top

Danh mục sản phẩm

Có phải vắc xin phòng COVID – 19 của AstraZeneca gây đông máu? Có cần làm xét nghiệm D – dimer để tìm cục máu đông sau khi tiêm vắc xin phòng COVID – 19 của AstraZeneca?

08/05/2024 15:23
Có phải vắc xin phòng COVID – 19 của AstraZeneca 
gây đông máu?
Có cần làm xét nghiệm D – dimer để tìm cục máu đông
sau khi tiêm vắc xin phòng COVID – 19 của AstraZeneca?
Những ngày gần đây, dư luận nước ta xôn xao khi hãng Dược phẩm AstraZeneca của AnhThụy Điển công bố thông tin về việc vắc xin của họ có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp liên quan đến vấn đề đông máu, đó là tình trạng huyết khối (xuất hiện cục máu đông) và hội chứng giảm tiểu cầu có thể gặp ở một số ít người sau khi tiêm vắc xin phòng COVID – 19 của hãng này.
vac-xin-COVID-19-cua-AstraZeneca-gay-bien-chung-cuc-mau-dong
Vắc xin phòng COVID - 19 của AstraZeneca
Vậy thực hư chuyện này như thế nào? Bài viết sau có thể giúp bạn đọc sáng tỏ những thắc mắc của mình về vấn đề này.
1. Vắc xin phòng COVID – 19 của AstraZeneca có gây ra tác dụng phụ đông máu không?
Trước tiên phải khẳng định một điều là vắc xin phòng COVID – 19 của AstraZeneca có gây ra tác dụng phụ đông máu, đó là tình trạng huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu. Tuy nhiên tác dụng phụ này rất hiếm gặp, hay nói cách khác: xác suất gặp vấn đề đông máu sau khi tiêm vắc xin này là vô cùng nhỏ.
Thực ra, đây không phải là thông tin mới, ngay từ năm 2021 hãng đã đưa ra khuyến cáo về tác dụng phụ này.
Vào tháng 03/2021, lần đầu tiên các nhà khoa học nhận thấy mối liên quan giữa vắc xin phòng COVID – 19 và biến chứng cục máu đông kèm theo hiện tượng giảm tiểu cầu sau khi tiêm loại vắc xin này.
Xác suất bị biến chứng cục máu đông sau khi tiêm vắc xin phòng COVID – 19 của AstraZeneca như thế nào?
Tại Châu Âu
Vào tháng 4/2021, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã thống kê các trường hợp bị rối loạn đông máu sau khi tiêm vắc xin phòng COVID  - 19 và họ thấy rằng: trong gần 25 triệu người tiêm thì chỉ có khoảng 80 người xuất hiện cục máu đông – một tỷ lệ rất nhỏ. Ủy ban An toàn của EMA đã kết luận rằng: biến chứng đông máu sau khi tiêm vắc xin của AstraZeneca là rất hiếm găp.
Bà Emer Cooke - Giám đốc điều hành của EMA đã đưa ra nhận xét: biến chứng huyết khối và giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin phòng COVID  - 19 của Astrazeneca hiếm gặp và hoàn toàn bị che mờ bởi những lợi ích to lớn mà loại vắc xin này đã mang lại cho cộng đồng. Nguy cơ tử vong do đại dịch lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ tử vong do các biến chứng hiếm gặp như thế này.
Tại Úc
Ngày 12/01/2024 Bộ Y Tế Australia công bố báo cáo về tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca cho thấy: tỷ lệ bị cục máu đông và hội chứng giảm tiểu cầu sau khi tiêm liều đầu tiên là 2/100.000 người và sau liều thứ hai là 0.3/100.000 người, đây là con số vô cùng thấp. Cơ quan này cũng khẳng định: đó là sự cố y khoa rất hiếm gặp và thường xảy ra trong thời gian đầu (từ 4 đến 42 ngày) sau khi tiêm.
Tại nước ta
Theo ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh: Kể từ khi bắt đầu triển khai (tháng 03/2021) đến khi kết thúc chiến dịch (tháng 06/2023) thành phố đã tiến hành tiêm hơn 9 triệu liều vắc xin của AstraZeneca. Hệ thống giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng không ghi nhận trường hợp nào gặp tác dụng phụ xuất hiện cục máu đông.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy tỷ lệ người trẻ gặp vấn đề đông máu nhiều hơn so với người già (đặc biệt là ở độ tuổi từ 20 – 29), nữ giới bị nhiều hơn nam giới. Người cao tuổi (trên 60 tuổi) ít gặp tác dụng phụ này (tỷ lệ chỉ khoảng 0.2/1 triệu liều tiêm đầu tiên). Biến chứng đông máu phụ thuộc vào các yếu tố như: di truyền, bệnh nền, các loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng cũng như lối sống của họ.
Tác dụng phụ của vắc xin đã được hãng thông báo trước đây
Trước thông tin vắc xin phòng COVID – 19 của hãng AstraZeneca bị cáo buộc gây ra biến chứng đông máu hiếm gặp. Ngày 03/05 vừa qua, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y Tế) cho biết: Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này khi tổ chức tiêm phòng.
tac-dung-phu-gay-dong-mau-giam-tieu-cau-sau-khi-tiem-vac-xin-astrazeneca
Tác dụng phụ gây huyết khối, giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin COVID - 19 đã được thông báo trước đây.
2. Những người sau khi tiêm vắc xin phòng COVID – 19 của AstraZeneca liệu có nguy cơ bị biến chứng cục máu đông?
Theo bà Nguyễn Thu Anh – Giáo sư Y tế công cộng tại Đại học Sydney (Úc), đồng thời là Giám đốc Viện Đại học Sydney tại Việt Nam: biến chứng gây đông máu của loại vắc xin này là rất hiếm gặp: cứ 250.000 người Anh tiêm, mới có 1 người bị (theo thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng GAVI) và chỉ xảy ra trong 2 tuần đầu sau khi tiêm. Trong khi ở nước ta, chiến dịch tiêm loại vắc xin này đã kết thúc cách đây nhiều tháng hoặc nhiều năm nên không còn khả năng bị đông máu nữa. Vì vậy, người dân không cần lo lắng về vấn đề này.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, biến chứng đông máu không chỉ xuất hiện ở vắc xin của AstraZeneca, mà còn xuất hiện ở những loại vắc xin COVID – 19 khác và cả ở những người mắc COVID – 19 trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm bệnh. Vì vậy, dù không tiêm vắc xin cũng có nguy cơ bị cục máu đông.
Một loại vắc xin COVID – 19 khác của Pfizer – BioNTech cũng có khả năng gây ra biến chứng huyết khối với tỷ lệ thấp hơn (0.2/1 triệu liều tiêm đầu tiên).
3. Vì sao vắc xin phòng COVID – 19 của AstraZeneca gây đông máu?
Tháng 05/2021, Tờ Guardian dẫn nguồn tin: các nhà khoa học ở Đức cho rằng họ đã tìm ra nguyên nhân một số ít người sau khi tiêm vắc xin của AstraZenecaJohnson & Johnson bị đông máu.
Giáo sư Rolf Marschalek và nhóm nghiên cứu của ông thuộc Đại học Goethe cho rằng: mấu chốt của vấn đề là ở virus adeno (loại virus được lấy từ con tinh tinh đã bị làm mất khả năng sao chép được dùng để vận chuyển protein gai trên bề mặt virus Sars – CoV – 2)
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây ra hiện tượng cục máu đông và giảm tiểu cầu chính là cơ chế đưa gai protein của virus Sars – CoV – 2 vào cơ thể người. Đáng lẽ, ADN của gai protein phải được đưa vào vùng dịch của tế bào, nhưng lại đưa vào phần nhân tế bào. Khi tiêm vắc xin, các thành phần của gai protein hoặc liên kết hoặc tách rời nhau dẫn đến nguy cơ tạo ra những chuỗi protein đột biến, những chuỗi này đi vào cơ thể người và gây ra hiện tượng đông máu.
Những trường hợp bị cục máu đông thường xảy ra ở các tĩnh mạch xung quanh não. Điều này giải thích tại sao những người gặp biến chứng đông máu sau khi tiêm vắc xin thường gặp triệu chứng đau đầu dữ dội.
Các cục máu đông hình thành bởi hàng tỷ tiểu cầu khiến lượng tiểu cầu trong máu xuống thấp. Điều này dẫn đến tình trạng chảy máu nặng ở những người gặp biến chứng khi tiêm.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh giải thích cơ chế gây đông máu của vắc xin như sau:
Vắc xin phòng COVID – 19 của Astrazeneca là loại vắc xin được làm từ adenovirus, khi tiêm vắc xin này vào người thì sẽ kích hoạt tiểu cầu (một trong ba loại tế bào máu của cơ thể) giải phóng ra một loại protein có tên là PF4 (Platelet Factor 4) – đây là một loại kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu.
Ở một số ít người, cơ thể của họ có thể có phản ứng miễn dịch bất thường (tình trạng này thường liên quan đến yếu tố gen, người châu Âu bị nhiều hơn so với người châu Á). Phần lớn, chúng ta không có phản ứng này (không có loại kháng thể tạo ra phản ứng miễn dịch bất thường). Nhưng trong một số trường hợp, sau khi tiêm vắc xin thì hình thành kháng thể, các kháng thể này bám vào PF4 giống như một loại keo siêu dính tạo thành một lớp màng gọi là “phức hợp miễn dịch” gây ra các cục máu đông. Sau khi tiêm vắc xin một thời gian thì tiểu cầu trở về bình thường, không còn PF4 nên sẽ không tạo ra cục máu đông nữa.
tai-sao-vac-xin-phong-covid-19-cua-astrazeneca-gay-dong-mau
Cơ chế gây đông máu hiếm gặp của vắc xin phòng COVID - 19 AstraZeneca 
4. Sau khi tiêm vắc xin phòng COVID – 19 của AstraZeneca có cần làm xét nghiệm “D – dimer” để “tìm cục máu đông”.
Sau khi AstraZeneca thông tin về việc vắc xin Covid – 19 của họ có thể gây biến chứng cục máu đông. Trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin khiến nhiều người đổ xô đi làm xét nghiệm “D – dimer” để “tìm cục máu đông”. Vậy xét nghiệm này có thực sự cần thiết?
Theo PGS.TS Phạm Quang Thái – Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương: tác dụng phụ gây huyết khối rất hiếm gặp và thường chỉ xảy ra trong thời gian đầu (trong vòng 28 ngày sau khi tiêm) và hầu như chỉ gặp ở mũi tiêm đầu tiên. Chúng ta đã tiêm vắc xin này từ lâu (cách đây 2 – 3 năm) và chỉ một số rất ít người gặp biến chứng này và cũng đã được điều trị ổn thỏa, không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc tự ý đi làm các xét nghiệm về đông máu là không cần thiết.
Còn theo Bác sĩ Nguyễn Thu Huyền – Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện 19 – 8): D – dimer là một xét nghiệm sinh hóa máu thường được các bác sĩ chỉ định để tìm yếu tố nguy cơ gây cục máu đông. Xét nghiệm này chỉ phản ánh nguy cơ có cục máu đông chứ không có giá trị chẩn đoán chính xác. Xét nghiệm D – dimer cũng không chỉ ra được vị trí của cục máu đông. Có nhiều nguyên nhân khiến chỉ số này tăng cao như: nhiễm trùng, bệnh ung thư hoặc các bệnh về gan mật.
xet-nghiem-d-dimer-tim-cuc-mau-dong-sau-khi-tiem-vac-xin-astrazeneca
Xét nghiệm D - dimer chẩn đoán huyết khối 
Xét nghiệm D – dimer thường do bác sĩ chuyên khoa chỉ định cùng với các xét nghiệm cận lâm sàng khác ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ và các triệu chứng: ho ra máu, đau tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, chân bị phù nề, đổi màu, đau yếu một chân, thuyên tắc phổi.
Bác sĩ Huyền cũng thông tin thêm: những người sau khi mắc COVID – 19 cũng có thể có chỉ số D – dimer trong máu cao. Việc thực hiện xét nghiệm này cần có chỉ định của bác sĩ khi có yếu tố rối loạn đông máu. Những người chưa có chỉ định của bác sĩ thì không cần làm xét nghiệm.
Cùng chung quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Đức Hùng – Bệnh viện Nhi Cincinnati (Hoa Kỳ) khuyên người dân không nên quá lo lắng bởi:
- Biến chứng cục máu đông của vắc xin AstraZeneca là vô cùng hiếm gặp
Năm 2021, trong tổng số 25 triệu người tiêm vắc xin của AstraZeneca, mới chỉ có gần 25 người gặp biến chứng đông máu (tỷ lệ 1 phần 1 triệu). Tỷ lệ này còn thấp hơn một loại dị ứng sốc phản vệ do ăn đậu phộng (1.8 ca/ 1 triệu người) trong 1 năm.
- Biến chứng chỉ xảy ra trong 5 – 24 ngày kể từ khi tiêm mũi đầu tiên, chúng ta đã tiêm vắc xin trong thời gian dài, vì vậy việc xét nghiệm không còn ý nghĩa nữa.
Như vậy, biến chứng xuất hiện cục máu đông sau khi tiêm vắc xin COVID - 19 là rất hiếm gặp và thường chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày đầu tiên sau khi tiêm, một số ít trường hợp bị muộn hơn (sau 42 ngày), tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị được. 
xet-nghiem-di-dimer-tim-cuc-mau-dong-do-tiem-vac-xin-covid-19-astrazeneca
Xét nghiệm tìm cục máu đông sau khi tiêm vắc xin COVID - 19 chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ
Các chuyên gia y tế khuyên người dân nên bình tĩnh, không hoang mang trước các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng và không nên đổ xô đi làm các xét nghiệm đông máu khi chưa có khuyến cáo của bác sĩ. Các nhóm anti vắc xin (chống vắc xin) dựa vào dịp này để tuyên truyền mọi người không nên tiêm vắc xin. Không loại trừ một số đối tượng lợi dụng thông tin này để trục lợi từ các dịch vụ xét nghiệm. Chúng ta nên nhớ, trong khi đại dịch COVID – 19 hoành hành, các loại vắc xin (trong đó có vắc xin của AstraZeneca) đã góp phần cứu sống hàng triệu người trên thế giới.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7