top

Danh mục sản phẩm

Siêu biến chủng Omicron của virus Sars – CoV – 2 là gì? Chúng nguy hiểm như thế nào?

02/12/2021 17:44
Siêu biến chủng Omicron của virus Sars – CoV – 2 là gì?
Chúng nguy hiểm như thế nào?
Những ngày vừa qua người dân trên khắp thế giới hồi hộp dõi theo tin tức về một biến thể mới của virus Sars – CoV – 2 có tên là Omicron. Vậy biến thể này là gì? Được tìm thấy ở đâu và chúng nguy hiểm như thế nào?
Biến chủng Omicron là gì? Chúng xuất hiện ở đâu?
Biến chủng Omicron của virus Sars – CoV – 2 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên theo bảng chữ cái Hi Lạp (alpha, beta, gamma, delta …) có tên khoa học là B.1.1.529. Biến chủng này được phát hiện lần đầu tiên tại BotswanaNam Phi vào ngày 09/11/2021 nhưng theo nguồn tin của hãng CNN (Mỹ), các nhà khoa học cho rằng biến thể này có thể đã xuất hiện từ trước đó ở vùng phía nam của sa mạc Sahara ở châu Phi – nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid – 19 rất thấp.
bien-chung-omicron
Omicron - biến thể mới của virus Sars - CoV - 2
Các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận là ở tỉnh Gauteng (thuộc thành phố Johannesburg) của Nam Phi – nơi ghi nhận 77 ca nhiễm đều thuộc biến chủng Omicron, một số ca bệnh khác được tìm thấy ở Botswana (nước láng giềng phía bắc Nam Phi)
Tại châu Á, nơi đầu tiên phát hiện ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron là Hồng Kong, đó là trường hợp ca bệnh một người đàn ông 32 tuổi đến từ Nam Phi, 5 ngày sau, một ca bệnh khác được ghi nhận là người đàn ông 62 tuổi ở dãy phòng đối diện với bệnh nhân 32 tuổi phát hiện trước đó.
Biến chủng Omicron có gì khác biệt so với các biến thể trước đây (alpha và delta)?
Khi phân tích bộ gen của virus Sars – CoV – 2, các bác sĩ thuộc bệnh viện Bambino Gesu (Italy) nhận thấy rằng biến chủng Omicron có tới 43 đột biến gen, nhiều gấp gần 2.5 lần so với biến thể delta (18 đột biến), trong đó đáng chú ý nhất là ở bộ phận protein gai (nơi virus bám vào tế bào cơ thể và bắt đầu quá trình xâm nhiễm) có đến 32 đột biến gen. Điều này dự báo biến chủng Omicron dễ lây nhiễm hơn so với các chủng virus khác trước đây. Các nhà khoa học cho rằng chủng Omicron có tốc độ lây bệnh cao hơn gấp 5 lần (500%) so với biến thể delta. Điều này cũng thể hiện qua con số thống kê về số ca nhiễm tại tỉnh Gauteng. Giới chức nước này cho biết, hôm 11/11/2021 họ ghi nhận 120 ca nhiễm biến chủng mới, đến ngày 28/11 (chỉ sau 17 ngày), số lượng bệnh nhân đã nhảy vọt lên 2.308 người.
bien-the-omicron-co-nguy-hiem-khong
Sự khác nhau giữa biến thể Omicrondelta
Số lượng đột biến lớn trên biến chủng này đã cho thấy có vẻ virus Sars – CoV – 2 đã trở nên thích nghi tốt hơn với cơ thể người. Và chúng cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho chúng ta: Omicron có khả năng né tránh hệ miễn dịch của cơ thể (tức là hệ miễn dịch không còn khả năng nhận biết được virus) hay không? Omicron có làm mất tác dụng của các loại vắc xin phòng Covid – 19 đang lưu hành trên Thế giới hiện nay hay không?
Hiện tại, vẫn còn quá sớm để khẳng định các vấn đề trên do đây là biến chủng mới xuất hiện, các nhà Khoa học vẫn cần thêm thời gian để thu thập các thông tin liên quan đến biến thể này.
Người mắc biến chủng Omicron có triệu chứng gì?
Theo Tiến sĩ Angelique CoetzeeChủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi (SAMA), vị bác sĩ được xem là người đầu tiên phát hiện ra sự tồn tại của biến thể Omicron. Bà cho biết: trong số 20 bệnh nhân mà bà điều trị (đa phần là nam giới trẻ tuổi, một nửa trong số họ chưa được tiêm phòng vắc xin). Họ có triệu chứng khác nhau, nhưng có điểm chung là đều ở thể nhẹ, tất cả họ đều thấy cơ thể rất mệt mỏi, một số bị ho nhẹ, đau cơ từ 1 – 2 ngày. Một điểm khác biệt đáng lưu ý là: không ai trong số họ bị mất vị giác hay khứu giác.
trieu-chung-cua-nguoi-mac-bien-the-omicron
Các triệu chứng điển hình của người mắc biến thể Omicron
Biến chủng Omicron có nguy hiểm không?
Cho đến nay, theo quy luật tiến hóa của virus và dựa vào diễn biến của các bệnh nhân đã từng nhiễm biến thể Omicron. Các chuyên gia đều có chung nhận định rằng: Biến chủng mới Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ trước đây, nhưng ít gây ra các triệu chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận, cần ít nhất 2 tuần nữa để đưa ra các nhận định tiếp theo, khi số ca nhiễm tăng lên, trên những đối tượng nhạy cảm hơn (người cao tuổi, người có bệnh lý nền, trẻ em …)
Theo Giáo sư Karl Lauterbach (người Đức): Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai (cao gấp đôi so với biến chủng delta) cho thấy khả năng lây nhiễm của nó được tối ưu hóa, nhưng lại ít gây bệnh nghiêm trọng hơn.
Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi – nơi phát hiện biến chủng này cho biết: các triệu chứng của Omicron nhẹ hơn rất nhiều so với các biến thể trước đây. Đa số các bệnh nhân chỉ bị mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, chưa có trường hợp nào phải nhập viện hoặc tử vong.
Còn theo bác sĩ Angelique Coetzee, trong số 7 nhân mà bà từng điều trị họ có triệu chứng chung là mệt mỏi, đau cơ, ngứa họng, ho khan, không ai bị giảm SPO2 (nồng độ oxy bão hòa trong máu) và không bị mất vị giác, khứu giác. Tất cả họ đều khỏe hơn sau 2 – 3 ngày và hồi phục nhanh tại nhà. Ngoài ra, vị bác sĩ này còn có một trường hợp bệnh nhân nhi 6 tuổi nhập viện với các triệu chứng rất kỳ lạ: sốt cao, nhịp tim nhanh, nhưng sau 2 ngày theo dõi, cô bé đã ổn hơn rất nhiều.
bien-the-omicron-co-nguy-hiem-khong
Đặc điểm của biến chủng Omicron
Điều đáng lo ngại nhất về Omicron là biến thể này mang nhiều đột biến có khả năng chống lại các kháng thể phòng bệnh Covid – 19. Theo Hatziioannou – nhà virus học làm việc tại Đại học Rockerfelle (NewYork – Mỹ), nhóm nghiên cứu của bà có thể tạo ra các đột biến gai giống như các protein gai đột biến của biến chủng Omicron (những protein gai này có khả năng chống lại kháng thể ngừa bệnh Covid – 19). Nói cách khác Omnicron có nhiều đột biến tương tự như những đột biến mà phòng thí nghiệm của bà đang nghiên cứu. Sự trùng hợp trên khiến nhà khoa học này lo ngại rằng chủng biến thể mới này có thể né tránh được một số kháng thể mà con người có được từ việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid – 19 hoặc hồi phục sau khi đã khỏi bệnh. Điều này dấy lên lo ngại về việc Omnicron có thể làm giảm hoặc mất tác dụng phòng bệnh của một số loại vắc xin hoặc xuất hiện các trường hợp người bị tái nhiễm Covid – 19 sau khi đã khỏi bệnh.
Bà Hatziioannou cũng nói thêm rằng việc tiêm các mũi vắc xin tăng cường giúp tăng lượng kháng thể trong máu, qua đó cơ thể có thể đủ sức chống lại các biến chủng mới như Omicron.
Trước những diễn biến hết sức quan ngại của biến thể Omicron, hàng loạt các quốc gia đã đưa ra các biện pháp ứng phó với đại dịch. Các nước như Anh, Nhật Bản, Mỹ, Liên Minh Châu Âu và một số nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Singapore) đã siết chặt các lệnh hạn chế đi lại với hành khách là công dân Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Zambia, Malawi. Thậm chí chính phủ Anh còn xếp một số nước này vào danh sách đỏ cấm nhập cảnh vào Anh. Nhật Bản thì nâng mức độ cảnh báo đối với biến thể Omicron lên mức cao nhất đồng thời áp dụng quy định những người trở về từ các quốc gia này phải cách ly tập trung trong vòng 10 ngày tại cơ sở do chính phủ lựa chọn.
cac-quoc-gia-ung-pho-voi-bien-the-omicron
Các quốc gia ứng phó với biến chủng Omicron
Dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, tránh hoang mang trước những tin tức không được xác thực bởi các cơ quan chức năng. Việc mỗi người cần làm là thuân thủ các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y Tế, tiếp tục thực hiện nguyên tắc 5K, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, cập nhật tin tức thường xuyên về diễn biến của dịch qua các nguồn tin chính thống của ngành y tế.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7