top

Danh mục sản phẩm

Những người khỏi bệnh Covid - 19 dương tính lại với virus SARS – CoV – 2 có thể lây nhiễm bệnh cho người khác hay không?

26/04/2020 11:28
Những người khỏi bệnh Covid 19 dương tính lại với virus SARS – CoV – 2
 có thể lây nhiễm bệnh cho người khác hay không?
Dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên Thế giới. Tại Đông Nam Á, nhiều nước láng giềng của Việt Nam như: Singapore, Malaysia. In - Đô - Nê - Xi - A có tỉ lệ người mắc bệnh khá cao. Ở nước ta: dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, công cuộc chống dịch đạt được nhiều kết quả tích cực: Tính đến ngày 26/04/2020, cả nước đã có 270 ca nhiễm bệnh, trong đó có 225 ca được chữa khỏi và xuất viện, đặc biệt chưa có trường hợp nào tử vong. Rất nhiều nước trên thế giới học hỏi cách phòng chống dịch của Việt Nam, coi nước ta là hình mẫu trong phòng chống dịch.
cap-nhat-benh-covid-19-tai-viet-nam
Thống kê về bệnh Covid - 19 ở nước ta đến ngày 26/04/2020
Hiện nay, trên Thế Giới và ở nước ta có một số trường hợp bệnh nhân mắc Covid – 19 sau khi khỏi bệnh được xuất viện nhưng sau một thời gian khi xét nghiệm lại cho kết quả dương tính với virus SARS – CoV – 2. Điều này gây hoang mang, lo lắng cho dư luận: liệu những người này có vô tình trở thành mầm bệnh lây lan trong cộng đồng hay không? 
Để hiểu sâu về vấn đề này, trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân tại sao một số người sau khi được kết luận khỏi bệnh lại dương tính trở lại với virus SARS – CoV – 2
Vì sao bệnh nhân mắc Covid – 19, sau khi ra viện, xét nghiệm lại dương tính trở lại?
Để kết luận người mắc hoặc khỏi bệnh Covid – 19, các cơ quan y tế dựa vào kết quả xét nghiệm Realtime RT – PCR tức là xét nghiệm chẩn đoán bệnh dựa trên việc phát hiện axit nucleic của virus, xét nghiệm này thường có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.
xet-nghiem-realtime-pcr-covid-19-sars-cov-2
Máy xét nghiệm Realtime PCR chẩn đoán Covid - 19
Các trường hợp khỏi bệnh nhưng khi xét nghiệm lại, kết quả lại dương tính với virus SARS – CoV – 2 có thể do những lý do sau:
Sai số của xét nghiệm: Tỉ lệ này là khá nhỏ
Xét nghiệm sinh học phân tử Realtime RT – PCR chỉ xác định có hay không có các đoạn gen đặc hiệu của virus trong mẫu bệnh phẩm. Xét nghiệm này không xác định được “toàn bộ” con virus và cũng không xác định được đó là “virus sống” có khả năng nhân bản hay chỉ là virus chết (xác virus).
Mặc dù Xét nghiệm Realtime RT – PCR có độ nhạy rất cao, nhưng vẫn có một tỉ lệ sai số nhỏ (âm tính/dương tính giả). Với test của WHO, thì tỉ lệ này là 2%, còn test của Học Viện Quân Y và Công ty Việt Á thì chưa có báo cáo cụ thể. Có thể các xét nghiệm âm tính/dương tính giả rơi vào tỷ lệ vài phần trăm này.
Khi các bệnh nhân đã khỏi bệnh có kết quả xét nghiệm virus SARS – CoV – 2 dương tính thì có thể do các khả năng sau:
- Trường hợp thứ nhất: Kỹ thuật lấy mẫu
Trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm, người thực hiện có thể mắc sai sót kỹ thuật hoặc thao tác PCR chưa chuẩn dẫn đến nhiễm chéo bệnh phẩm. Tuy nhiên, xác suất này là không cao và có thể khắc phục bằng cách thực hiện lại để đối chiếu với kết quả trước đó.
Một khả năng khác là: người bệnh tuy không còn hoặc còn nhưng rất ít virus ở dịch họng và dịch ty hầu nhưng vẫn còn virus ở phổi nên khi xét nghiệm không phát hiện được (vì xét nghiệm Covid – 19 chủ yếu là lấy mẫu bệnh phẩm ở vùng hầu họng).
- Trường hợp thứ hai
Mặc dù bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng trong cơ thể vẫn còn tồn tại các mảnh vỡ của virus và đào thải ra ngoài qua dịch hầu họng. Vì thế nên khi xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính. Trường hợp này không đáng lo ngại vì chắc chắn người đó không thể lây bệnh cho người khác được.
tai-duong-tinh-voi-virus-sars-cov-2
Xác virus hoặc những mảnh cấu trúc virus có thể khiến xét nghiệm dương tính
- Trường hợp thứ ba
Trong cơ thể vẫn còn một lượng nhỏ virus SARS – CoV – 2, khi hệ miễn dịch khỏe thì virus bị ức chế nhưng khi cơ thể yếu thì chúng hoạt động lại và nhân lên. Nếu xét nghiệm đúng vào thời điểm này sẽ cho kết quả dương tính.
Liệu có khả năng các bệnh nhân đã khỏi bệnh Covid – 19 lại tái nhiễm bệnh từ cộng đồng hay không?
Đến nay, vẫn chưa thể kết luận các bệnh nhân này có bị tái nhiễm (re – infected) hay không.
Để xác định một bệnh nhân bị tái nhiễm Covid – 19 cần phải có đủ hai yếu tố sau
Yếu tố thứ nhất
Xác định bệnh nhân đã hết sạch virus trong cơ thể sau khi khỏi bệnh
Để làm được điều này phải trải qua rất nhiều xét nghiệm mới khẳng định được.
Yếu tố thứ hai
Xác định bệnh nhân có virus SARS – CoV – 2 trong cơ thể sau khi sạch virus (khỏi bệnh)
Để xác định virus còn tồn tại trong cơ thể và có thể nhân lên người bệnh phải được lấy mẫu bệnh phẩm ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, sau đó đem đi nuôi cấy trong môi trường thích hợp và thấy virus nhân lên trong môi trường nuôi cấy đó khi quan sát bằng kính hiển vi điện tử.
Người khỏi bệnh Covid – 19 tái dương tính trở lại có thể lây nhiễm bệnh cho người khác hay không?
Ở nước ta và nhiều nước khác trên Thế giới đều xuất hiện trường hợp bệnh nhân đã khỏi bệnh SARS – CoV – 2 nhưng khi xét nghiệm lại tái dương tính trở lại. Hiện nay các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) vẫn đang nghiên cứu về các trường hợp này.
tai-nhiem-covid-19
Nhiều trường hợp tái dương tính với Covid - 19 sau khi khỏi bệnh
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thì khả năng những người khỏi bệnh Covid – 19 tái dương tính trở lại, lây nhiễm cho người khác là rất thấp.
Tại Hàn Quốc đã có 207 bệnh nhân “tái dương tính” với virus SARS – CoV – 2. KCDC đã tiến hành nghiên cứu trên một nhóm gồm 25 bệnh nhân đã khỏi bệnh để điều tra về hiện tượng này. Kết quả cho thấy: trong máu của tất cả những người này đều có kháng thể kháng SARS – CoV – 2 (điều chứng tỏ đã có phản ứng miễn dịch chống lại virus của những người này). Tuy có 12 người trong số này có quả PCR Realtime mẫu dịch hầu họng dương tính, nhưng không có bất cứ mẫu bệnh phẩm nào có thể nuôi cấy được trở lại virus. Điều đó chứng tỏ không còn virus trong bệnh phẩm, chỉ còn các mảnh RNA.
KCDC vẫn đang tích cực nghiên cứu sâu hơn để đưa ra kết luận chính thức về những trường hợp này.
Đối với những người đã khỏi bệnh Covid – 19, nếu kết quả xét nghiệm tái dương tính thì cần được cách ly và theo dõi thêm. Người bệnh không nên quá hoảng loạn bởi: Xét nghiệm Realtime PCR là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để khẳng định những người này có mang virus. Kết quả xét nghiệm PCR chỉ xác định trong mẫu bệnh phẩm được lấy có RNA hay không.
Để xác định những người tái dương tính với virus có thật sự mang virus trong người hay không và có khả năng lây nhiễm cho cộng đồng hay không thì cần phải làm thêm các bước sau
1. Xác định xem các triệu chứng của bệnh (sốt, ho, khó thở) có xuất hiện lại trên những bệnh nhân này hay không?
2. Xét nghiệm những người tiếp xúc gần (F1) với những người này sau khi ra viện xem có dương tính hay không?
3. Xét nghiệm máu của những người này để tìm kháng thể đặc hiệu chống lại virus SARS – CoV – 2.
4. Thực hiện xét nghiệm PCR với mẫu bệnh phẩm lấy từ nhiều vị trí khác nhau để so sánh kết quả.
5. Đem mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính đi nuôi cấy virus trở lại.
Trong trường hợp kết quả PCR dương tính mà có thể nuôi cấy trở lại virus từ mẫu bệnh phẩm dương tính thì cần xác định xem virus đã biến chủng hay chưa bằng cách giải trình tự bộ gen của virus (việc này được thực hiện bởi các nhà chuyên môn).
cach-phong-benh-covid-19
Bộ Y Tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh Covid - 19
Mặc dù, về cơ bản nước ta đã kiểm soát được dịch Covid  - 19, nhưng người dân tuyệt đối không được chủ quan, nhất là khi các nhà Dịch tễ học nhận định: mầm bệnh có thể vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Chúng ta vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y Tế: tránh tập trung đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang khi ra ngoài và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn tay, khai báo y tế thường xuyên …
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7