top

Danh mục sản phẩm

Đau bụng kinh là gì? Đau bụng kinh có nguy hiểm không? Cách giảm đau bụng kinh.

11/06/2024 18:21
Đau bụng kinh là gì? Đau bụng kinh có nguy hiểm không?
Cách giảm các triệu chứng của đau bụng kinh.
Đau bụng kinh là một hiện tượng phổ biến, thường gặp ở đa số phụ nữ trong thời kỳ hành kinh. Mức độ đau rất đa dạng: có người chỉ đau nhẹ và thoáng qua nhưng cũng có người bị đau nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng tới sinh hoạt và làm việc. Vậy đau bụng kinh là gì? Đau bụng kinh có nguy hiểm không? Làm thế nào để giảm đau bụng kinh? Và đau bụng kinh khi nào cần đi khám bác sĩ?
1. Đau bụng kinh là gì?
Đau bụng kinh (dân gian hay gọi bằng thống kinh) là một khái niệm trong y khoa dùng để chỉ tình trạng xuất hiện các cơn đau bụng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Cơn đau bụng thường xảy ra trước khi hành kinh 1 – 2 ngày và diễn ra từ 3 – 5 ngày trong giai đoạn kinh nguyệt. Bệnh nhân thấy đau âm ỉ hoặc quặn thắt ở vùng bụng dưới. Nguyên nhân khiến chị em bị dau bụng kinh là do sự co bóp của tử cung.
dau-bung-kinh-la-gi
Hiện tượng đau bụng kinh ở phụ nữ
Đau bụng kinh là một tình trạng phổ biến trong chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Theo Hội Sản Phụ khoa Mỹ ACOG (American College of Obstetricians and Gynecologists): có đến hơn một nửa số phụ nữ bị chứng đau bụng kinh từ 1 – 2 ngày mỗi tháng. Đa số họ chỉ bị đau ở mức độ nhẹ, tuy nhiên một số người gặp các cơn đau nghiêm trọng khiến họ gặp khó khăn trong các hoạt động hằng ngày.
2. Có mấy loại đau bụng kinh? (phân loại đau bụng kinh)
Người ta chia đau bụng kinh thành hai loại là nguyên phát và thứ phát
Đau bụng kinh nguyên phát
Là loại đau bụng kinh phổ biến, thường gặp nhất ở phụ nữ. Khái niệm này dùng để chỉ các cơn đau bụng kinh không gây ra bởi các bệnh lý, có đặc điểm: xảy ra đều đặn, lặp đi lặp lại vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
Đau bụng kinh nguyên phát có đặc điểm: diễn ra trong thời gian ngắn (1 – 2 ngày) và giảm dần, người bệnh bị đau bụng với các mức độ khác nhau (từ nhẹ, thoáng qua đến đau liên tục, dữ dội) ở vùng bụng dưới hoặc ở lưng, đùi. Ngoài đau bụng, phụ nữ còn có thể gặp các triệu chứng khác như: buồn nôn, nôn mửa, thấy mệt mỏi, có trường hợp bị tiêu chảy.
Đau bụng kinh nguyên phát thường xuất hiện ở phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt và giảm dần theo thời gian khi họ già đi, một số người có thể hết đau bụng kinh sau khi kết hôn hoặc sinh con.
co-may-loai-dau-bung-kinh
Các loại đau bụng kinh
Đau bụng kinh thứ phát
Là tình trạng đau bụng kinh gây ra bởi các bệnh lý như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu mạn tính, lạc tuyến tử cung hoặc khi cơ quan sinh sản nữ bị nhiễm trùng. 
Một nguyên khác cũng có thể gây ra đau bụng kinh thứ phát là khi phụ nữ đặt vòng tránh thai (dụng cụ làm bằng đồng và nhựa plastic) trong tử cung. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn (3 – 4 tháng), sau đó cơn đau sẽ giảm dần do tử cung đã tiếp nhận và làm quen được với vòng tránh thai.
Đặc điểm của đau bụng kinh thứ phát là diễn ra sớm và thường kéo dài hơn so với bình thường (đau bụng kinh nguyên phát), chị em cũng sẽ không có các triệu chứng: mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
3. Đau bụng kinh có nguy hiểm không?
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo – Bệnh viện Quốc tế Vinmec: phần lớn các trường hợp đau bụng kinh là bình thường, không nguy hiểm. Tuy nhiên, ở một số người có triệu chứng đau bụng kinh kéo dài thì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo các dị tật phụ khoa hoặc một số căn bệnh nguy hiểm như:
U xơ tử cung
Là trường hợp trong tử cung của nữ giới xuất hiện các khối u lành tính chèn ép và gây áp lực lên tử cung khiến những người này bị rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh. Phụ nữ bị u xơ tử cung sẽ gặp phải các triệu chứng như: đau bụng dưới hoặc đau khung chậu, khó đi tiểu, táo bón, rong kinh (kinh nguyệt kéo dài), cường kinh (ra nhiều kinh nguyệt).
Ung thư cổ tử cung
Việc đau bụng kinh bất thường (đau vùng chậu dữ dội và kéo dài, đau sau khi quan hệ) kèm theo các triệu chứng khác như: chảy máu âm đạo, âm đạo ra dịch tiết bất thường có thể là triệu chứng của ung thư cổ tử cung bởi khi khối u phát triển lớn, chèn ép vào các bộ phận khác trong đó có tử cung gây ra các cơn đau và mức độ đau tăng lên vào giai đoạn kinh nguyệt.
Lạc nội mạc tử cung
Là tình trạng lớp nội mạc tử cung bị lạc vào các bộ phận khác như: buồng trứng, cơ tử cung, ống dẫn trứng, đường tiêu hóa (dưới), bàng quang. Tại các vị trí đi lạc này, khối mô nội mạc sẽ phát triển gây viêm, sưng, chảy máu và dẫn đến các cơn đau bụng kinh.
Hẹp cổ tử cung
Hẹp cổ tử cung khiến việc lưu thông máu trong kỳ kinh diễn ra khó khăn, điều này khiến phụ nữ bị đau bụng kinh nhiều hơn.
Viêm vòi trứng
Đây là bệnh lý ảnh hưởng tới khung xương chậu, bệnh nhân có thể bị đau trước hoặc trong kỳ kinh, đau có thể không liên quan đến việc hành kinh. Người bị viêm vòi trứng còn có các triệu chứng khác như: chóng mặt, buồn nôn, rối loạn kinh nguyệt, khí hư bất thường (màu sắc khác lạ).
nguyen-nhan-gay-dau-bung-kinh-du-doi
Đau bụng kinh có thể là triệu chứng của một số bệnh nguy hiểm
4. Nguyên nhân gây đau bụng kinh
Trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sẽ xảy ra một trong hai trường hợp sau:
- Trường hợp 1: mang thai
Khi trứng và tinh trùng gặp nhau, hiện tượng thụ tinh xảy ra, trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng đến làm tổ trong tử cung, thai nhi được hình thành và phát triển tại đây. Phụ nữ sau khi mang thai thì sẽ không xảy ra chu kỳ kinh nguyệt nữa do lúc này phôi thai đã bịt kín cổ tử cung.
- Trường hợp hai: không thụ thai
Nếu trứng và tinh trùng không gặp nhau, hiện tượng thụ tinh không diễn ra thì lớp niêm mạc tử cung bắt đầu bong ra, tử cung co bóp mạnh hơn để đẩy máu, dịch nhày và trứng ra khỏi cơ thể. Đây chính là hiện tượng kinh nguyệt.
Khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, thành tử cung sẽ co lại khiến cho các mạch máu ở tử cung bị chèn ép dẫn đến thiếu máu cơ tử cung, các mô bị thiếu oxy kích thích tử cung tiết ra chất trung gian hóa học có tên là prostaglandin. Chất này làm các cơ trơn ở tử cung co bóp với tần suất dày hơn và lực mạnh hơn gây ra các cơn đau bụng ở phụ nữ, mức độ đau tăng lên trong khoảng thời gian này.
Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được vì sao một số người lại bị đau hơn so với những người khác. Có thể ngưỡng chịu đau của họ thấp hơn hoặc cơ thể họ tiết ra nhiều chất prostaglandin hơn.
nguyen-nhan-bi-dau-bung-kinh
Một số nguyên nhân gây đau bụng kinh
Theo Bác sĩ Nguyễn Công Định – Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: có nhiều nguyên nhân gây đau bụng kinh như:
Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, hợp lý như: ăn thức ăn lạnh hoặc đồ ăn có tính hàn, uống ít nước, lạnh bụng (không giữ ấm bụng). Đây là những nguyên nhân phổ biến gây đau bụng kinh.
Vận động mạnh: trong giai đoạn hành kinh, nếu chị em vận động mạnh: chạy, nhảy hoặc lao động nặng cũng dễ dẫn đến đau bụng kinh.
Lười vận động
Những người ít vận động, ngồi nhiều cũng dễ bị đau bụng kinh do tuần hoàn máu kém.
Hẹp cổ tử cung
Những phụ nữ có cổ tử cung quá hẹp thường bị đau bụng kinh do kinh nguyệt khó lưu thông ra bên ngoài.
Rối loạn nội tiết
Sự gia tăng bất thường của một số loại nội tiết tố trong máu như: Progesterone và Prostaglandin sẽ tác động đến các cơ tử cung và gây ra hiện tượng đau bụng kinh.
Các bất thường ở tử cung
Ở một số người có tử cung không bình thường: lùi về phía sau hoặc ngả về phía trước quá nhiều gây cản trở sự lưu thông khí huyết dẫn đến đau bụng kinh. Việc tử cung co thắt bất thường (quá co thắt hoặc co thắt yếu) khiến tử cung khó trở lại trạng thái bình thường cũng gây ra hiện tượng đau bụng kinh.
Một số bệnh phụ khoa cũng gây ra triệu chứng đau bụng kinh như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang tử cung, viêm vùng chậu …
5. Các triệu chứng đau bụng kinh
Triệu chứng điển hình của đau bụng kinh là đau vùng bụng dưới: đau âm ỉ hoặc quặn thắt dữ dội. Bình thường, cơn đau bụng sẽ xuất hiện trước thời điểm hành kinh từ 1- 2 ngày. Bệnh nhân thường bị đau nhất ở ngày đầu tiên 2 – 3 ngày sau, mức độ đau giảm dần, cơn đau có thể lan xuống thắt lưng và đùi. Tử cung càng co bóp nhiều thì người bệnh càng đau.
Ngoài đau bụng, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng khác như:
- Buồn nôn hoặc nôn ói.
- Mệt mỏi, kiệt sức
- Nhức đầu, chóng mặt
- Có người bị táo bón hoặc tiêu chảy tùy theo cơ địa của họ.
cac-trieu-chung-dau-bung-kinh
Các triệu chứng của đau bụng kinh
6. Cách giảm đau bụng kinh
Việc thay đổi thói quen sinh hoạt hoặc áp dụng một số biện pháp chăm sóc sức khỏe trong thời gian hành kinh có thể giúp làm giảm đau bụng kinh ở những người đau bụng kinh không do bệnh lý:
Chườm ấm vùng bụng nhằm làm giảm bớt tình trạng co thắt của tử cung.
Hạn chế vận động mạnh: trong những ngày “đèn đỏ”, các chị em nên nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh hoặc các hoạt động thể chất quá sức có thể khiến tình trạng đau bụng kinh nặng hơn.
Làm ấm cơ thể bằng cách uống nước gừng, hoặc nước đường đỏ. Tắm nước ấm trong những ngày này được khuyến khích. Buổi tối, trước khi đi ngủ nên ngâm chân bằng nước ấm để giúp cho sự lưu thông máu tốt hơn.
Kiêng các chất kích thích: rượu, bia và các loại đồ uống có cồn, thuốc lá. Hạn chế các loại thực phẩm, đồ ăn chua, cay, nóng gây kích thích niêm mạc dạ dày.
Mát xa vùng chậu
Trong những ngày hành kinh, nên mát xa vùng chậu để giảm cơn đau bụng bằng cách xoa nhẹ vùng bụng dưới cũng như hai bên hông và thắt lưng. Có thể dùng dầu mát xa và nên thực hiện việc mát xa trước khi có kinh vài ngày.
Ngủ đủ giấc để cơ thể được nghỉ ngơi và có đủ năng lượng cần thiết.
Sử dụng các thuốc giảm đau bụng kinh theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa hoặc dược sĩ:
- Thuốc giảm đau nhóm NSAIDs: Paracetamol, Ibuprofen, Aspirin, Diclofenac
Các thuốc này có ưu điểm là giảm đau nhanh, tuy nhiên chúng có nhiều tác dụng phụ như: gây rối loạn tiêu hóa (khó tiêu hoặc tiêu chảy) đau bụng, buồn nôn, viêm loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa (nếu dùng liều cao, kéo dài), tổn thương gan, tổn thương thận (viêm thận kẽ, hoại tử thận). Các bác sĩ cảnh báo phụ nữ không được lạm dụng thuốc giảm đau vì việc sử dụng thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sinh sản như: vô sinh do “hội chứng không rụng trứng” dù bệnh nhân vẫn có kinh bình thường.
- Thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai cũng có tác dụng điều hòa kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh rõ rệt. Tuy nhiên, nếu dùng liên tục sẽ gây rối loạn nội tiết, ức chế buồng trứng dẫn đến hiện tượng không rụng trứng, buồng trứng bị teo dần có thể gây vô sinh ở nữ giới. Hơn nữa, đây cũng không phải là cách chữa trị triệt để đau bụng kinh mà chỉ có tác dụng làm giảm tạm thời các triệu chứng của cơn đau bụng kinh.
cach-lam-giam-con-dau-bung-kinh
Một số phương pháp làm giảm cơn đau bụng kinh
7. Cách phòng đau bụng kinh
Đau bụng kinh là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi tử cung co bóp để đẩy lớp máu kinh ra ngoài, do vậy không có cách phòng triệt để đau bụng kinh. Để giảm bớt triệu chứng và tần suất các cơn đau, chị em cần lưu ý các điểm sau:
- Tránh quan hệ tình dục trong thời kỳ “đèn đỏ”, không thực hiện các kiểm tra phụ khoa (nếu chưa thực sự cần thiết) trong giai đoạn này.
- Giữ vệ sinh vùng kín nhất là khi mang thai và sinh nở để tránh bị viêm nhiễm phụ khoa bằng cách rửa sạch và lau khô, có thể sử dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ nếu cần.
- Thực hiện tốt việc tránh thai, tránh việc nạo phá thai và làm các thủ thuật cũng như phẫu thuật ở buồng tử cung, điều này có thể gây ra hiện tượng viêm dính niêm mạc tử cung, làm phát sinh các bệnh khác và tình trạng đau bụng kinh cũng nặng hơn.
- Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý về phụ khoa và có phương pháp điều trị kịp thời.
Phần lớn các trường hợp đau bụng kinh là bình thường, không nguy hiểm. Tuy nhiên, các chị em không được chủ quan với hiện tượng này. Nếu thấy cơn đau bụng kinh có các biểu hiện bất thường: đau liên tục, kéo dài, không giảm ngay cả khi dùng thuốc kèm theo các triệu chứng khác thì cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7