top

Danh mục sản phẩm

Các biến thể mới XBB của virus Sars – CoV – 2 gây bệnh Covid - 19 có nguy hiểm không?

29/04/2023 10:30
Các biến thể mới XBB của virus Sars – CoV – 2
gây bệnh Covid - 19 có nguy hiểm không?
Sau một thời gian bị chìm lắng, hiện nay dịch COVID – 19 đang có xu hướng bùng phát trở lại trên toàn cầu với sự xuất hiện của các biến thể virus mới thuộc chủng Omicron.
Tại Châu Á, theo báo cáo đã có hơn 80.000 ca nhiễm mới (tăng gần 6 lần so với 1 tháng trước đó), 7 trong số 11 quốc gia (64%) có số ca mắc mới tăng trên 20%. Trong đó các nước có tỷ lệ tăng nhiều nhất là: Ấn Độ, Nepal và Maldives.
thong-ke-cac-bien-the-moi-covid-19
Thống kê về sự có mặt của các biến thể virus Sars - CoV - 2 
Ấn Độ là nước dẫn đầu khu vực với 66.124 ca, tỷ lệ mắc mới là 4.8 ca/ 100.000 dân, tức số ca mắc mới tăng 93.7%. Đứng thứ hai trong khu vực là Indonesia với 12.101 ca mắc mới, đạt tỷ lệ 4.4 ca/ 100.000 dân, tăng 93%. Sau đó là Thái Lan với 663 ca mới, tức tỷ lệ dưới 1 ca/100.000 dân, giảm 2%.
Số ca tử vong mới trong 28 ngày được báo cáo là 309 (tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 28 ngày trước). Hai quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất là Ấn Độ và Indonesia.
Sở dĩ số ca mắc mới tăng nhanh trên toàn cầu là do sự xuất hiện của các biến thể mới của chủng Omicron như: XBB.1.5; XBB.1.16; XBB.1.16.1 và XBB.1.9.1
Biến thể là gì? Biến chủng là gì?
Cũng giống như các loại virus khác, trong quá trình phát triển, virus Sars – CoV – 2 liên tục biến đổi cấu trúc của bộ gen để tạo ra các biến thể và biến chủng mới.
Biến thể (variant) là khái niệm chỉ sự thay đổi về bản chất trên bộ gen của vi sinh vật, một biến chủng có thể bao gồm nhiều biến thể khác nhau, chúng thay đổi liên tục để tạo ra các biến thể mới 
Biến chủng (mutant) là khái niệm chỉ sự thay đổi về bộ gen của vi sinh vật đến mức tạo ra chủng mới có những đặc điểm cụ thể, rõ ràng và khác so với chủng ban đầu.
Các biến chủng của virus Sars – CoV – 2 đã được xác định là alpha, beta, gamma, delta và gần đây nhất là Omicron
Các biến thể của virus Sars – CoV – 2 được phân loại như thế nào?
Tổ chức Y tế Thế giới phân biến thể của Sars – CoV – 2 thành 4 loại:
Biến thể đáng quan tâm: VOI (Variants Of Interest)
Biến thể được theo dõi: VUMs (Variants Being Monirores)
Biến thể đáng lo ngại: VOC (Variant Of Concern)
Biến thể gây hậu quả nghiêm trọng: VOHC (Variant Of High Consequence)
Theo WHO, chỉ trong 28 ngày (từ 13/03/2023 đến 09/04/2023), Tổ chức này đã ghi nhận 49.809 biến thể của virus Sars – CoV – 2, trong đó phổ biến nhất là biến thể XBB.1.5 (đã xuất hiện tại 95 quốc gia và vùng lãnh thổ). Biến thể này phổ biến tới mức chiếm hơn 50% ở 11 quốc gia. Chỉ riêng trong tuần 12 của năm 2023 tỷ lệ mắc biến thể này đã lên đến 48% (trong khi vào tuần 8, con số này mới ở mức 40%).
Tại nước ta, ngày 14/04/2023 Bộ Y Tế đã thông báo xác nhận sự có mặt của biến thể XBB.1.5 tại Việt Nam sau khi tiến hành giải trình tự gen virus của các bệnh nhân mắc COVID – 19.
Ngày 23/04 vừa qua, Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố kết quả giải trình tự gen của 13 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc Covid – 19. Kết quả cho thấy có 11 mẫu nhiễm các biến thể mới của chủng Omicron là: XBB.1.6; XBB.1.16.1XBB.1.9.1 (đây cũng là chủng xuất hiện ở Hà Nội vào tuần thứ hai của tháng tư).
WHO đã xếp XBB.1.16 vào danh mục biến thể cần theo dõi.
bien-the-xbb.1.16
Biến thể XBB.1.16
Các biến thể mới của virus Sars – CoV – 2 có gây bệnh nghiêm trọng hơn các biến thể cũ?
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ các biến thể mới của virus Sars – CoV – 2 có độc lực cao hơn các biến thể cũ. Các nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm về XBB.1.16 cho thấy biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn so với biến thể ban đầu (biến thể gốc XBB) và biến thể phụ trước đó là XBB.1.5, tức là khả năng lây nhiễm của chúng cao hơn. Tuy nhiên, khả năng xâm chiếm hệ miễn dịch của các biến thể này vẫn giống nhau. 
Các triệu chứng khi mắc biến thể mới XBB.1.16 của bệnh Covid – 19
Biến thể XBB.1.16 (còn có tên gọi khác là Arcturus) được phát hiện lần đầu tiên tại Brazil vào tháng 03/2023. Biến thể này có đặc điểm:
- Tỷ lệ lây nhiễm cao hơn: tức là người bị mắc Covid – 19 do biến thể này dễ lây cho người khác.
Theo Tiến sĩ Jitendra Choudhary – thuộc Bệnh viện Fortis Hiranandani Vashi, thành phố Mumbai. Sở dĩ biến thể XBB.1.16 làm cho bệnh Covid – 19 dễ lây hơn là do chúng có chứa tới 2 đột biến (1 đột biến ở protein và 1 đột biến khác).
- Tăng tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em (trẻ em dễ bị lây bệnh hơn trước).
- Khả năng né tránh hệ miễn dịch cao hơn: tức là những người đã có miễn dịch (do từng mắc bệnh hoặc tiêm vắc xin) cũng có thể bị tái nhiễm. Tỷ lệ này cao hơn so với các biến thể trước.
- Tỷ lệ chuyển thành ca nặng thấp hơn, tức là biến thể này ít gây ra các triệu chứng nặng, tỷ lệ phải nhập viện điều trị cũng thấp hơn so với các biến thể xuất hiện trước đây.
bien-the-phu-xbb
Đặc điểm của các biến thể phụ XBB
Theo Vipin M Vashishtha – Bác sĩ nhi khoa thuộc Bệnh viện và Trung tâm nghiên cứu Mangla, bang Bijnor, Ấn Độ. Các triệu chứng điển hình của dịch Covid lần này là: sốt cao, cảm lạnh, ho khan.
Theo một dự án được liên kết giữa ứng dụng sức khỏe ZOE cùng các nhà khoa học đến từ Đại học Y Stanford, Đại học Havard, Trường King’s College London và Bệnh viện Massachusetts. Các triệu chứng phổ biến của Covid – 19 ở những người nhiễm biến thể mới của chủng Omicron là:
- Viêm họng
- Khan tiếng
- Ho khan hoặc ho có đờm
- Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi
- Đau đầu
- Đau nhức cơ bắp
- Thay đổi khứu giác.
Một điều đặc biệt của các bệnh nhân mắc Covid-19 lần này là hiện tượng viêm kết mạc (bệnh nhân bị đau mắt đỏ, ngứa kết mạc, ra rỉ mắt làm cho các mi mắt dính vào nhau). Triệu chứng này chưa từng xuất hiện ở các đợt dịch trước đây.
dau-mat-do-do-covid-19
Triệu chứng viêm kết mạc (đau mắt đỏ) do Covid - 19
Văn phòng Y tế của Thủ đô Jakarta - Indonesia cũng nhấn mạnh: mắt đỏ là triệu chứng khác biệt của XBB.1.16 so với các biến thể trước. Người bệnh mắc chủng này có triệu chứng đau mắt đỏ kèm theo chảy nước mắt, ho nhiều và đau ngực dữ dội.
Theo Đài truyền hình New Delhi - Ấn Độ, những bệnh nhân ở nước này mắc Covid – 19 do biến thể XBB.1.16 có các triệu chứng như: sốt, ho, đau rát họng, nhức đầu, sổ mũi, đau cơ, khó chịu ở bụng.
Mặc dù cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu các biến thể mới của virus Sars – CoV – 2 có thể gây ra các triệu chứng nghiệm trọng cho người mắc Covid – 19 hay không. Tuy nhiên họ vẫn không hạ thấp mức độ cảnh báo. Bệnh vẫn có khả năng gây tử vong ở những người có nguy cơ cao: người già, người có bệnh lý nền hoặc mắc các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch. 
Để phòng bệnh Covid – 19, các chuyên gia khuyên người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
Đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng
Dùng tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi
Giữ khoảng cách (tối thiểu 2m) khi tiếp xúc với người khác
Tránh tụ tập ở những nơi đông người, không khí kém thông thoáng
Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch xà phòng hoặc các chất sát khuẩn.
Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch vắc xin phòng Covid – 19. Có thể tiêm nhắc lại các mũi tăng cường để năng cao khả năng miễn dịch của cơ thể
Nếu có các triệu chứng của Covid – 19 hãy chủ động cách ly và liên hệ với cơ quan y tế trong trường hợp cần thiết.
Khi xảy ra dịch, cần tuân thủ theo các quy định và hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng chống dịch: xét nghiệm, cách ly …
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7