top

Danh mục sản phẩm

Hút thuốc lá gây ra những bệnh ung thư nào?

10/12/2023 10:09
Các bệnh ung thư do hút thuốc lá gây ra
Hiện nay, số người hút thuốc lá Trên thế giới đang ở mức rất cao (25% ở nam giới và 5.4% ở nữ giới). Tại nước ta, tỷ lệ nam giới hút thuốc là 45.3%, nữ giới là 1.1%, tỷ lệ chung ở cả hai giới là 22.5%.
Như chúng ta đã biết, thuốc lá gây tác hại rất lớn đến sức khỏe con người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (thực hiện vào năm 2015): có khoảng 11.5% số người tử vong trên toàn cầu có liên quan đến việc hút thuốc lá, trong đó nam giới chiếm đến 75%. 
tac-hai-cua-thuoc-la-doi-voi-suc-khoe
Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe
Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh về tim mạch, hô hấp và ung thư. Các nghiên cứu cho thấy: có khoảng 30% tổng số trường hợp ung thư là do hút thuốc lá: trong đó nhiều nhất là ung thư phổi; các bệnh ung thư đường tiêu hóa như: ung thư thanh quản, thực quản, ung thư khoang miệng (lưỡi, lợi, miệng, amidal, vòm họng); ung thư dạ dày, bàng quang, đại trực tràng, gan, thận, tụy, thận; ung thư vú, cổ tử cung (ở nữ giới).
Theo các nhà khoa học, những người nghiện thuốc lá có nguy cơ chết sớm 20 năm so với những người không nghiện thuốc. Trung bình, những người hút thuốc lá bị giảm 10 năm tuổi thọ so với những người không hút thuốc. Đặc biệt, nếu hút thuốc trong độ tuổi trung niên (35 – 69 tuổi) có thể bị giảm đến 20 năm tuổi thọ.
Đối với những người vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu thì nguy cơ bị ung thư càng tăng cao do chất cồn trong rượu gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa khiến cho các tế bào ở ống tiêu hóa nhạy cảm hơn với các chất gây ung thư. Do đó, việc uống rượu và hút thuốc cùng với nhau sẽ gây cộng hưởng dẫn đến ung thư đường tiêu hóa trên: khoang miệng, vòm họng, thực quản.
Hút thuốc kèm uống rượu còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan, nhất là đối với những người bị viêm gan virus.
Tại sao hút thuốc lá lại dẫn đến ung thư?
Theo IARC (Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế): trong khói thuốc lá có chứa rất nhiều chất độc hại (gần 7.000 hợp chất hóa học). Trong đó có nhiều chất gây ung thư: 11 chất thuộc nhóm 1 (nhóm các chất được chứng minh là gây ra bệnh ung thư trên người), 7 chất thuộc nhóm 2A (các chất có khả năng gây ung thư ở người), 49 chất thuộc nhóm 2B (gây ung thư trên động vật, có thể gây ung thư ở người).
thuoc-la-co-chua-nhung-chat-gi
Các chất độc hại trong khói thuốc lá
Ngoài ra, trong thuốc lá còn có tới 11 chất độc được xếp vào nhóm 1 như: Benzen, Arsenic, Cadmium, Ethylen oxid, Chrominum, Nicken, Polonium – 210, Vinyl Chlorid, 2 - Naphthylamine, Beryllium, 4 – Aminobiphenyl.
Các chất độc hại trong khói thuốc lá gây ung thư cho người theo nhiều cơ chế khác nhau: gây đột biến gen (khi gắn vào bộ gen), gây rối loạn quá trình phát triển của tế bào (gắn lên màng tế bào) hoặc gây viêm mạn tính các bộ phận dẫn đến sự tăng sinh các mạch máu bất thường dẫn đến ung thư.
Hút thuốc lá gây ra những bệnh ung thư nào?
Theo các nhà khoa học, hút thuốc lá có thể dẫn đến nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó nhiều nhất là ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư thực quản …
1. Ung thư phổi
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi, các thống kê cho thấy trong các nguyên nhân gây ung thư phổi thì hút thuốc lá chiếm đến 90%. Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 25 lần so với những người không hút. Ngay cả những người hút thuốc trong thời gian ngắn (6 tháng) thì nguy cơ bị ung thư phổi cũng ở mức rất cao (gấp 6.5 lần)
hut-thuoc-gay-ung-thu-phoi
Thuốc lá là thủ phạm chính gây ra bệnh ung thư phổi
Vì sao hút thuốc lá gây ung thư phổi?
Bình thường, khi chúng ta hít thở, không khí sẽ đi từ mũi xuống miệng (tại đây, không khí được lọc sạch, sưởi ấm và làm ẩm) rồi xuống khí quản và cuối cùng vào phổi. Khi hút thuốc, khói thuốc đi thẳng vào miệng mà không qua mũi nên cơ thể đã mất đi cơ chế bảo vệ thứ nhất, khói thuốc không được lọc ở mũi sẽ đưa nhiều độc tố vào cơ thể.
Khi hút thuốc, hệ thống lông chuyển (lông nhỏ như sợi tóc ở khí quản, có vai trò tạo ra chất nhày ở đường hô hấp) bị liệt hoặc phá hủy khiến cơ thể tiết ra nhiều đờm hơn và khả năng tống đờm ra bên ngoài cũng kém hơn. Mặt khác, các chất trong khói thuốc làm thay đổi cấu trúc và thành phần của các tuyến tiết nhày. Hậu quả là các tuyến tiết nhày bị tắc, khả năng bài tiết đờm giảm. Điều này khiến các chất độc hại trong thuốc lá nhiễm vào chất nhầy bị giữ lại trong phổi cản trở sự thông khí của phổi.
Người hút thuốc, đường thở dễ bị co thắt, luồng khí hít vào và thở ra bị cản trở tạo ra các tiếng rít khi thở và có thể gây khó thở. Hút thuốc làm tăng nguy cơ bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn và các bệnh: lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
2. Ung thư thanh quản
Trong số các nguyên nhân gây ung thư thanh quản thì thuốc lá chiếm tới 80%. Hút thuốc lá gây ung thư thanh quản cao thứ hai (chỉ sau ung thư phổi). Người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư thanh quản cao gấp 13 lần so với người không hút. Những người hút thuốc nhiều (trên 20 điếu mỗi ngày) thì nguy cơ bị ung thư thanh quản cao hơn những người không hút thuốc từ 12 – 25 lần. Đặc biệt, nếu vừa hút thuốc vừa uống rượu thì nguy cơ này còn cao hơn nữa.
Các phân tích cho thấy, trong mỗi điếu thuốc có chứa đến 18 mg nhựa, khi hút, các hóa chất độc hại trong đó sẽ bám trực tiếp vào các tế bào của niêm mạc thanh quản gây ung thư.
hut-thuoc-la-gay-ung-thu-thanh-quan
Người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị ung thư thanh quản
Người bị ung thư thanh quản sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong ăn uống, hít thở, dễ dẫn đến suy kiệt, mất giọng nói.
3. Ung thư thực quản
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng: nguy cơ mắc ung thư thực quản ở những người hút thuốc lá cao hơn từ 8 – 10 lần so với những người không hút thuốc, nếu thời gian hút càng lâu thì nguy cơ bị bệnh càng lớn. Đặc biệt nếu một người vừa hút thuốc vừa uống rượu, bia thì nguy cơ bị ung thư biểu mô vảy thực quản càng cao hơn.
Một nghiên cứu khác của Đại học Michigan (Hoa Kỳ) cho thấy: khi tiến hành phân tích dữ liệu từ 34 nghiên cứu lớn trên thế giới về tác hại của thuốc lá. Kết quả cho thấy: những người nghiện thuốc lá có nguy cơ bị ung thư thực quản cao hơn 4.21 lần (nếu là người châu Âu da trắng) và cao hơn 2.31 lần (nếu là người châu Á) so với những người không hút thuốc.
Người hút trên 1 bao thuốc mỗi ngày sẽ có nguy cơ bị ưng thư biểu mô tuyến thực quản cao gấp 2 lần so với những người không hút. Kể cả khi đã bỏ thuốc, nguy cơ này cũng không mất đi. Giữa hút thuốc lá và ung thư biểu mô vảy thực quản còn có mối liên quan mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, nguy cơ ung thư thực quản sẽ giảm xuống khi bỏ thuốc.
hut-thuoc-la-gay-ung-thu-thuc-quan
Ung thư thực quản cũng thường gặp ở người hút thuốc lá
 
4. Ung thư khoang miệng
Hút thuốc lá và ung thư khoang miệng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Các thống kê cho thấy có tới 75% số trường hợp ung thư khoang miệng liên quan đến thói quen hút thuốc lá và sử dụng rượu bia. Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng, những người thường xuyên hút thuốc thì nguy cơ bị ung thư khoang miệng cao hơn 27 lần so với những người không hút thuốc cũng như không tiếp xúc với khói thuốc.
Các loại ung thư khoang miệng thường gặp là: ung thư lưỡi, ung thư lợi, ung thư tuyến nước bọt, ung thư miệng và vòm họng, amidan …
Ở những người hút thuốc, các chất trong khói thuốc sẽ kích thích các tế bào biểu mô trong niêm mạc miệng: má, lưỡi, sàn miệng, họng gây ra các tổn thương (ở dạng tiền ung thư), theo thời gian sẽ tiến triển thành ung thư biểu mô. Nguy cơ ung thư khoang miệng càng tăng cao ở những người vừa hút thuốc, vừa uống rượu (do chất cồn làm tăng tính thấm của lớp biểu mô niêm mạc đường tiêu hóa). Người bị suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu các loại vitamin A, D, E nếu hút thuốc cũng có nguy cơ cao bị ung thư miệng.
ung-thu-mieng-do-hut-thuoc-la
Hút thuốc lá có nguy cơ cao dẫn đến ung thư khoang miệng
5. Ung thư bàng quang
Theo báo cáo của Bệnh viện K, ung thư bàng quang là bệnh ung thư khá phổ biến hiện nay (chiếm 3% trong tổng số các bệnh ung thư phổ biến và xếp thứ 2 trong danh sách các loại ung thư đường tiết niệu).
Các thống kê cho thấy hút thuốc lá được cho là có liên quan tới hơn một nửa số trường hợp ung thư bàng quang ở cả nam giới và nữ giới. Người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao hơn 2.5 - 7 lần và nguy cơ tái phát ung thư bàng quang cao hơn 3 lần so với những người không hút thuốc.
Nguyên nhân khiến hút thuốc gây ung thư bàng quang là do trong khói thuốc có chứa nhiều hóa chất độc hại, trong đó phải kể đến các hydrocarbon thơm đa vòng và các amin thơm. Sau khi hút thuốc, những chất này được hấp thụ qua phổi sau đó vào máu rồi lọc qua thận, cuối cùng đến nước tiểu gây hại cho bàng quang dẫn đến nguy cơ phát triển thành ung thư bàng quang
6. Ung thư gan
Những người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị ung thư biểu mô tế bào gan vì các nhà khoa học đã chứng minh trong khói thuốc có chứa các chất gây ung thư gan như: nitrosamine, hắc ín, hydrocarbon, vinyl clorua, aminobiphenyl … 
Chất nicotine trong thuốc lá làm giảm sức đề kháng của cơ thể do ức chế hình thành kháng thể (ức chế sự tăng sinh và biệt hóa của các tế bào Lympho) gây độc tế bào khiến cho khả năng miễn dịch tự nhiên của tế bào bị suy giảm. Hút thuốc còn gây tổn thương cho các tế bào gan (do tăng các Cytokine tiền viêm)
Người hút thuốc sẽ dễ tiến triển thành xơ gan (yếu tố hàng đầu dẫn đến ung thư gan), đặc biệt là ở những người bị viêm gan virus (viêm gan B, C).
7. Ung thư dạ dày
Hút thuốc gây hại đến hầu hết các bộ phận trong đường tiêu hóa: miệng, họng, thực quản và cả dạ dày. 
Ảnh hưởng của thuốc lá đến dạ dày:
Gây tổn thương niêm mạc dạ dày
Chất nicotine trong thuốc lá ức chế hoạt động bảo vệ niêm mạc dạ dày, chất này làm giảm quá trình sản xuất nitric oxyd – một chất có tác dụng tăng cường lưu thông máu, tăng sản xuất chất nhầy và bicarbonate giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày tránh khỏi tác hại của axit. Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương sẽ hình thành các vết loét – bước đệm cho ung thư dạ dày.
Chất nicotine còn kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều cortisol – một loại hormone cơ thể sản xuất ra khi bị stress, hormone này khiến dạ dày tiết ra nhiều a xít dịch vị hơn làm cho dạ dày bị tổn thương (xuất hiện nhiều vết loét).
Giảm lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày 
Chất nicotine trong khói thuốc lá gây ra tình trạng xơ vữa mạch máu, hẹp động mạch dẫn đến thiếu máu cục bộ, giảm lưu lượng máu đến dạ dày.
Giảm khả năng tự bảo vệ của dạ dày
Khi hút thuốc, các hóa chất trong khói thuốc kích thích dạ dày sản xuất ra enthodelin, chất này làm suy yếu cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày.
Gây viêm loét dạ dày
Hút thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể, giảm khả năng chống viêm, kháng khuẩn, vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) dễ hình thành và phát triển gây bệnh viêm loét dạ dày, lâu ngày có thể dẫn tới ung thư dạ dày.
hut-thuoc-la-co-bi-ung-thu-da-day-khong
Hút thuốc lá gây tác hại rất xấu đến dạ dày.
8. Ung thư tuyến tiền liệt
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc hút thuốc lá làm tăng khả năng mắc bệnh cũng như tái phát bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Cụ thể, theo công trình của Stacey Kenfield và nhóm cộng sự đăng tải trên Tạp chí “Journal of The American Medical Association”: những người hút thuốc lá có nguy cơ tái phát bệnh và nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 61% so với những người không hút thuốc.
Sau khi phân tích dữ liệu thu thập của 7.191 bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt (giai đoạn từ 2001 đến 2011) từ 6 trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Vienne (Áo) đã nhận thấy: việc hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và gây ra các tác động tiêu cực đối với người bệnh. Họ cũng nhấn mạnh rằng: hút thuốc lá khiến cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt dễ tái phát hơn. Tuy nhiên, nếu người nghiện cai thuốc thì nguy cơ này được cải thiện trong vòng 10 năm.
9. Ung thư vú, cổ tử cung (nữ giới)
Ung thư vú
Hút thuốc lá đã được chứng minh là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Tại Đan Mạch, các công trình nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn 60% và thời gian mắc bệnh cũng sớm hơn (trung bình 8 năm) so với những người không hút.
Tại Canada, Tiến sĩ Kenneth C. Johnson – Cơ quan y tế công cộng Canada đã phân tích 19 công trình nghiên cứu được công bố trước đó về sự liên quan giữa bệnh ung thư vú với thói quen hút thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc thụ động). Kết quả cho thấy những người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá do người khác hút) thường xuyên trong thời gian dài thì nguy cơ bị ung thư vú cao hơn 27% so với những phụ nữ không bao giờ hút thuốc. Thậm chí, trong một số nghiên cứu, nguy cơ này còn lên đến 80 – 90%.
Ung thư cổ tử cung
Khi tổng hợp kết quả của 23 nghiên cứu về mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh ung thư cổ tử cung, các nhà khoa học nhận thấy rằng: những phụ nữ hút thuốc lá thường xuyên có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao hơn 1.6 lần so với những người không hút.
cac-benh-ung-thu-do-hut-thuoc-la
Các bệnh ung thư do hút thuốc lá gây ra
10. Ung thư thận
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh ung thư thận, trong đó phổ biến nhất là hút thuốc lá (chiếm trên 50% số trường hợp).
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Vương Quốc Anh: trong khi tỷ lệ mắc ung thư thận ở những người không hút thuốc chỉ vào khoảng 2% thì nguy cơ này ở những người hút thuốc lên tới 50%. Đối với nam giới, hút thuốc lá gây ra 70 – 82% các trường hợp ung thư quanh thận và niệu quản, tỷ lệ này ở nữ là 37 – 61%.
Ít người biết rằng, khi khói thuốc lá vào cơ thể, trải qua quá trình bài tiết, chúng tác động trực tiếp đến thận gây ra các bệnh lý cũng như những biến chứng ở thận.
11. Ung thư đại trực tràng
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 12/2009 trên Tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers and Prevention cho thấy việc hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng và trực tràng.
Một nghiên cứu khác được thực hiện trong 13 năm với sự tham gia của 185.000 người cho thấy: những người hút thuốc trong thời gian dài (trên 40 năm) hoặc sau năm 40 tuổi vẫn không bỏ được thuốc lá thì có đến 30 – 50% nguy cơ bị ung thư đại trực tràng.
12. Ung thư tuyến tụy.
Các số liệu thống kê cho thấy, trong các nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tụy thì hút thuốc lá chiếm đến 30%. Khi hút thuốc, khói thuốc sẽ tác động trực tiếp đến tuyến tụy, rất nguy hiểm.
Các chuyên gia y tế cho rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao gấp hai lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Kể cả việc hút xì gà và các sản phẩm thuốc lá không khói (thuốc lá điện tử) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu người nghiện ngừng hút thuốc thì nguy cơ ung thư tuyến tụy bắt đầu giảm.
Qua các số liệu thống kê ở trên, chúng ta có thể thấy được tác hại khủng khiếp của thuốc lá đối với sức khỏe, đặc biệt là ung thư. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, chúng ta cần nói không với thuốc lá, vận động những người nghiện bỏ thuốc. Tích cực tuyên truyền cho mọi người hiểu về tác hại của thuốc lá đặc biệt là thanh thiếu niên – lứa tuổi rất dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7