top

Danh mục sản phẩm

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là gì? Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có nguy hiểm không? Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản

29/02/2024 09:12
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có nguy hiểm không?
Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có tên khoa học là Gastroesophageal Reflux Disease (viết tắt là GERD) là một bệnh lý rất phổ biến ở đường tiêu hoá. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là ở người lớn (tỷ lệ mắc 10 – 20%), trẻ em cũng có thể mắc căn bệnh này.
benh-trao-nguoc-da-day-thuc-quan
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày - thực quản hay còn gọi là trào ngược axít dạ dày là tình trạng các chất trong dạ dày (có thể là thức ăn hoặc axít dịch vị) trào ngược từ dạ dày lên thực quản (phần ống tiêu hoá nối từ miệng đến dạ dày).
Ở những người bình thường, khi ăn uống, thức ăn được đưa qua miệng, khi nuốt, cơ thực quản (cơ vòng dưới bao quanh đáy thực quản) sẽ mở ra để thức ăn xuống dạ dày, sau đó cơ này sẽ đóng lại. Tuy nhiên, ở những người bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, các cơ vòng không đóng kín hoàn toàn khiến cho các chất lỏng trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Điều này dẫn đến niêm mạc thực quản bị kích thích gây ra các triệu chứng của bệnh.
Nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Theo các chuyên gia y tế, có một số nguyên nhân sau gây ra bệnh trào ngược dạ dày - thực quản:
Sự suy yếu của cơ thực quản (cơ thắt dưới)
Cơ thắt dưới thực quản là cơ thấp nhất của thực quản nằm ở vị trí tiếp giáp với dạ dày. Bình thường, cơ này luôn ở trạng thái đóng và chỉ mở ra khi nuốt, sau đó sẽ đóng lại để ngăn không cho các chất lỏng trong dạ dày di chuyển lên thực quản. Tuy nhiên, ở một số người gặp vấn đề về cơ thực quản (giảm hoặc suy trương lực cơ), các cơ này không được đóng kín dẫn đến tình trạng các chất lỏng trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi xảy ra tình trạng trào ngược, dịch nhày thực quản với thành phần chính là nước bọt và bicarbonat có tính kiềm sẽ có phản ứng trung hoà với axít dịch vị của dạ dày dẫn đến mất hoặc giảm sự kích thích của dịch vị dạ dày lên niêm mạc thực quản. Lúc này, nhu động thực quản sẽ đẩy dịch trào ngược trở lại dạ dày.
Thoát vị cơ hoành
Cơ hoành là một cơ dẹt có hình vòm nằm ở phía trên khoang bụng phân chia ổ bụng và khoang ngực. Khi cơ hoành hoạt động bình thường (cơ hoành co) thì sẽ tăng cường sức mạnh cho cơ thắt dưới thực quản nên không xảy ra tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản. Ngược lại, khi bị thoát vị hoành, một phần của dạ dày sẽ chèn ép lên cơ hoành, lúc này cơ thực quản (cơ thắt dưới) không nằm cùng mức với cơ hoành nên dẫn đến trào ngược dạ dày - thực quản.
nguyen-nhan-gay-ra-benh-trao-nguoc-da-day-thuc-quan
Các nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Các nguyên nhân tại dạ dày
- Thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày
Một số bệnh ở dạ dày như: viêm dạ dày, ung thư dạ dày hoặc hẹp môn vị khiến thức ăn bị ứ đọng lâu hơn trong dạ dày (các chất trong dạ dày chậm lưu thông xuống ruột) làm cho áp lực dạ dày tăng lên. Đây cũng là yếu tố gây ra trào ngược dạ dày - thực quản.
- Tăng áp lực ổ bụng đột ngột
Một số phản xạ của cơ thể như: ho, hắt hơi hoặc khi gắng sức khiến áp lực ổ bụng tăng lên đột ngột cũng là nguyên nhân gây ra trào ngược dạ dày - thực quản.
Các nguyên nhân khác
- Stress (căng thẳng)
Đây là nguyên nhân khá phổ biến, khi bị stress, lượng hormone cortisol trong cơ thể được tiết ra nhiều hơn khiến dạ dày co bóp mạnh hơn (tăng trương lực cơ dạ dày), hậu quả là dịch dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản. Mặt khác, căng thẳng gây ra tình trạng rối loạn nhu động thực quản: các cơ thực quản nhạy cảm hơn nên tình trạng đóng mở các cơ này diễn ra thường xuyên và kéo dài khiến cho dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản.
- Thói quen ăn uống
Một số thói quen ăn uống không lành mạnh cũng là yếu tố gây trào ngược dạ dày – thực quản: ăn quá no, ăn khuya (ăn đêm), ăn đồ chua (các loại hoa quả có tính axít: cam, chanh) khi đói, tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn (đồ ăn nhanh), đồ chiên rán gây áp lực lên các cơ thực quản khiến cơ này bị yếu dẫn đến tình trạng đóng mở bất thường gây ra bệnh trào ngược.
Các yếu tố khác góp phần gây ra trào ngược dạ dày – thực quản: ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, uống cà phê hoặc nước có gas, uống rượu, hút thuốc …
- Thừa cân, béo phì
Khi bị thừa cân, béo phì sẽ làm tăng áp lực lên dạ dày và thực quản khiến khả năng trương lực của các cơ thắt thực quản dưới bị yếu đi. Điều này dẫn tới các chất trong dạ dày dễ trào ngược hơn.
- Các yếu tố bẩm sinh.
Trào ngược dạ dày – thực quản cũng có thể do một số yếu tố bẩm sinh như: sa dạ dày, cơ thực quản (cơ thắt dưới) yếu, thoát vị cơ hoành hoặc bị tai nạn, chấn thương. Ở trẻ em, trào ngược dạ dày - thực quản thường là vấn đề bình thường với triệu chứng điển hình là nôn trớ. Điều này không đáng lo ngại, vì khi lớn hơn các triệu chứng này sẽ giảm dần và hết hẳn khi trưởng thành.
- Sử dụng một số loại thuốc 
Việc sử dụng một số loại thuốc làm giảm sự trương lực cơ thắt thực quản dưới cũng là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày – thực quản như: thuốc chống dị ứng (kháng histamine), thuốc kháng cholinergic, thuốc chống trầm cảm, hormone (progesterone), thuốc chẹn kênh canxi …
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
Bất kỳ người nào cũng có thể mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, có một vài nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như:
Người bị thừa cân, béo phì: do tăng áp lực lên ổ bụng.
Người bị căng thẳng do áp lực công việc, gia đình và cuộc sống.
Phụ nữ mang thai (nhất là trong những tháng cuối của thai kỳ) khi thai lớn, tử cung mở rộng chèn ép vào một số bộ phận tiêu hóa dẫn đến trào ngược.
Người hút thuốc lá (chủ động hoặc thụ động) do khi hút thuốc, khói thuốc đi vào cơ thể qua thực quản sẽ kích thích niêm mạc dạ dày gây trào ngược.
Người có thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh: uống rượu bia, ăn đồ chua cay, đồ ăn nhiều dầu mỡ, ăn khuya, ít vận động, nằm ngay sau khi ăn …
Người sử dụng các loại thuốc: thuốc chống dị ứng, thuốc điều trị bệnh hen suyễn, thuốc an thần, chống trầm cảm, thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs).
Người gặp các vấn đề ở đường tiêu hóa: thoát vị hoành, liệt dạ dày hoặc có bệnh lý ở mô liên kết như: xơ cứng bì.
ai-de-mac-benh-trao-nguoc-da-day-thuc-quan
Những người có nguy cơ cao bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có nguy hiểm không?
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: viêm loét thực quản, hẹp thực quản, và nặng nhất là ung thư thực quản (ung thư biểu mô tuyến thực quản)
Viêm loét thực quản
Đây là biến chứng phổ biến, có thể gặp ở một nửa số bệnh nhân bị trào ngược dạ dày - thực quản. Nếu thực quản thường xuyên tiếp xúc với axít dạ dày thì lớp niêm mạc của chúng sẽ bị tổn thương (ăn mòn) dẫn đến tình trạng viêm loét. Biến chứng này có thể được chẩn đoán bằng nội soi dạ dày thực quản. Người bệnh có các triệu chứng tương tự như trào ngược: ợ nóng, ợ chua, tiết nước bọt nhiều, khó nuốt, nghẹn, đau tức ngực …
Hẹp thực quản
Trào ngược dạ dày – thực quản là một trong những nguyên nhân chính gây hẹp thực quản. Khi bị trào ngược, axít dạ dày sẽ ăn mòn lớp niêm mạc thực quản dẫn tới viêm thực quản. Nếu trào ngược dạ dày diễn ra với tần suất cao và kéo dài sẽ khiến thực quản bị tổn thương đến mức không thể phục hồi: xuất hiện các mô sẹo bên trong lòng thực quản. Các triệu chứng của hẹp thực quản: đau họng, khó nuốt, vướng nghẹn ở cổ.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, hẹp thực quản có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm hơn là Barret thực quản.
Barret thực quản (tiền ung thư thực quản) 
Đây là biến chứng hiếm gặp, dù chỉ xảy ra ở một số ít (8 – 15%) bệnh nhân trào ngược dạ dày - thực quản nhưng lại rất nguy hiểm, có nguy cơ phát triển thành ung thư thực quản. Barret thực quản là tình trạng các tế bào lót ở phía dưới (vùng thấp) của thực quản bị thay đổi màu sắc do tiếp xúc thường xuyên với axít dạ dày. Người bệnh bị Barret thực quản thường không có dấu hiệu đặc trưng ngoài các triệu chứng chung của trào ngược dạ dày – thực quản. Khi nghi ngờ bệnh nhân bị Barret thực quản, bác sĩ sẽ chỉ định cho họ nội soi và sinh thiết tế bào để chẩn đoán một cách chính xác nhất. Người mắc biến chứng này cần được điều trị và theo dõi sát xao để tránh hậu quả đáng tiếc.
Ung thư thực quản
Biến chứng này thường gặp ở những bệnh nhân trung niên và cao tuổi (trên 50 tuổi). Đây là biến chứng nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Người bị ung thư thực quản thường có các triệu chứng: nghẹn, khó nuốt, nôn, ho kéo dài, khan tiếng, đau ngực, đau xương ức, sút cân nhanh, sờ thấy hạch to ở cổ.
benh-trao-nguoc-dạ-day-thuc-quan-co-nguy-hiem-khong
Các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
Ợ nóng
Đây là triệu chứng nổi bật của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Người bệnh thấy nóng rát ở dạ dày hoặc vùng ngực dưới. Cảm giác cơn nóng rát lan lên cổ, xuống họng dưới hoặc ra mang tai.
Ợ hơi
Triệu chứng này diễn ra thường xuyên, kể cả khi đói hoặc không ăn uống gì.
Ợ chua
Thường xảy ra sau khi ăn: thức ăn hoặc các chất lỏng trong dạ dày bị đẩy lên cuống họng khiến bệnh nhân bị ợ chua, triệu chứng này có thể tồi tệ hơn vào ban đêm.
Khó nuốt
Khi bị trào ngược dạ dày - thực quản mức độ nặng sẽ khiến cho axít dạ dày bị trào ngược lên thực quản với lượng lớn và tần suất nhiều. Điều này khiến lớp niêm mạc thực quản bị phù nề, sưng tấy làm cho bệnh nhân bị nuốt khó, cảm giác vướng ở cổ họng (sau xương ức hay sau yết hầu).
trieu-chung-o-hoi-o-chua-trao-nguoc-da-day-thuc-quan
Các triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Các triệu chứng ở họng:
- Đau họng
- Ho
- Khan tiếng
Dây thanh quản khi tiếp xúc với axít dạ dày (trào ngược lên thực quản) sẽ bị tổn thương (sưng tấy) khiến người bệnh bị đau họng, khan tiếng, nói khó, lâu ngày sẽ chuyển thành ho.
Đau tức ngực (vùng thượng vị)
Lượng a xít trào ngược từ dạ dày lên thực quản gây kích thích các đầu mút dây thần kinh ở niêm mạc thực quản làm cho người bệnh bị đau tức ngực, các cơn đau có thể lan rộng ra sau lưng và hai cánh tay. Bệnh nhân thấy nóng rát sau xương ức ở giữa ngực, hiện tượng này thường diễn ra sau khi ăn, lúc cúi người về phía trước hoặc khi nằm ngửa. Cảm giác đau nóng khu trú ở vùng bụng trên. Tuy nhiên, triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về tim mạch.
Buồn nôn, nôn
Triệu chứng nôn, buồn nôn thường xuất hiện khi sau ăn quá no, nằm ngay sau khi ăn hoặc gối đầu đầu thấp (không kê cao đầu) khi ngủ. 
Đắng miệng, tăng tiết nước bọt
Do lượng axít trào ngược từ dạ dày lên thực quản nên khoang miệng sẽ tiết ra nhiều nước bọt hơn. Một số người thấy đắng miệng do dịch mật theo dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra triệu chứng này.
Người bị trào ngược dạ dày, miệng thường tiết nước bọt nhiều hơn so với những người khác để trung hòa lượng axít dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Khi đó, độ pH trong khoang miệng giảm xuống nhằm kích thích hoạt động của cơ quan tiết nước bọt.
Triệu chứng khó thở vào ban đêm như cơn hen suyễn.
Nếu cơn trào ngược dạ dày - thực quản diễn ra vào ban đêm sẽ khiến người bệnh khó thở, ho mạn tính, viêm thanh quản, bệnh hen suyễn nặng thêm và giấc ngủ bị ảnh hưởng.
trieu-chung-cua-benh-trao-nguoc-da-day-thuc-quan
Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản rất dễ tái phát, thống kê cho thấy tỷ lệ tái phát rất cao (khoảng 70%) nhất là vào mùa lạnh do khi trời lạnh, lớp chất nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày bị mỏng đi nên dễ bị tổn thương. Mặt khác, lượng histamin trong máu tăng, lượng axít dạ dày tiết ra nhiều hơn khiến dạ dày co bóp mạnh hơn. Một yếu tố khác, khi thời tiết chuyển lạnh, sức đề kháng của cơ thể giảm, nhiều người có thói quen hút thuốc, uống rượu nhiều hoặc ăn thực phẩm cay nóng làm tăng gánh nặng cho dạ dày.
Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có thể chữa khỏi hoàn toàn, không để lại biến chứng. Để phòng bệnh, các chuyên gia y tế khuyên người dân:
Không uống rượu và các loại đồ uống có cồn, không hút thuốc (hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ vòng dưới thực quản)
Tránh sử dụng cà phê và các chất kích thích. Không uống quá nhiều nước trong lúc ăn.
Không ăn quá khuya (ăn trước khi đi ngủ ít nhất 3 giờ). Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Sau khi ăn, không nên vận động mạnh hoặc đi ngủ ngay mà nên nghỉ ngơi, thư giãn hoặc tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức (đi bộ).
Tránh ăn các loại chất béo, sô cô la, các thức ăn gây ợ nóng: đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, hành, tỏi, bạc hà, sốt cà chua.
Lúc ngủ nên nâng đầu giường (khoảng 15 cm) hoặc kê cao gối (15 – 20 cm), đồng thời nằm nghiêng sang bên trái để tránh bị trào ngược bởi khi đó tuyến tụy và dạ dày sẽ nằm ở vị trí thấp hơn thực quản.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7