top

Danh mục sản phẩm

Sỏi thận kích thước bao nhiêu phải mổ? Các phương pháp điều trị sỏi thận phổ biến hiện nay

20/05/2023 09:41
Sỏi thận kích thước bao nhiêu phải mổ?
Các phương pháp điều trị sỏi thận phổ biến hiện nay
Sỏi thận là một bệnh khá phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Thống kê cho thấy có khoảng 10 – 14% dân số nước ta mắc sỏi thận, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở người lớn, tỷ lệ nam giới bị sỏi thận nhiều hơn nữ giới.
soi-than
Bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu
Sỏi thận là những tinh thể rắn được hình thành do sự kết tinh của các phân tử vô cơ trong nước tiểu. Đối với các viên sỏi có kích thước nhỏ (dưới 5mm), chúng có thể tự bài tiết ra bên ngoài theo đường nước tiểu. Ngược lại, các viên sỏi có kích thước lớn, chúng có thể di chuyển dọc theo đường tiết niệu bị vướng lại và kết tinh thành những viên sỏi có kích thước lớn hơn ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiết niệu.
Sỏi thận kích thước bao nhiêu phải mổ?
Thông thường người bị sỏi thận hiếm khi phải mổ ngoại trừ trường hợp viên sỏi có kích thước quá lớn làm tắc nghẽn đường tiểu gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng đường tiết niệu, ứ nước ở thận, sỏi rơi xuống niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) gây tắc nghẽn niệu quản hoặc rơi xuống bàng quang gây bí tiểu.
Các phương pháp điều trị sỏi thận phổ biến hiện nay
1. Tán sỏi bằng sóng xung kích
Tán sỏi bằng sóng xung kích là gì?
Tán sỏi bằng sóng xung kích là một kỹ thuật cao trong điều trong điều trị sỏi tiết niệu với nhiều ưu điểm vượt trội và là sự thay thế hoàn hảo cho phương pháp mổ hở trước đây.
Nguyên lý của tán sỏi bằng sóng xung kích là sử dụng máy phát ra sóng xung kích (một loại sóng cơ học truyền được trong các môi trường đàn hồi: không khí, chất lỏng) từ bên ngoài chiếu vào vị trí của viên sỏi trong cơ thể. Dưới áp lực của loại sóng này, viên sỏi bị vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ và được bài tiết ra ngoài cơ thể theo nước tiểu.
Tán sỏi bằng sóng xung kích được thực hiện khi nào?
Phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Sỏi thận có kích thước lớn hơn 6 mm và nhỏ hơn 20 mm, không phải sỏi loại acid uric. Sỏi không nằm ở đài thận. Người bệnh có cấu trúc thận bình thường.
- Sỏi niệu quản có kích thước dưới 10 mm và nằm ở 1/3 niệu quản trên, sỏi sát đài bể thận. Nếu sỏi nằm ở 1/3 niệu quản dưới thì tán sỏi bằng sóng xung kích không hiệu quả bằng phương pháp tán sỏi nội soi niệu quản.
- Người đã thực hiện tán sỏi qua da nhưng bị sót, hoặc sỏi bám vào ống thông niệu quản lâu ngày.
Ưu điểm của phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích:
- Không gây đau đớn cho bệnh nhân. 
Quá trình tán sỏi diễn ra nhẹ nhàng, êm ái, hoàn toàn không xâm lấn nên người bệnh không đau, không chảy máu.
- Người bệnh phục hồi nhanh, có thể xuất viện trong ngày.
- Có thể thực hiện với nhiều loại sỏi khác nhau
- Hạn chế tối đa các biến chứng gặp phải sau khi tán sỏi do phương pháp này hoàn toàn không xâm lấn vào cơ thể.
- Hiệu quả điều trị tương đối cao, chi phí hợp lý.
tan-soi-than-bang-song-xung-kich
Phương pháp tán sỏi thận bằng sóng xung kích
Nhược điểm của phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích:
- Chỉ thực hiện được với những viên sỏi có kích thước nhỏ và trung bình (< 2 cm). Không thực hiện được với trường hợp sỏi có kích thước lớn.
- Quá trình tán, các mảnh vụn của sỏi trôi theo dòng nước tiểu ra ngoài có nguy cơ gây nhiễm trùng tiết niệu kéo dài. Sỏi cũng có khả năng tái phát lại do các mảnh vụn không được đào thải hết, bị lắng đọng và to dần.
- Trong quá trình tán sỏi, dưới áp lực của sóng xung kích có thể làm phát tán vi khuẩn và các độc tố trong nước tiểu vào máu, nhất là khi mô và mạch máu bị tổn thương.
Những ai không thể thực hiện tán sỏi bằng sóng xung kích:
- Phụ nữ có thai
Mặc dù sóng xung kích không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh (cả nam và nữ) nhưng phương pháp này bị chống chỉ định với phụ nữ đang mang thai do tác động của sóng này có thể làm tổn thương thai nhi.
- Người đang bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Người có triệu chứng nhiễm trùng được tiết niệu cũng không được chỉ định tán sỏi bằng sóng xung kích do nguy cơ làm phát tán các loại vi khuẩn và độc tố vào máu có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết.
- Người gặp các vấn đề về rối loạn đông máu
Khi tán sỏi bằng phương pháp này có thể gây hiện tượng tụ máu (ở nhu mô thận hoặc vỏ bao thận), sau khi tán sỏi có nguy có tiểu ra máu kéo dài hoặc tắc nghẽn niệu quản do tiểu máu đại thể. Vì vậy những người gặp các vấn đề về đông máu khó đáp ứng được các điều kiện để tiến hành tán sỏi.
- Người bị các vấn đề ở đường tiết niệu: tắc nghẽn đường tiết niệu dưới vị trí sỏi: hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo, hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, hẹp cổ đài thận. Các dị dạng này cản trở sự di chuyển của các mảnh vụn sỏi ra ngoài.
2. Tán sỏi qua da
Tán sỏi qua da là gì?
Tán sỏi thận qua da là một phẫu thuật nọi soi đặc biệt điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản, ít xâm lấn. Theo phương pháp này, bệnh nhân được gây mê toàn thân, sau đó phẫu thuật viên dùng một cây kim chọc qua da (ở vùng thắt lưng) vào trong thận để tạo một đường hầm nhỏ. Đường hầm này được mở rộng bằng dụng cụ nong chuyên biệt để đạt được kích thước mong muốn, sau đó bác sĩ sẽ đưa dụng cụ nội soi vào trong thận để tán sỏi bằng năng lượng laser. Sỏi sau khi tán vụn được hút ra ngoài, cuối cùng phẫu thuật viên đặt một ống thông thận qua đường hầm này nhằm mục đích kiểm tra sau mổ, sau 24 – 48 giờ ống thông này được rút ra.
phuong-phap-tan-soi-than-qua-da
Phương pháp tán sỏi thận qua da
Khi nào thực hiện tán sỏi qua da?
Tán sỏi qua da được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Sỏi có kích thước lớn (> 2 cm) và cấu trúc phức tạp (sỏi san hô).
- Đã tán sỏi ngoài cơ thể nhưng không thành công.
Ưu điểm của tán sỏi qua da
- Ít gây đau cho bệnh nhân, thời gian nằm viện ngắn (chỉ từ 3 – 4 ngày), người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh (7 – 10 ngày).
- Tỷ lệ sạch sỏi cao (khả năng lấy sạch sỏi chỉ sau một lần phẫu thuật).
- Là một phẫu thuật ít xâm lấn nên tránh được vết sẹo mổ và các biến chứng của mổ hở lấy sỏi.
- Hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng sau mổ, ưu việt hơn hẳn phương pháp mổ thường.
- Ít gây tổn hại cho thận (nọi soi tán sỏi thận qua da chỉ ảnh hưởng đến chức năng thận dưới 1%), trong khi phương pháp mổ hở để lấy sỏi san hô trong thận có thể làm mất trên 30% chức năng thận do vết rạch trên nhu mô thận.
Chống chỉ định của nội soi tán sỏi thận qua da
Những trường hợp sau không được áp dụng tán sỏi qua da:
- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, có nguy cơ chảy máu nặng hoặc những bất thường về mạch máu trong thận.
- Người bị cao huyết áp.
3. Nội soi niệu quản ngược dòng
Nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi là gì?
Nội soi niệu quản ngược dòng là phương pháp bác sĩ sử dụng ống soi luồn từ niệu đạo qua bàng quang lên niệu quản để tiếp cận vị trí của viên sỏi, sau đó sỏi được tán vụn bằng năng lượng của khí nén hoặc tia laser. Cuối cùng, các mảnh vụn của sỏi được đưa ra ngoài bằng rọ hoặc kìm gắp sỏi.
tan-soi-noi-soi-nguoc-dong
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng tia laser

 
Nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi được áp dụng khi nào?
- Sỏi có kích thước lớn (> 2 cm)
- Sỏi nằm ở vị trí 1/3 niệu quản trên
- Sỏi không có khả năng đào thải ra khỏi cơ thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu, suy giảm chức năng thận.
- Đã tán sỏi bằng các phương pháp khác nhưng thất bại.
Ưu điểm của phương pháp nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi
- Là phẫu thuật ít xâm lấn nên thời gian phẫu thuật nhanh, ít gây đau cho người bệnh.
- Thời gian nằm viện ngắn, bệnh nhân hồi phục nhanh (có thể ăn uống nhẹ sau khi phẫu thuật 3 – 6 tiếng và xuất viện sau 12 – 24 tiếng)
- Vết mổ nhỏ, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Hạn chế nguy cơ vết mổ bị chảy máu, nhiễm trùng.
Những ai không thực hiện được nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi:
- Người bị rối loạn đông máu.
- Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, thận ứ nước
- Người bị hẹp niệu đạo.
4. Nội soi bằng ống cứng
Là phương pháp bác sĩ phẫu thuật sử dụng ống soi nhỏ và cứng nhằm đưa các dụng cụ tán sỏi vào trong khu vực có sỏi. 
Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao (> 90%), có thể điều trị sỏi ở nhiều vị trí khác nhau, hiệu quả nhất với sỏi nằm ở 1/3 niệu quản giữa và dưới.
Theo phương pháp này, người bệnh sẽ được gây mê hoặc gây tê tủy sống, sau đó phẫu thuật viên tiến hành tán sỏi bằng tia laser. Sỏi được tán thành các mảnh nhỏ và được gắp ra ngoài bằng rọ hoặc đào thải qua nước tiểu. Sau khi tán sỏi, bác sĩ sẽ đặt một ống thông trong niệu quản (ống từ thận qua niệu quản xuống bàng quang và thông qua niệu đạo)
phau-thuat-noi-soi-soi-than-bang-ong-soi-cung
Phương pháp nội soi sỏi thận bằng ống soi cứng
Phương pháp nội soi bằng ống cứng không áp dụng cho người bị hẹp đường tiết niệu (không đặt được máy soi) hoặc bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa được điều trị triệt để.
Sau khi nội soi bằng ống cứng, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như: hẹp niệu quản, tổn thương niệu quản gây chảy máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, trào ngược bàng quang – niệu quản.
5. Nội soi bằng ống mềm
Nội soi bằng ống mềm cũng là kỹ thuật tán sỏi hiện đại bằng tia laser. Phương pháp này thường được chỉ định cho những bệnh nhân có sỏi ở đài bể thận gây kẹt cổ đài và ứ nước. Các trường hợp sỏi thận bị sót hoặc tái phát hoặc sau khi tán sỏi bằng ống cứng, sỏi niệu quản trên di chuyển vào thận.
Phương pháp này có ưu điểm là tỷ lệ sạch sỏi cao, hiếm khi bị sót sỏi, người bệnh ít bị đau, hạn chế nguy cơ bị nhiễm trùng, bệnh nhân ít bị đau và quá trình chăm sóc sau phẫu thuật cũng nhẹ nhàng hơn, đảm bảo tính thẩm mỹ do không để lại sẹo, giúp bảo tồn tối đa chức năng thận.
phau-thuat-noi-soi-soi-than-bang-ong-soi-mem
Phương pháp nội soi sỏi thận bằng ống soi mềm
Quá trình nội soi tán sỏi bằng ống mềm diễn ra như thế nào?
Khoảng 4 tuần trước khi lấy sỏi, người bệnh được đặt ống thông niệu quản. Đến ngày phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê, sau đó bác sĩ đưa ống mềm nội soi vào khu vực có sỏi. Sỏi được tán nhỏ bằng sóng laser, các mảnh sỏi nhỏ được bơm rửa và đưa ra ngoài bằng rọ gắp. Sau khi kiểm tra, nếu thấy sạch sỏi phẫu thuật viên sẽ rút ống soi mềm, đặt ống thông niệu quản ngược dòng hoàn tất quá trình phẫu thuật.
6. Mổ hở
Hiện nay, với sự xuất hiện của các kỹ thuật mổ nội soi và những ưu điểm vượt trội của phương pháp này, mổ hở ít khi được thực hiện trong điều trị sỏi thận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn có chỉ định mổ hở lấy sỏi như:
- Sỏi san hô có cấu trúc phức tạp hoặc gồm nhiều viên. Sỏi có kích thước lớn (đường kính trên 2.5 cm) kèm theo tình trạng hẹp bể thận, niệu quản không thực hiện tán sỏi được.
- Sỏi thận cùng với sỏi niệu quản ở nhiều vị trí
- Sỏi thận gây biến chứng ứ nước, nhiễm trùng đường tiết niệu,
- Người bị sỏi thận kèm theo dị dạng đường tiết niệu: phình niệu quản, trào ngược bàng quang – niệu quản.
Quá trình phẫu thuật mổ lấy sỏi thận diễn ra như sau:
Đầu tiên, bệnh nhân được gây mê để ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật.
Bác sĩ phẫu thuật tiến hành mở ổ bụng dọc theo đường sườn thắt lưng ở một bên hông vào trong khoang sau phúc mạc nhằm tiếp cận với thận hoặc niệu quản
Tùy theo vị trí của viên sỏi mà bác sĩ tiến hành mở bể thận – niệu quản hoặc nhu mô thận để lấy sỏi qua khe hở. Sau đó bơm hút rửa bể thận để lấy sỏi ra ngoài.
Tiếp theo bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu trong niệu quản để đưa nước tiểu ra bên ngoài.
Cuối cùng vết mổ được khâu lại ở nhu mô và bể thận bằng chỉ tiêu chậm
Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật sỏi thận, sỏi tiết niệu sẽ do bác sĩ chuyên khoa quyết định dựa trên các kết quả xét nghiệm và thăm dò chức năng. Các yếu tố quyết định phương pháp phẫu thuật là: vị trí của sỏi, kích thước và tính chất của các viên sỏi. 
Để phòng bệnh sỏi thận các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên uống nhiều nước và không được nhịn tiểu. Đối với những người bị sỏi thận, nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những bất thường ở đường tiết niệu nhằm có biện pháp xử trí kịp thời khi sỏi gây ra các biến chứng về sức khỏe.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7