top

Danh mục sản phẩm

Chu kỳ kinh nguyệt là gì? Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ diễn ra như thế nào?

24/12/2022 10:53
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ diễn ra như thế nào?
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý tự nhiên của cơ thể phụ nữ diễn ra hàng tháng từ lúc dậy thì (từ 12 – 17 tuổi) cho đến khi mãn kinh (hết kinh nguyệt, khoảng 50 – 55 tuổi). Hiện tượng kinh nguyệt sẽ không xảy ra ở nữ giới trong thời kỳ mang thai.
Kinh nguyệt là quá trình phụ nữ thải máu và các chất từ niêm mạc tử cung ra bên ngoài qua đường âm đạo. Hiện tượng này thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 3 – 5 ngày và là dấu hiệu cho thấy người phụ nữ không mang thai.
ngay-den-do-cua-phu-nu
Chu kỳ kinh nguyệt (ngày đèn đỏ) ở phụ nữ
Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt
Giai đoạn hành kinh (giai đoạn kinh nguyệt)
Hành kinhgiai đoạn đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn này thường kéo dài từ 3 – 7 ngày, bắt đầu từ trứng không được thụ tinh ở chu kỳ trước (hiện tượng thụ thai không xảy ra). Trong giai đoạn này, cơ thể phụ nữ sẽ thải ra một hỗn hợp gồm: máu, chất nhầy và các mô của tử cung. Ở giai đoạn kinh nguyệt, nồng độ các hormone sinh dục nữ (progesterone và estrogen) sẽ giảm xuống, chị em cũng có một số triệu chứng như: đau đầu, mệt mỏi, tính tình thay đổi (tâm trạng lâng lâng, dễ cáu gắt), bị chuột rút, đau lưng, trướng bụng, đầy hơi, ngực mềm.
chu-ky-kinh-nguyet-co-may-giai-doan
Bốn giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt
Giai đoạn nang trứng
Là giai đoạn tiếp theo, sau kinh nguyệt, thường diễn ra trong khoảng 16 ngày, có thể dao động trong khoảng 11 – 27 ngày tùy theo chu kỳ của mỗi người. Đối với những phụ nữ có vòng kinh đều (28 ngày) thì giai đoạn nang trứng thường kéo dài từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 13 của chu kỳ kinh nguyệt, khoảng thời gian này cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào độ dài chu kỳ của người đó. Giai đoạn này được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ (ngày ra máu âm đạo) và kết thúc vào ngày rụng trứng. Tức là khoảng thời gian đầu của giai đoạn nang trứng trùng hợp với giai đoạn kinh nguyệt.
Ở giai đoạn nang trứng, cơ thể nữ giới sẽ có một số thay đổi để chuẩn bị sẵn sàng cho việc thụ thai. Trong giai đoạn này vùng dưới đồi ở não sẽ gửi tín hiệu đến tuyến yên để tuyến này tiết ra hormone kích thích nang trứng FSH. Dưới tác động của hormone FSH, buồng trứng sẽ sản xuất ra khoảng 15 – 20 túi nhỏ (gọi là nang trứng), mỗi nang chứa một quả trứng chưa trưởng thành. Trong số các nang trứng này thường chỉ có một nang trưởng thành (phát triển nhanh hơn tất cả các nang còn lại) đạt kích thước 18 – 25 mm (đường kính). Chính nang trứng này được buồng trứng phóng thích trong chu kỳ kinh nguyệt. Trong một số ít trường hợp, phụ nữ có thể có đến 2 nang trứng trưởng thành được phóng thích dẫn tới khả năng mang song thai (sinh đôi).
Trong giai đoạn nang trứng, hệ sinh sản của phụ nữ cũng có một số thay đổi để sẵn sàng cho việc mang thai: hormone FSH kích thích buồng trứng sản sinh ra nội tiết tố nữ estrogen, nội tiết tố này kích thích các tế bào niêm mạc (nội mạc) tử cung phát triển khiến cho lớp niêm mạc tử cung dày thêm và trở nên xốp hơn, tạo điều kiện cho thai làm tổ. Bên cạnh đó, các mạch máu đến tử cung cũng được tăng cường lưu thông để nuôi dưỡng lớp niêm mạc này, tạo môi trường có đủ các chất dinh dưỡng cho phôi thai phát triển. Nếu hiện tượng thụ thai không xảy ra, niêm mạc tử cung sẽ bị bong và gây ra hiện tượng kinh nguyệt.
cac-giai-doan-cua-chu-ky-kinh-nguyet
Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt
Giai đoạn rụng trứng
Giai đoạn rụng trứng thường diễn ra vào giữa chu kỳ kinh nguyệt (ngày thứ 14 đối với phụ nữ có vòng kinh 28 ngày). Đây là giai đoạn mà trứng được phóng thích từ buồng trứng. Trong giai đoạn này, dưới tác động của hormone kích thích nang trứng FSH, nồng độ estrogen trong máu tăng cao khiến cho nồng độ LH (một loại hormone sinh sản khác) tăng lên. Sau khoảng 36 giờ kể từ khi nồng độ hormone LH tăng, các nang trứng sẽ bị vỡ và phóng thích trứng vào ống dẫn trứng, tại đây trứng có thể gặp tinh trùng và xảy ra quá trình thụ tinh. Thời gian trứng lưu lại ở ống dẫn trứng thường trong khoảng 12 – 24 giờ, sau khoảng thời gian này, nếu không được thụ tinh, trứng sẽ chết hoặc biến mất; đối với tinh trùng thì lâu hơn, chúng có thể tồn tại trong đường sinh dục của phụ nữ đến 5 ngày. Trong chu kỳ kinh thì giai đoạn rụng trứng là thời điểm duy nhất phụ nữ có thể mang thai. Nếu thời điểm rụng trứng diễn ra vào ngày thứ 14 hoặc 15 của chu kỳ kinh nguyệt thì trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 15 của chu kỳ, nếu phụ nữ quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp tránh thai thì khả năng mang thai là rất cao.
Phụ nữ có thể nhận biết thời điểm rụng trứng bằng cách sử dụng các loại test rụng trứng hoặc thông qua các dấu hiệu của cơ thể như: thân nhiệt tăng nhẹ, dịch âm đạo đặc và sánh, giống như lòng trắng trứng.
Giai đoạn hoàng thể 
Giai đoạn hoàng thể thường diễn ra từ 11 – 17 ngày (trung bình 14 ngày). Giai đoạn này bắt đầu sau thời điểm rụng trứng (thường vào ngày thứ 15 của kỳ kinh). 
Sau khi giải phóng trứng, trong buồng trứng các nang trứng sẽ bị rỗng và xẹp xuống trở thành thể vàng (hay thường gọi là hoàng thể): là những tế bào nhỏ màu vàng. Sự biến đổi này làm giải phóng các hormone progesterone và estrogen, chính sự gia tăng của các nội tiết tố này làm cho niêm mạc tử cung dày lên, sẵn sàng cho sự làm tổ của trứng đã được thụ tinh.
Trứng sau khi được phóng thích từ buồng trứng xuống ống dẫn trứng sẽ có hai khả năng xảy ra
Trường hợp 1: trứng gặp tế bào tinh trùng ở ống dẫn trứng và quá trình thụ tinh diễn ra tại đây. Khi đó niêm mạc tử cung sẽ tiết ra các chất dinh dưỡng đặc biệt giúp nuôi dưỡng trứng đã được thụ tinh. Một tuần sau, hợp tử (tế bào được hình thành bởi sự thụ tinh) sẽ bám vào thành niêm mạc tử cung để làm tổ, đây cũng chính là thời điểm phụ nữ chính thức mang thai. Nếu sau một tuần, người phụ nữ thử thai bằng que thử sẽ cho kết quả dương tính. Cùng với đó, các triệu chứng mang thai xuất hiện và ngày càng rõ nét hơn: ngực căng (do nồng độ progesterone và estrogen tăng lên).
Trường hợp 2: trứng không được thụ tinh hoặc đã thụ tinh nhưng không tồn tại được, khi đó trứng sẽ bị thoái hóa.
Trong những ngày cuối cùng của chu kỳ kinh nguyệt, nếu quá trình thụ thai không diễn ra, nồng độ hormone progesterone và estrogen giảm xuống, việc này khiến cho các mạch máu trong niêm mạc tử cung bị co lại. Lúc này niêm mạc tử cung không nhận được nguồn cung cấp máu và chất dinh dưỡng nên sẽ bị bong ra, cơ tử cung bị co thắt gây nên những cơn đau bụng kinh. Kết quả là các mạch máu trong niêm mạc tử cung bị vỡ, máu và các mô trong niêm mạc tử cung bị đào thải ra ngoài qua âm đạo gây ra hiện tượng kinh nguyệt. Sau đó, một kỳ kinh mới lại bắt đầu (trừ khi mang thai), nối tiếp nhau cho đến khi người phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh.
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày nào? (Cách tính chu kỳ kinh nguyệt)
Cách tính chu kỳ kinh nguyệt như sau:
Bước thứ nhất: Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình hàng tháng, đánh dấu ngày đèn đỏ (ngày ra máu âm đạo). Ngày này được tính là ngày đầu tiên (ngày bắt đầu) chu kỳ kinh.
Bước hai: Tiếp tục theo dõi chu kỳ cho đến ngày đèn đỏ tiếp theo xuất hiện, đánh dấu ngày này lại.
Bước ba: Xác định chu kỳ kinh bằng cách tính khoảng cách giữa 2 lần đèn đỏ (2 ngày đánh dấu). Chu kỳ chính là khoảng thời gian giữa 2 ngày này.
cach-tinh-chu-ky-kinh-nguyet
Phương pháp tính chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi phụ nữ khác nhau, một số người có vòng kinh đều (có kinh vào cùng một thời điểm mỗi tháng), cũng có những người kinh nguyệt không đều (vòng kinh dài hơn hoặc ngắn hơn so với bình thường) hoặc bị chảy máu nhiều hơn khi hành kinh. Với những phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi thất thường.
Quan hệ tình dục vào thời điểm nào thì dễ mang thai?
Nhiều người cho rằng nếu quan hệ tình dục vào thời điểm ngay sau khi trứng rụng thì sẽ dễ có thai nhất. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Hiệp hội Y học sinh sản Hoa Kỳ thì trong chu kỳ kinh nguyệt, có 6 ngày người phụ nữ dễ mang thai nhất được tính từ ngày thứ 5 trước ngày rụng trứng và 1 ngày sau khi trứng đã rụng. Đây được coi là “thời điểm vàng để thụ thai”. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh: trong 6 ngày đó nếu các cặp đôi quan hệ trước thời điểm rụng trứng 1 – 2 ngày sẽ dễ mang thai nhất. Nếu quan hệ vào đúng ngày hoặc sau ngày trứng rụng thì tỉ lệ có thai sẽ giảm đi.
Quan hệ tình dục vào thời điểm nào thì an toàn, không mang thai?
Theo các chuyên gia sinh sản, đối với những người có vòng kinh đều (28 ngày) thì thời điểm quan hệ tình dục an toàn (không có thai) sẽ rơi vào ngày từ 19 đến ngày thứ 28 của chu kỳ. Thời gian này được coi là an toàn tuyệt đối do trứng đã rụng và chỉ sống được khoảng 24 giờ, sau đó chúng bị phân hủy và đào thải ra ngoài qua kinh nguyệt, nên hiện tượng thụ tinh sẽ không xảy ra.
quan-he-vao-thoi-diem-nao-de-co-thai-nhat
Khả năng thụ thai ở các giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt
Lưu ý: cách tính thời gian quan hệ tình dục để thụ thai và tránh thai trên chỉ phù hợp và có hiệu quả đối với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều (từ 28 – 30 ngày).
Các yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt
Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt như:
Sử dụng các loại thuốc tránh thai
Một số thuốc tránh thai có thể làm cho chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn và lượng kinh cũng ít hơn. Trong khi đó, một số loại thuốc khác có thể gây ra tình trạng vô kinh (hoàn toàn không có kinh) ở phụ nữ.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Đây là một sự mất cân bằng nội tiết khiến trứng phát triển không bình thường trong buồng trứng. Những người bị buồng trứng đa nang thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều và chậm kinh.
U xơ tử cung
U xơ tử cung cũng gây ra nhiều vấn đề với chu kỳ kinh nguyệt như: rong kinh (chảy máu kinh kéo dài), cường kinh (ra nhiều máu kinh)
Mang thai
Khi mang thai, hiện tượng kinh nguyệt sẽ bị gián đoạn. Dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất cho thấy phụ nữ bắt đầu mang thai là chậm kinh.
dau-hieu-roi-loan-kinh-nguyet-o-nu-gioi
Dấu hiệu nhận biết nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt
Kinh nguyệt đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản, vì vậy chị em cần chủ động theo dõi để biết được chu kỳ kinh của mình có đều không, việc này giúp đánh giá các nguy cơ đối với hệ sinh sản. Đặc biệt, nếu phụ nữ bị chảy máu giữa chu kỳ (hoặc nặng hơn là ra máu), cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân. Bởi chảy máu âm đạo có thể là triệu chứng của một số bệnh lý nguy hiểm như: ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng …
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7