top

Danh mục sản phẩm

Các phương pháp và chi phí điều trị bệnh ung thư tuyến giáp

04/01/2024 09:14
Các phương pháp và chi phí điều trị 
bệnh ung thư tuyến giáp
Hiện nay, bệnh ung thư tuyến giáp đang ngày càng gia tăng và có dấu hiệu trẻ hóa. Mặc dù chỉ chỉ chiếm 1 – 2% tổng số ca ung thư và đứng thứ 9 trong các loại ung thư thường gặp ở nữ giới nhưng ung thư tuyến giáp lại chiếm tới 90% tổng số trường hợp ung thư tuyến nội tiết.
Bệnh ung thư tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở vùng cổ, nặng từ 10 - 20 gram, nằm dưới thanh quản và trên khí quản. Tuyến giáp gồm 2 thùy (thùy trái và thùy phải) nối với nhau bởi một eo nhỏ gọi là eo tuyến giáp.
Tuyến giáp hấp thu lượng iốt được cung cấp cho cơ thể qua việc ăn uống hằng ngày và tiết ra các loại hormone giáp trạng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động: trao đổi chất, điều hòa nhịp tim, ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan khác.
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý hình thành do sự tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào ác tính dẫn đến việc hình thành khối u ở tuyến giáp. 
Ung thư tuyến giáp gồm hai thể chính: thể biệt hóa (thể nhú và thể nang) chiếm khoảng 90% và thể không biệt hóa (chiếm khoảng 10%). Trong đó thể biệt hóa đáp ứng điều trị tốt, có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, thể không biệt hóa tiên lượng xấu hơn, việc điều trị khó khăn, phức tạp, thời gian sống của bệnh nhân ngắn.
benh-ung-thu-tuyen-giap
Bệnh ung thư tuyến giáp
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư tuyến giáp
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp. Việc điều trị có thể không áp dụng một phương pháp riêng lẻ mà cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân dựa trên các yếu tố sau:
Loại ung thư tuyến giáp và giai đoạn của bệnh.
Tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân.
Các tác dụng phụ có thể gặp phải trong quá trình điều trị.
Mong muốn của bệnh nhân và yêu cầu của người nhà.
1. Phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho đa số các bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp, nhất là đối với thể biệt hóa (thể nhú và thể nang). Việc phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ khối u và phần rìa (một số mô lành) của tuyến giáp. Tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u mà các bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các hình thức phẫu thuật sau đây:
Cắt một bên thùy tuyến giáp chứa khối u
Phương pháp này thường áp dụng cho những bệnh nhân có khối u nhỏ (< 1cm), bác sĩ sẽ cắt 1 thùy của tuyến giáp ở bên có chứa nhân ung thư.
Cắt một phần tuyến giáp
Là phẫu thuật cắt bỏ khối u giáp, chỉ để lại một phần nhỏ của tuyến giáp. Phương pháp này có ưu điểm là một số người bệnh có thể không cần phải uống thuốc nội tiết tuyến giáp do phần tuyến giáp còn lại vẫn còn đủ khả năng tiết hormone. Cắt một phần tuyến giáp thường áp dụng trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ thấp (kích thước khối u dưới 1cm).
Cắt toàn bộ tuyến giáp
Phương pháp này thường áp dụng cho những người bị ung thư tuyến giáp thể tủy do nguy cơ tế bào ung thư gồm nhiều ổ, xuất hiện ở cả hai thùy của tuyến giáp. Sau khi cắt tuyến giáp, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc nội tiết tuyến giáp (thường là Levothyroxin) hàng ngày đến hết đời.
mo-cat-tuyen-giap
Phẫu thuật cắt tuyến giáp
Nạo vét hạch cổ
Các tế bào ung thư tuyến giáp có khả năng xâm nhập vào các hạch bạch huyết ở những vùng lân cận, sau đó di căn đến những cơ quan khác của cơ thể (thực quản, khí quản). Vì vậy, cần nạo vét hạch ở cổ để phòng ngừa và giảm nguy cơ tế bào ung thư di căn sang những bộ phận khác. Bản chất của việc nạo vét hạch là loại bỏ các hạch bạch huyết xung quanh vùng cổ, mặt. Nạo vét hạch cổ thường được chỉ định song song với phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Đây là phương pháp điều trị tối ưu nhất.
Khi phẫu thuật cắt (một phần hoặc toàn bộ) tuyến giáp, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như: chảy máu hoặc nhiễm trùng, suy tuyến cận giáp, liệt dây thanh quản. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị khàn tiếng, không nói được, ăn uống khó trong thời gian 2 – 3 ngày sau phẫu thuật.
Chi phí phẫu thuật tuyến giáp phụ thuộc vào phương pháp mổ (mổ thường hay mổ nội soi), phần tuyến giáp bị cắt (cắt toàn bộ hay một phần). Chi phí này trung bình khoảng 20 – 25 triệu đồng.
2. Điều trị bằng I ốt phóng xạ - I131 (Xạ trị trong)
Điều trị ung thư tuyến giáp bằng iod phóng xạ 131 là phương pháp khá phổ biến hiện nay. Phương pháp này thường áp dụng cho những bệnh nhân trung niên và cao tuổi (trên 45 tuổi), bị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và khối u có kích thước lớn (> 4cm). Liệu pháp này có ưu điểm là phù hợp cả với những trường hợp tế bào ung thư tuyến giáp đã di căn xa do khi tiến hành xạ hình, các phân tử iod có khả năng phát hiện và đánh dấu các tế bào ung thư.
Phương pháp điều trị bằng iod phóng xạ chỉ được chỉ định khi bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
Theo phương pháp này, bệnh nhân được cho dùng một lượng nhỏ iod phóng xạ (dưới dạng lỏng hoặc viên, thường dùng dạng viên), sau khi uống iod phóng xạ, các tế bào tuyến giáp (kể cả tế bào lành tính và tế bào ung thư) sẽ bắt phóng xạ và bị tiêu diệt. Tuyến giáp có khả năng hấp thụ hầu hết lượng iod từ thực phẩm, do đó khi được đưa vào cơ thể iod phóng xạ sẽ tìm và phá hủy các tế bào tuyến giáp mà không cần phải phẫu thuật.
dieu-tri-ung-thu-tuyen-giap-bang-iod-phong-xa
Điều trị ung thư tuyến giáp bằng iod phóng xạ 131
Ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang thường đáp ứng rất tốt với iod phóng xạ (I131) do khả năng hấp thụ iod của tuyến giáp rất cao nên sau khi uống, I131 sẽ phá hủy ADN và tiêu diệt tế bào tuyến giáp. Một điều tích cực khi điều trị bằng phương pháp này là ít ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể do các tế bào của những cơ quan này không bắt phóng xạ I-131 nên ít chịu tác hại của chất phóng xạ.
Để việc điều trị mang lại hiệu quả cao, bác sĩ thường cho người bệnh uống một lượng nhỏ I-131, khi nồng độ hormone TSH đạt đến mức cần thiết, bệnh nhân được yêu cầu chụp xạ hình với I-131. Việc này nhằm mục đích giúp bác sĩ ước lượng được phần tuyến giáp cần phá hủy cũng như đánh giá mức độ di căn của ung thư. Qua đó, đưa ra liều lượng điều trị thích hợp.
Khi điều trị bằng iod phóng xạ, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: buồn nôn hoặc nôn, sưng đau ở vùng cổ (vị trí tuyến giáp) hoặc viêm tuyến nước bọt. Bệnh nhân có thể khắc phục các tác dụng phụ này bằng cách uống nhiều nước và nhai kẹo cao su.
Khi điều trị bằng iod phóng xạ, bệnh nhân được bác sĩ lưu ý các điều sau:
Hạn chế lượng iod đưa vào cơ thể qua khẩu phần ăn hàng ngày để tăng khả năng hấp thu iod phóng xạ nhằm nâng cao hiệu quả điệu trị. Tốt nhất nên kiêng ăn iod trong 2 tuần.
Tạm thời ngừng sử dụng các loại thuốc thay thế cho hormone tuyến giáp trong thời gian từ 3 – 6 tuần trước đó.
Hạn chế tiếp xúc với người khác (đặc biệt là trẻ em) trong quá trình điều trị để tránh tác hại do bức xạ iod phát ra.
Cần uống nhiều nước để đẩy nhanh quá trình đào thải iod phóng xạ ra khỏi cơ thể.
Đối với nữ giới, cần tránh mang thai ít nhất trong thời gian 1 năm kể từ khi điều trị bằng iod phóng xạ để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Ở nam giới, nếu lượng iod phóng xạ tích lũy lớn trong cơ thể, có thể dẫn đến vô sinh.
Chi phí điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp iod phóng xạ thường rơi vào khoảng 3 – 5 triệu đồng và diễn ra từ 4 – 6 đợt.
uong-iod-phong-xa-dieu-tri-ung-thu-tuyen-giap
Sau khi điều trị ung thư tuyến giáp bằng iod phóng xạ
3. Điều trị bằng hormone thay thế
Sau khi được phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp hoặc sau khi điều trị bằng iod phóng xạ, người bệnh được chỉ định liệu pháp hormone thay thế tức là hằng ngày phải bổ sung hormome tuyến giáp qua đường uống để bù cho lượng hormone bị thiếu hụt (chủ yếu là T3 và T4) do cắt tuyến giáp. Hormone thay thế thường dùng là levothyroxine (dạng viên nén) uống hằng ngày vào cùng một thời điểm. Bác sĩ nội tiết sẽ quyết định số lượng và liều lượng của các loại hormone thay thế dựa vào loại ung thư, độ tuổi và tình trạng của bệnh nhân. Bác sĩ theo dõi thường xuyên nồng độ các loại hormone tuyến giáp của người bệnh thông qua các xét nghiệm máu để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp với bệnh nhân. Người bệnh cần lưu ý: sử dụng thuốc đều đặn hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều dùng có thể dẫn đến cường giáp hoặc suy giáp.
Với liệu pháp hormone thay thế, ngoài việc bổ sung lượng hormone tuyến giáp cho cơ thể, các loại thuốc hormone tuyến giáp còn có tác dụng kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư còn sót lại sau khi cắt tuyến giáp.
Liệu pháp hormone thay thế có một số nhược điểm như: khả năng tương tác với các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang sử dụng. Việc bổ sung hormone tuyến giáp có thể mang đến nguy cơ bị cường giáp với các biểu hiện: nhịp tim nhanh, tiêu chảy, sút cân, đau tức ngực; hoặc cũng có thể bị suy giáp với các triệu chứng: tăng cân, da khô … Sử dụng hormone tuyến giáp với liều lượng cao có thể khiến xương bị yếu (loãng xương).
hormone-tuyen-giap
Sau khi cắt tuyến giáp, người bệnh cần phải uống thuốc hormone tuyến giáp hằng ngày

 
4. Xạ trị ngoài
Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao (như tia X) chiếu trực tiếp vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này ít được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa do các tế bào ung thư ở tuyến giáp kém nhạy cảm với các tia phóng xạ.
Xạ trị chỉ được áp dụng trong một số trường hợp nhất định: ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối khi các tế bào ác tính đã di căn đến bộ phận lân cận (khí quản, thực quản). Xạ trị chỉ được tiến hành sau khi bệnh nhân đã phẫu thuật và thường tập trung vào một khu vực cụ thể. Phương pháp xạ trị không được chỉ định cho những bệnh nhân trẻ tuổi do lo ngại những tác dụng phụ của các tia phóng xạ.
Tác dụng khi điều trị bằng phương pháp xạ trị phụ thuộc vào liều lượng sử dụng và diện tích điều trị. Các tác dụng phụ có thể gặp: rụng tóc, khô da, ho, buồn nôn, khàn tiếng, đau cổ khi nói hoặc nuốt, đỏ da, mệt mỏi. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này thường hết sau khi kết thúc điều trị.
Xạ trị thường diễn ra với lịch trình 5 ngày/tuần trong 5 – 6 tuần. Chi phí cho mỗi lần xạ trị khoảng 1.5 – 5 triệu đồng.
xa-tri-tuyen-giap
Xạ trị ngoài điều trị ung thư tuyến giáp
5. Hóa trị
Là phương pháp dùng các loại hóa chất đưa vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này có vai trò đặc biệt trong việc hỗ trợ điều trị ung thư sau khi đã phẫu thuật và thường được chỉ định cho những người bị ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Ưu điểm của phương pháp này là có thể thay thế cho xạ trị ở những cơ sở không có thiết bị xạ trị ngoài, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị ung thư.
Việc hóa trị có thể nhằm nhiều mục đích khác nhau như:
Hỗ trợ trước phẫu thuật hoặc xạ trị để thu nhỏ kích thước khối u.
Hỗ trợ sau phẫu thuật hoặc xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể.
Ngăn ngừa ung thư di căn trong trong trường hợp bệnh tái phát sau khi điều trị và ung thư di căn sang các bộ phận khác.
Một số loại hóa chất thường dùng trong điều trị ung thư tuyến giáp: Dacarbazine, Cyclophosphamid, Vincristine, Flourouracil, Doxorubicin …)
Trong hóa trị, có thể sử dụng hóa chất đơn thuần (đơn hóa chất hoặc đa hóa chất), hoặc cũng có thể kết hợp hóa trị đồng thời với xạ trị (hóa - xạ trị). Tùy theo giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, liều lượng và thời gian hóa trị (truyền hóa chất) phù hợp.
truyen-hoa-chat-dieu-tri-ung-thu-tuyen-giap
Điều trị ung thư tuyến giáp bằng hóa chất (hóa trị)
Trong điều trị ung thư tuyến giáp, xạ trị có thể được tiến hành theo nhiều con đường khác nhau:
- Đường uống
Thuốc được bào chế dưới dạng viên (viên nén hoặc viên con nhộng) hoặc dạng lỏng để người bệnh uống (tại nhà hoặc cơ sở y tế) theo phác đồ điều trị.
- Đường tiêm
Thuốc được tiêm vào cơ thể theo đường tiêm (tiêm bắp hoặc tiêm dưới da).
- Đường tiêm truyền tĩnh mạch
Thuốc được đưa trực tiếp vào cơ thể theo đường tĩnh mạch, việc này diễn ra trong vài phút đến vài giờ và chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế.
Các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị ung thư tuyến giáp bằng hóa trị: buồn nôn, nôn, lở miệng, chán ăn, mệt mỏi (do ít hồng cầu), nhiễm trùng (do ít tế bào bạch cầu), rụng tóc, tiêu chảy, hay bị bầm tím, chảy máu (do ít tiểu cầu) … Khi ngừng thuốc, các tác dụng phụ này sẽ biến mất.
Khi điều trị ung thư tuyến giáp bằng hóa trị, bệnh nhân nên nhớ: giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, đủ chất để cơ thể hồi phục nhanh sau điều trị.
Chi phí khi điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp hóa trị thường rơi vào khoảng 50 – 60 triệu, trong đó chủ yếu là thuốc dùng cho hóa trị. Chi phí cho máy móc và vật tư truyền hóa chất khoảng 200.000 – 500.000đ/lần.
6. Điều trị bằng các loại thuốc đích (liệu pháp nhắm mục tiêu)
Là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp bằng cách sử dụng các loại thuốc được nhắm vào đích là các tế bào ung thư, không tiêu diệt các tế bào lành. Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã tiến triển và di căn xa, việc điều trị bằng các phương pháp khác (phẫu thuật, iod phóng xạ) không đem lại hiệu quả.
Nguyên tắc của phương pháp này là dùng các loại thuốc nhằm kìm hãm, hạn chế sự tăng trưởng và phát triển của tế bào ung thư. Các thuốc đích hoạt động bằng cách tấn công vào các loại gen hoặc protein chuyên biệt của tế bào ung thư như: Multikinase, Ret, NTRK
Một số thuốc đích thường được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp như: Sorafenib (Nexavar), Lenvatinib (Lenvima), Selpecatinib.
cac-loai-thuoc-dich-dieu-tri-ung-thu-tuyen-giap
Một số loại thuốc đích dùng trong điều trị ung thư tuyến giáp
Khi sử dụng các thuốc đích, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như: chán ăn, mệt mỏi, khô miệng, tiêu chảy, buồn nôn, phát ban da, sưng phồng bàn chân bàn tay, huyết áp cao, tăng đường huyết …
Ưu điểm của phương pháp này không gây đau đớn cho người bệnh, có thể áp dụng cho những trường hợp ung thư giai đoạn muộn, di căn xa, các phương pháp điều trị khác thất bại hoặc không thể thực hiện được. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là chi phí cao do đây là các loại thuốc mới được nghiên cứu và thử nghiệm.
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên để đạt được điều này, bệnh cần được phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyên người dân nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ đặc biệt là những người có nguy cơ cao: tiếp xúc với chất phóng xạ, rối loạn miễn dịch, có bệnh lý ở tuyến giáp, phụ nữ sau sinh, trung niên và cao tuổi. Những người có các dấu hiệu bất thường như: khàn tiếng, thay đổi giọng nói, nuốt đau, nuốt vướng, khó nuốt, có hạch ở cổ, khó thở.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7