top

Danh mục sản phẩm

Bệnh ung thư phổi là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh ung thư phổi

16/11/2023 10:40
Bệnh ung thư phổi là gì?
Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh ung thư phổi
Bệnh ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là căn bệnh khá phổ biến hiện nay với hơn 1 triệu ca mắc mới và trên 1 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp vào hàng thứ 2 sau ung thư gan. Theo số liệu của GLOBOCAN, mỗi năm nước ta có khoảng trên 26.000 trường hợp mắc mới (hơn 18.500 nam giới, trên 7.500 nữ giới) và 3.700 người tử vong do ung thư phổi.
Trong các loại ung thư thì ung thư phổi dù chỉ chiếm khoảng 12% nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao (lên tới 28%). Điều đáng lo ngại là tỷ lệ người mắc ung thư phổi ngày càng gia tăng và có dấu hiệu trẻ hóa. Số liệu thống kê cũng cho thấy nam giới bị ung thư phổi nhiều hơn so với nữ giới.
benh-ung-thu-phoi
Bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi, tên tiếng Anh: Lung Cancer hay Lung Carcinoma là căn bệnh ung thư khởi phát từ phổi. Đó là một khối u ác tính ở đường hô hấp, được hình thành trong phổi sau đó phát triển nhanh về kích thước (to dần lên), xâm lấn và chèn ép các cơ quan lân cận, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và nhiều hoạt động khác của cơ thể.
Có mấy loại ung thư phổi?
Dựa vào sự xuất hiện của các tế bào khối u khi quan sát dưới kính hiển vi, người ta chia ung thư phổi thành hai loại:
Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Non Small Cell Lung Cancer (NSCLC)
Đây là loại ung thư phổi phổ biến, rất thường gặp (chiếm tới 80 - 85% số trường hợp ung thư phổi). Ung thư phổi không tế bào nhỏ là một thuật ngữ chung dùng để chỉ một số loại khối u ác tính ở phổi, trong đó bao gồm: ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào lớn và ung thư biểu mô tuyến.
Ung thư phổi tế bào nhỏ: Small Cell Lung Cancer (SCLC)
Đây là loại ung thư phổi ít gặp hơn so với ung thư phổi không tế bào nhỏ. Loại ung thư này chỉ chiếm từ 15 – 20% số trường hợp ung thư phổi, thường gặp ở những người nghiện thuốc lá nặng, lâu năm.
cac-loai-ung-thu-phoi
Các loại ung thư phổi thường gặp
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi, song hút thuốc láô nhiễm không khí được coi là những nguyên hàng đầu gây bệnh.
Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá
Theo GS – TS Bác sĩ Ngô Quý Châu, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng đa số (90% các trường hợp) mắc ung thư phổi cấp tính bắt nguồn từ việc hút thuốc. Nguy cơ bị ung thư phổi tăng dần theo thời gian và số lượng thuốc hút.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), những người hút thuốc lá mỗi ngày có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 15 – 30 lần so với những người không hút thuốc. Ngay cả với những người hút thuốc thụ động (không trực tiếp hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người xung quanh) thì cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Cụ thể, những người sống cùng nhà với người hút thuốc lá cũng tăng 30% khả năng mắc bệnh.
Khi cơ thể hít phải khói thuốc lá, nó sẽ vào hệ hô hấp và gây tổn thương mô phổi. Bình thường, phổi có cơ chế tự sửa chữa các mô bị tổn thương. Nhưng việc tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên trong thời gian dài sẽ khiến phổi dần dần mất đi khả năng tự chữa lành các tổn thương.
Khi các tế bào ở phổi bị tổn thương, chúng hoạt động một cách bất thường, làm tăng khả năng hình thành và phát triển các khối u các tính trong hệ hô hấp. Điều này giải thích tại sao ung thư phổi thường xảy ra ở những người nghiện thuốc lá. Chỉ khi nào người nghiện dừng hút thuốc thì mới giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh theo thời gian.
hut-thuoc-la-bi-ung-thu-phoi
Thuốc lá được coi là thủ phạm chính dẫn đến ung thư phổi
Tiếp xúc với phóng xạ và các loại hóa chất độc hại
Một số chất phóng xạ như: radon, uranium, bụi phóng xạ và các hóa chất độc hại như: amian, thạch tín, silic, cadimi, niken, crom cũng có nguy cơ gây ra ung thư phổi nếu tiếp xúc thường xuyên.
Radon là một loại khí phóng xạ trong tự nhiên, chúng có thể xâm nhập vào bên trong những tòa nhà thông qua các vết nứt nhỏ trên nền móng. Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, radon được coi là nguyên nhân thứ hai gây ra khối u ở phổi. Đặc biệt, những người vừa hút thuốc, vừa tiếp xúc với khí radon thì nguy cơ mắc ung thư phổi rất cao.
Một số nghề nghiệp cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi như: nghề mài má phanh xe, do tiếp xúc với asbestos – một chất gây ung thư. Các công nhân làm việc trong một số mỏ khai thác kim loại: mỏ kền (niken), mỏ cromate (crom), mỏ phóng xạ uranium hoặc trong một số ngành công nghiệp: hóa dầu, khí đốt, công nghiệp nhựa, các nghề tiếp xúc với amian, ô nhiễm không khí từ kỹ nghệ kim loại nặng cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi. Đặc biệt, những người tiếp xúc với amian thường xuyên có nguy cơ bị bệnh cao gấp 90 lần so với những người không tiếp xúc.
Một số bệnh ở đường hô hấp
Ung thư phổi cũng có thể xảy ra ở những người mắc bệnh ở phế quản, phổi: viêm phổi, nhồi máu phổi, bệnh bụi phổi. Các bệnh này dẫn đến xơ phổi – yếu tố gây ung thư. Những người có hiện tượng xơ phổi sẽ làm tăng nguy cơ bị khối u ác tính ở đường hô hấp lên gấp 7 lần. Đến nay cơ chế xơ phổi hình thành ung thư phổi vẫn chưa được rõ, nhưng các nhà khoa học cho rằng sự xơ hóa làm tắc nghẽn các mạch bạch huyết gây tích tụ các chất sinh khối u dẫn đến ung thư.
Điều trị một số bệnh bằng tia phóng xạ (xạ trị)
Một số bệnh phải điều trị bằng phương pháp xạ trị (chủ yếu là ung thư) vùng ngực thì khả năng hình thành khối u ác tính ở đường hô hấp là điều có thể xảy ra.
Di truyền
Các nhà khoa học cho rằng những đột biến gen di truyền cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện các khối u ác tính. Nguy cơ này cao hơn ở những người nghiện thuốc lá hoặc tiếp xúc với các chất gây ra khối u ác tính khác.
Cho đến nay, yếu tố di truyền vẫn chưa được chứng minh là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư phổi, nhưng có thể một số đột biến gen có liên quan đến yếu tố gia đình.
nguyen-nhan-gay-ra-benh-ung-thu-phoi
Một số nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi
Triệu chứng (dấu hiệu nhận biết) bệnh ung thư phổi
Ho dai dẳng kéo dài, ho ra máu
Ho là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau. Ho thường do nguyên nhân các bệnh ở đường hô hấp: cảm lạnh, nhiễm khuẩn … và thường hết trong thời gian ngắn (1 – 2 tuần). Tuy nhiên, nếu ho dai dẳng, kéo dài không khỏi thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm ở phổi: viêm phổi, lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và thậm chí là cả ung thư phổi. Lúc này, cần đi khám phổi càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân gây ho bằng cách chụp X quang phổi và làm các xét nghiệm chuyên sâu khác.
Những người bị ho mạn tính (đặc biệt là người hút thuốc lá), nếu xuất hiện triệu chứng ho dai dẳng, ho ra máu kèm theo chất nhầy thì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phổi.
Đau tức ngực
Đau tức ngực cũng là một trong những triệu chứng của ung thư phổi. Đau tức ngực do ung thư phổi thường có đặc điểm: các cơn đau âm ỉ, dai dẳng, đau tăng lên mỗi khi ho, hắt hơi hoặc hít thở sâu. Chỗ bị đau thường tương ứng với vị trí của khối u. Đau khu trú ở một vùng nhất định hoặc lan ra toàn bộ khoang ngực. Ngoài đau ở vùng ngực, bệnh nhân cũng có thể đau lưng hoặc đau vai.
Nguyên nhân gây ra đau tức ngực trong bệnh ung thư phổi là do khối u xâm lấn thành ngực, chèn ép các cơ quan trong khoang ngực.
Khàn tiếng, mất tiếng trong thời gian dài, khó hồi phục.
Khàn tiếng thường là triệu chứng của một đợt cảm lạnh thông thường hoặc các bệnh ở đường hô hấp trên, triệu chứng này thường nhanh hết sau một thời gian ngắn. Nếu bạn bị khàn tiếng thường xuyên và kéo dài (trên 2 tuần) thì đó có thể là dấu hiệu bất thường cảnh báo các bệnh ở đường hô hấp, trong đó có những bệnh rất nghiêm trọng như: ung thư phổi, ung thư thanh quản.
Ung thư phổi có thể làm thay đổi giọng nói của bệnh nhân khiến giọng của họ khàn hơn hoặc trầm hơn so với trước đó. Nguyên nhân gây ra hiện tượng khàn tiếng là do khối u ở phổi trái hoặc hạch trung thất di căn chèn ép vào dây thần kinh thanh quản quặt ngược khiến giọng nói của người bệnh bị biến đổi. Khi tiến hành nội soi sẽ nhận thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.
Thở khò khè, khó thở
Khó thở là triệu chứng chung của các bệnh đường hô hấp như: hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi. Đa số các trường hợp khó thở thường mang tính chất lành tính, do viêm hoặc tắc nghẽn đường thở. Triệu chứng này thường không khó điều trị và cũng nhanh hết.
Khó thở cũng là một dấu hiệu thường gặp trong bệnh ung thư phổi. Triệu chứng này thường xuất hiện ở giai đoạn muộn. Khối u trong đường hô hấp tạo ra phản ứng viêm khiến lòng khí quản bị hẹp lại làm giảm thể tích thông khí của phổi. Khối hạch trung thất cũng có thể chèn ép vào đường thở gây ra hiện tượng khó thở khiến người bệnh thở khò khè, nặng nhọc.
Nếu bạn bị khó thở khi gắng sức hoặc làm những công việc thường ngày mà trước đây dễ dàng thực hiện như: đi bộ, leo cầu thang … thì hãy cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.
trieu-chung-cua-benh-ung-thu-phoi
Một số triệu chứng của bệnh ung thư phổi
Sút cân không rõ lý do
Sút cân là triệu chứng của các bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Nếu bạn bị sút cân nhanh (4 – 5 kg trong vòng 1 – 2 tháng) không rõ nguyên nhân thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi.
Khi bị ung thư, các khối u khiến cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể tăng lên một cách đột ngột. Các tế bào ung thư cần rất nhiều năng lượng để hoạt động nên chúng lấy từ nguồn dự trữ trong cơ thể khiến chúng ta bị kiệt quệ, người gầy sút mà không rõ lý do.
Đau đầu
Người bị ung thư phổi cũng có thể gặp triệu chứng đau đầu do khối u ở phổi chèn ép làm tăng áp lực ở tĩnh mạch chủ, đây là một tĩnh mạch lớn có vai trò vận chuyển máu từ các bộ phận phía trên cơ thể (chủ yếu là não) về tim. Tĩnh mạch này bị tắc làm cho máu bị dồn ứ lại khiến bệnh nhân đau đầu hoặc đau nửa đầu thường xuyên.
Triệu chứng này cũng là dấu hiệu cho thấy ung thư phổi đã di căn lên não.
Đau mỏi các cơ
Khi khối u ở phổi to dần, chúng sẽ chèn ép vào các dây thần kinh ở lưng, ngực, bụng, tay dẫn đến tình trạng đau nhức cơ ở các bộ phận này. Ngoài ra, khối u còn chèn vào các tĩnh mạch gây ra hiện tượng viêm, sưng, phù nề.
Đau vai gáy, đau các ngón tay
Đau vai cũng là một trong các triệu chứng của ung thư phổi do khối u ở phổi gây áp lực lên các dây thần kinh. Đau vai cũng là dấu hiệu cho thấy các tế bào ung thư phổi đã di căn vào xương gần vai. Trong trường hợp này, bệnh nhân không chỉ đau vai mà còn bị đau ở các vị trí khác như: lưng, cánh tay, các ngón tay, dễ bị gãy xương.
Triệu chứng đau vai cũng thường xảy ra ở những người có khối u ở đỉnh phổi. Đây là một dạng ung thư phát triển gần ở phần trên của phổi. Lúc này, khối u xâm nhập vào các mô gần vai gây ra triệu chứng đau vai lan xuống cánh tay. Loại ung thư phổi này rất khó phát hiện do không có các triệu chứng đặc trưng: ho dai dẳng kéo dài, ho ra máu, khó thở …
Trong ung thư phổi, đau vai thường có đặc điểm: cơn đau kéo dài (cả trong lúc nghỉ ngơi), đau nhiều hơn vào ban đêm. Đau lan tỏa từ cánh tay xuống bàn tay, kèm theo tê ngứa tay.
dau-vai-gay-mac-benh-ung-thu-phoi
Đau vai gáy cũng là một triệu chứng cần lưu ý trong bệnh ung thư phổi
Vú to bất thường ở nam giới
Khi bị ung thư phổi, ở nam giới thường có hiện tượng vú to bất thường. Điều này là do sự mất cân bằng giữa hai loại hormone giới tính trong cơ thể là estrogen và androgen dẫn đến bệnh phì đại tuyến vú
Những người có nguy cơ bị ung thư phổi?
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), một số người sau đây có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn những người khác và cần được tầm soát, khám sàng lọc định kỳ:
Người nghiện thuốc (bao gồm các loại thuốc: thuốc lá, thuốc lào, kể cả thuốc lá điện tử), đặc biệt những người hút thuốc trong thời gian dài (từ 20 năm trở lên)
Người hút thuốc với tần suất nhiều (trên 20 bao mỗi năm). Cách tính số lượng thuốc hút: số bao/năm = số bao thuốc trung bình mỗi ngày x số năm hút.
Ví dụ, mỗi ngày hút 1 bao trong thời gian 20 năm, quy đổi thành 20 bao/năm hoặc mỗi ngày hút 2 bao trong 10 năm tương ứng bằng 20 bao/năm.
Người đã và đang hút thuốc hoặc mới bỏ thuốc trong vòng 15 năm trở lại.
Người cao tuổi (đặc biệt là nam giới trong độ tuổi 50 – 80 tuổi)
Người cao tuổi (trên 50 tuổi), có tiền sử hút thuốc (trên 10 năm).
Người từng bị ung thư phổi đã điều trị bệnh được 5 năm trở lên (phòng nguy cơ tái phát bệnh)
Người làm việc trong môi trường độc hại, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi: (đầu bếp, công nhân xây dựng), tiếp xúc với hóa chất và các tia phóng xạ: amian, bụi phóng xạ, khói nhang
Người bị ung thư điều trị bằng phương pháp xạ trị hoặc người mắc các bệnh mạn tính ở phổi: lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Những người hút thuốc lá thụ động (tiếp xúc với khói thuốc của người hút): người thân (vợ, chồng, con cái), đồng nghiệp cùng cơ quan, văn phòng …
Người có thân nhân bị ung thư (có thể là ung thư phổi hoặc một loại ung thư khác) khởi phát trước năm 60 tuổi.
cach-phong-benh-ung-thu-phoi
Một số phương pháp phòng bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi là một bệnh lý rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao và khó phát hiện. Bệnh nhân thường phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc chữa trị thường tốn kém và hiệu quả không cao. Để phòng bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cao người dân nên tránh xa thuốc lá (bởi đây là yếu tố hàng đầu, là nguyên nhân gây ra 90% trường hợp ung thư phổi và trên 30% các loại ung thư khác). Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, cần có các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp tránh khỏi tác động của ô nhiễm môi trường (khói, bụi). Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý: ăn nhiều rau xanh, hoa quả, cân đối lượng đạm, mỡ. Tích cực tập luyện thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7