top

Danh mục sản phẩm

Cách phòng tránh bị sét đánh

27/06/2024 06:34
Cách phòng sét đánh
Sấm sét là một hiện tượng phổ biến trong tự nhiên diễn ra ở khắp mọi nơi trên trái đất, trong đó thường gặp nhất là vào mùa mưa bão.
Theo Viện Vật lý địa cầu, Việt Nam nằm trong vùng tâm giông của châu Á – một trong ba tâm giông lớn nhất trên thế giới, nơi có hoạt động dông sét mạnh. Mùa mưa dông ở nước ta khá dài: trung bình 100 ngày (với khoảng 250 giờ) mưa dông mỗi năm.
Thống kê cho thấy, mỗi năm có tới hai triệu cú sét giáng xuống mảnh đất hình chữ S. Vùng núi thường bị giông sét nhiều hơn nhưng lại ít nguy hiểm vì có nhiều cây to nên khả năng dẫn điện tốt. Ngược lại, vùng đồng bằng và trung du, mặc dù tần suất sét xảy ra ít hơn nhưng thường bị hậu quả nặng nề hơn (do có ít cây xanh nên sét dễ đánh trúng người và gia súc, cơ sở vật chất).
set-danh
Hình ảnh tia sét
Để đảm bảo an toàn, phòng tránh và giảm thiểu những tác hại do giông sét gây ra, người dân cần nắm được kiến thức và kỹ năng ứng phó cần thiết khi xảy ra mưa giông.
1. Sấm sét là gì?
Sét là hiện tượng các đám mây giông (đã được tích điện sẵn) trong khí quyển phóng điện xuống mặt đất hoặc các đám mây mang điện tích trái dấu phóng điện vào nhau. Hiện tượng sấm sét thường xảy ra khi trời mưa dông hoặc có thể xuất hiện trong các đợt núi lửa phun trào hoặc bão cát.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh – Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam): các tia sét chỉ xuất hiện khi các đám mây giông tích điện, phóng điện xuống mặt đất, còn nếu các đám mây phóng điện vào không khí hoặc phóng điện vào nhau thì chỉ gây ra sấm chớp bình thường.
2. Sét có đặc điểm gì?
Khi phóng điện trong khí quyển, sét di chuyển với vận tốc rất nhanh (lên tới 36.000 km/giờ). Nhiệt độ do sét tạo ra rất lớn: 27.700℃, nhiệt độ này nóng gấp 5 lần bề mặt của mặt trời và gấp 20 lần nhiệt lượng cần thiết để tạo ra thủy tinh từ cát silica. Tầm ảnh hưởng của sét cũng rất rộng (trong vòng 8 km).
Khi có sét, chúng ta thường nhìn thấy các tia chớp trước, sau đó mới nghe thấy tiếng sấm. Lý do bởi: bản chất của sét là do sự di chuyển của các ion còn tia chớp chính là hình ảnh của sét do các dòng hồ quang điện (plasma) phát sáng tạo ra. Vận tốc của ánh sáng nhanh gấp nhiều lần vận tốc âm thanh (ánh sáng di chuyển gần 300 km/s, trong khi âm thanh chỉ di chuyển được 1.230 km/giờ). Sét có thể xuất hiện cả trước, trong và sau cơn mưa.
tia-set-co-dac-diem-gi
Đặc điểm của tia sét
3. Nguyên nhân gây ra hiện tượng sấm sét
Nguyên nhân gây ra hiện tượng giông sét là do các luồng không khí (bốc lên và đi xuống) bị đốt nóng không đều. Khi trời nắng, hơi nước nóng bốc lên trong khí quyển sau đó bị ngưng tụ và đóng băng lại, quá trình này giải phóng một nguồn năng lượng dưới dạng nhiệt. Chính nguồn năng lượng này khiến không khí bốc lên nhanh hơn làm cho các giọt nước trong đó cọ xát rất mạnh với các tinh thể băng rơi từ trên xuống sinh ra điện tích.
Quá trình chuyển động của các các dòng không khí có đặc điểm: đi lên mạnh mẽ nhưng không đồng đều, điều này khiến cho các hạt nước ở phía dưới của đám mây bị tán nhỏ, vỡ vụn và tách ra thành hai phần: phần mang điện tích âm là phần nhỏ bên ngoài hạt nước, phần mang điện tích dương chính là lớp nhân lớn hơn còn lại.
Những hạt nước lớn mang điện tích dương chủ yếu tập trung ở phần trước, còn các hạt nhỏ mang điện tích âm được dòng không khí cuốn tới các phần khác của đám mây. Chính sự tích điện trái dấu giữa các đám mây hoặc các phần của một đám mây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phóng điện, đây chính là các tia chớp mà chúng ta thường thấy.
Sét xuất hiện khi các đám mây trên trời phóng điện xuống mặt đất (đóng vai trò như một đám mây khổng lồ tích điện âm). Khu vực bị sét đánh thường là những nơi mặt đất nhô cao (gò, đồi), nơi có nhiều cây cao, hoặc chứa nhiều kim loại.
vi-sao-xay-ra-hien-tuong-set-danh
Cơ chế gây ra hiện tượng sét đánh
4. Sấm sét nguy hiểm như thế nào? (Điều gì xảy ra khi bị sét đánh trúng?)
Nếu đánh trúng người thì sét thường gây ra những tổn thương rất nặng cho các cơ quan trong cơ thể như: tim, thính giác, da và gân cơ, hệ thần kinh.
Các chuyên gia cho biết sét đánh bằng nhiều cách khác nhau trong đó sét đánh thẳng là nguy hiểm nhất. Thống kê cho thấy, cứ 10 người bị sét đánh thẳng thì có đến 8 người bị chết.
Tác hại của sét:
Đối với tim:
Thực tế cho thấy những người tử vong do bị sét đánh đều do tim ngừng đập. Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho rằng chính điện áp cực lớn do tia sét tạo ra đã làm gián đoạn nhịp tim gây ra hiện tượng ngưng tim, ngưng thở. Theo Tiến sĩ Frank LoVecchio – một nhà địa chất tại Đại học Y khoa Banner (Hoa Kỳ): năng lượng do các tia sét tạo ra rất lớn (tương đương với máy khử rung tim).
Thính giác
Áp suất lớn do sét tạo ra có thể gây vỡ màng nhĩ khiến nạn nhân bị điếc hoặc tổn thương thính giác suốt đời.
Đối với da
Các tia sét thường gây bỏng cục bộ thứ phát do quần áo hoặc tóc bắt lửa. Các vết bỏng trên da gọi là “hoa sét” – đó là hình ảnh thể hiện các mạch máu bị tổn thương và chảy dịch vào các mô xung quanh.
Đối với hệ thần kinh
Những người bị sét đánh có thể bị tổn thương não vĩnh viễn, co giật, điếc hoặc mù nếu không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
Một số người từng bị sét đánh cho biết: họ đau dây thần kinh, mất trí nhớ, trầm cảm. Có trường hợp có khả năng đặc biệt về “tâm linh” như nhận biết trước một điều gì đó sắp xảy ra. Thậm chí, có những người mang ý định tự tử do họ bị hành hạ bởi những cơn đau không thể hồi phục hoàn toàn các chức năng.
Sét đánh có thể gây ra những thay đổi lớn cho nạn nhân. Có người “siêu chịu lạnh”, có người quên hết chữ, phải học viết, học nói lại từ đầu.
Theo Tiến sĩ Mary Ann Cooper – chuyên gia về sét thuộc Hội đồng An toàn Sét Quốc Gia Mỹ: những người may mắn sống sót sau khi bị sét đánh thường gặp nhiều di chứng: tổn thương thần kinh, rối loạn tâm lý sau chấn thương … Các chấn thương mà nạn nhân bị sét đánh là do sự thay đổi áp suất khí quyển đột ngột.
tac-hai-cua-sam-set
Sét đánh gây ra hậu quả nặng nề về sức khỏe cho nạn nhân
5. Cách phòng sét đánh
Sét là một hiện tượng thời tiết thời tiết cực đoan, không có cách phòng chống hoàn toàn cũng như vị trí an toàn tuyệt đối để tránh sét. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo người dân nên chủ động tìm nơi tránh trú khi trời mưa giông, cũng như áp dụng các biện pháp khác để giảm thiểu nguy cơ bị sét đánh trúng và các hậu quả do sấm sét gây ra.
Trước khi tham gia các hoạt động ngoài trời cần chủ động theo dõi các thông tin dự báo thời tiết để biết được thời điểm xảy ra mưa bão cũng như các cảnh báo về giông sét và các thiên tai khác: lũ lụt, sạt lở đất. Nếu thời tiết xấu (mưa, bão) có thể xem xét việc hoãn hoặc hủy chuyến đi để đảm bảo an toàn.
Khi trời có dấu hiệu sắp xảy ra mưa giông (mây đen kéo đến, gió, không khí lạnh thổi qua) thì không nên đi ra ngoài.
Nếu giông sét xảy đến mà đang ở trong nhà thì nên:
- Đứng xa các vị trí có cửa (cửa sổ, cửa ra vào), vì sét rất dễ xâm nhập vào những nơi này.
- Tránh các khu vực ẩm ướt: bể nước, nhà tắm, vòi nước, đây là môi trường thuận lợi cho quá trình truyền điện của sét.
- Không dùng điện thoại di động. Nên tắt nguồn hoặc chuyển sang chế độ máy bay.
- Các dường dây có kết nối với bên ngoài như: dây điện thoại, ăng ten tivi cần được rút ra. Không nên lại gần các thiết bị điện trong nhà, tốt nhất nên rút phích cắm và đứng xa (tối thiểu 1m).
cach-phong-tranh-bi-set-danh-trong-nha
Cách phòng tránh sét đánh khi ở trong nhà
Nếu khi đang ở ngoài mà gặp giông sét thì cần:
- Nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn
- Tránh đứng ở những nơi dễ thu hút sét như: các vị trí cao (đỉnh đồi, gò đất cao), nơi trống trải (cánh đồng), vị trí gần đường dây tải điện, cột điện. Ra khỏi khu vực có nước: bãi biển, sông ngòi, ao hồ, mương máng, những nơi này dễ lan truyền khi có sét.
- Tuyệt đối không trú mưa bên dưới các cây to, các khu vực cao hơn xung quanh.
- Tránh tiếp xúc với các vật dụng bằng kim loại: cuốc, xẻng, hàng rào sắt, xe đạp, xe máy. Nếu mang các đồ dùng bằng kim loại (đồng hồ, nữ trang) nên tạm thời tháo ra.
- Tìm những nơi khô ráo và thấp để trú, nếu ở trong rừng có nhiều cây cối thì chọn cây thấp và thưa nhất. Người ở tư thế càng thấp càng tốt sao cho diện tích tiếp xúc giữa cơ thể với đất là ít nhất (chân nhón đất, tay ôm cổ).
- Nếu đi cùng một nhóm người thì nên tản ra, không nên đứng gần nhau để tránh bị sét đánh lan truyền. Không nằm hoặc đặt tay xuống đất.
- Nếu nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu: dựng tóc gáy, lông tay dựng lên thì lúc này chúng ta có nguy cơ cao bị sét đánh. Việc cần làm vào lúc này là lập tức cúi thấp người, ngồi xổm chụm hai chân vào nhau, dùng tay ôm đầu bịt kín tai (để hạn chế tác hại đến thính giác), gục đầu vào đầu gối. 7 – 10 phút sau khi nghe tiếng sét là thời điểm cơn sét đã qua, trở lại trạng thái bình thường.
cach-phong-chong-set-danh-ngoai-troi
Cách phòng tránh sét đánh khi ở ngoài trời
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 250.000 trường hợp bị sét đánh, trong đó có hàng chục nghìn ngưởi tử vong do sét, những nạn nhân sống sót cũng bị tổn thương sức khỏe nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ bị sét đánh, người dân nên tránh ở ngoài trời khi xảy ra giông sét. Nếu gặp mưa dông thì cần lập tức tìm nơi trú ngụ an toàn và nắm vững các kiến thức phòng chống sét nêu trên.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7