top

Danh mục sản phẩm

Tuyến thượng thận là gì? Vai trò (chức năng) của tuyến thượng thận

05/05/2023 19:39
Tuyến thượng thận là gì?
Vai trò (chức năng) của tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận là gì?
Tuyến thượng thận là một tuyến nội tiết nhỏ hình tam giác nằm sâu trong phúc mạc, úp trên đỉnh hai quả thận. Mặc dù có tên là tuyến thượng thận nhưng chỉ 1/10 tuyến này nằm trùm lên đầu của hai quả thận, phần còn lại nằm ở bờ trong của thận, ngay trên rốn thận.
tuyen-thuong-than
Tuyến thượng thận
Ở người trưởng thành, mỗi tuyến thượng thận có khối lượng từ 12 – 13 gam, kích thước tương đương với một quả óc chó: dài 40 – 60 mm, rộng 20 – 30 mm và dày 2 – 8 mm. Tuyến thượng thận phải có khối lượng và kích thước nhỏ hơn so với tuyến thượng thận trái.
Cấu tạo của tuyến thượng thận
Mỗi tuyến thượng thận được cấu tạo bởi hai phần: Vỏ thượng thận (phần bên ngoài) và tủy thượng thận (phần bên trong).
Vỏ thượng thận gồm ba lớp: lớp cầu (ngoài cùng); lớp sợi (ở giữa)lớp lưới (trong cùng). Vỏ thượng thận chiếm đến 80% khối lượng của cả tuyến thượng thận.
Tủy thượng thận: là bộ phận thuộc hệ thần kinh giao cảm hoạt động như hạch giao cảm. Tủy bao gồm các nơ ron sau hạch đã bị biến đổi (không có sợi trục và sợi nhánh, chỉ có thân). Các nơ ron này được chi phối bởi các sợi trước hạch của hệ thần kinh giao cảm.
Chức năng của tuyến thượng thận
Mặc dù có kích thước nhỏ bé nhưng tuyến thượng thận lại đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Tuyến thượng thận tiết ra các loại hormone giúp điều hòa huyết áp, chống viêm, cân bằng các chất điện giải, ổn định đường huyết, giúp cơ thể phản ứng với tình trạng căng thẳng …
Cả vỏ thượng thận và lớp tủy đều có khả năng tiết ra các loại hormone khác nhau đảm nhiệm những chức năng quan trọng.
Vỏ thượng thận sản xuất ra ba loại hormone là: glucocorticoid, androgen và mineralocorticoids. Các hormone này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chuyển hóa (trao đổi chất), đáp ứng miễn dịch, cân bằng huyết áp, đặc tính sinh dục
Tủy thượng thận sản xuất ra hormone catecholamine, chủ yếu là epinephrine (hay adrenalin) và một lượng nhỏ norepinephrine (noradrenalin). Các hormone này giữ vai trò duy trì huyết áp và nhịp tim.
Chức năng của vỏ thượng thận
1. Glucocorticoid
Vỏ thượng thận sản xuất glucocorticoid (trong đó chủ yếu là cortison và hydrocortison), hormone này đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể, duy trì huyết áp ổn định, chống căng thẳng (stress). Nếu cơ thể bị thiếu chất này sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như: hạ đường huyết, suy nhược, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới sốc và tử vong.
Glucocorticoid có tác dụng gì?
Chống viêm. Chống dị ứng và ức chế miễn dịch
Đây là tác dụng nổi bật nhất của hormone này. Glucocorticoid (GC) có tác dụng với hầu hết các loại viêm và nhiều dạng dị ứng do bất cứ nguyên nhân gì: hóa học, cơ học, nhiễm khuẩn, miễn dịch, tia xạ …) Cơ chế chống viêm của GC là ức chế hoặc giảm tác dụng của các chất trung gian gây viêm như Cytokin (interleukin, TMF), các ecosanoid (prostaglandin, leukotrien), giảm sự tập trung và hoạt tính của các tế bào bạch cầu tại ổ viêm, giảm sự hình thành mô liên kết, giảm sự phóng thích histamin. Điều đó góp phần ức chế quá trình viêm mạn tính nhưng lại làm chậm quá trình lành vết thương.
Tác dụng ức chế miễn dịch
Glucocorticoid làm giảm số lượng bạch cầu lympho trong máu, ức chế khả năng thực bào, ức chế quá trình sản xuất kháng thể và sự di chuyển của tế bào bạch cầu. Nhưng điều này lại làm mất đi đáp ứng viêm mang tính bảo vệ, giảm sức đề kháng nên cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
glucocorticoid-co-tac-dung-gi
Tác dụng của Glucocorticoids
Đối với chuyển hóa (quá trình trao đổi chất)
- Chuyển hóa glucid
GC làm tăng đường huyết do giảm tổng hợp insulin, tăng tạo glucose, tăng quá trình tổng hợp glucagon. GC làm gia tăng quá trình huy động các acid amin từ protein đồng thời kích thích tổng hợp glucose từ chính các acid amin này trong gan. Bên cạnh đó, chất này còn kích thích tế bào tăng mức sử dụng a xít béo tự do thay thế glucose để thu được năng lượng.
Nếu dùng GC trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh tiểu đường hoặc làm cho bệnh này nặng thêm.
- Chuyển hóa protid
GC ức chế quá trình tổng hợp protid. Để tạo ra các phân tử glucose mới, GC tăng quá trình dị hóa protid để lấy acid amin từ cơ xương vào gan. Vì vậy, nếu dùng GC trong thời gian dài sẽ dẫn đến xốp xương, teo cơ.
- Chuyển hóa lipid
GC làm tăng sự tổng hợp mỡ ở thân và giảm tổng hợp mỡ ở các chi nên người dùng GC trong thời gian dài chân tay bị teo nhỏ lại và thân người phì to ra.
- Chuyển hóa muối
GC làm tăng quá trình đào thải canxi và kali qua nước tiểu, giảm sự hấp thu canxi ở ruột khiến nồng độ canxi trong máu giảm. Điều này khiến cơ thể phản ứng lại bằng cách lấy canxi từ xương ra dẫn đến hiện tượng tiêu xương: xương xốp, giòn và dễ gãy.
Tác dụng trên máu
Khi dùng GC ở liều cao sẽ làm tăng hồng cầu (trong hội chứng Cushing) nhưng lại giảm hồng cầu trong hội chứng Addison.  GC giảm bạch cầu ưa a xít, giảm hoạt động của các tế bào bạch cầu, giảm sự di chuyển của bạch cầu đến các tổ chức bị viêm. Nhưng hormone này lại làm tăng tiểu cầu, tăng quá trình đông máu. Tác dụng này được ứng dụng trong điều trị ung thư bạch cầu hoặc làm gia tăng nhanh số lượng hồng cầu sau mỗi đợt điều trị ung thư.
2. Androgen
Androgen là hormone do vỏ tuyến thượng thận tiết ra ở cả nam và nữ. Tuy nhiên lượng androgen ở nam giới lớn hơn rất nhiều (gấp 10 - 12 lần so với nữ). Androgen tham gia vào các quá trình: tăng trưởng, sinh sản.
Đối với nam giới
Androgen đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tình dục và sinh sản. Hormone này còn quyết định các đặc điểm của phái mạnh như: giọng nói, cơ bắp, bộ râu, ria mép, lông chân, lông tay.
Đối với nữ giới 
Androgen giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn dậy thì: kích thích quá trình mọc tóc, lông ở mu và nách. Ở thời kỳ trưởng thành, chất này cần thiết cho quá trình tổng hợp estrogen – một loại hormone của buồng trứng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ sinh sản, cũng như sinh lý nữ. Androgen góp phần tạo ra sự thỏa mãn trong quan hệ tình dục và ngăn ngừa hiện tượng mất xương.
Testosterone là androgen chính và phổ biến nhất, ngoài ra còn có các loại khác như: Dihydrotestosterone (DHT) và Dehydroepiandrosterone (DHEA).
hormone-androgen-co-vai-tro-gi
Hormone androgen đóng vai trò quan trọng đối với sinh sản và giới tính
3. Mineralocorticoids (corticoid khoáng)
Mineralocorticoids hay thường được gọi là aldosterone, đây là loại hormone đóng vai trò quan trọng giúp điều hòa huyết áp và cân bằng các chất điện giải trong cơ thể (thông qua việc quản lý sự cân bằng giữa natri và kali).
Cơ chế tác dụng của các hormone Mineralocorticoids
Duy trì nồng độ các chất muối khoáng trong máu ở mức ổn định thông qua việc tác động lên hệ thống ống lọc của thận (ống lượn xa và ống góp).
Tăng quá trình tái hấp thu ion natri ở ống lọc của thận, sau đó đưa ngược trở lại vào máu.
Tăng bài tiết ion K+ (Kali) và H+ (hydrogen) vào dịch trong lòng ống để thải ra ngoài qua nước tiểu.
Qua đó chúng ta thấy rằng nồng độ aldosterone trong cơ thể ảnh hưởng nhiều đến huyết áp, nồng độ kali huyết, lượng dịch và tình trạng kiềm toan của máu.
Chức năng của tủy thượng thận
Tủy thượng thận là một cơ quan nhỏ (chỉ chiếm khoảng 20%) của tuyến thượng thận. Đây chính là nơi tổng hợp chất Catecholamin, sau đó được phóng thích vào máu. Catecholamin bao gồm 80% là Epinephrine (hay adrenalin), 20% còn lại là norepinephrine (hay noradrenalin)
Tủy thượng thận chính là một phần của hệ thần kinh giao cảm. Khi tủy thượng thận nhận được kích thích thần kinh giao cảm, cơ quan này sẽ giải phóng các chất adrenalin và noradrenalin vào tuần hoàn máu rồi đi đến tất cả các mô trong cơ thể.
cac-hormone-cua-tuyen-thuong-than
Các loại hormone của tuyến thượng thận
Tủy thượng thận có hai chức năng chính:
- Huy động nguồn năng lượng cho toàn bộ cơ thể sử dụng.
- Tái phân bổ lượng máu từ những bộ phận ít quan trọng về các cơ quan quan trọng, có nhu cầu nhiều hơn như tim và não.
Mỗi khi chúng ta gặp căng thẳng, lo lắng, sợ hãi về tinh thần hoặc thể chất, tủy thượng thận sẽ tiết catecholamine vào máu giúp cơ thể thích nghi với các yếu tố đó.
Để thực hiện được điều này, các hormone của tủy thượng thận đảm bảo cơ thể có một nguồn năng lượng dồi dào, ổn định để đáp ứng với các kích thích từ bên ngoài thông qua các cơ chế:
Tăng nhịp tim, tăng sức co bóp của cơ tim
Tăng quá trình tưới máu cho tim và não
Giãn cơ trơn của phế quản và tử cung, tăng nhịp thở
Tăng huyết áp tâm thu
Tăng huy động đường và các loại acid béo trong máu, đảm bảo cho cơ thể có nguồn năng lượng dồi dào, sẵn sàng cho các bộ phận sử dụng với mức cao hơn.
Các loại hormone do tuyến thượng thận tiết ra đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sự sống của con người. Vì vậy, nếu bất kỳ bộ phận nào của tuyến này gặp trục trặc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác của cơ thể.
Một số bệnh lý thường gặp ở tuyến thượng thận như: suy tuyến thượng thận (bệnh Addison), u tuyến thượng thận, bệnh Cushing, cường tủy thượng thận, tăng sản tuyến thượng thận.
Để phòng các bệnh ở tuyến thượng thận, các chuyên gia khuyên người dân cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc đặc biệt là các loại thuốc thuộc nhóm corticoid: người mắc bệnh khớp, hen suyễn, bệnh tự miễn. Việc sử dụng các loại thuốc này phải theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7