top

Danh mục sản phẩm

Cấu tạo của thận. Thận có vai trò gì? (Chức năng của thận trong cơ thể)

09/07/2022 06:53
Cấu tạo của thận. Thận có vai trò gì?
(Chức năng của thận trong cơ thể)
Thận giữ vai trò rất quan trọng đối với cơ thể người, do phải hoạt động liên tục nên thận rất dễ bị tổn thương nếu không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay trên toàn cầu có khoảng 850 triệu người mắc bệnh thận, trong đó, cứ 10 người lớn thì có 1 người bị bệnh thận mạn tính. Bệnh thận nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy thận, người bị suy thận ở giai đoạn muộn (độ 3, độ 4) phải chạy thận nhân tạo để lọc máu, duy trì sự sống khiến chất lượng sống của bệnh nhân giảm sút, việc điều trị phức tạp và tốn kém, thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thận là gì?
Thận (thường gọi là cật ở động vật) là một cơ quan nội tạng của cơ thể thuộc hệ tiết niệu. Thận đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như: lọc máu và chất thải, bài tiết nước tiểu, điều hòa huyết áp, tạo hồng cầu, cân bằng các chất điện giải …
than-nam-o-dau
Vị trí của thận trong cơ thể
Thận nằm ở đâu?
Mỗi người có hai quả thận nằm trong khoang bụng (sát ngay thành sau của bụng), đối xứng nhau qua cột sống, ở vị trí ngang đốt sống ngực T11 đến đốt sống lưng L3. Hai thận không nằm thẳng nhau, thận phải thấp hơn thận trái khoảng một đốt sống. Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ thận phải thấp hơn thận trái là vì thận phải bị gan (bộ phận to nhất trong các tạng) đè, nên mới như vậy.
Chức năng của thận
Thận đảm nhận nhiều chức năng quan trọng của cơ thể
1. Lọc máu và chất thải
Lọc máu và chất thải là chức năng chính và quan trọng nhất của thận. Thận lọc các chất thải và bài tiết ra ngoài dưới dạng nước tiểu, chỉ giữ lại protein và các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu). Thống kê cho thấy, mỗi ngày 2 quả thận lọc từ 180 – 200 lít máu. Gần như toàn bộ máu trong cơ thể sẽ đi qua thận với chu kỳ 20 – 25 lần mỗi ngày.
qua-trinh-loc-mau-cua-than
Quá trình lọc máu của thận trong cơ thể
Cơ thể con người sử dụng protein cho sự tăng trưởng và phát triển, nguồn protein này được cung cấp chủ yếu qua việc ăn uống. Quá trình tiêu thụ protein tạo ra các chất thải rất độc hại, chính vì vậy quá trình lọc máu của thận sẽ loại bỏ các chất có hại ra ngoài qua nước tiểu.
Creatinin và ure là hai chất phản ánh tình trạng sức khỏe của thận, khi thận bị suy giảm chức năng thì nồng độ creatinin và ure trong máu tăng cao, chúng ta có thể dễ dàng đo được nồng độ các chất này trong máu thông qua việc xét nghiệm.
2. Bài xuất nước tiểu
Nước tiểu được tạo ra đầu tiên ở cầu thận – nơi mà mỗi phút có khoảng 125 ml nước tiểu được lọc. Mỗi phút sẽ có 1 lít máu được đưa vào thận bởi động mạch thận, trong 1 lít máu này có tới 40% là các tế bào hồng cầu có kích thước lớn sẽ không qua được lỗ lọc, tức là còn lại 600 ml huyết tương đi vào cầu thận mỗi phút và có 120 ml qua lỗ lọc đến nang cầu thận để tạo thành nước tiểu đầu. Trung bình mỗi ngày cơ thể tạo ra khoảng 180 lít nước tiểu, trong nước tiểu, ngoài các chất thải độc hại còn có các chất có lợi khác: glucose và các chất điện giải, chính vì thế mà thận phải tái hấp thu lại các chất này. Có đến 99% lượng nước tiểu (tương đương 178 lít) được tái hấp thu ở ống thận và chỉ có 1% được đào thải ra bên ngoài qua đường tiểu. Mỗi ngày cơ thể thải ra khoảng 1 – 2 lít nước tiểu. Lượng nước tiểu này được tạo ra ở thận, đi qua niệu quản, xuống bàng quang và cuối cùng theo niệu đạo thải ra ngoài.
than-bai-tiet-bao-nhieu-nuoc-tieu
Khả năng bài xuất nước tiểu của thận
3. Điều hòa huyết áp
Huyết áp và thận có mối liên hệ mật thiết, qua lại lẫn nhau. Bệnh cao huyết áp gây tổn thương thận, nhiều trường hợp dẫn đến suy thận vì huyết áp cao khiến cho các mạch máu trong cơ thể bị tổn thương và phá hủy dẫn đến việc cung cấp máu đến thận bị cản trở. Bên cạnh đó, tình trạng tăng huyết áp còn khiến cho bộ lọc ở cầu thận bị phá hủy, hậu quả là thận không thể lọc hết được các chất độc và cặn bã ra ngoài khiến cơ thể bị ứ nước có thể dẫn đến phù. Ngược lại, thận có chức năng điều hòa huyết áp, vì vậy khi một người mắc bệnh thận sẽ khiến huyết áp không ổn định (thường là tăng vượt mức cho phép).
Vậy cơ chế điều hòa huyết áp của thận diễn ra như thế nào?
Như chúng ta đã biết thận sản xuất ra nhiều loại hormone, trong đó có Aldosterone – một hormone được tiết ra từ lớp ngoài cùng của vỏ thượng thận. Aldosterone giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì nồng độ các chất natrikali trong máu ở mức bình thường, giúp cân bằng thể tích máu và huyết áp động mạch.
Trong cơ thể người, có hệ thống hormone tham gia vào quá trình điều hòa huyết áp có tên là hệ Renin – Angiotensin – Aldosterone (viết tắt là RASS hoặc RAS).
Khi thể tích máu trong cơ thể giảm xuống thấp sẽ khiến cho huyết áp bị giảm, lúc này thận sẽ tiết ra Renin – một loại men (enzyme thủy phân), Renin kích thích cơ thể sản xuất ra Angiotensin – chất có tác dụng co mạch máu làm tăng huyết áp. Mặt khác Angiotensin cũng kích thích tuyến vỏ thượng thận tiết ra hormone Aldosterone giúp tăng tái hấp thu nước và ion Na ở các tế bào biểu mô của ống thận. Điều này giúp cho lượng nước trong cơ thể tăng lên, huyết áp được hồi phục.
he-renin-angiotensin-aldosterone
Cơ chế điều hòa huyết áp của thận qua hệ 
Renin – Angiotensin – Aldosterone
Khi hệ Renin – Angiotensin – Aldosterone hoạt động bất thường (gặp trục trặc) thì sẽ khiến cho huyết áp tăng lên. Dựa vào mối liên hệ giữa các chất này mà người ta đã bào chế ra các loại thuốc hạ huyết áp bằng cách tác động vào các yếu tố trên.
4. Cân bằng nước các chất điện giải trong cơ thể
Thận đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nước và các chất điện giải: natri, kali, canxi, magie …Quá trình này được gọi là sự cân bằng nội mô, tức là thận bài tiết nước và các chất điện giải khớp với lượng được đưa vào cơ thể. Nếu lượng ăn vào nhiều thì thận phải bài tiết ra nhiều và ngược lại. Mặc dù sự mất cân bằng nước và các chất điện giải có thể xảy ra tạm thời hoặc theo chu kỳ khi xuất hiện tình trạng bệnh lý nhưng thận luôn có xu hướng khôi phục cân bằng nước và điện giải để suy trì sự sống cho cơ thể thông qua việc điều chỉnh sự bài tiết (tăng lên hoặc giảm đi của thận đối với nước và các chất điện giải).
Thận có biên độ điều chỉnh tốc độ bài tiết rất rộng tùy theo lượng nước và các chất điện giải đưa vào cơ thể (điều này bị chi phối bởi thói quen ăn uống). Thí dụ, lượng muối đưa vào cơ thể một người gia tăng đột ngột (cao hơn gấp 10 lần so với bình thường), trong vòng 2 – 3 ngày sau, sự bài tiết của thận cũng tăng lên ở mức tương xứng để duy trì sự cân bằng giữa lượng đưa vào và lượng thải ra.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thận có khả năng rất lớn trong việc điều chỉnh bài tiết natri để đáp ứng với lượng natri ăn vào (có thể tăng lên hoặc giảm xuống 10 lần). Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự đối với các chất điện giải khác như: kali, magie, phosphor.
5. Tạo hồng cầu
Thận sản xuất ra Erythropoietin – một loại hormone tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu. Khi mắc bệnh thận (chủ yếu là suy thận), lượng Erythropoietin bị giảm đi khiến cho việc tạo hồng cầu bị giảm, dẫn đến lượng hemoglobin trong máu giảm theo gây ra tình trạng thiếu máu. Điều này giải thích tại sao những bệnh nhân suy thận thường bị thiếu máu mặc dù vẫn được bổ sung các chế phẩm tạo máu (sắt và các loại vitamin thiết yếu).
erythropoietin-co-tac-dung-gi
Thận sản xuất 
Erythropoietin tham gia vào quá trình tạo hồng cầu
6. Giúp xương chắc khỏe
Thận có vai trò chuyển hóa vitamin D thành dạng có hoạt tính là calcitriol (1,25 dihydroxyvitamin D3) – chất có tác dụng tái hấp thu canxi qua đường tiêu hóa, cần thiết cho quá trình lắng đọng canxi ở xương, sự hấp thụ canxi từ thức ăn, phát triển xương, răng, tăng chiều cao ở người. Khi bị suy thận, lượng calcitriol có hoạt tính bị suy giảm khiến cho sự tăng trưởng và phát triển của xương bị ảnh hưởng, xương trở nên yếu mềm hơn. Vì vậy nếu trẻ em bị chậm tăng trưởng, đó cũng có thể là dấu hiệu của suy thận.
Cấu tạo của thận
Thận có hình hạt đậu, mặt trước nhẵn bóng, mặt sau sần sùi. Mỗi quả thận nặng khoảng 150 – 170 gam, dài 10 – 12.5 cm, rộng 5 – 6 cm và dày 3 – 4 cm. Thận có hai bờ một bờ lồi và một bờ lõm. Trên bờ lõm có một chỗ lõm sâu nhất được gọi là rốn thận (nơi chứa nhiều mạch máu và tổ chức thận).
Mỗi quả thận ở người được cấu tạo từ khoảng 1 triệu đơn vị chức năng thận (gọi là nephron), mỗi nephron có chiều dài trung bình từ 35 – 50 mm, nếu tính tổng chiều dài toàn bộ các nephron của hai quả thận có thể lên đến 70 – 100 km. Có 2 loại nephron: nephron vỏ và nephron cận tủy.
Thận có hai vùng là tủy và vỏ. Vỏ là phần ngoài cùng dày từ 7 – 10 mm, có màu hồng hoặc đỏ. Tủy chính là vùng kế tiếp sau vỏ, là một khoang rỗng còn được gọi với tên khác là bể thận hoặc tháp thận.
1. Vỏ thận
Vỏ thận bao gồm cầu thận, nang cầu thận, nhu mô thận, cột thận
cau-tao-vo-than
Cấu tạo của vỏ thận
Cầu thận: là bộ phận lọc máu của thận, máu đi từ tiểu động mạch đến vào cầu thận và được lọc tại đây, sau đó đi ra theo đường tiểu động mạch đi.
Nang cầu thận (hay còn gọi là bao Bowman)
Bao Bowman được đặt tên bởi nhà Bác học William Bowman – người đã tìm ra bao này vào năm 1842.
Bao Bowman là một túi bao có hình cái cốc nằm ở đầu thành ống của một đơn vị thận. Bao Bowman rỗng, chứa dịch lọc cầu thận và bao bọc tiểu cầu thận.
Nhu mô thận: bao gồm 2 phần, phía ngoài gọi là phần vỏ có màu đỏ nhạt và phía trong là phần tủy có màu đỏ thẫm.
Cột thận: nằm giữa các tháp thận, có độ dày khoảng 4 mm, bao gồm nhiều hạt thận.
2. Tủy thận
Tủy thận bao gồm tháp thận và các ống thận
  • Tháp thận là một khối hình nón có đáy hướng ra ngoài (về phía vỏ thận) và đỉnh hướng vào trong (về phía bể thận), mỗi thận có thể có hàng chục tháp thận. Gai thận (hay nhú thận) chính là đỉnh của tháp thận, mỗi quả thận thường bao gồm 12 gai thận, có nhiều lỗ nhỏ (15 – 20 lỗ) trên nhú thận, các ống này mở vào đài thận.
  • Các ống thận: nằm nối tiếp với cầu thận. Chức năng của ống thận là tái hấp thu, bài tiết các chất giúp cơ thể giữ lại các chất có lợi và thải ra cặn bã và các chất có hại.
Ống thận gồm ống lượn gần, ống lượn xa, ống góp và quai Henle.
+ Ống lượn gần: là đoạn nối tiếp với bao Bowman (bao tiểu thể). Ống lượn gần gồm 2 đoạn: 1 đoạn cong và 1 đoạn thẳng. Các hoạt động vận chuyển và chuyển hóa các chất diễn ra rất mạnh tại ống lượn gần.
+ Quai Henle: là phần nối tiếp ngay sau ống lượn gần, gồm 2 nhánh hình chữ U, quai có đặc điểm là nhánh hướng xuống mảnh, nhánh hướng lên có 2 đoạn: đoạn đầu mảnh, đoạn sau dày.
+ Ống lượn xa: là phần nối tiếp quai Henle, nằm ở gần vùng vỏ. Chức năng của ống lượn xa là bài tiết hoặc tái hấp thu một số chất cho cơ thể.
+ Ống góp: tiếp nối với ống lượn xa có vai trò bài tiết nước tiểu, ống góp không thuộc đơn vị thận.
cau-tao-tuy-than
Cấu tạo tủy thận
Thận giữ vai trò rất quan trọng trong cơ thể, vì vậy chúng ta phải giữ cho thận luôn mạnh khỏe. Để làm được điều đó, cần tránh các thói quen gây hại cho thận như: ăn mặn (tiêu thụ nhiều muối), uống ít nước, nhịn tiểu, lạm dụng thuốc tây (thuốc giảm đau, chống viêm) gây hại cho thận, dùng các loại đồ uống không tốt cho sức khỏe: bia, rượu, nước có ga, nước ngọt. Bên cạnh đó, cần xây dựng các thói quen tốt cho thận như: uống nhiều nước (tối thiểu 2 lít/ngày), tránh ăn mặn (giảm khẩu muối và protein trong bữa ăn), ăn các loại thực phẩm tốt cho cơ thể: rau củ quả, trái cây.

Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7