top

Danh mục sản phẩm

Người mẫu Đức Tiến qua đời do nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là bệnh gì? Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?

25/05/2024 08:16
Siêu mẫu Đức Tiến qua đời do nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là bệnh gì? Bệnh nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?
Triệu chứng và cách phòng bệnh nhồi máu cơ tim
Ngày 19/5 vừa qua, sự việc nam diễn viên, người mẫu Đức Tiến qua đời đột ngột tại Mỹ ở tuổi 44 đã khiến cộng đồng mạng hết sức bàng hoàng và xót xa. Theo bạn bè và gia đình Đức Tiến, anh được các bác sĩ kết luận là mất do bị nhồi máu cơ tim. Vậy nhồi máu cơ tim là bệnh gì và nguy hiểm như thế nào?
1. Bệnh nhồi máu cơ tim là gì?
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc Gia: Bệnh nhồi máu cơ tim cấp (hay đột quỵ tim) là tình trạng các cơ tim bị hoại tử do một hoặc nhiều nhánh động mạch vành (mạch máu nuôi tim) bị tắc nghẽn dẫn đến thiếu máu cơ tim cục bộ khiến cơ tim bị tổn thương làm xuất hiện các cơn đau thắt ngực.
benh-nhoi-mau-co-tim
Bệnh nhồi máu cơ tim
Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 800.000 người bị nhồi máu cơ tim, hầu hết các bệnh nhân đều mắc bệnh động mạch vành – đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở quốc gia này.
Ở nước ta, hằng năm có hơn 200.000 người tử vong do các bệnh lý về tim mạch, trong đó có khoảng 85% trường hợp là do nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
2. Bệnh nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, diễn tiến nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Đây là một cấp cứu y khoa, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề về tim mạch. PGS Hùng cho biết: điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh để có biện pháp xử trí thích hợp.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, nhồi máu cơ tim có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như: suy tim nặng, sốc tim, rối loạn nhịp tim, hở van tim nặng, thủng cơ tim dẫn đến vỡ tim. Bệnh nhân có thể đột tử ngay lập tức hoặc rơi vào trạng thái suy hô hấp nặng, chức năng tim suy giảm nghiêm trọng không thể hoạt động bình thường, hoại tử cơ tim.
benh-nhoi-mau-co-tim-co-nguy-hiem-khong
Các biến chứng của bệnh nhồi máu cơ tim
3. Nguyên nhân gây ra bệnh nhồi máu cơ tim
Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhồi máu cơ tim là tắc động mạch vành do xơ vữa mạch máu. Đó là hiện tượng các mảng xơ vữa (có thể là cholesterol xấu, canxi hoặc mảnh vỡ của tế bào) tích tụ lâu ngày trong thành mạch gây hẹp động mạch. Đến một thời điểm nào đó, những mảng xơ vữa này nứt vỡ bong ra dẫn đến nguy cơ hình thành cục máu đông, cản trở sự lưu thông máu trong động mạch vành. Hậu quả là lượng máu đến tim bị giảm hoặc ngưng hoàn toàn, cơ tim bị thiếu oxy dẫn đến hoại tử.
4. Những người dễ bị nhồi máu cơ tim
Theo các chuyên gia về tim mạch thì bệnh nhồi máu cơ tim thường gặp ở người lớn tuổi bởi lứa tuổi này các mạch máu hay bị xơ cứng do độ đàn hồi kém, thêm vào đó tình trạng xơ vữa mạch máu (phổ biến ở người cao tuổi) gây hẹp lòng động mạch. Điều này khiến tim phải hoạt động (co bóp) nhiều hơn để đẩy máu vào động mạch do sức cản của các mảng xơ vữa trong mạch máu. Hậu quả là tim bị dày hơn nên cần nhiều máu hơn để nuôi dưỡng trong khi các mạch máu nuôi tim bị hẹp lại, lượng máu cung cấp cho tim ít đi, các cơ tim bị thiếu máu dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim. Biến chứng nặng nề nhất của nhồi máu cơ tim là suy tim, sốc tim. Khi đó chức năng co bóp, đẩy máu đến các cơ quan trong cơ thể bị giảm hoặc mất hoàn toàn làm cho bệnh nhân có thể bị tử vong bất cứ lúc nào nếu không được cấp cứu kịp thời.
Thời gian gần đây, bệnh nhồi máu cơ tim có xu hướng trẻ hóa. Bệnh viện Tim Hà Nội từng cấp cứu nhiều người bị nhồi máu cơ tim chưa đến 40 tuổi.
Theo thống kê của các bệnh viện lớn trong cả nước, hiện nay tỷ lệ người trẻ (dưới 45 tuổi) bị nhồi máu cơ tim đã tăng lên mức 10.5% và cả ở những người rất trẻ (dưới 35 tuổi) là 1.8%. Các bác sĩ từng ghi nhận có trường hợp còn rất trẻ (bệnh nhân mới 26 tuổi) đã bị nhồi máu cơ tim nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Đây là con số báo động về độ trẻ hóa và mức độ nguy hiểm của căn bệnh này đối với giới trẻ.
nhung-nguoi-de-bi-nhoi-mau-co-tim
Những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim
Những đối tượng sau đây dễ bị nhồi máu cơ tim:
Người cao tuổi
Bất cứ ai cũng có thể bị nhồi máu cơ tim, tuy nhiên, người cao tuổi (nam giới trên 45 tuổi, nữ giới trên 50 tuổi) có nguy cơ cao hơn so với những đối tượng khác.
Có người thân bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ sớm
Những người có người thân trong gia đình bị nhồi máu cơ tim (bố hoặc anh em trai bị nhồi máu cơ tim trước năm 55 tuổi, mẹ hoặc chị em gái bị nhồi máu cơ tim trước năm 65 tuổi) thì nguy cơ bị bệnh cao hơn những người khác.
Người mắc các bệnh về tim mạch: tăng huyết áp, mỡ máu, rối loạn lipid máu (tăng triglyceride)
Những người có thói quen xấu: hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động (tiếp xúc với khói thuốc lá), uống rượu bia, các chất kích thích gây co thắt động mạch vành (chất ma túy: cocaine, amphetamine).
Hút thuốc là yếu tố hàng đầu gây nhồi máu cơ tim do hút thuốc dẫn đến xơ vữa mạch máu.
Người có các bệnh mãn tính như: tiểu đường, bệnh thận, bệnh tự miễn (viêm đa khớp dạng thấp, vẩy nến, lupus ban đỏ)
Người có lối sống không lành mạnh: lười vận động; tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ; ít ăn hoa quả, rau xanh.
Người bị thừa cân, béo phì.
Phụ nữ mắc chứng tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ.
5. Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim
Theo Bác sĩ Lê Thanh Mai – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108, các triệu chứng của nhồi máu cơ tim rất đa dạng, trong đó có hai triệu chứng chung là đau ngựckhó thở.
Đau tức ngực (đau thắt ngực)
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim, đây là dấu hiệu cho thấy lưu lượng máu đến tim đã bị giảm. Đau ngực do nhồi máu cơ tim có đặc điểm:
- Đau như bị bóp nghẹt hoặc cảm giác như có tảng đá nặng đè lên ngực ở vùng trước tim (ngực trái) phía sau xương ức khiến người bệnh phải nín thở, cơn đau lan lên bả vai trái rồi xuống mặt trong tay trái và đến tận ngón tay (ngón nhẫn và ngón út)
- Cơn đau ngực thường xuất hiện đột ngột, kéo dài trong khoảng 20 – 30 phút, có thể đau cả lúc nghỉ ngơi và không đỡ ngay cả khi dùng thuốc chống đau thắt ngực (nitroglycerin).
- Cơn đau có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể như: cổ, lưng, tay phải, vùng thượng vị.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bệnh không bị hoặc ít có cảm giác đau (người già, người bị cao huyết áp, tiểu đường, bệnh nhân sau mổ). Có khoảng 20% số bệnh nhân trong trạng thái “im lặng”, tức là không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ: mệt, hồi hộp, cảm giác khó chịu không diễn tả được.
trieu-chung-dau-that-nguc-trong-benh-nhoi-mau-co-tim
Triệu chứng đau thắt ngực trong bệnh nhồi máu cơ tim
Tim đập nhanh, có trường hợp bị ngất xỉu.
Khó thở, thở hụt hơi, hoa mắt, chóng mặt đột ngột.
Lo âu, mất ngủ hoặc khó ngủ: người bệnh thấy hồi hộp, có cảm giác bồn chồn (lo lắng hơn bình thường)
Buồn nôn, ợ nóng, khó tiêu, cảm giác khó chịu ở dạ dày.
Các triệu chứng khác: hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi, da tái nhợt, ngón chân, ngón tay lạnh, buồn nôn hoặc nôn mửa, người lú lẫn … Tất cả các triệu chứng này phản ánh tình trạng tụt huyết áp hoặc trụy tim.
6. Cần phải làm gì khi thấy bệnh nhân nghi bị nhồi máu cơ tim?
Thạc sĩ. Bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều – Trưởng khoa Nội Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hướng dẫn người dân các bước sơ cứu người bệnh bị nhồi máu cơ tim:
- Đặt bệnh nhân trong tư thế ngồi hoặc nằm, cởi bỏ hoặc nới lỏng quần áo để làm thông thoáng đường thở và giúp máu lưu thông dễ dàng.
- Gọi trung tâm cấp cứu 115 và làm theo hướng dẫn, nếu phải chờ đợi lâu, tốt nhất nên chủ động đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất bằng các phương tiện có sẵn.
- Cho bệnh nhân uống 1 viên thuốc Aspirin trong thời gian chờ cấp cứu. Aspirin là thuốc chống huyết khối, chống đông máu, giảm nguy cơ tổn thương tim.
- Tiến hành sơ cứu ban đầu cho người bệnh bằng cách ép tim ngoài lồng ngực nhằm hồi sinh tim phổi (CPR) nếu bệnh nhân bị bất tỉnh: việc này thực hiện càng sớm càng tốt, các nghiên cứu cho thấy cứ mỗi phút chậm trễ thì cơ hội cứu sống bệnh nhân giảm đi 10%.
Thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim là 60 phút kể từ thời điểm các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Người bệnh cần được đưa đến các cơ sở chuyên khoa về tim mạch càng sớm càng tốt để tái lưu thông mạch vành nhằm hạn chế khả năng tế bào cơ tim bị tổn thương dẫn đến hoại tử.
Đối với các trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, nếu bệnh nhân được chuyển đến kịp thời trong thời gian vàng, các bác sĩ sẽ tiến hành tái lưu thông mạch máu nuôi tim bằng các phương pháp hiện đại như: đặt stent mạch vành giúp hạn chế tối đa tình trạng tế bào cơ tim bị tổn thương, nâng cao khả năng cứu sống người bệnh.
so-cuu-benh-nhan-bi-nhoi-mau-co-tim-con-tinh-tao
Sơ cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim còn tỉnh táo
so-cuu-benh-nhan-nhoi-mau-co-tim-bat-tinh
Sơ cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim bất tỉnh
7. Cách phòng bệnh nhồi máu cơ tim
Để phòng bệnh nhồi máu cơ tim, các chuyên gia y tế khuyên người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
Không hút thuốc (tất cả các loại thuốc: thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử, thuốc lào). Tránh tiếp xúc với khói thuốc.
Giữ cân nặng ở mức hợp lý, tránh bị thừa cân, béo phì.
Điều trị tốt các bệnh lý dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn tính, bệnh tự miễn …
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu: đồ ăn nhiều dầu mỡ (các món chiên, xào), đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn. Tránh ăn nhiều đường, nhiều muối, mỡ và nội tạng động vật. Tích cực ăn rau xanh, củ quả, uống nhiều nước.
Tập luyện thể dục thể thao đều đặn: chọn các môn thể thao nhẹ nhàng (đi bộ, bóng bàn …). Tránh các hoạt động gắng sức và các môn đòi hỏi thể lực cao.
Tránh bị căng thẳng hoặc cảm xúc mạnh: tức giận, lo lắng, quá vui hay quá buồn.
Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bất thường về sức khỏe nói chung và tim mạch nói riêng.
Tránh các tư thế có hại cho tim mạch: ngồi xổm, cúi gập người.
duc-tien-bi-nhoi-mau-co-tim
Tư thế ngồi gập người, gắng sức trong thời gian dài làm tăng nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim
Theo TS. BS Nguyễn Minh Đức – Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Qua sự việc của người mẫu Đức Tiến, chúng ta cần phải lưu ý tránh các động tác cúi gập người trong thời gian dài.
Khi quỳ gối và gập người để làm việc gắng sức kéo dài, chính tư thế này làm gia tăng áp lực của ổ bụng cũng như lồng ngực, sau đó đứng dậy ngay, việc thay đổi tư thế quá đột ngột gây áp lực rất lớn đến tim mạch và có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: đột quỵ (tai biến mạch máu não), xuất huyết não (vỡ mạch máu não), nhồi máu cơ tim, vỡ động mạch chủ, vỡ tim.
Bác sĩ Đức nhấn mạnh hai tư thế nguy hiểm mà một số người hay làm hằng ngày là ngồi xổmcúi gập người (thường gặp khi buộc dây giày). Ông đã từng chứng kiến vài trường hợp bị choáng, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí có ca tử vong.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh: chúng ta không nên ngồi xổm cũng như quỳ gối gập người trong thời gian dài trên vài phút. Tư thế ngồi an toàn là ngồi xếp chéo chân, ngồi thẳng hoặc hơi cúi đầu, co hai chân về phía người.
Bác sĩ cũng lưu ý mọi người tránh thay đổi tư thế đột ngột.
- Khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, chúng ta nên ngả người nhẹ ra phía sau nhằm mục đích giải phóng áp lực cho cơ hoành và lồng ngực, sau đó từ từ đứng dậy, không đứng dậy đột ngột.
- Khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, chúng ta cũng cần nghiêng người từ từ sang bên tay thuận (thường là tay phải), chống tay rồi ngồi dậy từ từ, không bật dậy ngay lập tức có thể khiến huyết áp và tim mạch thay đổi đột ngột.
ngoi-xom-gay-nhoi-mau-co-tim
Tư thế ngồi xổm, gập người buộc dây giày làm tăng áp lực lên ổ bụng và ngực dễ gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh lý về tim mạch. Bệnh gây tử vong nhanh. Vì vậy các chuyên gia tim mạch khuyên người dân nên đi khám tầm soát căn bệnh này, nhất là ở những người có nguy cơ cao như: người cao tuổi (nam giới trên 45 tuổi, nữ giới trên 50 tuổi); người mắc các bệnh về tim mạch: tăng huyết áp, mỡ máu cao, bệnh thận mạn, người thừa cân, béo phì, hút thuốc lá … Khi có người thân bị nhồi máu cơ tim cần đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa về tim mạch càng sớm càng tốt.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7