top

Danh mục sản phẩm

Thế giới sắp có vắc xin BNT162b2 phòng bệnh COVID – 19 của hãng Pfizer và BioNTech

12/11/2020 18:59
Thế giới sắp có vắc xin phòng bệnh COVID – 19
Dịch Covid – 19 hiện đang bùng phát mạnh trên toàn cầu. Tính đến ngày 12/11/2020, thế giới đã có 52.432.512 ca nhiễm bệnh, trong đó số ca tử vong là: 1.289.533. Mỹ vẫn là quốc gia có số người mắc bệnh nhiều nhất (10,5 triệu), đứng thứ 2 là Ấn Độ (8,68 triệu) và thứ 3 là Braxin (5,75 triệu). Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng mạnh trở lại, việc điều chế ra vắc xin phòng bệnh trở thành yêu cầu cấp thiết đối với chính phủ các nước.
Mới đây, Tập đoàn dược phẩm Pfizer (trụ sở tại thành phố New York - Mỹ) đã tuyên bố thử nghiệm thành công giai đoạn 3 vắc xin phòng bệnh Covid – 19 (BNT162b2) – Sản phẩm của hãng hợp tác cùng Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức (trụ sở tại thành phố Mainz). Trên Thế giới, liên danh giữa Pfizer và BioNTech là đơn vị đầu tiên công bố kết quả trong số 10 thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng Covid – 19 ở giai đoạn 3 hôm 9/11 (giờ Mỹ).
vac-xin-bnt162b-phong-covid-19-cua-hang-pfizer-va-biontech
Vắc xin BNT162b2 phòng bệnh Covid - 19 của hãng Pfizer và BioNTech
Kết quả sơ bộ cho thấy: vắc xin phát huy tác dụng bảo vệ người tiêm sau 7 ngày tiêm liều thứ hau và sau 28 ngày tiêm liều thứ nhất.
Đây là vắc xin có bản chất khá giống với mRNA – 1273 – một loại vắc xin ngừa Covid – 19 khác mà hãng Moderna (Mỹ) đang nghiên cứu và thử nghiệm trên người. Vắc xin BNT162b2 sử dụng đoạn mã di truyền RNA mã hóa cho Protein S trên màng của virus SARS – CoV – 2. Vắc xin của Pfizer ứng dụng công nghệ vật liệu di truyền, sử dụng mRNA thông tin làm “mồi nhử” để hướng dẫn hệ miễn dịch phản ứng chống lại mầm bệnh, vật liệu này có khả năng kích thích các tế bào trong cơ thể người tạo ra protein virus. Khi tiếp xúc với protein, hệ miễn dịch sẽ sinh ra kháng thể chống lại, sau đó các tế bào miễn dịch sẽ nhận biết virus và tiêu diệt mầm bệnh.
Pfizer cho biết: họ đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid – 19 trên số lượng lớn người tình nguyện (43.538 người). Thử nghiệm bắt đầu vào ngày 27/7/2020 và được tiến hành ở các quốc gia khác nhau như: Mỹ, Đức, Nam Phi, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.
Vắc xin của Pfizer hợp tác phát triển cùng BioNTech được thiết kế gồm 2 liều, tiêm cách nhau 3 tuần. Hiệu quả của vắc xin đạt được ở mức cao nhất khi được tiêm đủ 2 lần.
Các nhà Nghiên cứu chia những người tình nguyện thành 2 nhóm:
Nhóm 1: 38.955 người được tiêm 2 mũi vắc xin BNT162b2
Nhóm 2: 4.583 người còn lại được tiêm giả dược (placebo)
Kết quả cho thấy: Khi so sánh số người bị nhiễm Covid – 19 giữa 2 nhóm (nhóm được tiêm vắc xin và nhóm tiêm giả dược) thì thấy hiệu quả ban đầu của vắc xin đạt trên 90%. Trong số những người tham gia thử nghiệm, có 94 trường hợp bị nhiễm Covid – 19. Theo CNN, trong 94 người mắc Covid – 19 chỉ có khoảng 10% (9 người) nằm trong nhóm tiêm vắc xin, số còn lại (85 người), chiếm 90% nằm trong nhóm dùng giả dược bị nhiễm bệnh. Điều này cho thấy, vắc xin BNT162b2 đạt hiệu quả phòng bệnh đến 90%. Đây là một tỉ lệ rất cao vì ngay đối với vắc xin phòng bệnh cúm mùa hàng năm thì tỉ lệ cũng chỉ đạt ở mức khoảng 50%, thậm trí có những năm đạt tỉ lệ rất thấp: 19% bảo vệ (mùa đông 2014 – 2015).
vac-xin-bnt162b-phong-covid-19-cua-hang-pfizer-va-biontech-hieu-qua-90%
Vắc xin BNT162b2 có hiệu quả bảo vệ 90% ở giai đoạn 3 của thử nghiệm
Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ đã gọi hiệu quả của vắc xin Pfizer vừa công bố là “phi thường”.
Pfizer cho biết: tỉ lệ bảo vệ ban đầu của vắc xin có thể thay đổi trong những lần đánh giá tiếp theo và thời điểm kết thúc nghiên cứu. Hãng sẽ tiếp tục các thử nghiệm lâm sàng cho tới khi xác định được 164 ca mắc Covid – 19 trong số các tình nguyện viên
Mặc dù bước đầu đạt thành công trong thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn, song vẫn còn rất nhiều vấn để đặt ra đối với vắc xin của Pfizer như: khả năng miễn dịch kéo dài được bao lâu? Vắc xin có thực sự an toàn không? Tác dụng phụ của vắc xin là gì?
Về hiệu quả miễn dịch của vắc xin BNT162b2: Theo Tiến sĩ Ugur Sahin – Giám đốc điều hành BioNTech, vắc xin của hãng có thể giúp hệ miễn dịch của cơ thể giữ được trạng thái bảo vệ trước sự xâm nhập của virus trong khoảng 1 năm.
Về tác dụng phụ của vắc xin, một số người tình nguyện cho biết: họ gặp những cơn đau đầu, sốt, đau nhức cơ thể. Một số người khác cảm thấy nôn nao, sau lần tiêm thứ hai, các tác dụng không mong muốn trở nên tồi tệ hơn.
Vac-xin-phong-covid-19-cua-BioNTech
Phòng thí nghiệm của 
BioNTech tại Đức
Các nhà Khoa học Pháp vẫn còn hoài nghi về kết quả mà Pfizer công bố
Giáo sư Daniel FloretPhó chủ tich Ủy ban kỹ thuật tiêm chủng của Pháp nói: Pfizer cần phải chứng minh được tính an toàn và hiệu quả của vắc xin. Ông này nói thêm, hãng cần giải thích thêm về tỉ lệ 90% phòng bệnh của vắc xin, bởi thực tế khi thử nghiệm cho thấy vắc xin tạo ra phản ứng miễn dịch, nhưng phản ứng miễn dịch và khả năng phòng bệnh là không hoàn toàn giống nhau.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng: Kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin của Pfizer phải được phân tích bởi các cơ quan quản lý dược phẩm khác nhau.
Tập đoàn Pfizer tuyên bố trấn an dư luận rằng: Ủy ban giám sát dữ liệu (gồm các chuyên gia độc lập) chưa ghi nhận bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về sức khỏe, hãng vẫn tiếp tục thu thập thêm dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin và công bố trong thời gian tới.
Giáo sư Gilbert DerayBệnh viện Pitié - Salpêtrière (Paris) nêu thêm một số vấn đề: Vắc xin có ngừa được các trường hợp mắc Covid – 19 nghiêm trọng hay không? Có tạo ra miễn dịch trên các bệnh nhân suy yếu không? 
Một vấn đề lớn đặt ra đối với Pfizer là vắc xin của họ cần phải bảo quản ở nhiệt độ rất thấp (- 80C). Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo quản và vận chuyển vắc xin trước khi đưa đến tay người sử dụng.
vac-xin-phong-covid-19-cua-pfizer-co-an-toan-khong
Kho bảo quản vắc xin của Pfizer
Pfizer và BioNTech sẽ tiếp tục theo dõi tác dụng của vắc xin BNT162b2 trong 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Hãng dự kiến sẽ công bố kết quả nghiên cứu vào tuần thứ 3 của tháng 11. Sau khi thu thập dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để chứng minh “tính an toàn và hiệu quả của vắc xin”, Pfizer sẽ đệ trình đơn cấp phép lưu hành khẩn cấp lên Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA).
FDA cho biết: họ yêu cầu các công ty phát triển vắc xin ngừa Covid – 19 phải thử nghiệm tối thiểu 30.000 người. Những người tham gia thử nghiệm phải bao gồm nhiều nhóm khác nhau: nhóm người có nguy cơ cao (người già, hệ miễn dịch suy giảm), người mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hen phế quản), người dân tộc thiểu số. Thêm vào đó, cũng phải theo dõi phản ứng phụ ở ít nhất 50% số người tham gia thử nghiệm trong thời gian ít nhất 2 tháng (khoảng thời gian mà các vấn đề về sức khỏe có thể xuất hiện).
Vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra đối với vắc xin phòng Covid – 19 của Pfizer và BioNTech. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại ở Mỹ, Châu Âu và nhiều quốc gia khác trên Thế giới, nhất là khi nhân loại sắp bước vào mùa đôngđiều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của virus SARS – CoV – 2. Rất có thể, sau khi công bố thêm các kết quả nghiên cứu lâm sàng, nếu chứng minh được sự an toàn và hiệu quả, vắc xin BNT162b2 sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong đại trà để đẩy lùi Covid – 19, dịch bệnh đang khiến nhiều nước chao đảo. Chúng ta cùng hi vọng liên danh giữa Pfizer và BioNTech, cũng như nhiều công ty khác đang thử nghiệm vắc xin phòng Covid – 19 sẽ thành công để nhân loại được bảo vệ khỏi đại dịch nguy hiểm chết người này.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7