Bệnh viện Nhi Trung Ương hướng dẫn cách xử trí trẻ bị mắc bệnh Covid - 19
Thời gian gần đây, dịch COVID – 19 bùng phát trên diện rộng ở nước ta. Nhiều địa phương trong cả nước mỗi ngày ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới, trong đó xuất hiện nhiều ca bệnh ở trẻ em. Việc nhiều gia đình có con trẻ mắc covid – 19 khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bệnh viện Nhi Trung Ương đã đưa ra các hướng dẫn và khuyến cáo cho các bậc cha mẹ có con em bị nhiễm bệnh. Theo PGS. TS Trần Minh Điển – Giám Đốc Bệnh Viện Nhi TW: Khi phát hiện trẻ bị nhiễm virus Sars – CoV – 2 các phụ huynh phải thật bình tĩnh, tránh hoảng loạn để nắm được cách xử trí cần thiết. Theo PGS Điển, việc đầu tiên cần làm là xác định mức độ bệnh của con trẻ - việc này rất quan trọng giúp phân loại điều trị. Nếu trẻ bị Covid – 19 nặng, cần phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Nếu trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ thì phụ huynh nên theo dõi và điều trị tại nhà. Việc này giúp ổn định tâm lý của trẻ và các bé cũng được hưởng sự chăm sóc tốt của gia đình. Hơn nữa việc điều trị tại nhà đối với các F0 thể nhẹ cũng tránh được nguy cơ bị nhiễm khuẩn do virus hoặc bệnh khác từ bệnh viện, đồng thời tránh cho hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải không cần thiết.
PGS. TS Trần Minh Điển – Giám Đốc Bệnh Viện Nhi TW hướng dẫn cách chăm sóc trẻ em mắc Covid - 19
Các mức độ bệnh Covid – 19 ở trẻ em
Bệnh Covid – 19 ở trẻ em được chia thành 5 mức độ khác nhau
• Độ 1: Trẻ bị nhiễm bệnh không có triệu chứng
Đó là các trường hợp trẻ được xác định mắc Covid – 19 nhưng trên lâm sàng không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào.
• Độ 2: Mức độ nhẹ
Trẻ được xác định mắc Covid – 19 và có các triệu chứng sau: ho, sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, tiêu chảy, nôn trớ, đau cơ bắp, mất vị giác hoặc khứu giác.
Về nhịp thở: Khi đếm sẽ thấy nhịp thở của trẻ vẫn bình thường theo độ tuổi. Trẻ không bị khó thở (không có biểu hiện thiếu oxy), nồng độ oxy bão hòa trong máu khi thở khí trời trên 96% (SpO2 ≥ 96%).
Về thần kinh: Trẻ hoàn toàn tỉnh táo, mọi sinh hoạt, ăn uống, bú mẹ diễn ra bình thường. Các kết quả xét nghiệm và phim X – quang phổi bình thường.
Tuy nhiên, ở mức độ này cần chú ý những trẻ bị béo phì, có các bệnh lý nền: bệnh tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, hen suyễn, bệnh gan, phổi mãn tính, suy thận hoặc dùng thuốc corticoid kéo dài … Những trẻ này cần được theo dõi chặt chẽ vì dễ diễn tiến nặng.
• Độ 3: Mức độ trung bình
Trẻ có triệu chứng của viêm phổi: ho có đờm (vàng hoặc xanh), sốt, nhịp thở nhanh, người li bì, thở cánh mũi phập phồng. Tình trạng viêm phổi chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ và trung bình, không có dấu hiệu bị viêm phổi nặng hoặc rất nặng: khó thở, thở nhanh: (dưới 2 tháng tuổi ≥ 60 lần/phút; từ 2 – 11 tháng: ≥ 60 lần/phút; từ 1 – 5 tuổi: ≥ 50 lần/phút), SpO2 từ 94 – 95% khi thở khí trời.
Về thần kinh: trẻ tỉnh táo, có thể mệt, ăn uống kém (bú ít hơn). Khi chụp X – quang phổi thấy xuất hiện tổn thương ở hai đáy phổi.
• Độ 4: Mức độ nặng
Trẻ có một trong các triệu chứng sau:
- Dấu hiệu viêm phổi nặng nhưng chưa nguy hiểm đe dọa đến tính mạng:
+ Thở nhanh (so với lứa tuổi), lồng ngực bị co rút lõm khi thở hoặc thở rên (trẻ dưới 2 tháng tuổi), thở phập phồng cánh mũi
+ Chỉ số SpO2 : Từ 90% đến < 94% khi thở khí trời.
+ Thần kinh: trẻ quấy khóc, khó chịu, bỏ bú hoặc ăn uống kém.
+ Chụp X – quang phổi thấy xuất hiện tổn thương trên 50% phổi.
Dấu hiệu trẻ mắc Covid - 19 nặng
• Độ 5: Mức độ nguy kịch
Trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Bị suy hô hấp nặng: nồng độ SpO2 < 90% khi thở khí trời, bệnh nhân cần đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập.
- Huyết áp tụt, sốc nhiễm khuẩn.
- Suy đa tạng
- Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển
- Xuất hiện cơn bão Cytokin
- Các dấu hiệu nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của trẻ:
+ Trẻ bỏ bú hoặc bỏ ăn, không uống được
+ Thở bất thường hoặc rối loạn nhịp thở
+ Thần kinh: ý thức của trẻ suy giảm rõ rệt: khó đánh thức hoặc bị hôn mê.
+ Tím trung tâm
Hướng dẫn cách xử trí và chăm sóc trẻ em bị Covid – 19 điều trị tại nhà
Trước tiên, khi trẻ bị mắc Covid – 19 gia đình cần chuẩn bị một số thuốc và dụng cụ y tế sau:
• Dụng cụ y tế:
- Máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2), có thể sử dụng loại của người lớn
- Nhiệt kế điện tử (nếu có điều kiện nên dùng nhiệt kế hồng ngoại), hoặc nhiệt kế thủy ngân.
- Dụng cụ hút mũi
- Nước sát khuẩn tay nhanh (hoặc xà phòng diệt khuẩn)
- Găng tay y tế
- Kit test nhanh kháng nguyên Covid
- Khẩu trang y tế (cho trẻ trên 2 tuổi)
• Một số loại thuốc
- Thuốc hạ sốt: tốt nhất nên dùng Paracetamol loại viên đạn đặt hậu môn hoặc gói bột pha nước uống, hoặc siro cho trẻ nhỏ. Trẻ lớn hơn có thể dùng dạng viên.
- Nước muối sinh lý để rửa mũi, súc miệng họng
- Siro ho (loại bào chế từ thảo dược) hoặc viên ngậm ho (cho trẻ lớn)
- Dung dịch bù nước và các chất điện giải (Oresol)
- Một số loại vitamin: vitamin C, vitamin nhóm B, vitamin D
- Các chế phẩm bổ sung kẽm và men vi sinh.
Các vật dụng cần chuẩn bị khi chăm sóc F0 là trẻ em tại nhà
Phụ huynh lưu ý: Tuyệt đối KHÔNG mua sẵn các loại thuốc sau: thuốc kháng virus, thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh, thuốc chống đông, các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc xách tay, thuốc không có hoặc không rõ tem nhãn rõ ràng.
Việc sử dụng các loại thuốc nêu trên phải do chỉ định của bác sĩ hoặc người có chuyên môn.
Xử trí các triệu chứng của trẻ mắc Covid – 19
1. Sốt
Trẻ được coi là sốt khi đo thân nhiệt bằng nhiệt kế cho kết quả trên 37.5ºC. Khi trẻ bị sốt, các việc cần làm là:
• Cởi bớt quần áo cho bé, cho trẻ mặc các loại quần áo bằng chất liệu mỏng, mát, dễ thấm hút mồ hôi như cotton.
• Cho trẻ uống thuốc hạ sốt: chủ yếu dùng Paracetamol với liều 10 – 15mg/kg thể trọng/lần. Nếu bị sốt lại, có thể lặp lại liều trên sau mỗi 4 – 6 giờ.
Đối với trẻ có tiền sử hay bị co giật khi sốt, có thể cho uống thuốc hạ sốt ngay khi sốt từ 38ºC.
Với những trẻ nhỏ, trẻ hay bị nôn trớ, khó uống thuốc, có thể dùng dạng viên đạn đặt hậu môn với liều như khi dùng đường uống.
Tổng liều tối đa của Paracetamol không vượt quá 4.000 mg/ngày (với trẻ lớn), với trẻ nhỏ không quá 60 mg/kg/ngày
• Có thể chườm (hoặc lau) cho trẻ bằng nước ấm ở các vị trí sốt cao: trán, nách, bẹn.
• Cho trẻ uống nhiều nước hơn (nước hoa quả, nước canh) hoặc sữa.
Lưu ý quan trọng
Nếu trẻ bị sốt cao (> 39 ºC), kéo dài trên 5 ngày khó hạ mặc dù đã uống thuốc hạ sốt hoặc trẻ có một trong các triệu chứng bất thường, nguy hiểm như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy; đi tiểu ít, phù ở chân hoặc ở mí mắt; người lơ mơ, li bì, co giật; phù nề ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân; nổi ban đỏ trên da hoặc giác mạc bị xung huyết.
Trong trường hợp trên phải đưa trẻ ngay đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Hướng dẫn cách xử trí các triệu chứng chính bệnh Covid - 19 ở trẻ em
2. Ho, đau rát họng
Ho là phản xạ tự vệ để tống đờm rãi ra khỏi cơ thể. Ho nhằm mục đích bảo vệ hệ hô hấp. Nếu trẻ ho nhiều, cần tìm cách giảm ho
• Nếu bị ho khan, không có đờm, ho ít: uống siro giảm ho từ thảo dược. Với trẻ lớn có thể cho ngậm kẹo ho.
• Nếu trẻ bị ho với mức độ tăng dần: cần tham vấn ý kiến của bác sĩ.
• Cần theo dõi dấu hiệu thở nhanh, khó thở của trẻ bằng cách đếm nhịp thở.
Lưu ý trong vấn đề giảm ho cho trẻ
- Không được dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
- Không được dùng các thuốc giảm ho có chứa hoạt chất Codein cho trẻ dưới 12 tuổi.
- Việc vệ sinh mũi họng tốt, cho trẻ uống đủ nước cũng góp phần giúp giảm ho.
- Việc sử dụng các thuốc chống dị ứng (kháng histamin), thuốc long đờm cần theo sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
3. Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi
Rửa mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, nước muối biển. Đầu tiên làm ấm nước muối, sau đó nhỏ hoặc xịt vào hai bên mũi rồi hút mũi bằng dụng cụ hút, đối với trẻ lớn có thể hướng dẫn các em xì mũi. Thực hiện việc rửa mũi – họng: 2 – 6 lần/ngày tùy theo mức độ chảy nước mũi
Chú ý.
- Không tự pha nước muối để rửa mũi họng cho trẻ.
- Tránh bơm rửa mũi cho trẻ nhỏ tại nhà.
- Việc sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng: hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi phải do bác sĩ chỉ định.
4. Trẻ bị nôn ói, tiêu chảy
• Bù nước và các chất điện giải cho trẻ bằng cách cho trẻ uống Oresol (loại pha sẵn hoặc gói bột pha theo tỉ lệ). Với trẻ nhỏ, có thể chọn các sản phẩm có mùi vị dễ uống.
• Cho trẻ dùng thêm men vi sinh nếu có sẵn ở nhà
• Để ý nếu trẻ có các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng: môi miệng khô, mắt trũng, uống kém, đi tiểu ít
5. Trẻ bị phát ban (nổi mẩn)
Phát ban là triệu chứng ít gặp ở bệnh Covid – 19. Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 1% số bệnh nhân có triệu chứng này, ban da do Covid có thể kéo dài từ 2 – 12 ngày, thời gian trung bình khoảng 8 ngày. Ban thường xuất hiện ở tứ chi và thân mình, các ban thường có đặc điểm xuất hiện những mảng gây ngứa và mày đay, da rát và sẩn, ban có thể bọng nước giống như bệnh thủy đậu.
Hiện tượng phát ban có thể chỉ là triệu chứng thông thường của cơ thể khi nhiễm virus nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo diễn biến nặng của bệnh. Vì vậy tốt nhất nên để bác sĩ đánh giá, phân biệt và tư vấn cách xử trí.
6. Trẻ thở nhanh, khó thở
Việc xác định thở nhanh giúp phát hiện tình trạng viêm phổi hoặc suy hô hấp ở trẻ em.
Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) trẻ được coi là thở nhanh (thở gấp) khi đếm nhịp thở của trẻ thấy vượt quá các giới hạn sau (theo độ tuổi)
• Trẻ dưới 2 tháng tuổi: nhịp thở > 60 nhịp/phút
• Trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi: nhịp thở > 50 nhịp/phút
• Trẻ từ 1 đến 5 tuổi: nhịp thở > 40 nhịp/phút
• Trẻ > 5 tuổi: nhịp thở > 30 nhịp/phút
Cách đếm nhịp thở như sau:
Đặt trẻ nằm trên giường hoặc bế bé ngang trên tay, kéo nhẹ áo để hở bụng trẻ. Sau đó dùng đồng hồ báo thức hoặc điện thoại (có chức năng bấm giờ) bên cạnh. Mắt vừa nhìn đồng hồ, vừa quan sát bụng của trẻ khi thở mỗi lần bụng di động lên xuống được tính là 01 nhịp thở, đếm như vậy cho tới khi hết 1 phút.
Lưu ý:
- Nên thực hiện đếm đi đếm lại 2 – 3 lần để có kết quả chính xác.
- Chỉ thực hiện việc đếm nhịp thở khi trẻ nằm ngoan, không quấy khóc, không bị sốt cao, tốt nhất nên đếm lúc bé ngủ.
Cách đếm nhịp thở để xác định tình trạng khó thở ở trẻ em
Cách dùng máy đo oxy kẹp tay
Ngoài đếm nhịp thở thì việc dùng máy đo nồng độ oxy trong máu cũng rất quan trọng giúp phát hiện tình trạng khó thở của trẻ.
- Có thể dùng chung loại máy đo của người lớn
- Kẹp máy vào ngón tay hoặc ngón chân cái
- Trước khi đo cần dỗ trẻ ngoan, xoa ấm đầu ngón tay hoặc chân trước khi kẹp máy.
- Có thể dùng băng dính y tế để cố định ngón tay/chân đo.
- Sau 1 – 3 phút thì đọc kết quả.
Các thống kê trong thời gian qua cho thấy phần lớn trường hợp mắc Covid – 19 ở trẻ em là những ca không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 55%) với các biểu hiện: viêm đường hô hấp trên hoặc tiêu hóa, 40% ở mức trung bình, chỉ khoảng 4% số ca nặng và 0,5% số trường hợp nguy kịch. Các trường hợp nặng và nguy kịch thường rơi vào nhóm trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi), trẻ có bệnh nền: đẻ non, nhẹ cân, bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính, ung thư, suy giảm miễn dịch, hen suyễn, bệnh tiểu đường.
Đối với những trẻ mắc Covid – 19 thể nhẹ và trung bình, hầu hết các em có thể tự phục hồi sau 1 – 2 tuần nếu được chăm sóc đầy đủ, đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh tình của trẻ diễn biến nặng, cha mẹ cần nắm được các dấu hiệu chuyển nặng của bé để khi bé có các triệu chứng bất thường nào cần lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.