top

Danh mục sản phẩm

Rụng tóc nhiều là dấu hiệu của bệnh gì? Nguyên nhân gây rụng tóc

16/06/2023 16:57
Rụng tóc nhiều là dấu hiệu của bệnh gì?
Nguyên nhân gây rụng tóc
Rụng tóc là một hiện tượng rất phổ biến, gặp ở cả nam giới và nữ giới, xảy ra ở mọi lứa tuổi, song thường gặp nhất là ở người trung niên và cao tuổi. Rụng tóc, đa phần không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng trong một số trường hợp rụng tóc là dấu hiệu bệnh lý của một số bệnh hoặc vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
rung-toc-nhieu-la-benh-gi
Rụng tóc đôi khi là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng
Vậy tại sao lại diễn ra hiện tượng rụng tóc? Và nguyên nhân nào gây rụng tóc?
Tại sao lại bị rụng tóc?
Rụng tóc là một quá trình tự nhiên trong chu kỳ phát triển của tóc, trong đó các sợi tóc cũ rụng đi và được thay thế bằng những sợi tóc mới. Thông thường, tóc có thời gian sống dao động trong khoảng từ 8 tháng đến 5 năm, sau đó chúng sẽ bị rụng và các sợi tóc mới mọc lên.
Mỗi ngày, trung bình một người có thể rụng từ 50 – 100 sợi tóc. Nếu lượng tóc rụng hàng ngày nhiều hơn 100 sợi hoặc lượng tóc mọc mới ít hơn lượng tóc rụng dẫn đến xuất hiện một mảng hói lớn trên da đầu hoặc mái tóc nhìn thưa thấy rõ chân tóc thì đó là dấu hiệu của rụng tóc do bệnh lý.
Có mấy loại rụng tóc?
Rụng tóc được chia thành hai loại là rụng tóc sinh lýrụng tóc bệnh lý
Rụng tóc sinh lý
Rụng tóc sinh lý là hiện tượng rụng tóc bình thường của cơ thể, không do bất kỳ yếu tố tác động nào. Đó chỉ đơn giản là sự kết thúc chu trình sống của tóc. Mỗi sợi tóc có tuổi thọ từ 2 – 5 năm, sau đó chúng sẽ già đi và rụng, lớp tóc cũ rụng xuống sẽ được thay thế bởi lớp tóc mới mọc lên. Vì vậy nếu mỗi ngày chúng ta bị rụng từ 30 – 100 sợi tóc thì điều này không có gì đáng lo ngại. Đây chính là hiện tượng rụng tóc sinh lý, cũng giống như “tre già măng mọc”.
Rụng tóc bệnh lý
Rụng tóc bệnh lý là tình trạng rụng tóc với số lượng lớn (trên 100 sợi mỗi ngày). Rụng tóc bệnh lý thường liên quan đến tuổi tác và không bắt nguồn từ nguyên nhân viêm nhiễm. 
Rụng tóc bệnh lý thường có đặc điểm:
- Tóc rụng không rõ nguyên nhân, lượng tóc rụng nhiều hoặc tăng dần liên tục trong thời gian dài (vài tháng). Dấu hiệu nhận biết tóc bị rụng nhiều là sau khi gội đầu hoặc chải tóc thấy tóc bám vào lược hoặc rụng thành từng nhúm. Đặc biệt là khi tóc khô, nếu dùng tay vuốt thì thấy tóc rụng nhiều và bị vướng vào các kẽ ngón tay.
- Tóc rụng nhiều và liên tục nhưng không mọc lại hoặc mọc rất ít. Hậu quả là mái tóc ngày càng mỏng và thưa dần. 
- Sợi tóc ngày càng yếu ớt, mỏng manh dễ bị đứt gãy hoặc rụng cả gốc. Ở nam giới, tóc có thể rụng thành từng mảng gây hiện tượng hói đầu nhẹ. Còn ở nữ giới, tóc thưa nhìn thấy rõ cả mảng da đầu.
- Sau khi tóc bị rụng, các sợi tóc con mọc lên nhiều nhưng rất yếu ớt, mảnh mai, có trường hợp xoăn tít và rụng. Điều này báo hiệu rằng tóc khó có khả năng mọc dài hơn và nguyên nhân có thể là do cơ thể đang bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết khiến khiến tóc không phát triển bình thường được.
- Rụng tóc kèm theo hiện tượng da đầu bị bong tróc, ngứa ngáy, xuất hiện nhiều nốt ban hồng trên đầu. Đây có thể là trường hợp rụng tóc gây ra bởi nấm da đầu. Lúc này, người bệnh cần khám chuyên khoa da liễu để biết nguyên nhân chính xác và có phương pháp điều trị.
rung-toc-nhieu-co-phai-la-benh-khong
Rụng tóc sinh lý và rụng tóc bệnh lý
Nguyên nhân gây rụng tóc
Có rất nhiều nguyên nhân gây rụng tóc. Các nguyên nhân phổ biến là: rối loạn nội tiết, thiếu dinh dưỡng, căng thẳng stress, di truyền, ảnh hưởng của các loại hóa chất làm tóc.
Bệnh lý ở tuyến giáp
Tuyến giáp giữ vai trò quan trọng đối với các hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Các hormone tuyến giáp cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và duy trì hoạt động của các nang tóc (những túi nhỏ nằm ngay bên dưới da đầu, là nơi tóc hình thành và phát triển).
Khi mắc bệnh tuyến giáp (bệnh cường giáp hoặc suy giáp), lượng hormone tuyến giáp bị mất cân bằng khiến cho quá trình trao đổi chất bị cản trở, hậu quả là nhiều nang tóc không hoạt động khiến tóc mọc ít và thưa dần.
Ở bệnh nhân bị suy tuyến giáp, quá trình tiết bã nhờn trên da đầu kém hơn so với người bình thường. Khi đó, da đầu không có đủ lượng dầu tự nhiên để nuôi dưỡng tóc dẫn đến hiện tượng tóc khô yếu và dễ bị gãy, rụng. Mặt khác, lượng hormone của tuyến giáp tiết ra giảm đi khiến thời gian mọc tóc kéo dài hơn, tóc bị rụng khó mọc trở lại.
Với người bị cường giáp, lượng hormone tuyến giáp tăng cao khiến cho chu kỳ mọc tóc bị gián đoạn, các nang tóc bị ảnh hưởng dẫn đến giảm khả năng nuôi dưỡng tóc. Hậu quả là tóc bị khô xơ và dễ gãy rụng hơn.
Bên cạnh đó, người bị cường giáp phải sử dụng một số loại thuốc kháng giáp như: methimazole, propylthiouracil (PTU). Tác dụng phụ của các thuốc này là gây rụng tóc.
rung-toc-do-mac-benh-tuyen-giap
Bệnh lý tuyến giáp gây rụng tóc
Rối loạn nội tiết (mất cân bằng hormone): thường gặp ở nữ nhiều hơn trong các trường hợp: sau khi sinh con, ngừng sử dụng thuốc tránh thai, mắc hội chứng buồng trứng đa nang, hoặc bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.
- Ở người bị buồng trứng đa nang, lượng hormone DHT (Dihydrotestosterone) được tiết ra nhiều làm cho các nang tóc bị thiếu dinh dưỡng, kết quả là tóc trở nên yếu ớt hơn, dễ bị rụng, mái tóc mỏng dần và khó mọc lại. Mặt khác, hormon này còn gây ra tình trạng da đầu tiết bã nhờn nhiều hơn, chân tóc bị bít lại, tóc dễ rụng hơn.
- Phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh cũng hay bị rụng tóc
Các nghiên cứu khoa học cho thấy trong giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ rất dễ bị rụng tóc. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do sự mất cân bằng nội tiết. Khi bước vào thời kỳ này, quá trình sản xuất các hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone bị giảm xuống – đây là những hormone giữ vai trò kích thích giúp tóc mọc nhanh hơn và tồn tại trên da đầu trong thời gian lâu hơn. Kết quả là tóc mọc chậm và nhanh bị rụng khiến mái tóc mỏng hơn. Lúc này, cơ thể phụ nữ lại gia tăng quá trình sản xuất nội tiết tố nam, điển hình là androgen khiến các nang tóc bị thu nhỏ lại dẫn đến hiện tượng rụng tóc trên đầu. Trong một số trường hợp, hormone androgen lại gây ra tình trạng mọc nhiều lông trên mặt. Điều này giải thích vì sao ở một số chị em mãn kinh xuất hiện lông tơ màu hồng đào trên mặt và cằm.
- Ngừng sử dụng thuốc tránh thai
Đa số các loại thuốc tránh thai phổ biến hiện nay: thuốc tránh thai hàng ngày, thuốc tránh thai khẩn cấp đều có thành phần là các nội tiết tố nữ. Khi mới uống hoặc ngừng sử dụng các loại thuốc này sẽ gây ra tình trạng rối loạn nội tiết, điều này dẫn đến hiện tượng tăng tiết bã nhờn của da đầu khiến tóc dễ bị gãy rụng hơn. Khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai, có thể dẫn đến rụng tóc đột ngột. Tuy nhiên, sau 6 tháng hiện tượng trên sẽ giảm dần khi cơ thể đã điều chỉnh lại lượng nội tiết tố.
roi-loan-noi-tiet-gay-rung-toc
Rối loạn nội tiết là nguyên nhân chính gây rụng tóc
Thói quen chăm sóc tóc không tốt
Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc. Việc thường xuyên uốn, sấy tóc, buộc tóc quá chặt (thắt bím tóc, buộc tóc sát da đầu) khiến chân tóc bị tổn thương và nhanh gãy rụng.
Một thói quen nguy hại khác gây rụng tóc là việc nhuộm tẩy tóc. 
Theo các chuyên gia về tóc, nhuộm tóc là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc. Thông thường, trước khi nhuộm tóc bạn phải tẩy màu của tóc trước đó, việc này khiến cho tóc bị khô do không giữ được độ ẩm vốn có, kèm theo đó hóa chất tẩy mạnh khiến da dầu bị bong tróc. Tất cả các yếu tố này khiến tóc bị gãy rụng hàng loạt.
Các thành phần trong thuốc nhuộm khiến cho tóc bị xơ cứng, khi tác động vào mái tóc rất dễ dẫn đến rụng tóc. Mặt khác, nhiều người khi nhuộm tóc còn kết hợp thêm sấy tóc. Dưới tác động của hóa chất và nhiệt độ cao, tóc càng nhanh gãy rụng hơn.
Một yếu tố khác cũng có thể gây rụng tóc là sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp như: các loại dầu gội, dầu dưỡng tóc … Nếu rụng tóc đến từ nguyên nhân này hãy thử thay đổi sản phẩm khác.
Thiếu máu, thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu cho tóc
Quá trình nuôi dưỡng tóc cần rất nhiều dưỡng chất để có một mái tóc chắc khỏe. Trong khi đó, với phụ nữ, do phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển như: hành kinh, mang thai, sinh đẻ hoặc do ăn uống không đủ dinh dưỡng nên bị thiếu hụt các chất này. Khi các nang tóc bị thiếu chất dinh dưỡng cần thiết, tóc không được nuôi dưỡng tốt dẫn đến thiếu sức sống, dễ bị gãy rụng hơn bình thường.
Các chất dinh dưỡng tiêu biểu cần thiết cho tóc phát triển có thể kể đến như: sắt, kẽm, biotin (vitamin B7) và một số loại vitamin và khoáng chất khác. Khi bị thiếu hụt các chất này, tóc sẽ rụng nhiều hơn, các sợi tóc mỏng, yếu, xơ xác và kém sức sống.
thuoc-nhuom-toc-co-gay-rung-toc-khong
Nhuộm tóc cũng là nguyên nhân gây rụng tóc
Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh
Rụng tóc còn xuất phát từ nguyên nhân do tác dụng phụ của một số loại thuốc như: thuốc điều trị bệnh ung thư, viêm khớp dạng thấp, thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch – huyết áp, thuốc điều trị gút.
- Đa số bệnh nhân ung thư bị rụng tóc trong quá trình điều trị, đặc biệt là hóa trị. Hóa trị là phương pháp đưa hóa chất vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Quá trình này khiến cho nhiều nang lông (cấu trúc giúp sinh ra và phát triển tóc) bị chết do các thuốc hóa trị không phân biệt được giữa tế bào ung thư và tế bào lành (khỏe mạnh).
- Các thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp, thuốc chống đông máu, thuốc điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp cũng có thể gây rụng tóc.
- Một số loại thuốc điều trị viêm gan cũng gây ra hiện tượng dụng tóc: interferon gây rụng tóc tạm thời, ribavirin gây rụng tóc kéo dài.
Rối loạn hệ miễn dịch
Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, chúng dễ nhầm lẫn các nang tóc là yếu tố lạ (yếu tố ngoại lai) xâm nhập. Khi đó, hệ miễn dịch sẽ sinh ra các kháng thể để chống lại chính các tế bào nang tóc này khiến chúng bị tiêu diệt, hậu quả là tế bào mầm tóc bị hủy hoại dẫn đến hiện tượng tóc rụng sớm và nhanh hơn bình thường.
Một số bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch như: viêm đa khớp dạng thấp (thấp khớp), vẩy nến, lupus ban đỏ.
Lupus ban đỏ là một trong những bệnh gây rụng tóc nhiều nhất. Ngoài việc cơ thể tấn công vào tế bào và các mô của chính nó, bệnh còn làm giảm số lượng các tế bào máu dẫn đến thiếu máu. Các nang tóc bị thiếu dưỡng chất do việc giảm lưu lượng máu dẫn đến tóc bị yếu và rụng. Mặt khác, việc sử dụng các thuốc corticosteroid trong điều trị lupus ban đỏ cũng là nguyên nhân góp phần gây ra quá trình rụng tóc.
Stress (căng thẳng), áp lực
Một số người bị rụng tóc do thường xuyên chịu áp lực trong công việc và cuộc sống, căng thẳng, hoặc sau khi trải qua một cú sốc về thể chất hoặc tinh thần. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: sau khi sinh đẻ, phẫu thuật hoặc vừa khỏi bệnh … cũng khiến tóc bị yếu và dễ gãy rụng. Tuy nhiên, hiện tượng rụng tóc này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi vượt qua được giai đoạn trên thì quá trình rụng tóc sẽ hết, tóc sẽ phát triển lại bình thường trong vòng 6 – 9 tháng sau đó.
nguyen-nhan-gay-rung-toc
Các nguyên nhân chính gây rụng tóc
Viêm nhiễm da đầu
Trong một số trường hợp, có thể xuất hiện các loại nấm tóc sống ký sinh trên da đầu (ở các tế bào chết của tóc). Chúng dễ lây lan ra toàn bộ da đầu dẫn đến viêm da đầu, nhiễm trùng da, điều này khiến cho tóc thưa yếu và dễ bị rụng. Tình trạng nấm tóc nếu không được điều trị dứt điểm có thể gây rụng tóc thành từng mảng lớn dẫn đến hói đầu.
Qua các phân tích trên, chúng ta thấy rằng rụng tóc có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định chính xác nguyên nhân giúp cho quá trình điều trị rụng tóc bệnh lý mang lại hiệu quả cao hơn. Để hạn chế hiện tượng rụng tóc, nên bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể cũng như cho tóc. Không sử dụng các biện pháp chăm sóc dễ gây hại cho tóc như: hấp nhuộm tóc, uốn sấy tóc, tết tóc quá chặt. Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp với da đầu.
Rụng tóc tuy không nguy hiểm đến tính mạng, song lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý người bệnh. Vì vậy, khi bị rụng tóc, cần điều trị tích cực để mang lại sự tự tin và lạc quan cho bệnh nhân.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7