top

Danh mục sản phẩm

Cần sa là gì? Cần sa có phải là ma túy không? Tác hại của cần sa đối với sức khỏe người dùng.

24/04/2023 14:48
Cần sa là gì? Cần sa có phải là ma túy không?
Hút cần sa có gây nghiện không?
Tác hại của cần sa đối với sức khỏe người dùng.
Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số loại ma túy núp bóng dưới dạng thực phẩm: bánh kẹo, nước ngọt hoặc với thuốc lá điện tử nhằm che mắt, đánh lừa người dùng. Điều này rất nguy hiểm, khiến nhiều người vô tình sử dụng phải các chất cấm, trong đó có cần sa dẫn đến bị ngộ độc.
Cần sa có thể được trộn trong bỏng ngô, kẹo, bánh quy, bánh ngọt, thuốc lá, thuốc lào.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trung tâm Chống độc của Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân bị ngộ độc cần sa trong thực phẩm. Gần đây nhất là trường hợp một bệnh nhân nữ tuổi trung niên ở Hà Nội bị ngộ độc cần sa trong bỏng ngô. Người này sau khi ăn hai miếng bỏng ngô thì có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong nước tiểu của người bệnh có THC (một chất ma túy trong cần sa).
Công an Tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát đi thông tin về việc một loại bánh ngọt bị tẩm cần sa có tên là Lazy Cakes (hay gọi là bánh lười). Đây là một loại bánh có nguồn gốc từ nước ngoài, mới du nhập vào Việt Nam, được bán với giá khá cao (200.000 – 300.000đ/bánh).
ma-tuy-nup-bong-thuc-pham
Nhiều loại ma túy được núp bóng dưới dạng thực phẩm
Ngoài thực phẩm, cần sa còn được các đối tượng buôn bán trộn vào các loại thuốc lá điện tử gây nguy hiểm cho người sử dụng. Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận nhiều ca bị ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử, thậm chí có trường hợp nặng bị hôn mê, tổn thương não. Sau khi xét nghiệm, kết quả cho thấy trong tinh dầu của thuốc lá điện tử có chứa các chất ma túy tổng hợp (trong đó có cả cần sa).
Vậy cần sa là gì? Và sử dụng cần sa có gây hại cho sức khỏe người dùng hay không?
Cần sa là gì?
Cần samột loại ma túy được chiết xuất từ các bộ phận: thân, hoa, lá, hạt và hạt (khô) của cây gai dầu (Cannabis Sativa). Cần sa còn có nhiều tên gọi khác nhau như: tài mà, bồ đà, cỏ, bu, pin.
Cần sa được xếp vào nhóm ma túy gây ức chế hệ thần kinh, ảo giác chứ không phải kích thích hệ thần kinh như nhiều người nhầm tưởng.
Có mấy lọa cần sa?
Cần sa có ba loại chính là Marijuana, Hashish và dầu Hashish
Marijuana
Là lá và hoa khô của cây cần sa có màu xám xanh hoặc xanh nâu, hình dạng mịn như cỏ khô hoặc thô giống như trà. Marijuana ở đầu hoa có hoạt tính mạnh hơn so với ở lá.
Trong ba loại cần sa thì marijuana là có tác dụng yếu nhất (do chứa ít hoạt chất THC)
Hashish (hay hash)
Là nhựa của cây cần sa có màu nâu nhạt hoặc đen. Hashish được tạo ra bằng cách phơi khô nhựa cần sa và ép chúng lại thành cục. Hash có tác dụng mạnh hơn so với marijuana.
Dầu hashish
Là loại cần sa có tác dụng mạnh nhất có màu nâu vàng hoặc đen. Hashish là chất dầu đặc được chiết xuất từ nhựa cần sa. Hashish được dùng bằng cách bôi vào đầu điếu thuốc hoặc tẩm lên giấy thuốc lá điếu để hút.
Cần sa được sử dụng như thế nào?
Có hai cách chính sử dụng cần sa
Cách thứ nhất: dùng theo đường hút – đây là cách phổ biến nhất
Người dùng có thể hút cần sa như hút thuốc lá hoặc hút dưới dạng hơi (thuốc lá điện tử vape). Khi sử dụng theo đường này, chất THC trong cần sa đi vào máu rất nhanh nên chỉ cần vài giây hoặc vài phút là người dùng đạt được khoái cảm. Khoảng 30 phút sau khi vào cơ thể, chất THC ở mức cực đại trong máu và sau 1 – 3 giờ mới hết tác dụng.
Cách thứ hai: dùng theo đường ăn, uống
Cần sa có thể trộn cùng với các loại thức ăn và nước uống cho người sử dụng
Nếu dùng theo cách này, cần sa sẽ đi qua dạ dày sau đó được hấp thu tại ruột non. So với đường hút thì sử dụng cần sa qua đường ăn uống phát huy tác dụng chậm hơn nhưng lại tồn tại lâu hơn trong cơ thể (người dùng phải mất nhiều giờ mới hoàn toàn tỉnh táo).
Cần sa có chứa chất gì?
Trong cần sa có chứa rất nhiều chất khác nhau, trong đó có hai loại chất cơ bản là THC (delta 9 – tetrahydrocannabinol)Cannabinoids (CBD), có ít nhất 113 loại Cannabinoids.
can-sa-co-chua-chat-gi
Thành phần các chất có trong cần sa
Tác hại của cần sa đối với sức khỏe
1. Ảnh hưởng đến chức năng não bộ
Việc sử dụng cần sa ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng của não, đặc biệt là các vùng chịu trách nhiệm: cảm xúc, ghi nhớ, chú ý, học tập, phối hợp, đưa ra quyết định …
Cần sa gây suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, phán đoán và xử lý công việc. Khi vào cơ thể, cần sa tác động lên vùng hồi hải mã (hippocapus) – một vùng nhỏ trong não nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các hoạt động ghi nhớ, phán đoán, phối hợp các cử chỉ và ra quyết định. Vùng này bị tổn thương khiến cho quá trình ghi nhớ của người bệnh gặp trục trặc. Những người trẻ hút cần sa có thể gặp phải chứng mất trí nhớ tạm thời. Điều này có thể do các chất trong cần sa là THC và CBD gây cản trở quá trình truyền tín hiệu thần kinh của các thụ thể chịu trách nhiệm cho việc ghi nhớ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng cần sa thường xuyên ở người trẻ tuổi khiến trán và vỏ não thái dương (hai bộ phận hỗ trợ cho việc ghi nhớ) mỏng hơn.
Tạp chí Schizophrenia đã đăng tải một nghiên cứu về tác hại của cần sa đối với bộ não. Nghiên cứu được thực hiện ở 100 thiếu niên trong độ tuổi từ 16 – 17 tuổi, họ được chia thành 4 nhóm: nhóm 1 (những người đã từng sử dụng cần sa); nhóm 2 (những người chưa bao giờ sử dụng); nhóm 3 (bệnh nhân tâm thần phân liệt sử dụng cần sa); nhóm 4 (bệnh nhân tâm thần phân liệt chưa từng sử dụng). Các nhà khoa học đã tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) não và so sánh mô hình não của những người tham gia. Kết quả cho thấy: nhóm 1 và nhóm 3 (những người sử dụng cần sa) não bị teo nhiều hơn so với những người không sử dụng cần sa (nhóm 2 và 4).
Khi làm bài kiểm tra trí nhớ, những người khỏe mạnh chưa sử dụng cần sa cũng đạt số điểm cao hơn gấp 37 lần so với những người đã từng sử dụng. Còn những bệnh nhân tâm thần phân liệt chưa sử dụng cần sa cũng đạt số điểm cao hơn 4 lần so với những bệnh nhân dùng.
can-sa-lam-giam-tri-nho-cua-nguoi-dung
Sử dụng cần sa làm giảm trí nhớ và nhận thức của người dùng
2. Ảnh hưởng đến tim mạch
Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã phát hiện thấy một vấn đề nghiêm trọng của cần sa đối với tim mạch. Theo đó, những người sử dụng cần sa trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu đã phân tích hồ sơ sức khỏe và thói quen sử dụng cần sa của 175.000 người Mỹ. Kết quả cho thấy: những người thường xuyên sử dụng cần sa hằng ngày có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao hơn 34% so với những người không sử dụng.
Trong cần sa có chứa các hợp chất cannabinoids, chất này làm tăng nhịp tim, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh giao cảm.
Sau khi sử dụng cần sa, chỉ trong thời gian ngắn (khoảng vài phút), nhịp tim có thể tăng thêm 20 – 50 nhịp/phút.
Khi nhịp tim tăng đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng oxy của tim tăng lên, tim cần nhiều oxy để bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể nên nó phải làm việc nhiều hơn. Điều này gây ra các vấn đề về tim mạch như: nhịp tim nhanh, loạn nhịp, bệnh nhân dễ có nguy cơ bị đau thắt ngực.
Một vấn đề khác của việc sử dụng cần sa là chúng kích hoạt một số protein gây chết tế bào làm giảm chức năng bơm máu của tim. Kích hoạt các phản ứng viêm toàn thân và gây rối loạn chức năng mạch máu.
tac-hai-cua-can-sa-doi-voi-tim-mach
Tác hại của cần sa đối với tim mạch
3. Ảnh hưởng đến hệ hô hấp
Theo SCMP, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Radiology cho thấy việc hút cần sa gây hại cho phổi nhiều hơn so với hút thuốc lá. Tác hại này xuất phát từ việc những người hút cần sa thường hít sâu và nín thở lâu hơn người hút thuốc lá. Điều này khiến thời gian tiếp xúc với các chất độc của người hút nhiều hơn.
Theo Mayo Clinic, hút cần sa dẫn đến bệnh khí phế thũng – tình trạng các túi khí của phổi bị tổn thương và vỡ ra. Điều này khiến người bệnh bị ho kéo dài, thở khò khè, khó thở. Tình trạng này một khi đã tiến triển thì không thể hồi phục.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Bệnh viện và Đại học Ottawa (Canada) dựa trên việc so sánh hình ảnh CT phổi được chụp từ năm 2005 đến 2020 của những người hút cần sa (56 người) và những người hút thuốc lá (33 người) so với những người không hút thuốc. Kết quả cho thấy những người hút cần sa có tỷ lệ bị khí phế thũng cao hơn những người hút thuốc lá (đặc biệt là ở những người từ 50 tuổi trở lên). Cụ thể: 75% số người hút cần sa bị khí phế thũng, trong khi con số này ở những người hút thuốc lá là 67% và chỉ 5% những người không hút thuốc mắc bệnh này.
Theo Tiến sĩ Giselle Revah, hút cần sa thường gây viêm phổi nhiều hơn so với thuốc lá bởi khi hút cần sa không có bộ lọc nên các chất độc thường vào phổi nhiều hơn. Còn khi hút thuốc lá, người hút thường ngậm khói trong miệng lâu hơn nên các độc tố cũng lắng đọng một phần trong khoang miệng.
tac-hai-cua-can-sa-doi-voi-phoi
Tác hại của cần sa đối với hệ hô hấp
4. Ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương
Cần sa khiến người dùng bị ảo giác, khi hút cần sa, khả năng định vị không gian của người hút thường bị sai lệch. Họ nhìn thấy cảnh vật xung quanh có hình dạng méo mó, những thứ ở xa trở thành gần, cảm thấy chân tay mình dài ra. Đã từng có trường hợp người hút cần sa bị chấn thương nặng do nhảy từ trên cao xuống vì ảo giác. Trong cơn phê thuốc, anh ta thấy mặt đất gần mình và hai cánh tay dài ra.
Sử dụng cần sa làm tăng nguy cơ bị loạn thần.
Lancet – một Tạp chí y khoa danh tiếng đã công bố kết quả của một dự án lớn nghiên cứu về ảnh hưởng của cần sa đối với căn bệnh này. Theo đó, những người hút cần sa hằng ngày có nguy cơ bị rối loạn tâm thần cao gấp 5 lần so với những người không hút.
hut-can-sa-co-bị-hoang-tuong-ao-giac-khong
Cần sa gây hoang tưởng, ảo giác cho người dùng
5. Nguy cơ mắc bệnh ung thư
Một nghiên cứu do Viện Sức khỏe và Nghiên cứu Y học Pháp thực hiện trên 14.000 thanh niên nước này cho thấy việc sử dụng cần sa trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, thanh quản và thực quản.
Các nhà chuyên môn cho rằng: người dùng thường có thói quen hút cần sa cùng với thuốc lá, khi hút chung 2 loại này thì hỗn hợp khói do chúng tạo ra chứa chất nhựa gây ung thư cao hơn 4 lần so với khói thuốc lá đơn lẻ. Chất THC trong cần sa cũng khiến cho nhựa thuốc bị ứ đọng ở phế quản nhiều hơn.
Nam giới sử dụng cần sa cũng có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao gấp hai lần những người không sử dụng. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Tiến sĩ Victoria Cortessis – Khoa Y học Keck (Đại học Nam California, Mỹ) và được công bố trên Tạp chí Ung thư của Hoa Kỳ. Nghiên cứu dựa trên việc phân tích hồ sơ sức khỏe của 163 nam giới trẻ tuổi bị ung thư tinh hoàn và 292 đàn ông cùng độ tuổi, cùng sắc tộc và khỏe mạnh.
hut-can-sa-mac-benh-ung-thu
Sử dụng cần sa làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư
6. Suy giảm khả năng tình dục, ảnh hưởng đến sinh sản
Sử dụng cần sa gây suy giảm khả năng tình dục, ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản ở cả nam và nữ.
Ở nam giới: sử dụng cần sa gây rối loạn cương dương, lâu dài dẫn đến tình trạng khó đạt cực khoái khi quan hệ tình dục. Cần sa làm giảm chất lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của các cặp đôi.
Theo công trình nghiên cứu của Bác sĩ Lani Burkman thuộc Đại học Buffalo (Hoa Kỳ) tiến hành trên 22 nam sinh viên, những người này được cho hút cần sa 2 lần/ngày. Kết quả cho thấy độ di động tinh trùng của họ rất kém do tinh trùng hoạt động nhanh và quá sớm, vì thế nên mất đi tính linh động trước khi đến mục tiêu là tế các bào noãn. Số lượng tinh trùng ở những người hút cần sa cũng thấp hơn một nửa so với những người không hút.
Ở nữ giới: sử dụng cần sa dẫn đến rối loạn kinh nguyệt: kinh nguyệt không đều, rong kinh hoặc vô kinh. Những phụ nữ hút cần sa có nguy cơ mắc vô sinh cao hơn những người không hút do quá trình rụng trứng diễn ra bất thường. Cần sa còn làm tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ.
7. Các bệnh về răng miệng
Hút cần sa làm gia tăng các bệnh về răng miệng: khô miệng, bệnh nướu răng, sâu răng, rụng răng, răng bị mòn, đổi màu, nhiễm trùng khoang miệng, nấm men… . Các thống kê cho thấy những người thỉnh thoảng hút cần sa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng lên 43%, còn những người thường xuyên hút thì nguy cơ tăng 60%.
Theo các nhà khoa học, chất THC trong cần sa chính là thủ phạm gây ra các vấn đề về răng miệng. Chất này làm thay đổi hệ vi khuẩn trong miệng, giảm quá trình tiết nước bọt khiến chúng bị đặc lại dẫn tới các mảng bám răng dính chặt và khó loại bỏ hơn.
Chất cannabinoids làm giảm quá trình sản xuất nước bọt dẫn đến khô miệng. Thiếu nước bọt, khiến cơ thể không thể loại bỏ hết vi khuẩn và thức ăn trong khoang miệng, điều này thúc đẩy hiện tượng sâu răng.
can-sa-gay-benh-rang-mieng
Hút cần sa gây ra các bệnh về răng miệng
8. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Sử dụng cần sa gây ra một số vấn đề ở đường tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, tổn thương gan. Ngoài ra, còn có thể hình thành một số nốt gây đau, bỏng rát miệng họng.
Dùng cần sa làm gia tăng cảm giác thèm ăn ở một số người.
Làm cách nào để nhận biết các loại thực phẩm có chứa chất gây nghiện cần sa?
Theo Bác sĩ Trần Quốc Cường – Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, người dùng có thể nhận biết các sản phẩm có chứa cần sa dựa vào bao bì của chúng. Thông thường, các sản phẩm chứa cần sa thường có chữ cannabis (viết tắt của cây cần sa Cannabis Sativa L) trên vỏ hộp. Như: Cannabis Cookies (bánh quy cần sa); Cannabis Candy (kẹo cần sa); Cannabis Popcorn (bỏng ngô chứa cần sa); Cannabis Coke (nước ngọt có cần sa).
Ngộ độc cần sa thường gặp ở trường hợp ăn phải thực phẩm có chứa cần sa hơn so với việc hút. Vì tác dụng của chất này qua đường ăn uống chậm nên người ăn thường bị quá liều. Ngộ độc cần sa rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em vô tình ăn phải do không biết các loại thực phẩm đó có chứa cần sa.
Cần sa là một loại ma túy bị cấm buôn bán và sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào. Các gia đình cần tăng cường quản lý, giáo dục con em mình tránh bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội nói chung và cần sa nói riêng để thế hệ trẻ có thể phát triển lành mạnh, tương lai tươi sáng.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7