top

Danh mục sản phẩm

Tuyến yên là gì? Cấu tạo của tuyến yên. Tuyến yên có chức năng gì?

21/08/2022 08:18
Tuyến yên là gì? Cấu tạo của tuyến yên.
Tuyến yên có chức năng gì?
Tuyến yên là gì?
Tuyến yên (hay còn có tên gọi khác là tuyến não thùy) là một trong những tuyến nội tiết chính và quan trọng bậc nhất ở người. Tuyến này giữ vai trò chỉ đạo hoạt động của nhiều tuyến nội tiết khác của cơ thể nhờ chức năng truyền tải thông tin từ não đến các tuyến khác.
Tuyến yên ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động của cơ thể: sự tăng trưởng, hệ sinh dục và sinh sản, bài tiết sữa …
tuyen-yen-nam-o-dau
Vị trí của tuyến yên trong não
Cấu tạo của tuyến yên
Tuyến yên rất nhỏ (có kích thước khoảng 1cm, chỉ bằng hạt đậu) và nặng khoảng 0.5 gam. Tuyến này nằm ở đáy (nền) sọ, phía sau mũi, ở vị trí thân xương bướm trong lòng hố yên, nó nằm dính liền dưới não và được che chở bởi một cấu trúc xương. Tuyến yên nằm rất gần vùng dưới đồi (hạ đồi) – một bộ phận quan trọng khác của não bộ và có liên quan chặt chẽ với cơ quan này.
Về cấu tạo, mặc dù có kích thước rất nhỏ nhưng dựa vào hình thái và chức năng tuyến yên cũng được chia thành 3 ngăn riêng biệt gọi là 3 thùy: thùy trước, thùy giữa và thùy sau, trong đó thùy trước lớn hơn thùy sau một chút.
Thùy trước
Là bộ phận chính của tuyến yên, tiết ra nhiều loại hormone tham gia vào các hoạt động quan trọng của cơ thể như: sự tăng trưởng (hormone GH), sự phát triển của cơ quan sinh dục, sinh sản (hormone FSH, LH), điều hòa hoạt động của các tuyến nội tiết khác.
Thùy trước của tuyến yên gồm 3 phần: phần đầu, phần giữa (phần trung gian) và phần xa (phần hầu). Thùy này gồm hai loại tế bào: ưa a xít và ưa ba zơ
Các tế bào ưa a xít tiết ra 2 loại hormone là GHProlactin
Các tế bào ưa ba zơ (kiềm) tiết ra các loại hormone: FSH, TSH, ACTH, LHLipoprotein
Thùy giữa
Thùy giữa tuyến yên thường ít phát triển ở người trưởng thành, chúng chỉ phát triển mạnh ở trẻ em và động vật bậc thấp. Thùy này tiết ra hormone MSH có tác dụng phân bố các loại sắc tố da.
Thùy sau
Khác với thùy trước, thùy sau tuyến yên không tiết ra nhiều loại hormone tham gia vào quá trình nội tiết. Nơi đây được ví như trung tâm thông tin của cơ thể do là nơi tập trung của khoảng 50.000 dây thần kinh liên lạc khắp các bộ phận trong cơ thể.
Thùy sau tiết ra hai loại hormone là OxytocinVasopressin. Vasopressin (hay còn gọi là ADH) là hormone chống bài niệu. ADH có tác dụng làm tăng quá trình tái hấp thu nước ở ống lượn xa và quai helen. Nếu thiếu loại hormone này thì sẽ dẫn đến bệnh đái tháo nhạt (bệnh nhân đi tiểu rất nhiều lần trong ngày với lượng nước tiểu lớn) do cơ thể không tái hấp thu được nước ở thận. Oxytocin còn gọi là hormone thúc đẻ do tác dụng làm tăng co bóp cơ trơn tử cung. Nồng độ oxytocin trong máu tăng cao ở phụ nữ mang thai, đến ngày sinh nở, hormone này làm cho tử cung co bóp mạnh đẩy thai nhi ra ngoài.
cau-tao-cua-tuyen-yen
Cấu tạo của tuyến yên
Chức năng của tuyến yên
Tuyến yên đảm nhận nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, tùy theo cấu tạo mà mỗi thùy của tuyến yên đảm nhận các chức năng khác nhau.
Thùy trước
Thùy trước tiết ra nhiều loại hormone tác động đến các quá trình cơ bản của cơ thể như: tăng trưởng, chuyển hóa, sinh sản.
- Hormone tăng trưởng GH (Growth Hormone)
Hormone GH giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của cơ thể, chúng giúp tăng chiều cao ở trẻ em, cơ bắp săn chắc, kiểm soát lượng mỡ. GH tác động đến nhiều tế bào khác nhau, chúng tham gia vào quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. nồng độ hormone GH thay đổi liên tục trong ngày thường đạt đỉnh vào ban đêm (khi ngủ), và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: chế độ ăn uống, luyện tập, ngủ, tâm trạng căng thẳng.
GH tham gia vào quá trình trao đổi chất của cơ thể, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng. Hormone này thúc đẩy quá trình tổng hợp protein trong tế bào, đẩy nhanh quá trình phân giải mỡ và giải phóng năng lượng, bên cạnh đó chúng còn hạn chế việc sử dụng glucose và huy động insulin.
hormon-tang-truong-chieu-cao-gh
Hormone GH chi phối việc phát triển chiều cao của con người
Ở trẻ em, nếu lượng hormone tăng trưởng GH quá cao có thể sẽ gây ra hội chứng người khổng lồ (đứa trẻ phát triển nhanh quá mức bình thường). Ngược lại, nếu lượng GH quá thấp sẽ gây ra bệnh còi cọc, thấp lùn (đứa bé phát triển kém hơn). Nếu được phát hiện sớm thì cả hai bệnh này đều có thể chữa trị được.
- Hormone ACTH (Adrenocorticotrophic Hormone)
ACTH hay còn gọi là hormone kích thích vỏ thượng thận có chức năng kích thích tuyến thượng thận (một tuyến nội tiết khác của cơ thể) sản xuất ra cortisol – chất đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp, điều hòa lượng đường trong máu, chống viêm và hoạt động trao đổi chất. Ngoài ra, hormone ACTH còn tác động lên não: tăng trí nhớ, giúp cho quá trình học tập và tăng cảm xúc sợ hãi. Đối với da, ACTH giúp cho da có màu sắc đồng đều bằng cách kích thích các tế bào sắc tố sản xuất sắc tố da melamin rồi phân tán chúng trên bề mặt da.
ACTH tác động nên cấu trúc vỏ thượng thận: tăng sinh tế bào vỏ thượng thận (đặc biệt là những tế bào tiết ra cortisol và androgen). Nếu thiếu ACTH sẽ khiến cho lớp vỏ thượng thận bị teo lại.
Cũng giống như hormone FH, nồng độ ACTH thay đổi liên tục trong ngày và được điều hòa theo nhịp sinh học. Từ 6h – 8h sáng là khoảng thời gian nồng độ ACTH đạt mức cao nhất trong ngày, sau đó giảm dần, đến 23 giờ xuống mức thấp nhất, sau đó lại tăng dần về sáng.
- Hormone kích thích tuyến giáp TSH (Thyroid Stimulating Hormone)
Hormon kích thích tuyến giáp TSH được sản xuất bởi thùy trước của tuyến yên dưới sự kiểm soát của hormone TRH vùng dưới đồi. Khi nhận thấy nồng độ hormone tuyến giáp trong máu xuống thấp hoặc khi cơ thể bị căng thẳng (stress) hoặc tâm thần, vùng dưới đồi sẽ được kích thích để giải phóng ra TRH. TRH kích thích tuyến yên sản xuất ra hormone TSH, sau đó TSH lại kích thích tuyến giáp sản xuất ra các hormone là T3 (triiodothyroxine)T4 (thyroxin) – đây là hai loại hormone quan trọng của tuyến giáp giữ vai trò quan trọng đối với quá trình trao đổi chất của cơ thể, điều hòa nhịp tim ….
Việc xét nghiệm nồng độ hormone TSH trong máu thường được tiến hành trong chẩn đoán và theo dõi kết quả điều trị các bệnh lý về tuyến giáp, đặc biệt là trong bệnh Basedow.
- Hormone kích thích noãn bào tố (kích thích nang trứng) FSH (Follicle Stimulating Hormone)
Hormone FSH do thùy trước tuyến yên sản xuất ra, đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh dục và sinh sản ở người. Hormone này phát triển mạnh trong giai đoạn dậy thì ở cả nam giới và nữ giới.
+ Đối với nữ giới
FSH có tác dụng kích thích noãn bào phát triển gây ra hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Chỉ số FSH phản ảnh mức độ trưởng thành của buồng trứng, tức là phụ nữ trưởng thành có nồng độ FSH cao hơn so với người trẻ tuổi bởi ở giai đoạn sinh sản phụ nữ cần một lượng lớn hormone này để cho sự phát triển buồng trứng và kích thích noãn bào. Lượng FSH trong cơ thể nữ giới có liên quan mật thiết với quá trình rụng trứng, nếu phụ nữ có lượng FSH thấp sẽ khó xảy ra hiện tượng rụng trứng.
Nồng độ hormone FSH trong máu thường đạt mức cao nhất (cực đại) ngay sát thời điểm trước khi rụng trứng (do lúc này FSH kích thích buồng trứng). Sau khi trứng rụng, lượng FSH sẽ giảm xuống về mức cơ bản hoặc dưới nồng độ bình thường.
tac-dung-của-hormone-fsh-voi-sinh-san
Hormone FSH có liên quan chặt chẽ đến sự rụng trứng ở nữ
Ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PolyCystic Ovary Syndrome) gọi tắt là PCOS thường có nồng độ FSH trong máu thấp, điều này gây ra tình trạng trứng không rụng hoặc khó rụng dẫn đến bệnh vô sinh, hiếm muộn.
Xét nghiệm FSH thường được chỉ định cho phụ nữ nghi mắc đa nang buồng trứng, thường kết hợp với xét nghiệm các loại hormone khác. Một số loại thuốc có thể làm thay đổi nồng độ FSH như: thuốc tránh thai; thuốc điều trị vô sinh do không rụng trứng: Clomiphene; thuốc điều trị Parkinson (Levodopa), thuốc điều trị bệnh tim digitalis. Vì vậy, cần ngừng sử dụng các loại thuốc này trước khi tiến hành xét nghiệm FSH. Bác sĩ cũng khuyên các chị em nếu đang sử dụng thuốc tránh thai nội tiết tố, nên ngưng sử dụng ít nhất 4 tuần trước khi định lượng FSH.
+ Đối với nam giới
Hormone FSH có tác dụng kích thích sự phát dục của ống sinh tinh và thúc đẩy tế bào sertoli ở tinh hoàn sản xuất tinh trùng
Khi nồng độ FSH cao hay thấp đều cho thấy hệ sinh sản đang gặp vấn đề
Nếu chỉ số FSH cao chứng tỏ quá trình sinh tinh gặp trục trặc do tinh hoàn không đáp ứng kịp thời với kích thích của hệ trục dưới đồi – tuyến yên. Điều này khiến cho quá trình sinh tinh bị tổn thương, tinh hoàn không còn khả năng sản xuất ra tinh trùng và khi đó sẽ không có bất cứ liệu pháp điều trị nào đem lại hiệu quả.
Nếu chỉ số FSH thấp, điều đó nói lên rằng người ấy đã bị suy tuyến yên hoặc suy vùng hạ đồi. 
Xét nghiệm FSH ở nam giới thường được chỉ định khi gặp các vấn đề về tinh trùng: không xuất tinh, tinh trùng ít, tinh trùng loãng.
- Hormon tạo hoàng thể LH (Luteinizing)
Cũng giống như FSH, hormone LH do thùy trước tuyến yên tiết ra và giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ sinh sản ở người. Hormone này giúp kiểm soát chức năng buồng trứng ở nữ giới và tinh hoàn ở nam giới.
+ Ở nữ giới
LH có liên quan mật thiết đến quá trình rụng trứng và thụ thai. Trong hai tuần đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, LH sẽ kích thích các nang noãn trong buồng trứng để sản xuất ra estradiol (E2) – một loại estrogen có hoạt tính mạnh nhất có tác dụng kích hoạt sự giải phóng trứng. Vào giữa chu kỳ (khoảng ngày thứ 14), nồng độ LH tăng cao khiến cho các nang noãn bị vỡ ra, đồng thời giải phóng một lượng noãn bào (trứng) trưởng thành, đây chính là quá trình rụng trứng ở phụ nữ. Trong nửa sau của chu kỳ (tuần thứ 3 và thứ 4) LH sẽ kích thích hoàng thể (phần còn lại của nang noãn tạo thành) sản xuất ra progesterone – hormone cần thiết cho sự làm tổ và phát triển của thai nhi nếu xảy ra sự thụ tinh.
Nồng độ LH trong máu cao có thể là dấu hiệu của bệnh vô sinh do suy buồng trứng. Nồng độ hormone này cao cũng gây ra hội chứng buồng trứng đa nang – tình trạng cơ thể nữ giới sản xuất testosterone một cách bất thường do sự mất cân bằng giữa hai loại hormone tạo hoàng thể và kích thích nang trứng.
Phụ nữ nếu thiếu hormone LH sẽ dẫn đến hiện tượng rối loạn kinh nguyệt (kinh không đều hoặc không có kinh), nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến vô sinh do không rụng trứng
hormone-lh-luteinizing-co-tac-dung-gi
Hormone LH (Luteinizing) ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam và nữ
+ Ở nam giới
Hormone LH kích thích các tế bào Leydig trong tinh hoàn sản xuất ra nội tiết tố nam testosterone – chất đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh dục và sức khỏe của phái mày râu.
Khi nồng độ LH ở nam giới tăng cao, điều đó báo hiệu tinh hoàn đang có vấn đề. Ngược lại khi nồng độ hormone này trong máu thấp, điều này gợi ý người đàn ông đó gặp vấn đề ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.
- Hormon Prolactin
Prolactin cũng là hormone do thùy trước tuyến yên tiết ra và có ở cả nam và nữ, thường tăng cao ở giai đoạn cho con bú. Prolactin có nhiều vai trò khác nhau: điều hòa hệ thống miễn dịch, liên quan đến sự phát triển của tuyến tụy, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, sự tạo máu, quá trình đông máu. Trong đó vai trò nổi bật nhất là kích thích việc tiết sữa ở phụ nữ cho con bú. Prolactin kích thích tuyến vú tiết sữa sau khi sinh, sau đó kết hợp cùng với hormone oxytocin để đẩy sữa ra ngoài.
Trên lâm sàng, xét nghiệm prolactin thường được chỉ định trong một số trường hợp nhằm đánh giá chức năng của tuyến yên hoặc các bệnh lý liên quan đến tuyến này; chẩn đoán các bệnh liên quan đến hệ sinh dục ở cả nam và nữ: vô sinh, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, mất kinh; chẩn đoán và điều trị các bệnh: u tuyến yên, u tuyến vú.
hormone-prolactin-co-tac-dung-gi
Tác dụng nổi bật của hormone Prolactin là điều khiển việc tiết sữa ở phụ nữ
Thùy sau
- Hormone Oxytocin
Oxytocin là hormone đóng vai trò rất quan trọng đối với cả hai giới, nó được ví là “hormone tình yêu” hay “hormone hạnh phúc”. Hormone này thường được sản xuất khi con người thực hiện các cử chỉ thân mật như: nắm tay, ôm hôn, vuốt ve hoặc quan hệ tình dục giữa các cặp đôi. Oxytocin còn là hormone sinh sản vì kích thích cơn chuyển dạ do tác dụng tăng co bóp tử cung khi sinh và tăng tiết sữa mẹ ở giai đoạn cho con bú. Ở nam giới, oxytocin giúp tinh trùng dễ di chuyển hơn.
Oxytocin có rất nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe: giảm stress, giảm đau, cải thiện trí nhớ, phòng bệnh trầm cảm sau sinh, kéo dài tuổi thọ.
Trong các tác dụng của Oxytocin, thì tác dụng nổi bật được nhiều người biết đến nhất là thúc đẩy quá trình chuyển dạ và bài tiết sữa khi sinh.
Ở phụ nữ mang thai, oxytocin tác động lên cơ trơn tử cung gây ra các cơn co tử cung. Thời gian, tần suất và cường độ của các cơn co này tăng dần theo thời gian của thai kỳ. Chúng bắt đầu xuất hiện từ tuần thứ 20, sau đó tăng lên từ tuần 30 và ổn định từ tuần thứ 34 cho đến gần ngày sinh. Đến lúc chuyển dạ, nồng độ oxytocin tăng rất nhanh (gấp 2 – 3 lần và đạt đỉnh khi sinh và lúc tử cung co hồi).
hormone-oxytocin-co-tac-dung-gi
Hormone Oxytocin hoạt động mạnh khi phụ nữ chuyển dạ và sinh con
- Hormone ADH (Arginine Vasopressin)
Hormone ADH do vùng dưới đồi của não sản xuất ra và được dự trữ ở thùy sau của tuyến yên. ADH còn được gọi là hormone chống bài niệu do tác dụng chống lợi tiểu của nó. Hormone này giúp tăng tính thấm của các ống thận qua đó làm tăng khả năng tái hấp thu nước ở ống thận, nước tiểu bị cô đặc hơn và lượng nước trong cơ thể tăng trở lại. Tác dụng chống bài niệu của ADH có thể giúp cơ thể giữ lại được đến 90% lượng nước đáng lẽ bị bài tiết qua nước tiểu. Hormone ADH giúp thận quản lý lượng nước trong cơ thể, chúng cho thận biết cần phải tiết kiệm (giữ lại) nước, nó liên tục điều chỉnh và cân bằng lượng nước trong máu. ADH hoạt động giống như một chiếc cảm biến thẩm thấu phản ứng với các loại hạt trong máu: natri, kali … Khi xảy ra tình trạng mất cân bằng nồng độ các hạt hoặc khi huyết áp xuống thấp, những cảm biến và cơ quan cảm thụ này sẽ gửi tín hiệu cho thận biết cần phải giữ lại hay giải phóng nước. Hormone ADH cũng giúp điều chỉnh cảm giác khát của cơ thể (tăng lên hoặc giảm đi).
Khi cơ thể bị thiếu ADH có thể dẫn đến bệnh đái tháo nhạt, đó là tình trạng người bệnh đi tiểu liên tục trong ngày (trung bình 30 phút/lần), gọi là chứng đa niệu. Điều này khiến bệnh nhân bị mất nước dẫn đến khát nước thường xuyên. Người mắc bệnh đái tháo nhạt thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi do giấc ngủ bị gián đoạn vì phải đi tiểu nhiều. Bệnh nhân có nguy cơ bị mất nước trầm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài tác dụng chống bài niệu, hormone ADH còn có tác dụng cầm máu do khả năng làm co các mạch máu ngoại vi và kích thích nhu động ruột do khả năng gây co cơ trơn của ruột.
tuyen-yen-co-vai-tro-gi
Tuyến yên đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể
Qua các phân tích trên, chúng ta có thể thấy tuyến yên giữ vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể, chi phối hoạt động của nhiều cơ quan và tuyến nội tiết khác: tuyến giáp, tuyến thượng thận, buồng trứng, tinh hoàn … Chúng ta cần lưu ý một số bệnh lý liên quan đến tuyến yên như: u tuyến yên, suy tuyến yên, tăng prolactin máu, bệnh cushing, chấn thương sọ não … Khi có các dấu hiệu bệnh lý liên quan đến tuyến yên, cần phải đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán. Nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị thường mang lại kết quả cao, hạn chế các biến chứng cho người bệnh.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7