top

Danh mục sản phẩm

Các cấp độ của bệnh suy thận mạn. Cần làm xét nghiệm gì để biết mình mắc bệnh suy thận mạn

15/02/2023 08:41
Các cấp độ của bệnh suy thận mạn
Cần làm xét nghiệm gì để biết mình mắc bệnh suy thận mạn
Các cấp độ của bệnh suy thận mạn
Suy thận mạn là tình trạng chức năng thận suy giảm một cách từ từkhông còn khả năng hồi phục. Suy thận mạn là hệ quả cuối cùng của các bệnh lý mạn tính về thận và hệ tiết niệu. Mức độ suy thận tương ứng với số lượng nephron (đơn vị của thận) bị tổn thương. Người bị suy thận mạn sẽ dẫn đến khả năng lọc ở cầu thận bị giảm, hậu quả là bệnh nhân bị rối loạn các chất điện giải, tăng huyết áp, kèm theo đó là triệu chứng thiếu máu, bệnh loãng xương, nhuyễn xương khiến xương giòn và dễ gãy.
benh-suy-than-man-la-gi
Bệnh suy thận mạn tính
Bệnh suy thận mạn sẽ trải qua năm giai đoạn (từ 1 đến 5), khi tiến triển đến giai đoạn cuối (giai đoạn 5) thì chức năng thận đã suy giảm một cách nghiêm trọng. Lúc này, thận không còn khả năng lọc máu, loại bỏ các chất thải trong cơ thể, khi đó để duy trì sự sống thì bệnh nhân phải thực hiện một trong ba phương pháp: chạy thận nhân tạo, suy thận, hoặc lọc màng bụng.
Với những người bị suy thận mạn, việc điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa (dùng thuốc), trong đó quan trọng nhất là chế độ ăn uống: hạn chế các loại thức ăn có chứa nhiều đạm, các loại hoa quả có nhiều kali, kẽm.
5 giai đoạn của bệnh suy thận mạn.
Căn cứ vào độ lọc của cầu thận (GFR), Hội thận học Quốc tế ISN (International Society of Nephrology)Hội thận học quốc gia Mỹ NKF (National Kidney Foundation) đã chia bệnh suy thận mạn thành 5 giai đoạn ( cấp độ) khác nhau:
Suy thận mạn giai đoạn 1: GFR ≥ 90
Thận có tổn thương nhưng mức lọc của cầu thận bình thường hoặc không tăng.
Suy thận mạn giai đoạn 2: 60 ≤ GFR ≤ 89
Ở giai đoạn này thận tổn thương với mức lọc của cầu thận giảm nhẹ 
Suy thận mạn giai đoạn 3: 30 ≤ GFR ≤ 59 
Trong giai đoạn này mức lọc của thận giảm ở mức trung bình
Suy thận mạn giai đoạn 4: 15 ≤ GFR ≤ 29 
Ở giai đoạn này mức lọc của cầu thận đã giảm nặng
Suy thận mạn giai đoạn 5: GFR < 15
Đây là giai đoạn cuối cùng của suy thận mạn
cac-muc-do-suy-than
Các giai đoạn của bệnh suy thận
Cần làm xét nghiệm gì để biết mình mắc bệnh suy thận mạn?
Để chẩn đoán một người có bị suy thận hay không, các bác sĩ thường dựa vào bốn loại xét nghiệm: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết đánh giá chức năng thận
1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm ure máu
Ure là một chất được tạo ra ở quá trình chuyển hóa protein. Trong cơ thể, protein được phân giải thành các acid amin, những acid amin này lại bị phân hủy tiếp để tạo thành amoniac (NH3)CO2, và cuối cùng amoniac chuyển hóa thành ure. Quá trình tổng hợp ure diễn ra ở gan. Về bản chất, ure là chất thải của quá trình trao đổi chất, nhưng nó đóng vai trò quan trọng: là sản phẩm của quá trình chuyển hóa nitơ (giúp giải độc amoniac). Nếu quá trình chuyển hóa amoniac thành ure bị suy giảm sẽ khiến NH3 (chất độc thần kinh) bị tích tụ gây ra bệnh não do tăng amoniac.
Ure luôn tồn tại trong máu, chúng được lọc qua cầu thận và thải ra ngoài qua nước tiểu. Các bác sĩ thường dựa vào kết quả xét nghiệm ure máu để đánh giá chức năng thận và chẩn đoán các bệnh về thận.
xet-nghiem-ure-mau
Xét nghiệm ure máu trong chẩn đoán chức năng thận
Ở người bình thường, nồng độ ure trong máu thường ở mức 2.5 – 7.5 mmol/l. Nếu kết quả xét nghiệm ure trong máu cao thì đó là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh như: suy thận, suy tim, đường tiết niệu bị tắc nghẽn, cơ thể bị mất nước.
Chỉ số ure máu có thể tăng trong một số trường hợp như: chế độ ăn quá nhiều đạm; các bệnh về thận: suy thận, sỏi thận, sỏi niệu quản, viêm cầu thận, viêm ống thận; cơ thể bị mất nước do sốt cao, tiêu chảy; xuất huyết hệ tiêu hóa; suy tim sung huyết. 
Một số trường hợp có thể gây giảm ure máu như: phụ nữ có thai, người có chế độ ăn ít đạm, bị suy giảm chức năng gan hoặc khi truyền dịch nhiều.
Xét nghiệm creatinine huyết thanh
Creatinin là một chất được tạo ra bởi quá trình phân hủy creatin (nói cách khác, creatinin là sản phẩm của phản ứng phân hủy creatin). Creatin là một chất tự nhiên trong cơ thể, chúng được chuyển hóa thành creatin phosphate, qua quá trình xúc tác chất này lại tạo ra adenosin – diphosphate (ADP). Trong các cơ, có một loại enzyme là CPK (Creatin Phospho Kinase) chịu trách nhiệm xúc tác phản ứng kết hợp giữa Creatin phosphate và ADP để tạo thành Creatinin và năng lượng (ATP) cho cơ thể hoạt động.
Creatin phosphate + ADP = Creatinin + ATP.
Qua phản ứng trên, có thể thấy creatin bị biến đổi thành creatinin ở các cơ để giải phóng ra năng lượng cho cơ bắp hoạt động. Creatinin tập trung chủ yếu ở cơ vân, chúng được đưa vào máu và thải trừ qua thận. Tại thận, creatinin được lọc bởi cầu thận và không được tái hấp thu ở ống thận. Vì thế nên chỉ số creatinin phản ánh tương đối chính xác chức năng thận của mỗi người.
xet-nghiem-creatinin-danh-gia-chuc-nang-than
Xét nghiệm creatinin huyết thanh để đánh giá chức năng thận
Ở người có chức năng thận bình thường, nồng độ creatinine trong máu thường ở mức hằng định (không thay đổi), chỉ khi mắc các bệnh lý về thận hoặc rối loạn chức năng thận thì giá trị creatinin mới thay đổi.
Xét nghiệm nồng độ creatinin huyết thanh được coi là tiêu chuẩn vàng để đánh giá chức năng thận cũng như chẩn đoán các bệnh lý về thận. Giá trị bình thường của creatinin đối với nam giới (trưởng thành) là 53 – 106 µmol/l, nữ giới: 44 – 97 µmol/l, và trẻ sơ sinh là 26 – 106 µmol/l. 
Khi nồng độ creatinin trong máu tăng cao, điều đó cho thấy cơ thể đang có rối loạn chức năng thận do lúc này chức năng thận bị suy giảm nên khả năng lọc creatinin cũng giảm theo dẫn đến nồng độ chất này trong máu tăng cao hơn so với mức bình thường.
Ở những người mắc bệnh suy thận, chỉ số creatinin tăng lên theo từng cấp độ suy thận. Dựa vào mức độ lọc của cầu thận (tính toán dựa trên chỉ số creatinin huyết thanh), Tổ chức thận Hoa Kỳ (NFK) đã chia bệnh suy thận thành 5 mức độ:
- Suy thận độ I: chỉ số creatinin < 130 µmol/l
- Suy thận độ II: chỉ số creatinin từ 130 – 299 µmol/l
- Suy thận độ III a: chỉ số creatinin từ 300 – 499 µmol/l
- Suy thận độ III b: chỉ số creatinin từ 500 – 899 µmol/l
- Suy thận độ IV: chỉ số creatinin > 900 µmol/l
phan-loai-benh-suy-than-theo-he-so-thanh-thai-creatinin
Phân loại bệnh suy thận theo hệ số thanh thải creatinin
Điện giải đồ (xét nghiệm các chất điện giải trong cơ thể: natri, kali, magie, canxi).
- Sodium (natri)
Natri là chất cần thiết cho hoạt động của thần kinh cơ (dẫn truyền thần kinh và co cơ), sự cân bằng chất lỏng và kiềm toan (acid – baze). Ở người có chức năng thận bình thường, natri sẽ được bài tiết đều đặn qua nước tiểu. Còn đối với người suy thận, khả năng bài tiết natri qua nước tiểu bị giảm gây ra chứng tăng natri huyết khiến bệnh nhân có các triệu chứng như: tăng huyết áp, co giật cơ bắp, mất phương hướng.
Nồng độ natri trong máu ở người bình thường dao động trong khoảng từ 135 – 145 mmol/L.
- Potassium (Kali)
Ở người bình thường, nồng độ kali trong máu ở mức 3.5 – 5.1 mmol/L. Thận có vai trò đào thải kali ra khỏi cơ thể để giữ cho nồng độ kali ở mức ổn định. Những người bị suy thận, khả năng bài tiết kali giảm gây ra hiện tượng tăng kali huyết khiến bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như: đau bụng, mệt mỏi, chân tay yếu (yếu cơ), ngừng tim …
- Canxi
Ở người khỏe mạnh, nồng độ canxi trong máu từ 2.2 – 2.6 mmol/L. Giữa canxi và phốt pho có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bệnh suy thận gây giảm canxi huyết và tăng phosphate, tức là cơ thể giữ lại phốt pho và giảm canxi khiến người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: co cơ, co giật cơ bắp, rối loạn nhịp tim, suy tim …
Xét nghiệm rối loạn thăng bằng kiềm toan (pH máu)
Đây cũng là một trong những xét nghiệm đánh giá chức năng thận thường được chỉ định cho những người nghi ngờ mắc các bệnh về thận. Ở người bình thường, luôn có sự cân bằng giữa nồng độ acid và baze trong máu, tức độ pH của máu ở mức 7.37 – 7.43, đây là mức tối ưu nhất giúp cho các tế bào hoạt động tốt, quá trình đông máu và co cơ diễn ra bình thường. Với những người bị suy giảm chức năng thận, độ pH máu thường thấp do lượng acid chuyển hóa bị giảm thải nên làm tăng nồng độ acid trong máu và các cơ quan.
Một số xét nghiệm khác: albumin huyết thanh, protein toàn phần, tổng phân tích tế bào máu
- Albumin huyết thanh
Albumin là một loại protein chính của huyết thanh giữ vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển hóa và trao đổi chất của cơ thể. Bình thường, nồng độ albumin huyết thanh từ 35 – 50g/L, chiếm khoảng 60 – 80% lượng protein toàn phần trong máu. Albumin huyết thanh giảm mạnh ở những người có bệnh lý ở cầu thận: viêm cầu thận cấp. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do albumin bị phân hủy nhiều, đào thải qua nước tiểu hoặc chắc năng sản xuất albumin của gan bị ức chế.
- Protein toàn phần huyết tương
Protein toàn phần huyết tương gồm albumin và các globulin máu. Chỉ số protein toàn phần đánh giá chức năng lọc của cầu thận, mức protein máu bình thường là 60 – 80 g/L. Người mắc bệnh thận, cầu thận bị tổn thương khiến nồng độ protein toàn phần trong huyết tương giảm.
- Tổng phân tích tế bào máu
Ở những người bị bệnh thận mạn tính, lượng hồng cầu trong máu thường giảm do bị thiếu máu.
xet-nghiem-chuc-nang-than
Các xét nghiệm máu dùng để đánh giá chức năng thận
2. Xét nghiệm nước tiểu
Tổng phân tích nước tiểu
- Protein
Người bị suy thận sẽ xuất hiện protein trong nước tiểu. Vì vậy sau khi tổng phân tích nước tiểu, bệnh nhân có thể được chỉ định xét nghiệm định lượng protein niệu trong vòng 24 giờ nếu bác sĩ thấy cần thiết.
- Tỷ trọng nước tiểu
Xét nghiệm tỉ trong nước tiểu thường được chỉ định cho người nghi ngờ mắc các bệnh về thận trong đó có suy thận. Tỷ trọng trung bình của nước tiểu là 1.01 – 1.02. Người bị suy thận thường giảm tỉ trọng nước tiểu do giảm độ cô đặc. Khi làm xét nghiệm, bệnh nhân có thể được thực hiện nghiệm pháp cô đặc hoặc pha loãng nước tiểu, so sánh tỷ trong nước tiểu giữa ban ngày và ban đêm.
Định lượng protein nước tiểu (đạm niệu) trong 24 giờ.
Định lượng đạm niệu cũng là một xét nghiệm trong chẩn đoán suy thận. Ở người khỏe mạnh, nồng độ protein trong nước tiểu (trong 24 giờ) ở mức 0.05 – 0.08 g/l (lúc nghỉ ngơi) và dưới 0.3 g/l trong lúc tập luyện thể thao. Ở những người bị suy thận, viêm cầu thận hoặc có các bệnh lý ảnh hưởng đến thận (tiểu đường, cao huyết áp, lupus ban đỏ), protein niệu thường tăng lên mức > 0.3 g/l (trong 24 giờ)
3. Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm ổ bụng
Siêu âm ổ bụngphương pháp khá phổ biến để chẩn đoán nhiều căn bệnh khác nhau trong đó có các bệnh về thận: sỏi thận, khối u thận. Siêu âm ổ bụng có thể giúp bác sĩ phát hiện tình trạng thận bị ứ nước, đây là một hiện tương nguy hiểm dễ dẫn đến suy thận cấp hoặc suy thận mạn. Nếu hình ảnh siêu âm cho thấy thận có kích thước nhỏ, thay đổi về cấu trúc như: không phân biệt tủy vỏ, có nhiều nang thì điều đó gợi ý về bệnh thận mạn tính. Siêu âm còn giúp phát hiện các trường hợp mắc bệnh thận đa nang bẩm sinh.
sieu-am-o-bung-danh-gia-chuc-nang-than
Siêu âm ổ bụng cũng là phương pháp kiểm tra, phát hiện các bệnh về thận
Chụp CT ổ bụng
Phương pháp này được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp chẩn đoán suy thận do đường tiết niệu bị tắc nghẽn. Chụp CT có tiêm thuốc cản quang là phương pháp thăm dò hình ảnh bằng tia X, bác sĩ sẽ nhìn rõ hình ảnh toàn bộ hệ tiết niệu, qua đó phát hiện được vị trí và nguyên nhân gây tắc niệu quản.
Để chẩn đoán một người bị suy thận hoặc mắc các bệnh lý, tổn thương về thận, các bác sĩ sẽ dựa vào rất nhiều các xét nghiệm và thăm dò khác nhau trong đó phổ biến nhất là xét nghiệm định lượng creatinin huyết thanh và nồng độ ure máu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ hàng năm, làm những xét nghiệm cơ bản: xét nghiệm máu (công thức máu, sinh hóa), xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng để phát hiện các vấn đề về sức khỏe trong đó có thận.
Những người có nguy cơ cao bị suy thận: cao huyết áp, tiểu đường, tiền sử gia đình có người bị suy thận cần định kỳ kiểm tra, đánh giá chức năng thận để phát hiện bệnh sớm, tránh các biến chứng lên thận do bệnh suy thận mạn thường diễn tiến một cách thầm lặng, không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng, khó nhận biết.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7