top

Danh mục sản phẩm

Cách phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ

22/09/2023 15:42
Cách phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ
Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra vào ngày 12/9 vừa qua gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản (56 người chết và nhiều người khác bị thương). Vụ cháy này gây rúng động dư luận cả nước, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng về công tác phòng chống cháy nổ trong khu dân cư và tại các chung cư, tòa nhà cao tầng. Để phòng chống và giảm thiểu các thiệt hại cho cháy nổ gây ra, mỗi gia đình và người dân cần trang bị cho mình những vật dụng, kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó với hỏa hoạn. Mọi người phải nâng cao tinh thần cảnh giác trong việc phòng chống “giặc lửa”.
vu-chay-chung-cu-mini-khuong-ha-quan-thanh-xuan
Hiện trượng vụ cháy chung cư mini Khương Hạ, quận Thanh Xuân
I. Cách phòng cháy ở chung cư và hộ gia đình
Phòng cháyvấn đề quan trọng, cần được đặt lên hàng đầu trong mỗi gia đình. Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Chuẩn bị các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy
Mỗi nhà cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết để sử dụng trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn như:
Đèn pin
Đèn pin là một dụng cụ rất hữu ích khi xảy ra cháy, mỗi nhà nên chuẩn bị từ 2 – 3 chiếc đèn pin. Thực tế cho thấy, hỏa hoạn thường đi kèm với mất điện. Việc được trang bị sẵn đèn pin sẽ giúp các gia đình tìm đường thoát nạn, di chuyển dễ dàng hơn trong đêm tối. Hơn nữa, ánh sáng của đèn pin giúp lực lượng cứu hộ tiếp cận với người bị nạn nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Bình chữa cháy
Bình chữa cháy cũng là một vật dụng cần thiết trong mỗi gia đình. Trên thị trường hiện nay có hai loại bình chữa cháy chính là bình khí (CO2) và bình bột. Bình khí có giá đắt hơn nhưng khi xịt sẽ không gây hư hỏng đồ đạc trong nhà. Người dân lưu ý nên mua bình chữa cháy tại các cơ sở uy tín, sản phẩm phải được dán tem kiểm định chất lượng và thay thế định kỳ khi hết hạn.
Thang dây
Theo các chuyên gia PCCC, chỉ nên dùng thang dây đối với những ngôi nhà hoặc căn hộ từ tầng 5 trở xuống. Còn đối với các tầng cao hơn, việc sử dụng thang dây không được khuyến khích do khó sử dụng, hiệu quả không cao, nguy cơ dẫn đến ngã, chấn thương cho người dùng.
Ba lô thoát hiểm
Thực chất đây là dây thoát hiểm được tích hợp sẵn trong ba lô gồm một móc an toàn và một sợi cáp chống cháy. Móc thường được cố định trước ở các lối thoát hiểm như: cửa sổ, ban công. Khi xảy ra hỏa hoạn, chỉ cần đeo ba lô vào, thắt dây an toàn sau đó mắc cáp vào móc treo rồi từ từ thả xuống.
Ngoài các vật dụng trên, chúng ta cũng có thể trang bị các dụng cụ khác như:
- Chăn chống cháy
Là loại chăn đặc biệt được làm từ sợi thủy tinh có khả năng chịu được nhiệt độ cao (700℃), không co giãn, không bị chảy và không cháy. Trong lúc xảy ra hỏa hoạn chỉ việc quấn chăn vào người và thoát ra ngoài qua lối thoát hiểm an toàn.
- Mặt nạ phòng độc
Là thiết bị giúp chúng ta tránh hít phải khói khí độc khi xảy ra hỏa hoạn. Mặt nạ phòng độc giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi đám cháy có khói lớn
- Các dụng cụ phát tín hiệu cấp cứu hoặc giúp người khác dễ tìm thấy mình trong đêm tối: còi, quần áo cản quang …
cac-thiet-bi-phong-chay-chua-chay-trong-gia-dinh
Một số dụng cụ, thiết bị phòng cháy - chữa cháy trong gia đình
2. Đảm bảo vấn đề an toàn điện
Trong các vụ cháy nổ thì nguyên nhân xuất phát từ điện chiếm đa số, phần lớn các vụ cháy xảy ra bắt nguồn từ hiện tượng chập điện. Vì vậy để phòng cháy nổ, chúng ta cần:
Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, trước khi ra khỏi nhà hoặc trước lúc đi ngủ. Đặc biệt đối với các thiết bị điện có công suất lớn như: điều hòa nhiệt độ, bếp từ, bình nước nóng, ấm siêu tốc cần ngắt aptomat, cầu dao hoặc rút phích cắm khỏi ổ cắm điện.
Khi đi vắng dài ngày (du lịch, công tác, về quê) cần ngắt toàn bộ hoặc một phần hệ thống điện, chỉ để lại những thiết bị thật cần thiết: tủ lạnh, camera …
Tránh sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một thời điểm. Việc sử dụng các thiết bị này cùng lúc có thể gây quá tải hệ thống điện dẫn đến hiện tượng chập cháy.
Kiểm tra hệ thống dây điện, ổ cắm, phích cắm điện nếu không đảm bảo: lỏng lẻo, dây đấu nối cần sửa chữa hoặc thay mới ngay. Nếu hệ thống dây điện trong nhà không đủ khả năng chịu tải, cần có kế hoạch bổ sung hoặc thay thế kịp thời. Tuy nhiên đây là công việc chuyên môn đòi hỏi phải có nhân viên điện lực hoặc kỹ thuật viên thực hiện.
Đối với các thiết bị cần phải sạc điện: điện thoại, máy tính, xe điện. Nên tránh sạc qua đêm, sau khi sạc xong nên rút phích cắm. Trong lúc sạc nên để tránh xa nguồn nhiệt hoặc các vật dụng dễ cháy: bình gas, xăng dầu …
3. Trong sinh hoạt hằng ngày
Khóa bình gas sau khi sử dụng hoặc trước khi đi ngủ (đối với những gia đình sử dụng bếp gas) hoặc ngắt aptomat, rút phích cắm đối với những hộ sử dụng bếp từ.
Có thói quen kiểm tra sự an toàn của hệ thống bếp gas xem có bị rò rỉ khí gas hay không? (có thể tự làm hoặc nhờ nhân viên của hãng gas mỗi khi thay bình gas). Kiểm tra dây điện của bếp từ xem có bị chuột cắn dẫn đến hở điện hay không? Nếu có cần khắc phục ngay lập tức.
Không thắp hương hoặc hóa vàng khi chuẩn bị đi vắng. Thực tế đã ghi nhận rất nhiều vụ cháy xuất phát từ việc người dân thắp hương hoặc đốt vàng mã, sau đó đi vắng. Khi thắp hương hay hóa vàng cần thực hiện ở nơi thông thoáng, tránh xa các vật dụng dễ cháy và chờ cho đến khi công việc trên kết thúc mới rời đi.
Không được để các vật dụng cản trở lối thoát hiểm: hành lang, cầu thang, đường ra ban công, lối ra thoát nạn. Phải giữ cho lối đi này luôn được thông thoáng, đây là nguyên tắc phòng cháy chữa cháy cơ bản tại các căn hộ chung cư cũng như nhà ở gia đình.
phong-chay-trong-gia-dinh
Một số biện pháp phòng chống cháy nổ trong gia đình
II. Quy trình xử lý khi xảy ra cháy nổ
1. Báo động cho những người xung quanh cùng biết
Đây là hành động đầu tiên và rất quan trọng khi xảy ra cháy. Có thể báo động cho những người xung quanh bằng nhiều cách khác nhau như: hô hoán, đánh kẻng hoặc ấn chuông báo cháy (nếu có). Việc này có thể giúp ngăn đám cháy lan rộng hoặc những người xung quanh nhanh chóng thoát hiểm đến nơi an toàn.
2. Ngắt nguồn điện (cầu dao hoặc aptomat)
Khi có cháy, cần phải ngắt nguồn điện càng nhanh càng tốt bởi khi lửa gây cháy chập hệ thống điện thì đám cháy sẽ lan nhanh và bùng phát mạnh hơn. Điều này khiến việc chữa cháy lâu hơn và khó khăn hơn.
3. Chữa cháy (nếu đám cháy nhỏ) hoặc ngăn đám cháy lan rộng bằng cách sử dụng các thiết bị chữa cháy có sẵn ban đầu: bình chữa cháy, chăn dập lửa, xô chậu, họng nước chữa cháy …
4. Gọi điện báo cho lực lượng cứu hỏa: bấm số 114 (không cần thêm bất cứ số nào khác: mã vùng)
khi-co-chay-can-phai-lam-gi
Các bước xử lý khi xảy ra cháy
III. Cách thoát hiểm khi xảy ra cháy
Khi phát hiện ra cháy, điều đầu tiên cần ghi nhớ là phải thật bình tĩnh, không được hoảng loạn. Việc này rất quan trọng, giúp bạn có các bước xử trí thông minh có thể cứu chính mình và những người khác thoát khỏi nguy hiểm.
1. Tìm cách dập lửa, báo cháy và thoát hiểm.
Khi xảy ra hỏa hoạn, cần bình tĩnh xác định vị trí của khói và lửa. Nếu đám cháy nhỏ, hãy tìm cách chữa cháy với sự trợ giúp của những người xung quanh bằng các vật dụng có sẵn: chăn ướt, cát, nước, bình chữa cháy. Nếu đám cháy quá lớn, không thể dập tắt, hãy nhanh chóng hô hoán cho mọi người biết để cùng thoát hiểm và báo cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (số 114).
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương – Phó Cục Trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Bộ Công An. Thời gian vàng để các lực lượng chức năng xử lý đám cháy là 5 phút đầu tiên (kể từ khi đám cháy bắt đầu xảy ra). Sau khoảng thời gian này, nếu không khống chế được ngọn lửa, đám cháy sẽ lớn hơn gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Xác định lối thoát hiểm hoặc nơi trú ẩn an toàn.
Khi có cháy, cần lập tức tìm lối thoát hiểm (lối đi an toàn thoát khỏi nơi đang bị cháy). Thông thường, lối thoát hiểm là lối ra cửa chính của ngôi nhà, lối ra cầu thang để di chuyển (lên hoặc xuống) đến các tầng, lối thoát qua ban công, cửa sổ hoặc lối lên sân thượng để thoát sang các nhà liền kề. Đối với các tòa nhà độc lập (vị trí các căn hộ không tiếp giáp với các nhà xung quanh), thì lối thoát hiểm có thể là ban công, cửa sổ khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang dây, dây thoát hiểm hạ chậm.
cach-thoat-hiem-khi-chay
Các phương án thoát hiểm khi xảy ra cháy
Đối với các chung cư, tòa nhà được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn phòng cháy – chữa cháy, sẽ có một thang bộ thoát hiểm riêng. Khi sử dụng thang này, người dân không được chèn vào cửa buồng thang, cửa này sau khi mở xong phải được đóng lại nhằm ngăn khói và lửa. Nếu để cửa mở, khói lửa sẽ tràn vào trong thang khiến chúng ta không thể tiếp cận được nơi thoát nạn.
Trong trường hợp lối thoát hiểm chính bị chặn bởi khói và lửa, nếu ở tầng thấp thì có thể tìm cách thoát ra ngoài qua ban công hoặc cửa sổ. Nếu ở tầng cao, không thể thoát ra ngoài được, hãy tập trung mọi người vào một phòng, đóng kín cửa phòng rồi chặn các khe hở bằng khăn, giẻ ướt hoặc cũng có thể dán băng dính khe cửa để ngăn khói và lửa tràn vào phòng. Sau đó phát tín hiệu cầu cứu qua cửa sổ. Trong khi chờ lực lượng cứu hộ, người dân có thể xả nước ra khắp nhà để ngăn đám cháy. 
Khi ra ngoài, chỉ nên mở cửa cần đi, đóng tất cả các cửa khác lại để ngăn đám cháy lan nhanh. Trước khi mở cửa cần kiểm tra xem bên ngoài cửa đã bị cháy hay chưa bằng cách đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy nóng, ấm thì không nên mở cửa (lưu ý không dùng lòng bàn tay để mở cửa để tránh bị bỏng). Nếu sờ thấy tay nắm cửa mát và không thấy khói bao quanh cửa thì có thể mở cửa thật chậm, khi mở cần đưa người và mặt sang một bên nhằm tránh bị lửa tạt. Trong lúc mở cửa, nếu thấy khói xông vào phòng hoặc lửa bùng lên thì thì phải nhanh chóng đóng chặt cửa lại.
cach-thoat-hiem-khi-co-chay
Xử trí khi xảy ra hỏa hoạn
3. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với lửa hoặc hít phải khí độc.
Trong các vụ cháy, đa phần các nạn nhân bị ngạt khói trước khi bị bỏng bởi lửa. Vì thế nên các chuyên gia phòng cháy chữa cháy khuyên người dân khi xảy ra hỏa hoạn, cần tìm mọi biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc như: che kín mũi miệng bằng khăn hoặc quần áo ẩm. Nếu có mặt nạ phòng độc, cần sớm đeo vào.
Trong quá trình di chuyển nên tránh chạm vào các vật dụng có khả năng dẫn nhiệt (kim loại) có thể dẫn đến bỏng.
Tuyệt đối không được băng qua đám cháy, luôn cố gắng giữ thân người ở vị trí thấp để tránh bị nhiễm khói độc. Khi lên xuống cầu thang cần cúi người hoặc men theo tường. Nếu quần áo bị cháy trong quá trình thoát hiểm, đừng cố gắng chạy mà hãy dừng lại, lăn mình xuống đất (lăn qua lăn lại) vài vòng để dập lửa.
ky-nang-thoat-hiem-khi-xay-ra-chay
Kỹ năng thoát hiểm khi có cháy
IV. Những điều không nên làm khi xảy ra cháy
Tuyệt đối không được sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn bởi lúc này vấn đề mất điện chỉ còn là thời gian. Đối với thang máy thông minh, khi mất điện, nó sẽ tự động đi xuống tầng 1 nhưng nếu đám cháy ở tầng này thì đó sẽ là thảm họa. Sử dụng thang máy vào thời điểm này là rất nguy hiểm, nếu thang máy dừng giữa chừng khiến chúng ta dễ bị mắc kẹt trong đó. Khi thang máy bị ngắt điện, giếng thang máy có nguy cơ thành giếng lửa gây khó khăn cho việc thoát hiểm thoát nạn cũng như công tác cứu hộ, làm giảm cơ hội sống sót trong thảm họa.
Không ẩn nấp trong các không gian kín, bị che khuất như: gầm giường, tủ quần áo vì việc này sẽ gây khó khăn cho công tác tìm kiếm, cứu nạn của lực lượng cứu hộ.
Không cố mang theo đồ đạc cá nhân (kể cả những đồ có giá trị), không tìm kiếm vật nuôi trong nhà và cũng không nên cố gắng tìm hiểu nguyên nhân gây ra cháy.
Khi đã thoát hiểm thành công, tuyệt đối không được quay lại hoặc vào trong khu vực bị cháy. Việc cứu hộ, cứu nạn đã có lực lượng chức năng phụ trách. Nếu còn người mắc kẹt bên trong, hãy báo cho lính cứu hỏa biết (cố gắng mô tả chi tiết: số tầng, phòng, đặc điểm …) để họ tiếp cận và cứu người bị nạn một cách nhanh nhất.
tai-sao-khi-chay-khong-duoc-su-dung-thang-may
Khi xảy ra cháy, không được dùng thang máy mà hãy sử dụng thang bộ để thoát hiểm
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là khi xảy ra cháy có được nhảy xuống dưới hay không?
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, việc nhảy ra ngoài được xem là giải pháp cuối cùng khi xảy ra hỏa hoạn. Việc này chỉ nên được tính đến khi người bị nạn không còn sự lựa chọn nào khác: lực lượng cứu hỏa chưa đến kịp, lửa đã ở ngay sau lưng mình. 
Đối với các công trình biệt lập, chung cư cao tầng xung quanh không bị che khuất, lực lượng cứu hộ sẽ đặt đệm hơi phía dưới mặt đất và hướng dẫn người dân cách nhảy xuống dưới thoát hiểm.
Đối với nhà dân hoặc chung cư ở trong các ngõ nhỏ, nơi mà xe thang của lực lượng cứu hỏa không tiếp cận được hiện trường thì người dân có thể kêu gọi hàng xóm hỗ trợ bằng cách mang đệm, chăn bông dày ra đặt tại những vị trí mà người bị nạn dự định nhảy xuống để giảm thiểu các chấn thương có thể gặp phải trong lúc nhảy.
Theo các chuyên gia, người dân cần có kỹ năng sử dụng bình chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm (di chuyển khi có cháy) và đặc biệt là thái độ bình tĩnh, khả năng phán đoán vị trí đám cháy để suy xét, nhận định khoảng cách di chuyển đến nơi an toàn.
pha-chuong-cop-phong-chay-no
Các chuồng cọp cần được hàn cắt, mở cửa thoát hiểm 
Trong quá trình sinh sống, mỗi nhà cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lối thoát hiểm, thoát nạn của gia đình mình để có phương án thoát khỏi nguy hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Đặc biệt các hộ làm chuồng cọp, khung sắt phải hàn cắt, làm cửa thoát hiểm ngay lập tức hoặc trang bị các dụng cụ như: búa, kìm cộng lực hoặc máy cắt để phá bỏ khi cần.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7