top

Danh mục sản phẩm

Những việc quan trọng bệnh nhân và người nhà cần làm khi trong gia đình có người bị F0 (nhiễm bệnh Covid – 19)

26/12/2021 11:33
Những việc quan trọng bệnh nhân và người nhà cần làm khi trong gia đình
có người bị F0 (nhiễm bệnh Covid – 19)
Hiện nay, dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Mỗi ngày nước ta ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới, trong đó có nhiều tỉnh thành có số ca nhiễm cao như Hà Nội (trên 1.000 ca mỗi ngày). Với số ca mắc mới cao như vậy, bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm Covid – 19 và trở thành F0 nếu không biết tự bảo vệ mình. Vì vậy, việc mỗi người cần làm là chuẩn bị sẵn một số vật dụng, thuốc men trong nhà và quan trọng hơn là nắm được các nguyên tắc khi điều trị F0 tại nhà để tránh lây nhiễm chéo cho các thành viên khác trong gia đình và nâng cao hiệu quả điều trị.
Trường hợp trong gia đình có người bị nhiễm Covid – 19 được cách ly và điều trị tại nhà thì chúng ta nên và không nên làm gì?
Khi chưa có người bị nhiễm Covid – 19 (chưa có F0)
Mỗi gia đình cần chuẩn bị sẵn các vật dụng sau:
Khẩu trang 
Khẩu trang y tế (tốt nhất dùng khẩu trang sử dụng một lần)
Găng tay y tế
Tấm kính chắn giọt bắn.
Xà phòng rửa tay và các dung dịch sát khuẩn tay nhanh
Thùng đựng rác thải y tế (có nặp đậy) và có sẵn túi đựng rác thải
Nhiệt kế (có thể sử dụng nhiệt kế điện tử hoặc nhiệt kế thủy ngân)
Máy đo nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2)
Các vật dụng cá nhân sử dụng một lần: bát đĩa, cốc, thìa …
Để hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, chúng ta cần chuẩn bị các đồ dùng cá nhân sử dụng một lần (nhất là các vật dụng liên quan đến ăn uống, vệ sinh cá nhân của người bệnh). Sau khi dùng xong có thể loại bỏ ngay, không cần vệ sinh lại, tránh lây nhiễm chéo.
f0-can-chuan-bi-nhung-gi
Một số dụng cụ cần thiết chuẩn bị trong gia đình có F0 cách ly tại nhà
Một số loại thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y Tế
- Thuốc hạ sốt: Paracetamol loại viên cho người lớn và gói bột hoặc viên đạn đặt hậu môn cho trẻ em.
- Thuốc xịt rửa mũi họng: nước muối sinh lý, nước muối biển sâu, dung dịch Betadine súc họng.
- Thuốc chống dị ứng
Có thể sử dụng một trong các loại: loratadine, desloratadine, fexofenadine hoặc clopheniramin maleat.
- Thuốc bổ, vitamin và khoáng chất
Mỗi gia đình nên chuẩn bị thêm các chế phẩm bổ sung chất điện giải (Oresol), bổ sung sắt, kẽm, canxi, vitamin C, vitamin nhóm B.
Lưu ý: Ngoài các thuốc cá nhân chuẩn bị, còn có các loại thuốc do y tế địa phương cấp phát cho F0 theo quy định của Bộ Y Tế. Các túi thuốc này được ký hiệu là A, B, C. 
Gói thuốc A là những thuốc thông dụng (thuốc hạ sốt và nâng cao thể trạng): Paracetamol, vitamin tổng hợp, vitamin C.
Gói thuốc B: Gồm các thuốc chống viêm nhóm Corticoid, thuốc chống đông máu. Các thuốc này chỉ sử dụng trong trường hợp đặc biệt và phải do bác sĩ trực tiếp đánh giá và kê đơn cho bệnh nhân. Thuốc chỉ sử dụng một liều duy nhất khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng.
Gói thuốc C: Là các thuốc kháng virus như Molnupiravir, Favipiravir
Đây là các thuốc được cấp phát theo quy định của Bộ Y Tế, bệnh nhân dùng thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Các thuốc này vẫn chưa được cấp phép lưu hành rộng rãi trên thị trường.
tui-thuoc-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-f0-tai-nha
3 loại túi thuốc A, B, C điều trị bệnh Covid - 19
Khi có người bị nhiễm Covid – 19 (có F0)
Chuẩn bị phòng cách ly cho người bệnh. Phòng cách ly cần đáp ứng các tiêu chí sau:
Phải riêng biệt với các phòng khác, có cửa sổ thông thoáng. Phòng cách ly không dùng điều hòa trung tâm thông với các phòng khác và không được để không khí thổi từ phòng cách ly sang các phòng sinh hoạt chung khác.
Có biển cảnh báo “KHU VỰC CÁCH LY” đặt trước cửa phòng và trước cửa nhà 
Có nhà vệ sinh riêng, trong nhà vệ sinh phải có xà phòng rửa tay và các chất sát khuẩn tay nhanh.
Có thùng rác cá nhân (loại có nắp đậy), túi đựng chất thải
Có bàn hoặc ghế cá nhân đựng đồ tiếp tế đặt trước cửa phòng
Có sẵn các loại thuốc thiết yếu và một số dụng cụ y tế như trên
Có số điện thoại của y tế địa phương (trạm y tế lưu động hoặc tổ phản ứng nhanh Covid) để liên lạc khi cần thiết.
phong-cach-ly-f0-tai-nha
Yêu cầu đối với phòng cách ly bệnh nhân Covid - 19
Những việc người bệnh tuyệt đối không nên làm để tránh lây nhiễm bệnh cho người thân trong gia đình
Không tự ý ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly tại nhà.
Không ăn uống cùng với người khác
Không tiếp xúc gần với người khác và vật nuôi trong nhà
Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người khác: bát, đũa, thìa, đĩa, cốc uống nước, khăn tắm, đồ vệ sinh cá nhân
Hướng dẫn xử lý một số triệu chứng đơn giản của người bệnh
Sốt
Khi cơ thể sốt trên 38.5ºC hoặc có các triệu chứng: đau đầu, đau cơ, đau nhức mình mẩy thì cần dùng thuốc hạ sốt, giảm đau. Thông dụng nhất là dùng Paracetamol dạng viên cho người lớn và dạng gói bột pha nước uống cho trẻ em với liều 10 – 15 mg/kg/lần. Sau mỗi 4 – 6 giờ nếu tình trạng sốt lặp lại, có thể dùng liều như trên. Mỗi ngày không dùng quá 4 lần 
Trong khi sốt, có thể cho bệnh nhân uống thêm dung dịch bù nước và chất điện giải (oresol), kết hợp với các biện pháp hạ sốt khác như: chườm nóng …
Nếu sau khi cho bệnh nhân dùng thuốc 2 lần mà vẫn không thấy đỡ thì cần thông báo cho cơ quan y tế quản lý bệnh nhân Covid – 19 để được hướng dẫn. 
Ho
Các loại thuốc ho được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ hoặc nhân viên y tế.
F0 có triệu chứng nào thì cần thông báo cho nhân viên y tế?
Khi bệnh nhân có một trong các triệu chứng sau thì cần báo ngay cho nhân viên y tế
Khó thở, nhịp thở tăng
Bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, thở hụt hơi, trẻ em thở bất thường: khò khè, thở rít, phập phồng cánh mũi, thở rút lõm lồng ngực. Hoặc khi nhịp thở tăng (người lớn: ≥ 21 lần/phút; trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: > 30 lần/phút; trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi: nhịp thở > 40 lần/phút).
Mạch nhanh, huyết áp tụt, nồng độ oxy bão hòa trong máu giảm
Mạch nhanh (trên 120 nhịp/phút) hoặc chậm (dưới 50 lần/phút)
Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg
Nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2 < 96%).
Thay đổi ý thức
Bệnh nhân mệt vừa hoặc mệt lả, người lơ mơ, lú lẫn, ngủ rũ, trẻ em quấy khóc, ngủ li bì khó đánh thức, bị co giật.
Trẻ em có biểu hiện: sốt cao, mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi đỏ, các ngón tay ngón chân bị nổi ban đỏ, sưng phù, xuất hiện các nốt hoặc mảng xuất huyết.
Người bị tím môi hoặc tím các đầu móng tay, da xanh xao, môi nhợt nhạt, sờ các đầu ngón tay, ngón chân thấy lạnh.
Bệnh nhân không tự uống được, trẻ em bú kém, ăn uống kém, nôn.
khi-nao-can-chuyen-f0-den-benh-vien
Các dấu hiệu chuyển nặng của F0 cần đưa đến bệnh viện điều trị Covid - 19
F0 cách ly tại nhà, khi nào thì cần nhập viện điều trị?
Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Y Tế, bệnh nhân Covid – 19 được chia thành 3 mức độ khác nhau, tương ứng với 3 tầng điều trị
Tầng 1: Dành cho những bệnh nhân nhẹ
Các cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid – 19 (Bệnh viện điều trị Covid – 19 cấp 1). Tầng này điều trị cho những bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng. Nhiệm vụ chính của các cơ sở này là tiếp nhận các bệnh nhân, phát hiện sớm tình trạng tăng mức độ bệnh, xử trí cấp cứu: thở oxy, chuyển tuyến cho người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn và chăm sóc bệnh nhân.
Tầng 2: Dành cho những bệnh nhân vừa
Bệnh viện điều trị Covid – 19 cấp 2. Tầng này điều trị cho những bệnh nhân ở mức độ vừa. Chức năng của những cơ sở ở tầng này là phát hiện sớm tình trạng tăng nặng của các F0, xử trí cấp cứu: thở oxy HFNC, chuyển tuyến bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và chăm sóc bệnh nhân.
Tầng 3: Dành cho những bệnh nhân nặng, nguy kịch
Bệnh viện điều trị Covid – 19 cấp 3. Đó là những trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tiếp nhận các bệnh nhân phải thở máy xâm nhập, không xâm nhập, lọc máu hoặc phải chạy ECMO (hệ thống hô hấp, tuần hoàn ngoài cơ thể)
thap-3-tang-dieu-tri-covid-19
Tháp 3 tầng điều trị bệnh nhân Covid - 19
Khi bệnh nhân có các dấu hiệu của việc tăng nặng: mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở (chỉ số SpO2 trong máu giảm xuống mức dưới 96%), … thì cần liên hệ ngay với cơ sở ban đầu tiếp nhận bệnh nhân Covid – 19 của địa phương để được hướng dẫn cách xử trí kịp thời. Tại đây, nhân viên y tế sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh nhân để quyết định việc phân tầng điều trị.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, việc mỗi người dân cần làm là tuân theo các hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y Tế: nguyên tắc 5K, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không thật cần thiết. Nếu trường hợp không may trở thành F0 hoặc trong gia đình có người bị nhiễm Covid – 19, cần bình tĩnh để xử trí, tránh hoảng loạn dẫn đến các các việc làm không tốt.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7