top

Danh mục sản phẩm

Chủng Virus Sars - CoV - 2 biến đổi gen ở Đà Nẵng nguy hiểm như thế nào?

03/08/2020 18:26
CHỦNG VIRUS SARS – CoV – 2 BIẾN ĐỔI GEN
Ở ĐÀ NẴNG NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid – 19 ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Tính đến ngày 02/08/2020, nước ta đã có 590 người nhiễm bệnh, trong đó có 3 ca tử vong. Tại Đà Nẵng, số ca nhiễm đã lên tới 109, con số này ở Quảng Nam là 32. Điều đặc biệt là số ca nhiễm mới tăng lên rất nhanh. Chỉ trong vòng 9 ngày (từ ngày 25/07 đến ngày 02/08) đã có 144 ca mắc mới liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng. Theo kết quả giải mã trình tự bộ gene của virus SARS – CoV – 2 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương trên mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân mắc mới cho thấy: virus SARS – CoV – 2 đã biến đổi gen, bộ gen của chúng khác hẳn với 5 chủng từng gây bệnh trước đây ở nước ta. Chủng virus mới này có đặc điểm: tốc độ lây lan nhanh hơn các chủng cũ do tăng khả năng bám dính vào bề mặt tế bào.
thong-ke-so-ca-nhiem-covid-tai-viet-nam
Thống kê của Bộ Y Tế về số ca bệnh Covid - 19 (tính đến ngày 02/08/2020)
Theo Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y Tế: chủng virus SARS – CoV – 2 ở Đà Nẵng là chủng thứ 6 ở Việt Nam. Chủng này được xác định có nguồn lây từ bên ngoài nhưng hiện tại vẫn chưa xác định được là của nước nào. Thế giới đã ghi nhận 99 chủng khác nhau của virus corona, để xác định nguồn gốc của chủng virus tại Đà Nẵng, các chuyên gia phải gửi kết quả giải trình tự gen đến ngân hàng gen của thế giới để so sánh, đối chiếu với các mẫu gen có sẵn.
Bình luận về vấn đề này, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương cho biết: Bản chất của virus Corona luôn luôn đột biến, trong quá trình lây lan trên toàn thế giới, loài virus này vẫn không ngừng biến đổi gây khó khăn trong việc điều trị và khống chế dịch.
Cũng theo chuyên gia này: Mặc dù chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các chủng cũ nhưng độc lực của virus không tăng lên. Như vậy, trong làn sóng thứ hai của dịch Covid lần này có thể có nhiều người nhiễm chủng virus mới này nhưng chỉ có khoảng 5% trong số đó chuyển thành nguy kịch.
Virus SARS – CoV – 2 có bản chất là một mRNA virus, sau khi xâm nhập vào cơ thể người, để có thể sao chép và nhân lên được, chúng cần sử dụng một vài loại men (enzyme hay protein) của người. Nhưng do không có hệ thống tự sửa chữa giống như người nên virus rất dễ bị đột biến và tạo ra các chủng mới – đây là đặc điểm sinh tồn chung của các loài virus. Nếu virus chỉ có duy nhất 1 chủng hoặc 1 biến thể thì hệ miễn dịch của cơ thể người sẽ dễ dàng “học” được một cách nhanh chóng, tạo ra các kháng thể tấn công và tiêu diệt chúng. Từ khi dịch xuất hiện đến nay, thế giới đã có hơn 18 triệu ca nhiễm bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc virus SARS – CoV – 2 đã trải qua hàng triệu triệu lần sao chép, nên sẽ có nhiều chủng mới được tạo ra.
Virus SARS – CoV – 2 ở Đà Nẵng thuộc chủng nào?
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): có khoảng 5.800 biến thể của virus SARS – CoV – 2. Trong số đó có gần 99 chủng của virus này được xác định trên toàn cầu. Phổ biến nhất trong số này là chủng D614G đang hoành hành ở châu Âu và châu Mỹ. Chủng này thu hút sự quan tâm của các Nhà khoa học bởi chúng có sự thay đổi của một loại amino acid (từ Aspartate D thành Glycine G 614) tại Protein gai nhọn (skype protein) – chìa khóa để virus bám vào tế bào và xâm nhập vào bên trong cơ thể người.
Với công nghệ sinh học tiên tiến ở nước ta hiện nay, việc giải trình tự RNA và protein (trình tự gen) không phải là thử thách quá lớn và không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên để xác định được chủng loại virus, các chuyên gia cần phải so sánh với bộ gen trong ngân hàng gene virus của thế giới. Chủng virus SARS – CoV – 2 ở Đà Nẵng nhiều khả năng là một chủng khác hoàn toàn với chủng D614G nêu trên. Các Nhà khoa học nước ta cho rằng: chủng virus xuất hiện tại Đà Nẵng tương tự như chủng gây bệnh lại Bangladesh hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm nay. 
Virus SARS – CoV – 2 ở Đà Nẵng nguy hiểm như thế nào?
Các chủng virus SARS – CoV – 2 đột biến gen (protein gai đột biến) giúp virus tránh được sự nhận diện của các kháng thể tự nhiên trong cơ thể người. Điều này khiến cho phương pháp chữa bệnh bằng cách dùng huyết thanh có chứa kháng thể của người đã khỏi bệnh trở nên yếu hơn (giảm hiệu quả điều trị). Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiều loại kháng thể khác nhau, mỗi loại nhận ra một phần khác nhau của protein gai thì có thể làm trung hòa virus đã đột biến gen. 
Một vấn đề khác được đặt ra là: Ở những người đã khỏi bệnh, sau khi xuất hiện kháng thể chống lại virus SARS – CoV – 2 trong máu thì lượng kháng thể này lại bị giảm một cách nhanh chóng.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature & NEJM cho thấy: có sự giảm nhanh nồng độ kháng thể trong huyết thanh ở những bệnh nhân mắc Covid – 19 (nghiên cứu được thực hiện ở những bệnh nhân ở mức độ nhẹ, theo dõi trong 90 ngày). Ở những bệnh nhân nặng, nồng độ kháng thể cao hơn. Tuy nhiên, đa số các trường hợp, nồng độ kháng thể trong huyết thanh bắt đầu giảm xuống sau khi các các triệu chứng của bệnh xuất hiện khoảng 1 tháng. Đôi khi, nồng độ kháng thể giảm xuống dưới mức có thể phát hiện được. Chính điều này đặt ra nghi vấn trong việc đánh giá khả năng tái nhiễm bệnh dựa trên việc áp dụng kết quả xét nghiệm huyết thanh diện rộng và hiệu quả lâu dài của vắc xin.
Cách phòng bệnh Covid – 19 trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp hiện nay
Để phòng bệnh Covid – 19, chúng ta thực hiện tốt các việc sau:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh (có chứa ít nhất 60% cồn).
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nơi đám đông, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc khi tiếp xúc với người lạ.
Tránh đi đến nơi đông người
Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Dùng khăn giấy hoặc khăn vải che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
Không đi đến các địa phương đang có dịch: Đà Nẵng, Quảng Nam. Nếu về từ vùng dịch phải thực hiện khai báo y tế với cơ quan chức năng và tự cách ly trong 14 ngày. Nếu có triệu chứng: ho, sốt, tức ngực, khó thở hoặc tiếp xúc gần với người nghi nhiễm virus SARS – CoV – 2 phải gọi điện thoại đến đường dây nóng của Bộ Y Tế, số: 1900 9095 hoặc 1900 3228 để được hướng dẫn làm xét nghiệm.
Thường xuyên khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI và cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID - 19
phuong-phap-phong-benh-covid-19
Hướng dẫn phòng bệnh Covid - 19 của Bộ Y Tế
Chính phủ đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, nên tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước và ngành Y tế. Khi Chính phủ và người dân đồng lòng, chung sức thì đại dịch COVID sẽ sớm bị đẩy lùi.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7