top

Danh mục sản phẩm

Máu là gì? Thành phần (cấu tạo) của máu. Máu có vai trò gì trong cơ thể?

03/08/2023 07:19
Máu là gì? Thành phần (cấu tạo) của máu.
Máu có vai trò gì trong cơ thể?
“Máu” là từ ngữ rất quen thuộc mà chúng ta thường nghe thấy và đã từng tận mắt chứng kiến, nhưng chắc hẳn nhiều người đều chưa hiểu: Máu là gì? Thành phần của máu gồm những chất nào? Và máu có vai trò gì đối với cơ thể? Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta giải đáp những thắc mắc này.
Máu là gì?
Máu là một chất lỏng (mô lỏng) màu đỏ lưu thông trong cơ thể người và động vật nhờ hệ tuần hoàn. Máu rất cần thiết cho sự sống do tham gia vào các quá trình quan trọng bậc nhất như: cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho các tổ chức và cơ quan hoạt động, đồng thời vận chuyển các chất thải sinh ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể (như: khí carbonic và acid lactic) để thải ra ngoài.
Máu chiếm khoảng 8% trọng lượng cơ thể, mang tính kiềm (độ pH từ 7.35 – 7.45) và nhiệt độ trung bình của máu là 38℃. Máu trong động mạch thường có màu đỏ tươi hơn so với máu ở tĩnh mạch do có nhiều oxy hơn.
cac-thanh-phan-cua-mau
Máu và các thành phần của máu
Lượng máu trong cơ thể người là bao nhiêu (cơ thể chứa bao nhiêu lít máu)?
Lượng máu trong cơ thể mỗi người không giống nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: độ tuổi, giới tính, cân nặng …
Thông thường, một nam giới trưởng thành, với vóc dáng trung bình, cơ thể sẽ có khoảng 5 – 6 lít máu. Ở nữ giới, lượng máu sẽ ít hơn: từ 4.5 – 5.5 lít.
Với người khỏe mạnh, lượng máu thường ổn định và tỷ lệ thuận với trọng lượng cơ thể. Trung bình, mỗi người có từ 70 – 80 ml máu trên mỗi kg cân nặng. Sở dĩ lượng máu trong cơ thể luôn ổn định nhờ cơ chế điều hòa giữa lượng máu được sinh ra (ở tủy xương) và lượng máu bị mất đi hằng ngày. Khi cơ thể bị mất một lượng lớn máu hoặc chức năng sản xuất máu của tủy xương gặp trục trặc thì lượng máu không còn ổn định nữa.
co-bao-nhieu-lit-mau-trong-co-the-nguoi
Lượng máu trong cơ thể người
Mất máu có nguy hiểm không?
Lượng máu còn bị ảnh hưởng bởi các hoạt động thể chất. Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi (thời tiết nóng, làm việc nặng nhọc) hoặc mất nước (tiêu chảy, sốt cao) thì thể tích máu có thể giảm do máu bị cô đặc.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho lượng máu bị thay đổi: mất máu (thiếu máu), suy tủy xương … Khi bị mất máu nhiều (1/3 tổng lượng máu) sẽ gây rối loạn chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Lúc đó bệnh nhân cần được truyền máu kịp thời, nếu không có thể dẫn đến hiện tượng sốc và tử vong.
Vai trò của máu trong cơ thể
Vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể
- Vận chuyển oxy
Oxy là một loại khí cực kỳ quan trọng đối với cơ thể, oxy tham gia vào quá trình hô hấp tế bào, nếu thiếu oxy, các cơ quan sẽ không hoạt động được. Oxy được hít vào bởi phổi và được vận chuyển đến các cơ quan thông qua hệ tuần hoàn nhờ dòng máu. 
- Vận chuyển các chất dinh dưỡng
Máu vận chuyển các chất dinh dưỡng (đường, đạm, mỡ) từ hệ tiêu hóa (qua hoạt động tiêu hóa thức ăn) đến các tổ chức để thực hiện quá trình tổng hợp năng lượng, phục vụ cho các hoạt động thể chất.
- Vận chuyển một số loại hormone từ tuyến nội tiết đến các mô
Các tuyến nội tiết nằm rải rác ở khắp mọi nơi trong cơ thể, chúng tiết ra các loại hormone vào máu và được máu đưa đến các tổ chức để thực hiện các chức năng quan trọng.
Vận chuyển các chất thải
Máu vận chuyển khí carbonic từ các mô đến phổi rồi thải ra bên ngoài qua hệ hô hấp.
Quá trình chuyển hóa của tế bào sẽ sinh ra một số chất thải như: amoniac (NH3), H+, Ure. Các chất này được máu vận chuyển đến các cơ quan như: thận, phổi để thải ra ngoài.
mau-co-vai-tro-gi
Chức năng vận chuyển khí Oxy và Carbonic của máu
Bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh
Đây là chức năng rất quan trọng của máu giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Trong máu có chứa tế bào bạch cầu và các đại thực bào có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập vào máu qua các vết thương, vết loét. Hai loại tế bào này còn đảm nhận nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt các yếu tố gây bệnh bên trong cơ thể như: tế bào bị nhiễm virus, tế bào đột biến DNA có nguy cơ trở thành tế bào ung thư.
Ngoài ra, máu còn có cơ chế tự bảo vệ khi bị mất máu.
Khi xảy ra hiện tượng chảy máu do tác động từ bên ngoài (bị vật sắc nhọn đâm vào da) khiến các mạch máu bị tổn thương. Lúc này, các tế bào tiểu cầu sẽ kết hợp với một số loại protein trong huyết tương tạo ra các cục máu đông ở đầu vết thương để ngăn máu chảy ra ngoài, bảo vệ cơ thể tránh bị mất máu nhiều hơn.
Duy trì cân bằng nội mô
- Máu giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn ở mức ổn định (điều hòa thân nhiệt). Điều này thực hiện được là nhờ vào khả năng hấp thụ hoặc tỏa nhiệt của huyết tương và tốc độ máu chảy. Khi nhiệt độ môi trường tăng (trời nóng), các mạch máu sẽ giãn nở ra, máu chảy chậm hơn, nhiệt độ bị thoát ra bên ngoài. Ngược lại, khi nhiệt độ bên ngoài giảm (trời lạnh), các mạch máu co lại để làm chậm quá trình mất nhiệt ra môi trường.
- Máu duy trì sự cân bằng hóa học trong cơ thể
Độ pH của các mô trong cơ thể được điều chỉnh nhờ protein và các hợp chất khác trong máu đóng vai trò như chất đệm. Độ pH của máu thường được duy trì ở mức lý tưởng (từ 7.35 – 7.45), thông số này cho chúng ta biết dịch trong máu mang tính axít hay kiềm. Độ pH của máu không đổi là điều rất quan trọng đối với các chức năng của cơ thể.
Thành phần của máu
Máu gồm hai thành phần chính là: huyết tương (chiếm khoảng 55%) huyết cầu (chiếm khoảng 45%) thể tích máu.
thanh-phan-cua-mau
Thành phần cấu tạo của máu
Huyết tương (thành phần không tế bào)
Huyết tương là chất lỏng có màu vàng, màu sắc của huyết tương thay đổi theo tình trạng sinh lý của cơ thể. Sau khi ăn 1 – 2 giờ, huyết tương có màu đục, sau đó chuyển sang màu vàng.
Thành phần của huyết tương chủ yếu là nước (chiếm 90%), 10% còn lại là các loại protein và muối trong đó có albumin – một loại protein quan trọng và thành phần chủ yếu của máu. Bên cạnh đó, còn có globulin chứa rất nhiều kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại các nhiễm trùng. Ngoài ra, trong huyết tương còn chứa các yếu tố tham gia vào quá trình đông máu để giúp cơ thể không bị mất máu khi bị thương hoặc khi phẫu thuật.
Huyết cầu (thành phần tế bào) gồm 3 loại: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
- Hồng cầu
Trong 3 loại tế bào máu thì hồng cầu có số lượng nhiều nhất (chiếm khoảng 45% thể tích máu toàn phần), trong mỗi mm3 máu có chứa từ 4 – 5 triệu tế bào hồng cầu. Vòng đời (thời gian sống) trung bình của hồng cầu là từ 90 – 120 ngày, các hồng cầu già sẽ bị chết đi và tiêu hủy ở lách và gan. Sau đó, tủy xương sẽ sản xuất ra các hồng cầu mới để thay thế cho các hồng cầu cũ nhằm duy trì lượng hồng cầu luôn ở mức ổn định. Quá trình sản xuất hồng cầu được điều tiết bởi erythropoietin – một loại hormone tiết ra ở thận. Những người suy thận thường bị thiếu máu do lượng hormone này giảm đi.
hong-cau
Tế bào hồng cầu
Hồng cầu có cấu tạo rất đặc biệt: hình đĩa, hai mặt lõm điều này giúp tăng diện tích tiếp xúc thêm 30%. Nhờ vào cấu trúc đặc biệt mà hồng cầu có thể thay đổi hình dạng, khi di chuyển qua những mao mạch nhỏ chúng có thể kéo dài ra, vì thế nên hồng cầu rất linh hoạt, uyển chuyển giống như bong bóng xà phòng. Điều này giúp chúng di chuyển trong các cơ quan mà không bị vỡ.
Chức năng của hồng cầu là vận chuyển khí oxy (O2) từ phổi đến các mô và các tế bào để thực hiện quá trình hô hấp, sau đó lại nhận khí carbonic (CO2) – sản phẩm được tạo ra trong quá trình hô hấp từ các tế bào về phổi để thải ra ngoài. Quá trình vận chuyển COđược thực hiện nhờ các enzyme carbonic anhydraza.
- Bạch cầu 
Là những tế bào máu màu trắng được sinh ra từ tủy xương. Đa số các tế bào bạch cầu có tuổi thọ rất ngắn (từ vài giờ đến vài ngày). Tuy nhiên, có những loại (một số tế bào lympho) tồn tại trong cơ thể nhiều năm.
Bạch cầu có số lượng rất ít (chỉ chiếm 1% tế bào máu, trong mỗi mm3 máu chứa khoảng 7.000 tế bào bạch cầu) nhưng lại giữ vai trò vô cùng quan trong đối với hệ miễn dịch của cơ thể. Chức năng chính của bạch cầu là bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm). Ngoài ra, bạch cầu còn đóng vai trò trong các phản ứng dị ứng. Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng: bụi, phấn hoa, các tế bào bạch cầu sẽ kích thích tạo ra các phản xạ bảo vệ cơ thể như: hắt hơi, sổ mũi, ho. Một chức năng quan trọng khác của bạch cầu là tiêu diệt các tế bào ung thư hình thành trong cơ thể nhờ các tế bào lympho.
co-may-loai-bach-cau
Các loại bạch cầu
Có rất nhiều loại bạch cầu: bạch cầu đơn nhân, bạch cầu hạt. Bạch cầu đơn nhân bao gồm các tế bào lympho và đại thực bào (bạch cầu mono). Bạch cầu hạt được chia thành nhiều loại khác nhau: bạch cầu ưa axít, bạch cầu trung tính, bạch cầu ưa bazơ (kiềm).
Mỗi loại bạch cầu đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau: loại sinh ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể, loại ăn các vật thể lạ (thực bào), loại làm nhiệm vụ “ghi nhớ” các vật thể lạ để lần sau nếu chúng xâm nhập sẽ bị phát hiện và tiêu diệt nhanh chóng.
Phần lớn lượng bạch cầu tồn tại trong máu, tuy nhiên còn một số lượng bạch cầu “đồn trú” ở các mô của cơ thể để thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ”.
- Tiểu cầu
Tiểu cầu là loại tế bào máu có kích thước nhỏ nhất, tiểu cầu có hình dạng chiếc đĩa nhỏ, với đường kính từ 2 – 4 µm. Trong mỗi mm3 máu có khoảng 200.000 tế bào tiểu cầu. Tiểu cầu có đời sống khá ngắn (trung bình từ 7 – 10 ngày), cũng giống như hồng cầu và bạch cầu, tiểu cầu được sinh ra từ tủy xương.
tieu-cau
Tế bào tiểu cầu
Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể, giúp cầm máu trong trường hợp bị thương hoặc khi thực hiện phẫu thuật. Khi có hiện tượng chảy máu các tế bào tiểu cầu sẽ phát tín hiệu cho nhau và cùng di chuyển về phía vết thương, chúng sẽ biến đổi fibrinogen (một loại protein tan trong nước có ở trong huyết tương) thành fibrin (protein không tan trong nước). Các sợi fibrin này đóng vai trò giống như những sợi chỉ liên kết với nhau tạo thành cục máu đông (nút thắt tiểu cầu) bịt vết thương ở thành mạch lại, ngăn ngừa tình trạng chảy máu.
Máu đóng vai trò rất quan trọng với cơ thể, nhờ vào các xét nghiệm máu như: huyết học (tổng phân tích tế bào máu ngoại vi), xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm miễn dịch mà các bác sĩ đánh giá được chức năng của các cơ quan trong cơ thể (gan, mật, thận) nhằm phát hiện tình trạng bất thường cũng như theo dõi hiệu quả điều trị một số bệnh. Người dân cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc và phát hiện sớm các căn bệnh nguy hiểm, từ đó có biện pháp xử trí kịp thời.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7