top

Danh mục sản phẩm

Bệnh suy thận là gì? Triệu chứng (dấu hiệu nhận biết) bệnh suy thận

05/02/2023 09:43
Bệnh suy thận là gì?
Triệu chứng (dấu hiệu nhận biết) bệnh suy thận
Thận là cơ quan thuộc hệ tiết niệu, mỗi người có hai quả thận nằm ở hai bên cột sống phía sau lưng (ngay trên vùng eo). Thận đảm nhận nhiều chức năng quan trọng để duy trì sự sống như: lọc máu (loại bỏ các chất độc hại và lượng nước dư thừa) ra khỏi cơ thể, điều hòa huyết áp (thông qua việc sản xuất hormone renin), tạo máu nhờ enzyme Erythropoietin (EPO) giúp tủy xương tạo hồng cầu, giữ cân bằng các chất điện giải (nhất là kali) – chất ảnh hưởng đến sự hoạt động của thần kinh, cơ và tim.
Bệnh suy thận là gì?
Suy thận là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm dẫn đến khả năng lọc máu và các chất thải của thận bị giảm hoặc mất hoàn toàn. Bệnh suy thận nói riêng và các bệnh lý về thận nói chung đều gây tổn thương các nephron (đơn vị cấu trúc thận).
benh-suy-than
Bệnh suy thận
Bệnh suy thận rất nguy hiểm, khi chức năng thận giảm đến 90%, nếu không được điều trị (bằng phương pháp chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận) thì bệnh nhân có thể bị tử vong hoặc đối mặt với các biến chứng nặng nề.
Có mấy loại suy thận? Bệnh suy thận có chữa được không?
Dựa theo thời gian mắc bệnh, người ta chia bệnh suy thận thành hai loại là suy thận cấp và suy thận mạn.
Suy thận cấp (hay còn gọi là tổn thương thận cấp) là suy thận diễn ra trong thời gian ngắn. Người bị suy thận cấp nếu được điều trị kịp thời, thích hợp, có thể phục hồi hoàn toàn (hoặc một phần) chức năng thận.
Suy thận mạn (thường gọi là bệnh thận mạn) là tình trạng thận mất chức năng đào thải các chất độc và dịch dư thừa ra khỏi cơ thể. Suy thận mạn là quá trình chức năng thận suy giảm một cách không hồi phục và là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính.
Các triệu chứng (dấu hiệu nhận biết) bệnh suy thận
1. Phù
Trong thực tế, phù là dấu hiệu của nhiều loại bệnh khác nhau: tiểu đường, tim mạch (suy tim sung huyết), bệnh gan – mật (xơ gan), dị ứng, suy giãn tĩnh mạch. Phù cũng là triệu chứng điển hình của các bệnh lý về thận trong đó có suy thận. Khi bị suy thận, chức năng thận của người bệnh bị suy giảm khiến cho khả năng lọc máu và loại bỏ chất thải bị giảm, điều này tăng áp lực lên mạch máu khiến cho dịch bị rò rỉ ra bên ngoài gây ra hiện tượng phù nề.
trieu-chung-phu-do-suy-than
Triệu chứng phù do suy thận
Dấu hiệu đặc trưng nhất của phù nề do các bệnh về thận (trong đó có suy thận) là phù đối xứng (tức là phù ở cả hai bên: hai chân, hai tay hoặc hai mí mắt). Hiện tượng phù thường bắt đầu ở mí mắt, sau đó lan xuống mặt và tay chân, cuối cùng sẽ phù toàn thân. Người bệnh thường bị phù nhiều vảo buổi sáng, tập trung nhiều nhất ở mắt và chân (mắt cá và bàn chân). Phù do bất thường ở thận thường có đặc điểm khu vực bị phù có màu trắng, mềm, khi dùng tay ấn vào thì bị lõm.
2. Tăng huyết áp
Bệnh suy thận và tăng huyết áp có mối liên hệ mật thiết, qua lại lẫn nhau. Huyết áp cao có thể gây ra suy thận và ngược lại, bệnh suy thận dẫn đến biến chứng tăng huyết áp. Vai trò quan trọng của thận là điều hòa huyết áp (nhờ hormone renin) và cân bằng các chất điện giải. Khi bị suy thận, chức năng điều hòa huyết áp cũng bị suy giảm theo khiến cho huyết áp tăng cao quá mức. Người bị cao huyết áp, nếu không được điều trị tốt sẽ đối mặt với nguy cơ bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ. 
Một số bệnh ở thận cũng làm tăng huyết áp như: hẹp động mạch thận, viêm cầu thận, viêm bể thận mạn tính, bệnh thận đa nang.
3. Đau vùng hông, thắt lưng
Như chúng ta đã biết, hai quả thận nằm đối xứng nhau ở hai bên cột sống thắt lưng. Khi bị suy thận, chức năng thận bị giảm gây ra tình trạng mất cân bằng dịch (muối và các chất điện giải) trong cơ thể, khiến dịch bị ứ đọng dẫn đến triệu chứng đau mỏi ngang thắt lưng. Đau lưng do bệnh thận có đặc điểm: đau hai bên hông lan xuống mông, hố chậu và bà chân. Đau lưng có thể kèm theo các triệu chứng khác như: sốt, đi tiểu rắt hoặc thấy rát, buốt.
Tình trạng đau lưng do vấn đề về thận biểu hiện rõ nhất ở vùng lưng dưới, các cơn đau thường lặp lại theo chu kỳ và đau dữ dội ở một bên.
4. Thay đổi thói quen đi tiểu
Nhiệm vụ chính của thận là lọc máu để loại bỏ các chất độc và dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua việc bài tiết nước tiểu. Vì vậy, khi chức năng thận bị suy giảm, người bệnh sẽ thay đổi thói quen đi tiểu: tiểu tiện nhiều lần, tiểu vào ban đêm, nước tiểu màu nhạt hoặc tối màu, có bọt, đi tiểu có cảm giác căng tức, khó khăn, có trường hợp đi tiểu ra máu.
Tiểu nhiều
Ở người khỏe mạnh, chức năng thận bình thường, lượng nước tiểu trung bình hàng ngày từ 1.5 – 3 lít chia thành nhiều lần trong đó 1 lần trước khi đi ngủ và 1 lần sau khi ngủ dậy. Nếu bạn đi tiểu nhiều lần (trên 8 lần mỗi ngày và hơn 2 lần/đêm) thì đó có thể là dấu hiệu suy giảm chức năng thận.
Sở dĩ người bị suy thận đi tiểu nhiều hơn người bình thường là do khả năng lọc máu và tái hấp thu nước của thận bị suy yếu nên lượng nước thải tăng lên khiến bệnh nhân muốn đi tiểu nhiều lần trong ngày. Tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi khi thận không còn khỏe mạnh.
Nước tiểu thay đổi
Khi bị suy thận, người bệnh sẽ có những thay đổi về nước tiểu như: có màu vàng đậm hoặc nhạt, nhiều bọt, một số trường hợp có thể đi tiểu ra máu nếu bị viêm đường tiết niệu.
di-tieu-bat-thuong-do-suy-than
Đi tiểu bất thường do suy thận
5.  Thiếu máu
Thận ngoài nhiệm vụ lọc máu, sản xuất nước tiểu, bài tiết các chất độc và chất thải ra khỏi cơ thể, còn có chức năng tạo máu. Thận sản xuất ra Erythropoietin - đây là một loại hormone có vai trò kích thích tủy xương sản xuất ra hồng cầu. Ở người bị suy thận, lượng Erythropoietin bị suy giảm dẫn đến thiếu hụt hồng cầu do hồng cầu không được biệt hóa (không chín) để trở thành hồng cầu trưởng thành gây ra tình trạng thiếu máu.
Bên cạnh nguyên nhân thiếu Erythropoietin, việc chạy thận nhân tạo cũng là yếu tố gây thiếu máu ở người suy thận mạn. Mỗi lần chạy thận, người bệnh sẽ bị thất thoát một lượng máu do máu phải luân chuyển qua hệ thống ống dẫn, thiết bị và máy móc.
Một yếu tố cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân suy thận là tình trạng ăn uống kém dẫn đến thiếu các nguyên tố cần thiết cho quá trình tạo máu: sắt, acid folic, vitamin B12.
thieu-mau-do-suy-than
Suy thận mạn gây thiếu máu
6. Mệt mỏi, chán ăn
Suy thận gây ra tình trạng thiếu máu do hormone erythropoietin bị giảm đi kéo theo lượng hồng cầu cũng bị giảm theo (erythropoietin kích thích tủy xương sản sinh ra hồng cầu). Điều này khiến cho đội ngũ hồng cầu vận chuyển oxy đến các cơ quan bị giảm, hậu quả là các tổ chức bị thiếu oxy (đặc biệt là não và các cơ) khiến người bệnh hay bị mệt.
Bệnh nhân suy thận thường có cảm giác chán ăn do chứng tăng ure huyết khiến người bệnh bị đầy bụng, chán ăn (ăn uống không ngon miệng) nhất là với các loại thức ăn có chứa nhiều đạm (protein): thịt; bệnh nhân còn hay bị tiêu chảy, viêm loét niêm mạc miệng, họng.
7. Buồn nôn, nôn
Những người bị suy thận, nhất là người bệnh phải chạy thận nhân tạo thường bị buồn nôn hoặc nôn. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do tình trạng tụt huyết áp. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như: mất cân bằng dịch, dịch lọc bị nhiễm bẩn, nồng độ các chất khoáng (natri, canxi) trong dịch lọc không thích hợp, phản ứng với màng lọc.
8. Rối loạn giấc ngủ
Người suy thận thường bị rối loạn giấc ngủ do phải thức dậy vào ban đêm để đi tiểu nhiều lần khiến bệnh nhân ngủ không sâu và không đủ giấc. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng đến tâm lý.
9. Hơi thở có mùi hôi
Thận có chức năng lọc máu để loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Khi bị suy thận, chức năng này sẽ giảm khiến khả năng lọc các chất thải bị ảnh hưởng. Điều này khiến cho các chất độc không được thải hết ra bên ngoài mà tích tụ lại trong cơ thể, ảnh hưởng đến các cơ quan (trong đó có hệ hô hấp). Lúc này hơi thở sẽ có mùi hôi tanh giống như mùi amoniac.
trieu-chung-cua-benh-suy-than
Một số triệu chứng của bệnh suy thận
Mặc dù hôi miệng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau như: nhiễm khuẩn đường hô hấp, khô miệng, sỏi amidan, trào ngược dạ dày thực quản, tiểu đường, ung thư dạ dày … Song đó cũng là dấu hiệu của suy thận, vì vậy nếu có triệu chứng trên, chúng ta cần để ý đến cơ thể vì đôi khi nó cũng phản ánh một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.
10. Ngứa người
Ngứa da cũng là triệu chứng hay gặp ở người bị suy thận mạn giai đoạn cuối (thường ở giai đoạn 4 và 5). Ở giai đoạn này, thận không đào thải hết các chất độc ra khỏi cơ thể khiến chúng bị tích tụ lại gây ra hiện tượng ngứa da. Ngứa có thể xuất hiện tại bất cứ bộ phận nào trên cơ thể hoặc xuất hiện cục bộ tại một vài vị trí như: mặt, tay chân, ngực. Một số trường hợp ngứa khắp cơ thể còn gọi là ngứa phát ban, ngứa thường xảy ra ở những người có cơ địa da khô. Thoạt đầu, người bệnh xuất hiện những mụn nhỏ có hình vòm và rất ngứa, có cảm giác giống như kiến bò trên da, làn da thô ráp, đóng vảy gây nứt nẻ, rất khó chịu.
Tình trạng ngứa da còn gặp ở những người chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có thể bị ngứa đồng thời cả hai bên cơ thể, ngứa xảy ra nhiều vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ và mệt mỏi. Ngứa quá có thể khiến bệnh nhân không kiềm chế được, gãi mạnh gây chảy máu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trên da.
11. Chuột rút, co giật cơ bắp
Trong thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng chuột rút: thiếu canxi, magie, kali, mất cân bằng các chất điện giải, vận động quá sức, sự thoái hóa của hệ thần kinh – cơ, lo lắng, căng thẳng, trong đó suy thận cũng là một nguyên nhân. Hiện tượng chuột rút thường xảy ra ở những người chạy thận nhân tạo.
Đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra chuột rút ở những người suy thận vẫn chưa được biết chính xác, song một số yếu tố thuận lợi dẫn đến chuột rút như: huyết áp tụt, dịch lọc (máu) có nồng độ natri thấp, tốc độ lọc cao, giảm thể tích …
Các yếu tố trên gây co mạch máu khiến cho việc tưới máu đến các cơ bị giảm, rối loạn thư giãn cơ dẫn đến chuột rút. Tình trạng chuột rút thường kéo dài dai dẳng và có liên quan đến tụt huyết áp, thường gặp ở tháng đầu hơn so với các tháng sau của giai đoạn chạy thận. Ngoài huyết áp thì việc hạ canxi và magie huyết cũng là yếu tố gây ra chuột rút, đặc biệt là vấn đề hạ kali máu trước khi chạy thận nhân tạo khiến cho tình trạng chuột rút nặng thêm.
nhung-nguoi-nguy-co-cao-bi-suy-than
Những người có nguy cơ bị suy thận
Suy thận là căn bệnh nghiêm trọng nhưng lại khó phát hiện do diễn biến âm thầm, người bệnh thường phát hiện ra ở giai đoạn muộn. Vì vậy mỗi người cần chủ động khám sức khỏe định kỳ để tìm ra bệnh, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như: người già (từ 65 tuổi trở lên), tiền sử gia đình có người bị bệnh thận, người bị cao huyết áp, đái tháo đường, mắc bệnh tim mạch, người bị mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7