Thuốc tránh thai khẩn cấp có hại không? Uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi quan hệ liệu có mang thai không?
Thuốc tránh thai khẩn cấp được coi là một giải pháp cứu cánh cho các cặp đôi lỡ quan hệ tình dục nhưng không sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp như là một liệu pháp ngừa thai thường quy mà không hiểu hết hiệu quả cũng như tác hại của loại thuốc tránh thai này. Việc lạm dụng thuốc gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Thuốc tránh thai khẩn cấp sử dụng trong các trường hợp quan hệ tình dục không an toàn
Thuốc tránh thai khẩn cấp là gì?
Thuốc tránh thai khẩn cấp là loại thuốc ngừa thai được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp, sau khi quan hệ tình dục không an toàn: không sử dụng các biện pháp tránh thai khác: bao cao su, đặt vòng tránh thai, thuốc tránh thai hàng ngày; hoặc có sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng bị thất bại: bao cao su bị rách, tuột; quên uống thuốc tránh thai hàng ngày.
Thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa hormone sinh dục (Progesterone) với hàm lượng cao.
Về bản chất, thuốc tránh thai khẩn cấp hoạt động giống như thuốc tránh thai hàng ngày, chúng chỉ khác thuốc tránh thai hàng ngày là hàm lượng Progestin (một dạng Progesterone) trong thuốc tránh thai khẩn cấp cao hơn nên có tác dụng nhanh hơn.
Có mấy loại thuốc tránh thai khẩn cấp?
Hiện nay, trên thị trường có hai loại thuốc tránh thai khẩn cấp chính: Loại chứa Levonogestrel (một dạng Progesterone tổng hợp) và loại chứa Progesterone và Estrogen. Chúng thường được đóng gói dưới dạng hộp 1 viên và hộp 2 viên.
Phân loại thuốc tránh thai khẩn cấp
• Thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên
Đây là loại thuốc phổ biến được nhiều phụ nữ lựa chọn do tính tiện lợi khi dùng (chỉ cần uống 1 viên). Thuốc chỉ có tác dụng tránh thai khi sử dụng trong vòng 72 giờ (tính từ thời điểm quan hệ tình dục không an toàn)
Theo các chuyên gia: nếu uống thuốc tránh thai khẩn cấp càng sớm thì hiệu quả tránh thai càng cao
- Nếu uống thuốc trong 24 giờ đầu tiên sau khi quan hệ thì hiệu quả ngừa thai lên đến 90%
- Nếu uống từ 24 – 48 giờ tiếp theo thì hiệu quả tránh thai đạt khoảng 85%
- Nếu uống từ 49 – 72 giờ tiếp theo thì hiệu quả ngừa thai của thuốc chỉ còn 58%.
- Nếu uống thuốc sau 72 giờ khi trứng đã được thụ tinh và làm tổ trong tử cung thì lúc này thuốc không có tác dụng ngừa thai nữa.
Thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên
Một số loại thuốc tránh thai 1 viên phổ biến trên thị trường: Postinor-1®, Mifestad 10®, Bocinor®, Lys®, Ciel EC 25®, Naphamife®
• Thuốc tránh thai khẩn cấp loại 2 viên
Loại thuốc này được đóng gói hộp 2 viên, mỗi viên chứa 0.75 mg Levonogestrel, phải uống đủ 2 viên mới có tác dụng: viên thứ nhất uống sau khi quan hệ càng sớm càng tốt (không quá 72h), viên thứ hai uống sau viên thứ nhất 12 giờ và không quá 16 giờ. So với loại 1 viên thì thuốc tránh thai khẩn cấp loại 2 viên ít phổ biến hơn do cách dùng phức tạp.
Các loại thuốc tránh thai khẩn cấp 2 viên phổ biến trên thị trường: Postinor-2®, Happynor®, Posinight 2®.
Thuốc tránh thai khẩn cấp loại 2 viên
Cơ chế tác dụng của các thuốc tránh thai khẩn cấp
Thuốc tránh thai khẩn cấp giúp ngừa thai theo hai cơ chế sau:
• Thứ nhất
Ức chế tạm thời quá trình rụng trứng của buồng trứng, ngăn không cho hiện tượng rụng trứng xảy ra.
Đây là cơ chế của các thuốc có chứa hormone sinh dục Lenovogestrel
• Thứ hai
Làm thay đổi tính chất lớp niêm dịch ở cổ tử cung (niêm dịch trở nên đặc và dính hơn) ngăn cản tinh trùng đi qua cổ tử cung để gặp trứng, từ đó giúp ngừa thai.
Đây là cơ chế của các thuốc tránh thai có chứa progestin và estrogen. Các thuốc trong nhóm này làm biến đổi hình thái màng trong của tử cung, tạo môi trường không thuận lợi, ngăn cản trứng làm tổ trong tử cung.
Tác hại của thuốc tránh thai khẩn cấp
Thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa nội tiết tố nữ với hàm lượng rất cao, nếu chị em lạm dụng loại thuốc này sẽ gây ra một số vấn đề nghiêm trọng như:
• Sử dụng liên tục và lâu dài có thể dẫn đến niêm mạc tử cung bị teo, tắc ống dẫn trứng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ, quá trình rụng trứng có thể bị ức chế hoàn toàn gây vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới.
• Nếu lạm dụng hoặc dùng thuốc quá liều có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
• Nguy cơ mắc ung thư (ung thư vú, ung thư các cơ quan sinh sản) và các bệnh về tim mạch, bệnh gan, thận.
• Giảm ham muốn tình dục: giảm hưng phấn khi quan hệ, ảnh hưởng đến tình cảm, hạnh phúc gia đình.
• Gây ra một số bệnh lý về da: mụn trứng cá, nám da, sạm da, tàn nhang (do bản chất là thuốc nội tiết tố).
• Gây tắc mạch phổi, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp. Cục máu đông xuất hiện bị lọt vào mạch máu trong phổi, ngăn cản sự lưu thông máu tại đó gây trở ngại quá trình trao đổi khí ở phổi. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí BMJ năm 2016 của Alain Weill cho thấy: mỗi năm có khoảng 33 phụ nữ bị thuyên tắc phổi trong số 100.000 người sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Tác hại của thuốc tránh thai khẩn cấp
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp
Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Rối loạn kinh nguyệt: rong kinh, chậm kinh, không có kinh hoặc bị hành kinh nhiều lần trong tháng.
Đây là tác dụng phụ hay gặp nhất của thuốc tránh thai khẩn cấp. Chị em có thể gặp hiện tượng này ở ngay lần đầu tiên dùng thuốc hoặc đã dùng nhiều lần. Tác dụng phụ này là do trong thành phần của thuốc có chứa hormone sinh dục với hàm lượng cao, khi uống vào cơ thể khiến nồng độ các loại hormone này trong máu tăng cao dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Kỳ kinh có thể đến sớm hoặc đến muộn hơn so với bình thường. Nếu chu kỳ kinh nguyệt đến muộn hơn 1 tuần, chị em nên thử thai bằng dụng cụ (que thử) hoặc làm các xét nghiệm để xác định có mang thai hay không.
- Chảy máu âm đạo
Khoảng một nửa số trường hợp phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp gặp hiện tượng chảy máu âm đạo không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Tác dụng phụ này xảy ra là do thuốc có chứa hàm lượng Progestin và Estrogen cao, khi uống vào cơ thể sẽ khiến nồng độ các loại hormone này trong máu tăng cao gây chảy máu âm đạo. Khi dùng thuốc mà có hiện tượng như trên thì chị em không nên quá lo lắng, thông thường hiện tượng chảy máu sẽ hết ở kỳ kinh tiếp theo. Tuy nhiên, triệu chứng xuất huyết âm đạo cũng có thể gặp ở một số trường hợp bất thường khác: sẩy thai, thai nằm ngoài tử cung, u xơ tử cung, vì vậy khi có bất cứ nghi ngờ nào, chị em cần gặp bác sĩ để được thăm khám.
- Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn
Khoảng 50% trường hợp phụ nữ gặp hiện tượng này. Thông thường, sau 1 – 2 tuần (hoặc sớm hơn) các triệu chứng này sẽ hết. Nếu tình trạng buồn nôn, nôn kéo dài, phụ nữ nên xem lại chế độ ăn uống và loại bỏ các loại đồ ăn khó tiêu hoặc gây kích ứng.
- Đau bụng dưới
Một số ít trường hợp phụ nữ bị đau bụng dưới đột ngột. Lúc này, chị em nên gặp bác sĩ để để được thăm khám, tầm soát mang thai ngoài tử cung – biến chứng có thể gặp phải khi việc sử dụng phương pháp tránh thai khẩn cấp bị thất bại.
- Căng ngực, đau tức ngực, mệt mỏi.
- Tâm trạng thay đổi thất thường: bồn chồn, lo lắng, căng thẳng, thấy bứt rứt trong người, lãnh cảm
- Một số tác dụng phụ kéo dài: tăng cân khó kiểm soát, rối loạn huyết áp và hô hấp.
Tác dụng phụ của các loại thuốc tránh thai khẩn cấp
Uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi quan hệ, liệu có mang thai không?
Thuốc tránh thai khẩn cấp không ngăn ngừa được hoàn toàn hiện tượng thụ thai, do đó việc dùng thuốc sau khi quan hệ tình dục, vẫn có khả năng mang thai. Thống kê cho thấy: có khoảng 1 – 2% số người sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp vẫn mang thai.
Cơ chế tác dụng của thuốc tránh thai khẩn cấp là ngăn cản quá trình rụng trứng tự nhiên diễn ra. Nếu trường hợp phụ nữ sử dụng thuốc quá trễ khi trứng đã rụng và gặp tinh trùng, hiện tượng thụ tinh xảy ra, trứng đã làm tổ trong niêm mạc tử cung thì lúc này thuốc tránh thai khẩn cấp không phát huy được tác dụng. Đó là lý do tại sao các chuyên gia y tế khuyên chị em phụ nữ nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp càng sớm càng tốt.
Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp?
• Sử dụng thuốc càng sớm càng tốt (tốt nhất là trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi quan hệ tình dục không an toàn). Nếu sử dụng càng muộn, hiệu quả của thuốc càng thấp.
• Không sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp khi đã chắc chắn mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
• Sử dụng tối đa 2 lần/tháng. Thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp nếu sử dụng liên tục. Những người quan hệ tình dục thường xuyên cần áp dụng các biện pháp tránh thai khác.
• Nếu trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc, người dùng bị nôn thì cần phải uống lại liều khác để đảm bảo hiệu quả ngừa thai. Nếu bị nôn sau 2 giờ dùng thuốc thì không cần phải uống thuốc lại.
• Tuyệt đối không sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp khi đang bị xuất huyết âm đạo chưa rõ nguyên nhân, người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, bệnh ở hệ tuần hoàn, bệnh huyết khối hoặc bị đột quỵ.
• Thuốc tránh thai khẩn cấp không có tác dụng phòng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Vì vậy để phòng bệnh, người dùng vẫn phải trang bị các biện pháp tránh thai khác: bao cao su, màng tránh thai …
• Thuốc tránh thai khẩn cấp có hiệu quả thấp hơn ở phụ nữ bị thừa cân, béo phì. Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ béo phì (chỉ số BMI > 30) khi uống thuốc chỉ chứa Progestin thì nguy cơ mang thai cao gấp 3 lần so với phụ nữ bình thường mặc dù cả hai đều uống thuốc đúng cách. Với đối tượng này, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng vòng tránh thai để tăng hiệu quả ngừa thai.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp
Theo các bác sĩ sản khoa: thuốc tránh thai khẩn cấp có hiệu quả thấp hơn thuốc tránh thai hàng ngày. Hiện nay, vẫn có nhiều người nhầm lẫn giữa hai loại thuốc tránh thai trên nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên, liên tục như một biện pháp tránh thai. Việc này dẫn đến hiệu quả ngừa thai không cao, bên cạnh đó việc lạm dụng thuốc còn dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Các chuyên gia khuyến cáo các chị em nên đến các bác sĩ chuyên khoa sản để được tư vấn biện pháp tránh thai an toàn, phù hợp với từng người.