top

Danh mục sản phẩm

Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em nguy hiểm như thế nào? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh viêm gan lạ ở trẻ

14/05/2022 14:40
Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh viêm gan lạ ở trẻ
Thời gian gần đây, sau khi dịch COVID – 19 có dấu hiệu lắng xuống, cả thế giới lại xôn xao với mới một vấn đề mới – đó là căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Tính đến ngày 12/05/2022, bệnh đã xuất hiện ở 20 quốc gia với 348 ca mắc, 5 trường hợp trẻ bị tử vong. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em từ 1 – 16 tuổi, nhiều nhất ở nhóm dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được biết đến là em bé mới 1 tháng tuổi.
benh-viem-gan-bi-an-o-tre-em-la-benh-gi
Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên ghi nhận các ca bệnh là trẻ em dưới 10 tuổi đến từ Scotland (vào ngày 5/4/2022) với tiền sử khỏe mạnh. Sau Anh, Mỹ cũng đã công bố 9 trường hợp trẻ từ 1 – 6 tuổi bị viêm gan không rõ nguyên nhân. Thực tế các trường hợp mắc bệnh viêm gan lạ xuất hiện đầu tiên tại Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2021. Tại một bệnh viên nhi ở Alabama, các bác sĩ đã ghi nhận 5 trẻ em bị tổn thương gan nghiêm trọng (suy gan cấp tính) mà không rõ nguyên nhân gây bệnh.
Tại châu Á, đã có một số quốc gia xuất hiện ca bệnh là Indonesia, Singapore và Hàn Quốc. Indonesia có 3 ca tử vong, còn ở Singapore là trường hợp ca bệnh trẻ mới 10 tháng tuổi.
Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh viêm gan lạ tuy mới xuất hiện ở trẻ em nhưng tỷ lệ nhập viện cao, nhiều trường hợp diễn tiến nặng phải ghép gan, một số trẻ nguy kịch, tử vong
Tại Mỹ, số trẻ bị viêm gan phải nhập viện theo dõi lên đến 90%, tỷ lệ trẻ bị suy gan phải ghép gan lến đến 14%, tỷ lệ này ở Anh là 10%.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm gan bí ẩn này, một số giả thuyết được đưa ra, nhưng các chuyên gia nghiêng về khả năng adenovirus là tác nhân gây bệnh. Để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, nhiều xét nghiệm đã được tiến hành, kết quả cho thấy trong số 169 ca bệnh đầu tiên có đến 74 trường hợp phát hiện bị nhiễm adenovirus (trong đó 18 trường hợp được xác định thuộc tuýp 41 – chủng virus thường gây ra bệnh viêm dạ dày, ruột cấp tính ở trẻ em), 20 ca nhiễm Covid – 19 và 19 trường hợp nhiễm cả virus Sars – CoV – 2 và adenovirus. 
nguyen-nhan-gay-ra-benh-viem-gan-bi-an-o-tre-em
Adenovirus bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ Tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM, đa số các nghiên cứu hiện nay đều cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan lạ ở trẻ em là do adenovirus. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, đây là một hiện tượng mới và bệnh cũng không thể gây ra dịch được.
Một giả thuyết khác cũng được đưa ra là những trẻ bị viêm gan được phát hiện đều sống ở những vùng mà trước đây đã xảy ra dịch COVID – 19, vì vậy có thể trẻ bị nhiễm đồng thời virus Sars – CoV – 2Adenovirus, do đó có hiện tượng trao đổi gen giữa hai loại này khiến adenovirus bị đột biến gen và gây ra các triệu chứng của viêm gan. Song cho đến nay điều này vẫn chưa được kiểm chứng.
Hiện tại, các cuộc điều tra vẫn đang được thực hiện để tìm hiểu chính xác về nguyên nhân gây bệnh.
adenovirus
Một số đặc điểm của adenovirus
Adenovirus được phát hiện vào năm 1953, virus này có 57 tuýp với 7 loài khác nhau, chúng có đường kính từ 70 – 80 nm, chứa DNA chuỗi kép và không có vỏ bọc bên ngoài. Loại virus này không xa lạ, nó là nguyên nhân gây ra các bệnh: cảm cúm, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp (viêm phổi), viêm màng não, viêm bàng quang, tiêu chảy. Ở trẻ em, virus adeno là nguyên nhân phổ biến gây bệnh ở đường tiêu hóa (đứng thứ 2 chỉ sau Rota virus). Các rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ do virus Adeno gây ra gồm: tiêu chảy, buồn nôn, nôn.
Virus adeno rất hay gặp ở trẻ nhỏ (nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi), thống kê cho thấy có đến 80 – 90 trẻ trong độ tuổi này bị nhiễm loại virus này ít nhất một lần trong đời. Trước đây, Adenovirus đã từng được ghi nhận ở một số ca bệnh bị tổn thương gan, nhưng chỉ gặp ở những trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc có cơ địa đặc biệt. Tuy nhiên, điều lạ là loại virus này được tìm thấy ở cả những trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn có sức khỏe bình thường.
Có phải việc tiêm vắc xin phòng COVID – 19 cho trẻ là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan bí ẩn?
Song song với nhận định Adenovirus là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em, một số giả thuyết cho rằng căn bệnh này liên quan đến việc tiêm phòng vắc xin COVID – 19 (tác dụng phụ của vắc xin). Nhưng giả thuyết này đã bị các nhà chuyên môn loại bỏ bởi đa số trẻ bị viêm gan cấp tính được thống kê đều chưa được tiêm phòng vắc xin COVID – 19.
vac-xin-covid-19-co-gay-ra-benh-viem-gan-bi-an-khong
Không có sự liên quan giữa vắc xin phòng Covid - 19 với bệnh viêm gan bí ẩn
Lý giải về việc không có sự liên quan giữa vắc xin COVID – 19 với bệnh viêm gan bí ẩn, PGS Đỗ Văn Dũng – Đại học Y dược TPHCM cho biết: Thứ nhất: Vắc xin phòng COVID – 19 sử dụng adenovirus không chỉ được chỉ định để tiêm cho trẻ em. Thứ hai: adenovirus trong vắc xin COVID là chủng được lấy từ loài hắc tinh tinh, nhưng đã được xử lý (bất hoạt) nên không còn khả năng gây bệnh, còn adenovirus gây bệnh viêm gan là chủng của người. Hai chủng virus này không liên quan đến nhau, vì vậy vắc xin không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ.
Triệu chứng bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em là: tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng. Trong đó nôn mửatiêu chảy là hai triệu chứng điển hình, thường gặp nhất ở trẻ trước khi nhập viện, một số trường hợp có các triệu chứng ở đường hô hấp trên. Đa số các trường hợp khi nhập viện, trẻ có biểu hiện gan to, vàng da, vàng mắt, và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus viêm gan.
trieu-chung-benh-viem-gan-bi-an-o-tre-em
Các triệu chứng của bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Các triệu chứng ban đầu cảnh báo bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp: cảm cúm, viêm phổi hoặc các bệnh ở đường tiêu hóa: tiêu chảy cấp, bệnh tả, thương hàn, thậm chí cả với COVID – 19 nên nhiều trường hợp phát hiện muộn dẫn đến khó điều trị, nhiều biến chứng đáng tiếc.
Cách phòng bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc hay vắc xin phòng căn bệnh này. Các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng. Mọi người cần bình tĩnh, cảnh giác, lưu ý các triệu chứng sớm của bệnh để có hướng xử trí kịp thời khi phát hiện ra bệnh.
Cha mẹ cần đặc biệt chú ý nếu trẻ có các triệu chứng: nôn ói, đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu, sốt nhẹ, mệt mỏi, viêm kết mạc. Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và làm các xét nghiệm.
Nếu trẻ bị tổn thương gan kèm theo các triệu chứng trên thì cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và giám sát quá trình điều trị. Trường hợp bệnh nặng, trẻ cần được chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa. Trường hợp bệnh nhẹ, có thể điều trị tại các cơ sở y tế địa phương.
Để phòng các bệnh đường tiêu hóa nói chung và bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em nói riêng. Phụ huynh và con em cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cá nhân: ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được nấu chín (đồ ăn tái), không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác. Khi trong gia đình có người bệnh, cần chú ý khâu xử lý chất thải của bệnh nhân, vì đó cũng là đường lây truyền của bệnh.
Tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học cần chú ý công tác phòng bệnh cho học sinh bằng cách đảm bảo vệ sinh lớp học, cho học sinh dùng riêng đồ dùng cá nhân: cốc uống nước, bát, đũa, thìa …
dau-hieu-nhan-biet-tre-mac-benh-viem-gan-bi-an
Các dấu hiệu cảnh báo trẻ bị bệnh viêm gan cấp
Phương pháp điều trị bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan bí ẩn ở trẻ. Biện pháp chủ yếu là điều trị các triệu chứng của bệnh và điều trị hỗ trợ. Điều quan trọng nhất đối với bệnh này là cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh tình trạng gan bị tổn thương nặng. Nếu trường hợp gan bị hoại tử, có chỉ định cần phải ghép gan thì một số bệnh viện ở nước ta đã tự chủ hoàn toàn được loại hình kỹ thuật cao này.
Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn, tuy nhiên khả năng bệnh xuất hiện ở nước ta là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 
Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân gây gia tăng các ca bệnh viêm gan lạ ở trẻ trong thời gian gần đây là do phát hiện muộn. Khi thấy trẻ có một số triệu chứng như: sốt, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài, nhiều phụ huynh chủ quan cho rằng đó là hội chứng hậu COVID nên không đi khám. Vì vậy, khi trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, hãy đưa chúng đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7