Tầm soát ung thư là gì? Tầm soát ung thư có chính xác không?
Khi nào nên tầm soát ung thư?
Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ. Theo thống kê của “Tổ chức Ung thư toàn cầu” GLOBOCAN: mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 ca mắc mới ung thư, 122.700 người tử vong và có hơn 350.000 bệnh nhân đang phải chống chọi với căn bệnh này. Các loại ung thư phổ biến nhất là: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư buồng trứng.
Điều đáng nói phần lớn (50 – 80%) số trường hợp ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém, hiệu quả thấp, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, việc phát hiện sớm ung thư là rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm chi phí khám chữa bệnh, tăng thời gian sống cho người bệnh.
Thực trạng bệnh ung thư ở nước ta
Hiện nay, với sự phát triển y học có thể giúp phát hiện sớm một số bệnh ung thư dựa vào việc thăm khám, các xét nghiệm và thăm dò chức năng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, lợi dụng sự lo lắng của người dân, một số đơn vị quảng cáo rầm rộ các dịch vụ tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư khiến nhiều người làm theo. Việc này gây ra nhiều hệ lụy: lãng phí tiền bạc, tạo ra sự lo lắng hoặc yên tâm giả tạo (do một số loại ung thư phát triển âm thầm mặc dù các chỉ số xét nghiệm vẫn bình thường). Vậy tầm soát ung thư là gì? Khi nào cần thực hiện tầm soát ung thư? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây
1. Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư là việc sử dụng các xét nghiệm và thăm khám lâm sàng nhằm mục đích phát hiện sớm bệnh ung thư trước khi xuất hiện các triệu chứng. Nói một cách đơn giản: tầm soát ung thư là phương pháp khám để phát hiện sớm bệnh ung thư. Thông qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm và thăm dò chức năng có thể giúp phát hiện ra các tế bào ung thư trong cơ thể.
2. Tầm soát ung thư được thực hiện như thế nào? (Quy trình tầm soát ung thư)
Thông thường, tầm soát ung thư được thực hiện theo quy trình ba bước:
• Bước 1: Thăm khám lâm sàng
Đây là bước cơ bản và quan trọng trong tầm soát ung thư. Các bác sĩ sẽ hỏi những thông tin cơ bản của người bệnh: tuổi, nghề nghiệp, bệnh sử và các yếu tố nguy cơ như: uống rượu bia, hút thuốc, làm việc trong môi trường độc hại (khói, bụi, tiếp xúc với hóa chất có hại cho sức khỏe…), tiền sử mắc bệnh (viêm gan virus, xơ gan, lao phổi …), các triệu chứng bất thường: sút cân, mệt mỏi, ho, nổi hạch, đại tiện ra máu …
Từ những thông tin bệnh nhân cung cấp, bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định xét nghiệm và thăm dò chức năng cần thiết.
• Bước 2: Thực hiện các xét nghiệm và thăm dò cận lâm sàng cơ bản.
Sau khi đánh giá yếu tố nguy cơ, người bệnh được chỉ định làm các xét nghiệm và thăm khám cơ bản như: xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nước tiểu, xét nghiệm tế bào.
• Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh
Ngoài các xét nghiệm cơ bản về máu, phân, tế bào thì bệnh nhân còn được chỉ định làm các thăm dò chức năng hình ảnh bằng các phương pháp như: siêu âm, chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể bác sĩ cho người bệnh chụp PET – một kỹ thuật mới và rất tiên tiến. Tuy nhiên chi phí cho phương pháp này rất tốn kém và chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.
Tầm soát ung thư
3. Tầm soát ung thư có chính xác không?
Hiện nay, chỉ có phương pháp sinh thiết khối u được đánh giá là chính xác và là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán ung thư. Ngoài ra các phương pháp sàng lọc ung thư sớm khác như: xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh … đều không cho kết quả chính xác tuyệt đối và chỉ mang tính tham khảo. Để chẩn đoán bệnh ung thư, cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Nếu chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm máu để chẩn đoán một người bị hoặc không bị ung thư là hoàn toàn sai lầm.
Việc xét nghiệm tràn lan các chất chỉ điểm khối u trong máu như: CEA (Carcino Embryonic Antigen), CA 125 (Carbonhydrate Antigen 125), CA 153 (Carbonhydrate Antigen 153) không có nhiều giá trị bởi các chất này không chỉ tăng trong bệnh ung thư mà còn tăng trong các bệnh lý khác (cả bệnh lành tính cũng như ác tính). Kết quả xét nghiệm có thể gây hoang mang cho người thực hiện.
Đã có rất nhiều trường hợp tầm soát ung thư không đúng cách, kết quả sai lệch khiến người bệnh lo lắng, bất an.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện Thủ Đức kể: tôi từng gặp một phụ nữ ngoài 30 tuổi đi khám sàng lọc ung thư vú. Sau khi chụp nhũ ảnh, thấy có một nốt mờ nhỏ trên phim nên bệnh nhân rất hoảng sợ. Bác sĩ phải trấn an và hẹn người bệnh tái khám sau 6 tháng. Kết quả cho thấy, bệnh nhân không bị ung thư vú mà là do sai sót trong khâu chẩn đoán hình ảnh. Kỹ thuật chụp nhũ ảnh không được khuyến khích chỉ định cho những phụ nữ trẻ, dưới 40 tuổi (đặc biệt là những người dưới 35 tuổi), trừ trường hợp đặc biệt bởi ở những người trẻ tuổi, mô vú của họ thường rất dày nên việc chụp nhũ ảnh khó đảm bảo độ chính xác. Mặt khác, nếu chụp X – quang tuyến vú thường xuyên sẽ có nguy cơ bị ung thư vú do các mô vú hấp thụ tia X. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ chỉ nên chụp nhũ ảnh tối đa mỗi năm 1 lần để hạn chế đưa phóng xạ vào cơ thể - yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Xét nghiệm dấu ấn ung thư (tumor makers) trong máu
Bác sĩ Hà Hải Nam – Phó Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K TW cho biết, ông đã gặp nhiều trường hợp là nạn nhân của các dịch vụ tầm soát ung thư quảng cáo tràn lan trên mạng. Điển hình là trường hợp một bệnh nhân được sàng lọc bằng xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư kết hợp với siêu âm cho kết quả bình thường. Tuy nhiên, khi đến viện khám thì phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn cuối, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị. Trường hợp này có thể bệnh nhân chưa được tầm soát kỹ hoặc không đầy đủ, thiếu sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Cũng theo Bác sĩ Nam: một số loại ung thư như: dạ dày, đại tràng; các chất chỉ điểm lại không tăng. Nếu chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm máu thì chỉ số vẫn ở mức bình thường, đây chính là hiện tượng “âm tính giả” dẫn đến tình trạng an tâm giả tạo, bệnh nhân dễ bỏ qua các xét nghiệm khác như: nội soi, xét nghiệm phân … Người bệnh thường không phát hiện ra bệnh hoặc phát hiện ở giai đoạn muộn.
4. Xét nghiệm máu có phát hiện được bệnh ung thư không?
Theo Tiến sĩ Phùng Thị Huyền – Bệnh viện K Trung Ương: việc tầm soát ung thư nếu chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm máu: các chất chỉ điểm ung thư (tumor makers) là không đáng tin cậy. Bác sĩ Huyền nhấn mạnh:
- Nếu chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm máu thì vẫn chưa đủ để chẩn đoán bệnh ung thư.
- Không có xét nghiệm máu hay loại chẩn đoán hình ảnh (chụp chiếu) nào có thể chẩn đoán hàng loạt căn bệnh ung thư như một số bên quảng cáo.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: các xét nghiệm dấu ấn (maker) ung thư không được sử dụng trong chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư bởi độ nhạy và độ đặc hiệu của các xét nghiệm này không đủ tin cậy. Tức là nếu chỉ số của một loại maker tăng cao cũng chưa chắc người đó đã bị ung thư, và ngược lại, nếu chỉ số maker âm tính hoặc thấp cũng chưa chắc không mắc ung thư. Vì đôi khi xảy ra hiện tượng âm tính giả, tức là bệnh nhân bị ung thư nhưng lại không phát hiện được bằng xét nghiệm máu. Điều này rất nguy hiểm, nó tạo ra sự an tâm giả tạo, bệnh nhân tưởng mình không bị bệnh nhưng thực ra bệnh vẫn đang âm thầm phát triển.
Thời điểm và phương pháp tầm soát một số loại ung thư
Ông Hiếu cũng cho rằng, trong y khoa chỉ có 2 xét nghiệm là AFP (Alpha - Fetoprotein) và PSA (Prostate Specific Antigen) được dùng trong chẩn đoán ung thư gan và ung thư tuyến tiền liệt.
Các maker không được sử dụng nhiều trong chẩn đoán sớm bệnh ung thư. Vậy tại sao các nhà khoa học lại phát minh ra các maker này?
Câu trả lời là: người ta sử dụng các maker này để theo dõi đáp ứng điều trị của những bệnh nhân ung thư. Sau khi điều trị ung thư (bằng các phương pháp: phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị, hóa trị), bệnh nhân thường được chỉ định làm các maker liên quan theo các mốc thời gian. Nếu chỉ số maker tăng, điều đó gợi ý ung thư tái phát hoặc di căn sang các bộ phận khác. Ngược lại, nếu chỉ số này giảm dần hoặc giữ nguyên theo thời gian thì điều đó là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị đang áp dụng.
5. Khi nào nên tầm soát ung thư?
Theo các chuyên gia y tế, người dân chỉ nên thực hiện việc tầm soát ung thư khi có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Tùy thuộc vào triệu chứng lâm sàng, tiền sử của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm phù hợp và cần thiết cho từng người như: xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi … Nếu có nghi ngờ về khả năng mắc ung thư, bệnh nhân có thể được chỉ định thêm các kỹ thuật khác như: chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc cao hơn là chụp PET/CT và làm các xét nghiệm chuyên sâu khác, thậm chí cả sinh thiết tế bào (nếu cần). Dựa vào các kết quả này, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chẩn đoán cuối cùng.
Việc tầm soát ung thư nên được thực hiện dưới sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ
Việc tầm soát ung thư thường dựa vào độ tuổi và đặc điểm của từng người:
- Ung thư vú: thường khám sàng lọc đối với phụ nữ trên 40 tuổi. Tuy nhiên, đối với những người có nguy cơ cao như: tiền sử gia đình có người bị ung thư vú, mang đột biến gen BRCA, bị ung thư buồng trứng thì thời điểm tầm soát ung thư vú nên được thực hiện sớm hơn.
- Ung thư cổ tử cung: tầm soát sau năm 30 tuổi, sau khi thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Nên xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap (Papanicolaou) 3 năm một lần. Ở độ tuổi từ 21 – 29, chỉ nên xét nghiệm HPV nếu kết quả xét nghiệp Pap bất thường. Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi nên xét nghiệm Pap và HPV 5 năm một lần
- Các loại ung thư khác: ung thư phổi, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt: nên thực hiện tầm soát ở lứa tuổi từ 50 tuổi.
- Ung thư phổi: việc sàng lọc nên tiến hành ở những người có nguy cơ cao như: độ tuổi từ 55 – 74, tiền sử hút thuốc hoặc bỏ thuốc trong 15 năm.
Bác sĩ Phùng Thị Huyền – Bệnh viện K khuyến cáo mọi người lưu ý các triệu chứng cảnh báo sớm bệnh ung thư: sút cân nhanh không rõ nguyên nhân; các vết thương, vết loét trên da lâu liền (thời gian trên 3 tuần); ho có đờm bị lẫn máu, khan tiếng kéo dài; núm vú thay đổi hình dạng và/hoặc chảy dịch núm vú; đau bụng kéo dài, thay đổi thói quen đi đại tiện; đi tiểu ra máu, tinh hoàn thay đổi hình dạng, kích thước; nốt ruồi thay đổi (to lên, ngứa hoặc chảy máu); nhức đầu dữ dội lặp đi lặp lại.
Các triệu chứng đặc trưng cho từng loại ung thư:
• Ho kéo dài, tức ngực, khó thở → gợi ý bệnh ung thư phổi
• Khan tiếng, nói khó, nuốt vướng → cảnh báo ung thư tuyến giáp, ung thư thanh quản – thực quản.
• Đau nửa đầu, ù tai → gợi ý bệnh ung thư vòm họng.
• Đại tiện ra máu → cảnh báo ung thư đại trực tràng.
• Tiết dịch, máu bất thường: chảy dịch núm vú, ra máu âm đạo → cảnh báo ung thư vú, ung thư cổ tử cung
• Nổi hạch bất thường trên cơ thể → gợi ý ung thư hạch.
• Thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, thay đổi thói quen đi vệ sinh (đại tiện – tiểu tiện) → cảnh báo ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, trực tràng), tiết niệu (bàng quang, thận).
• Thay đổi tính chất nốt ruồi trên da → gợi ý ung thư hắc tố.
• Xuất hiện u cục bất thường → cảnh báo ung thư phần mềm.
Các triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư
Việc tầm soát ung thư là nhu cầu chính đáng và cần thiết, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ mắc ung thư và tử vong ngày càng gia tăng hiện nay. Tuy nhiên, khi muốn khám phát hiện sớm bệnh ung thư, người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín, chuyên khoa ung bướu để được các bác sĩ có chuyên môn tư vấn và chỉ định các xét nghiệm phù hợp. Việc tầm soát đúng hướng, đúng cách sẽ làm tăng hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị, giảm các biến chứng và tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, các phương pháp chẩn đoán đều có sai số nhất định, vì vậy cần thận trọng khi tiến hành tầm soát, áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, tham khảo ở một vài cơ sở để có kết quả chính xác nhất.