, tỷ lệ này là 10 – 15% số người trong độ tuổi trưởng thành.
2. Hội chứng ruột kích thích gồm những loại nào.
Dựa vào các triệu chứng của người bệnh gặp phải, người ta chia hội chứng ruột kích thích thành bốn loại:
Hội chứng ruột kích thích thể táo bón
Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy
Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (vừa táo bón, vừa tiêu chảy)
Hội chứng ruột kích thích thể không xác định.
3. Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng (gồm nhiều triệu chứng khác nhau chứ không phải một triệu chứng đơn lẻ). Không xuất hiện tổn thương thực thể nên không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và lao động, làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân. Do thường xuyên bị các cơn đau bụng hành hạ và các triệu chứng rối loạn tiêu hóa nên người bệnh thấy căng thẳng, mất ngủ, mệt mỏi, lo sợ mình mắc bệnh hiểm nghèo.
Một điều đáng mừng là hội chứng ruột kích thích không gây ung thư đại tràng do không làm thay đổi cấu trúc của các mô trong ruột.
Hội chứng ruột kích thích có thể khiến cho các triệu chứng của bệnh trĩ nặng hơn do gây táo bón hoặc tiêu chảy. Ngoài ra, những người mắc căn bệnh này còn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng do cơ thể bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết khi phải kiêng khem một số loại thực phẩm.
hoi-chung-ruot-kich-thich-co-nguy-hiem-khong
Hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người bệnh
4. Ai dễ mắc hội chứng ruột kích thích?
Các thống kê cho thấy căn bệnh hội chứng ruột kích thích thường gặp ở những người trẻ (dưới 50 tuổi), trong đó lứa tuổi mắc nhiều nhất là từ 18 – 30 tuổi, nữ giới dễ bị hơn nam giới (tỷ lệ cao gấp đôi). 
Những người trí thức, học sinh, sinh viên, sống ở thành thị có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với những người công nhân, nông dân sống ở nông thôn.
Hiện nay, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa khi ngày nhiều trẻ em mắc hội chứng ruột kích thích. Có lẽ nguyên nhân là do áp lực của việc học hành, thi cử hoặc những căng thẳng mà trẻ gặp trong gia đình và ngoài xã hội.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị hội chứng ruột kích thích:
- Người hay bị căng thẳng, lo lắng, stress thường xuyên.
- Người gặp một số vấn đề về sức khỏe tâm thần: bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu.
- Những người có thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học.
+ Ăn uống không điều độ: hay bỏ bữa, nhịn ăn hoặc ăn uống thất thường.
+ Ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh: bị ôi thiu, mốc. Các loại đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
- Người mắc các bệnh ở đường tiêu hóa.
- Tiền sử gia đình có người thân bị hội chứng ruột kích thích
5. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích
Những người mắc hội chứng ruột kích thích thường gặp vấn đề về nhu động ruột (tăng giảm thất thường). Khi nhu động ruột tăng (ruột vận động nhanh), thức ăn di chuyển qua ruột nhanh, nước ít được tái hấp thu nên trong ruột sẽ có rất nhiều nước dẫn đến phân lỏng khiến bệnh nhân bị tiêu chảy. Ngược lại, khi nhu động ruột giảm (ruột vận động chậm), lượng nước được tái hấp thu từ ruột vào mạch máu quá nhiều, điều này dẫn đến ruột bị thiếu nước khiến phân bị khô cứng và gây ra hiện tượng táo bón.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích. Bệnh liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như: chế độ ăn uống, tâm lý căng thẳng, các bệnh nhiễm trùng ở đường ruột, rối loạn nội tiết … Các yếu tố này khiến nhu động ruột trở nên bất thường, đường ruột mẫn cảm hơn.
Hai yếu tố chính gây hội chứng ruột kích thích là chế độ ăn uống và tâm lý.
nguoi-bi-hoi-chung-ruot-kich-thich-kieng-an-gi
Chế độ ăn uống cũng góp phần gây ra hội chứng ruột kích thích
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có liên hệ mật thiết với hội chứng ruột kích thích. Thực tế cho thấy, nhiều người có triệu chứng của bệnh sau khi ăn một số loại thực phẩm như: đậu phụ, sô cô la, chất béo, các loại rau: cải bắp, bông cải xanh, bông cải trắng; rượu bia và các loại nước có gas.
Những thói quen ăn uống sau đây làm tăng nguy cơ bị hội chứng ruột kích thích:
- Thiếu chất xơ (ít ăn rau, củ, quả), ăn nhiều đạm (thịt, cá) và các loại thực phẩm khó tiêu.
- Ăn uống không hợp vệ sinh, ăn phải thực phẩm bẩn hoặc thức ăn gây dị ứng.
- Chế độ ăn uống không khoa học: thường xuyên bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ.
Căng thẳng
Căng thẳng cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng ruột kích thích do ruột có liên hệ chặt chẽ với hệ thần kinh. Khi một người bị căng thẳng thì hệ thần kinh trung ương sẽ điều khiển hệ thần kinh thực vật giảm hoạt động của dạ dày và ruột. Nếu chúng ta bị stress do mệt mỏi, khó khăn, áp lực trong công việc và trong cuộc sống, buồn bực, giận dữ thì dễ gây ra hiện tượng đại tràng co thắt quá mức dẫn đến các triệu chứng của bệnh.
Khi bị căng thẳng, sự phối hợp tín hiệu giữa não và ruột bị kém đi, những thay đổi ở hệ tiêu hóa khiến cơ thể phản ứng quá mức, biểu hiện bằng các triệu chứng: đau quặn bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.
cang-thang-dan-den-hoi-chung-ruot-kich-thich
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích
Rối loạn nội tiết
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nội tiết cũng là yếu tố quan trọng góp phần gây ra hội chứng ruột kích thích. Phụ nữ là đối tượng rất dễ bị thay đổi nội tiết do trải qua sinh đẻ và hành kinh hàng tháng, điều này giải thích tại sao tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp hai lần nam giới. Nhiều chị em trong quá trình mang thai, sau khi sinh hoặc cho con bú thì phát hiện bị hội chứng ruột kích thích. Một số phụ nữ trước hoặc sau chu kỳ kinh nguyệt thấy các triệu chứng của bệnh trở nên nặng hơn.
Di truyền
Di truyền không phải là yếu tố phổ biến của hội chứng ruột kích thích. Song có một tỷ lệ nhỏ những người mắc căn bệnh này có liên quan đến yếu tố gia đình. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ở những người bị hội chứng ruột kích thích có sự khác biệt di truyền ở một số gen như: NCAM1, DOCK9, CADM2, BAG6, CKAP2/ TPTE2P3 và PHF2/ FAM120A. Những gen này phổ biến hơn ở những người mắc bệnh.
Các bệnh lý và việc sử dụng một số loại thuốc.
Một số bệnh lý (nhất là các bệnh ở đường ruột) như viêm dạ dày ruột, loạn khuẩn đường ruột (vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột) có thể là yếu tố thuận lợi gây ra hội chứng ruột kích thích.
nguyen-nhan-gay-benh-hoi-chung-ruot-kich-thich
Một số nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích
Các nhà khoa học cũng nhận định giả thuyết về việc những người thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh lúc còn nhỏ cũng làm tăng nguy cơ bị hội chứng ruột kích thích.
Hội chứng ruột kích thích có liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng và lối sống. Vì vậy, để phòng tránh bệnh người dân cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, tránh bị căng thẳng tâm lý. Cần có các giải pháp để giải tỏa stress cho bản thân, nếu nghi ngờ mắc bệnh nên đi khám ở các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, thích hợp, tránh bệnh diễn tiến nặng.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7