top

Danh mục sản phẩm

Triệu chứng và cách phòng bệnh ung thư gan. Cần làm xét nghiệm gì để phát hiện sớm ung thư gan?

01/12/2023 16:42
Triệu chứng và cách phòng bệnh ung thư gan
Cần làm xét nghiệm gì để phát hiện sớm ung thư gan?
Ung thư gancăn bệnh rất phổ biến hiện nay. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới (GLOBOCAN) được thực hiện vào năm 2020 cho thấy: mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 905.677 người mắc mới ung thư gan (chiếm tỷ lệ 4.7%) và 830.180 (tỷ lệ 8.3%) trường hợp tử vong do ung thư gan. Trong số các bệnh ung thư thường gặp ở nam giới thì ung thư gan xếp ở vị trí thứ 5, và đứng ở vị trí thứ 7 trong các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới.
Tại nước ta, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi kể cả về số ca mắc mới (hơn 26.400) và số trường hợp tử vong (hơn 25.000 người).
so-lieu-thong-ke-benh-ung-thu-tai-viet-nam
Số liệu thống kê bệnh ung thư ở nước ta
Tỷ lệ sống trung bình của bệnh nhân ung thư gan trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán khoảng 9%. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, thì khoảng 19% bệnh nhân có thể sống sót trên 5 năm, nhưng chỉ có khoảng 30% bệnh nhân phát hiện ra bệnh ở giai đoạn này. Nếu phát hiện ung thư gan ở giai đoạn 2 thì tiên lượng sống của bệnh nhân trong 5 năm là khoảng 6.5%. Có khoảng 22% trường hợp phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này khi khối u đã di căn thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm rất thấp (chỉ khoảng 3.5%).
Nếu ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh được phẫu thuật hoặc ghép gan thì việc điều trị thường mang lại kết quả tốt, với tỷ lệ sống có thể lên tới 80%. Tuy nhiên, bệnh thường tiến triển một cách thầm lặng, không có triệu chứng điển hình nên đa số bệnh nhân phát hiện ra bệnh ở giai đoạn muộn, việc điều trị thường không mang lại hiệu quả cao và thời gian sống ngắn. 
Vậy các triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư gan là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Triệu chứng của bệnh ung thư gan
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của ung thư gan không rõ rệt nên dễ bị bỏ qua. Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện ra bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc thực hiện các thăm dò chức năng khác: siêu âm, chụp CT hoặc cộng hưởng từ ổ bụng. 
Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư gan giống với triệu chứng của bệnh viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như:
Chán ăn
Chán ăn là triệu chứng của bệnh ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng. 
Trong bệnh ung thư gan, người bệnh bị chán ăn do khối u nằm ở gan hoặc các bộ phận khác của đường tiêu hóa gây cản trở việc ăn uống: gây ra hiện tượng khó nuốt hoặc khiến bệnh nhân luôn có cảm giác no (đầy bụng) ngay cả khi không ăn uống gì. Thêm vào đó, một số loại khối u có khả năng giải phóng một số hormone khiến cơ thể giảm cảm giác đói. Mặt khác, bệnh nhân ung thư bị mất nước, buồn nôn, căng thẳng và đau đớn nên giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn.
Vàng da, vàng mắt
Vàng da là dấu hiệu chung của các bệnh về gan mật, vàng da tuy không phải là một bệnh, nhưng là biểu hiện lâm sàng của sự suy giảm chức năng gan. Khi chức năng gan bị suy giảm sẽ dẫn đến tích tụ bilirubin trong cơ thể gây ra hiện tượng vàng da. Vàng da cũng là một trong những triệu chứng đầu tiên của ung thư gan.
vang-da-la-trieu-chung-cua-benh-gi
Vàng mắt, vàng da là triệu chứng chung của các bệnh về gan mật trong đó có ung thư gan
Ở giai đoạn muộn, các triệu chứng của ung thư gan rõ ràng hơn, hoặc cũng có thể xuất hiện thêm các biến chứng.
Buồn nôn, nôn
Đây là triệu chứng thường gặp ở những người mắc các bệnh về gan, mật. Gan là nơi sản xuất mật, sau đó mật được vận chuyển từ túi mật đến ruột non thông qua các ống dẫn mật để tiêu hóa thức ăn. Trong bệnh ung thư gan, khối u có thể hình thành ở gan hoặc trong ống mật dẫn đến tắc nghẽn ống mật. Điều này gây ra hiện tượng buồn nôn, nôn và hàng loạt các triệu chứng khác như: đau hạ sườn phải, ngứa, vàng da …
Sút cân không rõ lý do
Bốn chức năng chính của gan là: thải độc, tạo mật, dự trữ và chuyển hóa. Khi mắc ung thư gan, chức năng gan suy giảm khiến quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng: người bệnh ăn không ngon miệng, thường xuyên bị chướng bụng, cảm thấy ngấy đồ ăn nhiều dầu mỡ, sự hấp thu các chất dinh dưỡng cũng kém hơn. Vì thế nên bệnh nhân bị gầy sút nhanh, có thể giảm 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 1 – 3 tháng. 
Nếu một người vẫn ăn uống điều độ, không áp dụng bất cứ chế độ ăn kiêng hay giảm cân nào mà vẫn bị sút cân thì nên cảnh giác với bệnh ung thư (trong đó có ung thư gan), bởi sút cân là một trong những triệu chứng của ung thư.
trieu-chung-benh-ung-thu-gan
Các triệu chứng của bệnh ung thư gan
Đau tức vùng hạ sườn phải
Khi bị ung thư gan, bệnh nhân thường bị đau ở hạ sườn phải (vùng bụng phía bên phải, ngay dưới xương sườn) – đây là vị trí của gan trong ổ bụng, cũng là nơi tập trung nhiều cơ quan nội tạng khác trong cơ thể như: thận, đại tràng, một phần của phổi.
Nguyên nhân gây ra triệu chứng này là do khối u trong gan to dần, chèn ép vào các bộ phận gần gan gây ra các cơn đau ở khu vực này. Tần suất của các cơn đau tăng dần theo kích thước khối u và giai đoạn của bệnh. Đau có thể lan rộng ra phía sau lưng, thường đi kèm với sưng ổ bụng và chân (mắt cá chân). Với những bệnh nhân ở giai đoạn muộn, có thể thường xuyên bị các cơn đau quặn gan (đau liên tục, dữ dội).
Chướng bụng, đau bụng
Đau bụng là triệu chứng hay gặp nhất ở những người bị ung thư gan (có đến 90% bệnh nhân có triệu chứng này). Cơn đau có đặc điểm: lúc đầu chỉ mơ hồ, thoáng qua sau đó tăng nặng dần, đau không thành cơn. Đau thường tập trung ở khu vực mạn sườn phải và vùng trên rốn, đau tăng lên khi vận động hoặc thấy tức nặng khi ăn uống. Một số trường hợp, người bệnh bị đau lan ra sau lưng rồi lên vai phải.
Mặc dù gan không có các mô thần kinh nhưng gan lại được bao bọc bởi lớp mỏng được gọi là nang Glisson, lớp này chứa rất nhiều sợi thần kinh. Khi khối u xuất hiện trong gan, chúng khiến cho các sợi thần kinh này bị căng giãn cơ tạo ra áp lực hoặc kéo căng nang Glisson gây ra triệu chứng đau bụng.
Chướng bụng cũng là triệu chứng thường thấy ở người ung thư gan (xuất hiện ở khoảng 40% số ca mắc)
Mệt mỏi, chán ăn
Gan giữ một chức năng rất quan trong trong hệ tiêu hóa là bài tiết mật giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi bị ung thư gan, khả năng tiết mật của gan bị suy giảm, lượng mật được sản xuất ra ít hơn không đủ để tiêu hóa thức ăn. Hậu quả là người bệnh thấy ăn uống không ngon miệng, cảm giác chán ăn.
Mệt mỏi cũng là triệu chứng thường thấy trong bệnh ung thư gan. Trong cơ thể, một lượng lớn glucose được dự trữ ở gan dưới dạng glycogen, khi cần glycogen được chuyển thành glucose cho các tế bào hoạt động. Tuy nhiên, khi có khối u ở gan, quá trình chuyển đổi này bị hạn chế dẫn đến cơ thể thiếu năng lượng để hoạt động. Vì thế nên người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
dau-hieu-nhan-biet-benh-ung-thu-gan
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư gan
Hay bị ngứa ngoài da
Khi bị ung thư gan, chức năng gan suy giảm khiến nồng độ bilirubin trong máu tăng cao. Điều này gây ra hiện tượng vàng da và ngứa ngáy trên da. Thoạt đầu, có vẻ triệu chứng ngứa da không liên quan gì đến các khối u. Nhưng theo các nhà khoa học: một số loại khối u có khả năng giải phóng các chất gây viêm và các yếu tố trung gian gây ngứa, những chất này kích thích và gây ngứa da. Cũng giống như các dây thần kinh đau, các thụ thể ngứa phân bố ở nhiều điểm trên da. Khi các đầu dây thần kinh ở bề mặt da bị kích thích, chúng sẽ truyền tín hiệu đến não, não ra lệnh cho các thụ thể ngứa hoạt động gây ra triệu chứng ngứa ngáy.
Bệnh ngứa do ung thư thường có đặc điểm:
- Xảy ra đột ngột và kéo dài
- Trên bề mặt da không có bất cứ thay đổi hoặc bất thường nào. Không có dấu hiệu của bệnh da nguyên phát.
- Dùng các thuốc giảm ngứa không có tác dụng làm dịu bớt cơn ngứa.
Đi ngoài phân màu trắng hoặc bạc màu
Theo Macmillan – Tổ chức về bệnh Ung thư của Anh, phân nhạt màu là một dấu hiệu cảnh báo ung thư gan. Còn theo Tạp chí Liver Cancer, các bác sĩ ở Phòng khám Mayo Clinic (Hoa Kỳ) cũng nhấn mạnh: nếu phân có màu trắng như phấn thì đó có thể là dấu hiệu bị ung thư gan.
Các chuyên gia y tế cho rằng: phân có nhiều màu sắc khác nhau tùy thuộc vào loại thực phẩm ăn vào. Bình thường phân có màu nâu (màu của mật tạo ra từ gan), điều này cũng chứng tỏ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ruột hoạt động bình thường.
Khi phân có màu nhạt, có nghĩa là lượng mật được tiết ra từ gan không đủ đi đến phân. Điều này chứng tỏ cơ thể đang gặp vấn đề ở gan mật. Vì vậy, nếu phân và nước tiểu bị thay đổi màu sắc, hãy cảnh giác với các bệnh ở đường tiêu hóa trong đó có ung thư gan.
Cần làm xét nghiệm gì để phát hiện sớm ung thư gan?
Hiện nay có hai phương pháp chính để phát hiện sớm ung thư gan là xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh.
Chẩn đoán hình ảnh
Là phương pháp xác định ung thư gan dựa trên các thăm dò chức năng bằng hình ảnh như: siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp điện toán (chụp CT) ổ bụng hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). 
Siêu âm là phương pháp phổ biến nhất hiện nay, có thể phát hiện ra các khối u có kích thước trên 1 cm. Phương pháp này đóng vai trò rất quan trọng trong việc tầm soát ung thư gan và các bệnh lý khác ở gan: tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường đơn giản, dễ thực hiện và ít tốn kém, tuy nhiên lại có nhược điểm là chỉ phát hiện ra bệnh ung thư gan khi khối u đã hình thành 
Xét nghiệm máu 
Là phương pháp chẩn đoán sớm ung thư gan dựa vào các chỉ dấu sinh hóa hoặc miễn dịch do tế bào ung thư (khối u) tiết ra. Đây là phương pháp phổ biến, thường được sử dụng trong chẩn đoán sớm ung thư gan. Việc phát hiện ra các chỉ dấu ung thư gan giúp tìm ra bệnh sớm (trước khi khối u xuất hiện), bệnh nhân được điều trị kịp thời, nâng cao tỷ lệ thành công, tăng thời gian sống cho người bệnh.
Hiện nay có 3 chỉ dấu được dùng trong chẩn đoán ung thư gan
- Chỉ số AFP (Alpha-FetoProtein)
Chỉ số này thường dùng trong tầm soát ung thư biểu mô tế bào gan (HCC)
AFP là một loại protein được tạo ra bởi gan ngay trong giai đoạn bào thai, chính vì thế nên trẻ sơ sinh thường có nồng độ AFP trong máu khá cao, sau đó sẽ giảm dần theo thời gian. Ở người trưởng thành, lượng AFP trong huyết tương thường ổn định ở mức thấp (dưới 10 ng/ml).
xet-nghiem-afp-phat-hien-som-ung-thu-gan
Xét nghiệm nồng độ afp trong chẩn đoán sớm ung thư gan
Chỉ số AFP thường tăng cao trong một số trường hợp như: mang thai, các bệnh lý về gan: xơ gan, viêm gan mạn tính, u tinh hoàn …; hoặc trong một số bệnh ung thư: ung thư gan, ung thư dạ dày, đại tràng, ung thư phổi, ung thư vú.
Khi một người có nồng độ AFP trong máu ≥ 20 ng/ml thì có khả năng bị ung thư gan. Tuy nhiên, chỉ dựa vào chỉ số này cũng chưa thể kết luận được người đó bị ung thư gan vì ở một số người không mắc ung thư gan nhưng chỉ số AFP vẫn ở mức cao: phụ nữ có thai, người bị bệnh gan mạn tính: xơ gan, viêm gan virus … Hơn nữa, xét nghiệm HCC có độ nhạy không cao (41 – 65%), độ đặc hiệu 80 – 90%.
Theo khuyến cáo của Mạng lưới Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ NCCN (National Comprehensive Cancer Network) và Hội Nghiên cứu Gan Châu Á Thái Bình Dương APASL (Asian Pacific Association for the Study of the Liver): những người có nguy cơ cao bị ung thư biểu mô tế bào gan (xơ gan, viêm gan virus) cần xét nghiệm nồng độ AFP trong máu và siêu âm gan định kỳ 6 tháng/lần.
- Chỉ số AFP – L3
AFP – L3 là một đồng đẳng của AFP, AFP – L3 chủ yếu được sản xuất bởi các tế bào gan ác tính, chất này thường xuất hiện ở những người bị ung thư biểu mô tế bào gan. Với người bình thường, nồng độ AFP – L3 trong máu thường ở mức 5%, khi chỉ số này > 10% thì có thể bị ung thư gan (nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào gan tăng gấp 7 lần trong thời gian 21 tháng), xét nghiệm này có độ nhạy 56% và độ đặc hiệu 90%.
Xét nghiệm AFP – L3 thường dùng để phân biệt các trường hợp u gan lành tính với ung thư gan. So với xét nghiệm AFP thì chỉ số AFP – L3 có độ tin cậy cao hơn.
- Chỉ số DCP (Des – gamma – CarboxyProthrombin) hay PIVKA II (Prothrombin Induced by Vitamin K Absence – II)
DCP là một dạng bất thường được tạo ra do sự thiếu vitamin K của prothrombin – yếu tố tham gia vào quá trình đông máu được sản xuất bởi gan. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng DCP được sản xuất bởi các khối u ở gan và thường tăng lên ở những người bị ung thư biểu mô tế bào gan.
Với người bình thường, nồng độ DCP dao động ở mức 0 – 7.5 ng/ml. Những người có chỉ số DCP ≥ 25 ng/ml thì có nguy bị ung thư gan (xét nghiệm có độ nhạy 87% và độ đặc hiệu 85%).
xet-nghiem-pivka II-DCP-chan-doan-som-ung-thu-gan
Xét nghiệm 
PIVKA II (DCP) chẩn đoán sớm ung thư gan
Các nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nồng độ DCP trong máu thường phản ánh tình trạng (mức độ) bệnh, kích thước của khối u cũng như sự xâm lấn tĩnh mạch cửa. Chỉ số DHP thường giảm nhanh sau khi phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc điều trị ung thư gan bằng các phương pháp khác. Nếu sau điều trị, nồng độ DCP tăng trở lại thì điều đó chứng tỏ khối u tái phát hoặc việc điều trị bị thất bại.
Trong chẩn đoán ung thư gan, người ta nhận thấy xét nghiệm DCP có độ nhạy cao hơn so với chỉ số AFP. Để tăng thêm tính chính xác trong chẩn đoán sớm ung thư biểu mô tế bào gan, các nhà chuyên môn thường kết hợp cả hai chỉ số này.
Cách phòng bệnh ung thư gan
Để phòng bệnh ung thư gan, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt các điều sau:
Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ
Đây là việc làm đơn giản, hiệu quả nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện vấn đề bất thường của cơ thể nói chung và ở gan nói riêng. Những người có nguy cơ cao mắc ung thư gan: người bị xơ gan, tiền sử bị bệnh viêm gan virus cần khám định kỳ 6 tháng/lần bằng các xét nghiệm máu và siêu âm gan để phát hiện sớm các tổn thương ở gan.
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B đầy đủ và sớm nhất có thể, ngay ở giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hạn chế sử dụng hoặc bỏ bia rượu và các loại đồ uống có cồn, đặc biệt là đối với người bị xơ gan, viêm gan mạn tính. Kiêng hút thuốc lá và các loại chất kích thích: cà phê, nước chè đặc.
Tránh tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, có thể gây tổn thương gan.
Không sử dụng thuốc một cách tùy tiện, bừa bãi, nhất là các loại thuốc không có bao bì nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phần lớn các thuốc đều chuyển hóa tại gan, nên việc sử dụng thuốc không đúng cách có thể gây hại cho gan, dẫn đến suy gan – một yếu tố có thể tiến triển thành ung thư gan.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7