top

Danh mục sản phẩm

Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì? Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ

04/06/2022 15:56
Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì? Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ
Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, lối sống hiện đại ngày càng phổ biến khiến cho các bệnh về rối loạn chuyển hóa tăng lên và có xu hướng trẻ hóa. Đái tháo đường là bệnh khá phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt đái tháo đường ở phụ nữ mang thai hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ. Bệnh không có triệu chứng đặc biệt nên rất khó phát hiện, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi.
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết ở phụ nữ mang thai biểu hiện bằng nồng độ đường trong máu ở thai phụ cao hơn mức cho phép. Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xảy ra ở giai đoạn thai nhi từ 24 – 28 tuần và bệnh sẽ hết sau khi sinh con khoảng 6 tuần. Tiểu đường thai kỳ là bệnh khá phổ biến ở nữ giới, thống kê cho thấy có khoảng 2 – 10% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ, tức cứ 7 người mang thai thì có 1 người mắc căn bệnh này.
benh-tieu-duong-thai-ky
Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) thai kỳ
Tại sao phụ nữ khi mang thai bị tiểu đường thai kỳ? (nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ)
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ, song các yếu tố về nội tiết được xem là có liên hệ mật thiết với bệnh. Trong giai đoạn mang thai, nhau thai trong cơ thể thai phụ sản xuất ra các loại nội tiết tố giúp thai nhi phát triển, một số trường hợp chính các nội tiết tố này tác động xấu đến insulin gây ra tình trạng cơ thể đề kháng với insulin khiến insulin không điều hòa được lượng đường trong máu dẫn đến đường huyết tăng cao gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ.
Bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Bệnh tiểu đường thai kỳ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi
Bệnh tiểu đường thai kỳ gây ra biến chứng gì cho thai nhi?
Nếu sản phụ bị tiểu đường thai kỳ, có thể gây ra rất nhiều vấn đề cho thai nhi như:
Hạ đường huyết
Người mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì em bé cũng có nồng độ đường huyết cao, sau khi sinh, nguồn đường cung cấp cho bé từ người mẹ bị ngắt nhưng tuyến tụy của trẻ vẫn có thói quen tiết ra nhiều insulin như lúc trước khi sinh để chuyển hóa đường. Điều này vô tình khiến cho lượng glucose trong máu xuống thấp (do bị chuyển hóa quá nhiều) gây ra chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh. Nếu không được kiểm tra và phát hiện sớm, trẻ sẽ bị co giật, hôn mê, tổn thương não. 
Khó thở sau sinh
Những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao phải sinh non do thai nhi quá lớn, điều này khiến cho phổi của trẻ chưa trưởng thành và không có đủ chất hoạt động bề mặt nên chức năng hô hấp của các bé rất yếu gây ra tình trạng khó thở sau sinh, trường hợp nặng có thể dẫn đến suy hô hấp khiến trẻ phải thở máy hoặc chăm sóc đặc biệt (trong lồng kính).
Thừa cân, béo phì
Nếu người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ thì em bé được sinh ra có nguy cơ bị thừa cân, béo phì cao hơn gấp 3.5 lần so với những sản phụ bình thường khác.
Vàng da sơ sinh
Em bé của những bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ rất dễ bị vàng da sơ sinh do mất nhiều thời gian để đào thải lượng bilirubin ra khỏi cơ thể, nhất là khi sinh non, thai nhi quá to hoặc trẻ bị hạ đường huyết.
Khi còn trong bụng mẹ, nồng độ đường huyết cao khiến cho các tế bào hồng cầu bị vỡ sinh ra bilirubin. Lượng bilirubin nhiều, cơ thể không đào thải kịp khiến cho nồng độ chất này trong máu tăng cao gây ra hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh.
Tử vong trước khi sinh (thai chết lưu)
bien-chung-benh-tieu-duong-thai-ky-o-thai-nhi
Biến chứng ở thai nhi có mẹ bị tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ gây ra biến chứng gì cho người mẹ?
Chuyển dạ, sinh non
Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ sinh non cao hơn so với các thai phụ không bị đái tháo đường thai kỳ do lượng đường trong máu tăng cao kích thích chuyển dạ sớm khiến sản phụ phải sinh con trước ngày dự sinh. Thai phụ cũng có thể được khuyến nghị sinh sớm vì thai nhi đã quá lớn.
Cao huyết áp
Phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ thường bị cao huyết áp do đường huyết tăng cao khiến cho mạch máu bị tổn thương (do giảm dưỡng chất Nitric Oxide NO) nên chúng phải co lại gây tăng huyết áp. Về lâu dài, bệnh tiểu đường sẽ gây xơ vữa các mạch máu, dẫn đến tình trạng cao huyết áp.
Phụ nữ bị tăng huyết áp khi mang thai sẽ gây ra nhiều biến chứng cho mẹ và bé như: sản giật, tiền sản giật, đột quỵ (tai biến mạch máu não), suy gan thận, thai nhi chậm phát triển trong tử cung, sinh non. Thống kê cho thấy những thai phụ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị tiền sản giật cao gấp 4 lần so với những thai phụ khỏe mạnh.
Khó đẻ thường, phải sinh mổ do phần thân dưới của bé quá to.
Nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2
Nếu phụ nữ bị đái tháo đường ở lần mang thai trước thì có nguy cơ mắc lại căn bệnh này ở những lần mang thai tiếp theo. Thống kế cũng cho thấy có tới 50% số phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sẽ phát triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.
Nguy cơ bị trật khớp, gãy xương, hoặc chấn thương vùng lưng do thai nhi quá to và nặng.
Nguy cơ bị sảy thai hoặc thai chết lưu
Nhiễm trùng đường tiết niệu, đa ối.
Bị băng huyết sau sinh
bien-chung-cua-benh-tieu-duong-thai-ky
Biến chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ đối với sản phụ và thai nhi
Đối tượng nào có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ?
Bất kỳ thai phụ nào cũng có thể mắc tiểu đường thai kỳ, song một số phụ nữ có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn những người khác như:
- Người mắc hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS)
- Người bị thừa cân, béo phì trước và trong khi mang thai.
- Có tiền sử bị tiểu đường thai kỳ ở những lần mang thai trước.
- Tiền sử trong gia đình có người thân (bố/mẹ, anh/chị/em ruột) bị tiểu đường tuýp 2.
- Mang thai khi đã lớn tuổi (trên 35 tuổi)
- Sinh con to (> 4.1 kg) ở lần sinh trước.
- Bị sảy thai nhiều lần liên tiếp hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
Dấu hiệu nhận biết (triệu chứng) bệnh tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ rất khó nhận biết do các triệu chứng của bệnh rất mơ hồ, khi lượng đường huyết tăng cao, chúng thường không biểu hiện trên lâm sàng. Bệnh thường được phát hiện khi các mẹ bầu làm xét nghiệm đường huyết khi đi khám thai định kỳ ở tuần thứ 24 – 28 của giai đoạn mang thai. Tuy nhiên, có một số triệu chứng của bệnh có thể nhận ra như:
Khát nước
Khi bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu sẽ cảm thấy khát nước thường xuyên, thậm chí vào ban đêm phải tỉnh dậy để uống nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khát nước ở người bị tiểu đường là do lượng đường trong máu tăng cao đến mức dư thừa nên cơ thể cần nước để pha loãng lượng đường dư thừa này bằng cách tách nước từ các tế bào sau đó bơm chúng vào máu. Các tế bào bị tách nước dẫn đến tình trạng thiếu nước nên sẽ gửi tín hiệu lên não báo hiệu tình trạng này, từ đó cơ thể cảm nhận được cơn khát mặc dù đã uống khá nhiều nước.
Đi tiểu tiện thường xuyên
Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ thường đi tiểu nhiều lần trong ngày và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn so với các thai phụ khác. 
Cảm giác thèm ăn, người mệt mỏi, thiếu sức sốc, sút cân
Người bị đái tháo đường nói chung và tiểu đường thai kỳ nói riêng thường có dấu hiệu mệt mỏi, hay bị đói, thèm ăn và sút cân. Triệu chứng này tương đối dễ hiểu bởi người tiểu đường có lượng glucose trong máu cao nhưng cơ thể không sử dụng được nguồn năng lượng này do lượng insulin bị thiếu hụt dẫn đến không thể chuyển hóa đường thành carbonhydrat để cung cấp cho các tế bào sử dụng khiến chúng luôn ở trong tình trạng “đói năng lượng”.
Tăng cân nhanh bất thường so với khuyến cáo.
Các vết thương, vết loét chậm liền.
Dễ bị viêm nhiễm phụ khoa, dùng các thuốc thông thường không khỏi.
trieu-chung-benh-tieu-duong-thai-ky
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ
Làm cách nào để phát hiện tiểu đường thai kỳ?
Để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO)Hiệp hội Quốc tế của các Nhóm nghiên cứu tiểu đường thai kỳ (IADPSG) khuyến nghị sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Liệu pháp này thường được áp dụng cho các thai phụ trong khoảng thời gian tuổi thai từ 24 đến 28 tuần.
Theo phương pháp này, mỗi thai phụ sẽ được lấy 3 mẫu máu ở 3 thời điểm khác nhau: lúc đói, 1 giờ sau khi uống dung dịch pha 75g đường với 200 ml nước và 2 giờ sau khi uống dung dịch đường trên. Việc xét nghiệm đường huyết lúc đói thường diễn ra vào buổi sáng khi chưa ăn uống gì. Để đảm bảo kết quả chính xác người làm xét nghiệm cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ (không quá 12 giờ).
tieu-chuan-danh-gia-tieu-duong-thai-ky
Tiêu chuẩn xác định bệnh tiểu đường thai kỳ
Thai phụ không bị đái tháo đường thai kỳ nếu:
- Chỉ số đường huyết lúc đói: < 5.1 mmol/L (92 mg/dL)
- Chỉ số đường huyết 1 giờ: < 10.0 mmol/L (180 mg/dL) sau khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống.
- Chỉ số đường huyết 2 giờ: < 8.5 mmol/L (153 mg/dL) sau khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống.
Thai phụ được xác định là tiểu đường thai kỳ nếu có từ 2 chỉ số vượt các giới hạn nêu trên. 
Nếu thai phụ chỉ có một chỉ số vượt mức trên thì được coi là rối loạn dung nạp đường huyết khi mang thai.
Khi nào cần làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?
Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai được khuyến nghị xét nghiệm tiểu đường thai kỳ trong giai đoạn thai từ 24 – 28 tuần vì đây là thời điểm bánh nhau thai hoàn thiện nhất, cơ thể người mẹ tăng sản xuất các nội tiết tố giúp thai nhi phát triển nên hiện tượng kháng insulin dễ xảy ra, lượng glycogen dự trữ ở gan giảm đi, quá trình ly giải glycogen thành glucose tăng lên, đồng thời quá trình dung nạp đường ở các mô ngoại biên bị giảm đi, gây nên hiện tượng tăng đường huyết.
Để phòng bệnh tiểu đường thai kỳ, các chuyên gia y tế khuyến khích phụ nữ trước khi mang thai cần duy trì cân nặng ở mức lý tưởng. Mặc dù thừa cân không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra đái tháo đường thai kỳ. Nghiên cứu cho thấy những người có chỉ số BMI > 30 (chỉ số chiều cao/ cân nặng) thì nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao gấp 3 lần so với những người có chỉ số BMI < 25. Phụ nữ bị thừa cân béo phì nên thực hiện giảm cân trước khi mang thai. Không nên áp dụng các biện pháp giảm cân khi đang mang thai vì việc này không an toàn cho mẹ và bé.
phong-benh-tieu-duong-thai-ky
Chế độ sinh hoạt cho phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ
Ngoài việc kiểm soát cân nặng, phụ nữ cần áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh: chia nhỏ bữa ăn, dùng các loại thực phẩm có nhiều chất xơ, sử dụng các loại chất béo tốt cho sức khỏe, cân bằng lượng tinh bột và các chất dinh dưỡng khác để duy trì đường huyết ở mức hợp lý.
Vận động cũng là yếu tố quan trọng giúp phòng bệnh đái tháo đường thai kỳ, các mẹ bầu có thể tập thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội. Nếu không có điều kiện tập thể dục, thì làm việc nhà hoặc đi cầu thang bộ cũng là hình thức vận động tốt cho sức khỏe. Việc vận động sau khi ăn giúp chỉ số đường huyết không tăng quá cao, cải thiện tình trạng đề kháng insulin, tăng sức dẻo dai của cơ thể, giúp mẹ bầu có tinh thần, thoải mái, lạc quan, tránh stress hiệu quả.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7