top

Danh mục sản phẩm

Bệnh sốt xuất huyết là gì? Sốt xuất huyết có nguy hiểm không? Các giai đoạn và triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.

11/10/2023 20:44
Bệnh sốt xuất huyết là gì? Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Các giai đoạn và triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biễn hết sức phức tạp ở nước ta. Chỉ tính riêng trong tháng 09/2023 tại Hà Nội đã có 15.354 người bị sốt xuất huyết, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 6 ca tử vong. Đáng chú ý, trong những nạn nhân tử vong do sốt xuất huyết đa phần là người trẻ tuổi (30 – 35 tuổi), có người mới 22 tuổi và không có bệnh nền. Đặc điểm chung của những bệnh nhân này là họ đến viện quá muộn với những triệu chứng điển hình: sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, chán ăn, chảy máu … Nhiều bệnh nhân bị sốc, mặc dù được cấp cứu bằng các kỹ thuật hiện đại (lọc máu, thở máy) nhưng đều không qua khỏi.
Vậy bệnh sốt xuất huyết là gì? Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào? Khi bị sốt xuất huyết cần lưu ý điều gì?
1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết hay còn gọi là sốt Đăng Gi (Dengue) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus (siêu vi trùng) có tên là Dengue gây ra. Bệnh thường gặp ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sốt xuất huyết diễn ra quanh năm, nhưng thường gặp nhất là vào mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 10) hàng năm, bệnh rất dễ bùng phát thành dịch.
benh-sot-xuat-huyet-la-gi
Bệnh sốt xuất huyết
2. Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue (một loại virus thuộc họ Flaviviridae, chi Flavivirus) gây ra. Virus này gây bệnh cho người thông qua vật chủ trung gian là muỗi vằn Aedes aegypti (một loại muỗi có nguồn gốc từ châu Phi, thuộc chi Aedes). Loại muỗi này hút máu bệnh nhân bị nhiễm virus Dengue, sau khi vào cơ thể muỗi chúng ủ bệnh trong khoảng thời gian từ 8 – 11 ngày rồi phát bệnh. Trong khoảng thời gian sống còn lại, muỗi có khả năng truyền bệnh cho người nếu bị đốt. Khi một người bị sốt xuất huyết, virus Dengue sẽ tồn tại trong máu từ 2 – 7 ngày. Trong thời gian này, nếu muỗi Aedes hút máu người bệnh thì virus lại được truyền cho muỗi và tạo ra chu trình lây nhiễm mới.
muoi-van-gay-benh-sot-xuat-huyet
Muỗi vằn Aedes aegypti
Một điều thú vị là loài muỗi Aedes aegypti thường hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt và truyền bệnh cho người, loại muỗi này sinh sản bằng cách đẻ trứng trong các vũng nước mưa. Vì vậy để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần loại bỏ các vật dụng chứa nước: chum, vại, xô, chậu, chai, lọ, vỏ lốp xe …
Có 4 chủng virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, được đặt tên theo kháng nguyên là DEN – 1, DEN – 2, DEN – 3, DEN – 4. Người mắc sốt xuất huyết do chủng nào thì sau khi khỏi bệnh chỉ có miễn dịch (suốt đời) đối với chủng đó. Vì vậy nên một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời.
3. Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Sốc sốt xuất huyết (sốc dengue) được coi là biến chứng nặng nhất. Khi bị sốt xuất huyết thể này, bệnh nhân thường bị giảm thể tích máu (máu bị cô đặc) do tăng tính thấm thành mạch dẫn đến sốc, nguy kịch. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa để qua cơn nguy hiểm, tránh các để lại các di chứng về sau.
benh-sot-xuat-huyet-co-nguy-hiem-khong
Các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết
Theo các nhà nghiên cứu: một số yếu tố nguy cơ khiến bệnh sốt xuất huyết tăng nặng là: trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ và người da trắng (Caucasian), đặc biệt là người đã từng mắc sốt xuất huyết trước đó (người đã có kháng thể với virus Dengue nhưng lại mắc một chủng virus khác). Thực tế cho thấy, các trường hợp bị sốt xuất huyết nặng thường rơi vào những người đã từng bị bệnh trong quá khứ, nay lại bị nhiễm một loại huyết thanh của chủng virus mới. Điều này gây ra hiện tượng miễn dịch tăng cường bệnh. Tức là sau khi bị nhiễm bệnh, các kháng thể được tạo ra trong máu người bệnh kết hợp với các kháng nguyên gây bệnh tạo ra phức hợp kháng nguyên – kháng thể. Phức hợp này gây hoạt hóa hệ thống bổ thể và làm giải phóng các chất hoạt mạch làm tăng tính thấm mao mạch của huyết tương. Mặt khác, quá trình cơ thể đào thải miễn dịch của các tế bào nhiễm virus cũng góp phần làm tăng tính thấm của mạch máu khiến huyết tương bị thoát ra ngoài nhiều hơn.
4. Phân loại sốt xuất huyết
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại bệnh sốt xuất huyết thành 4 độ khác nhau (tùy theo mức độ nặng, nhẹ)
Độ 1: bệnh nhân bị giảm tiểu cầu và cô đặc máu nhưng không có hiện tượng chảy máu tự phát.
Độ 2: bệnh nhân bị giảm tiểu cầu và cô đặc máu kèm theo hiện tượng chảy máu tự phát.
Độ 3: người bệnh bị giảm tiểu cầu, cô đặc máu, huyết áp không ổn định, chân tay lạnh, tinh thần lú lẫn.
Độ 4: người bệnh bị giảm tiểu cầu và cô đặc máu, kèm theo triệu chứng sốc (sốc Dengue): huyết áp về 0, không có mạch.
Khi bị sốc do sốt xuất huyết, bệnh nhân cần được điều trị thoát sốc thì mới qua cơn nguy hiểm, bệnh nhanh hồi phục và hiếm khi để lại di chứng.
phan-loai-sot-xuat-huyet
Các mức độ sốt xuất huyết
5. Các giai đoạn của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết thường diễn ra trong 7 ngày và được chia thành 3 giai đoạn
Giai đoạn sốt
Giai đoạn sốt thường diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 1 đến ngày 3). Trong giai đoạn này người bệnh có thể chỉ bị sốt nhẹ hoặc sốt cao đột ngột (39 – 40℃), uống thuốc hạ sốt không đỡ, kèm theo các triệu chứng: nhức đầu, đau mình mẩy, mỏi cơ, chán ăn, buồn nôn.
Giai đoạn hết sốt
Giai đoạn hết sốt thường rơi vào ngày 3 đến ngày 6 (phổ biến nhất là ngày 4 – 5)
Triệu chứng sốt giảm hoặc hết hẳn, đa số người bệnh cảm thấy người dễ chịu hơn, hiện tượng đau nhức cũng giảm.
Trong giai đoạn này, có khoảng 10 – 20% trường hợp có thể bị sốc sốt xuất huyết, nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, có thể dẫn đến tử vong. Người bị sốc Dengue thấy hết sốt nhưng người rất mệt mỏi, chân tay lạnh, đau tức vùng bụng bên phải, buồn nôn hoặc nôn ra máu, xuất huyết: chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi vệ sinh ra máu.
Giai đoạn hồi phục (thường rơi vào ngày 6 – 7)
Nếu không bị sốc trước đó, người bệnh sẽ hết sốt hẳn, không còn thấy mệt và đau bụng, ăn uống ngon miệng hơn, trên da có thể còn ngứa và nổi các mảng đỏ phục hồi. Khi qua được ngày thứ bảy, bệnh nhân sẽ thấy ổn hơn.
cac-giai-doan-trong-sot-xuat-huyet
Các giai đoạn của sốt xuất huyết
Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, trong bệnh sốt xuất huyết giai đoạn hết sốt (ngày 3 – 6) là thời điểm nguy hiểm nhất. Ở giai đoạn đầu tiên, khi virus Dengue xâm nhập vào cơ thể gây ra triệu chứng sốt, lúc này hệ miễn dịch sẽ sinh ra các thể chống lại virus khiến virus bị tiêu diệt và số lượng giảm dần trong máu, cơ thể sẽ hạ sốt.
Sau khi hết sốt, có hai trường hợp xảy ra
- Trường hợp 1: cơ thể tạo ra kháng thể trung hòa
Đây là loại kháng thể có lợi cho cơ thể. Kháng thể này trung hòa các virus gây bệnh, người bệnh hết sốt hoàn toàn, cơ thể hồi phục dần, người tỉnh táo, ăn uống được.
- Trường hợp 2: cơ thể tạo ra kháng thể tăng cường miễn dịch
Đây là các kháng thể có hại cho cơ thể, sau khi hệ miễn dịch sinh ra các kháng thể này, chúng sẽ kết hợp với các kháng nguyên của virus tạo thành phức hợp kháng nguyên – kháng thể. Phức hợp này tác động và gây hại cho thành mạch máu: tăng tính thấm thành mạch và tổn thương tế bào nội mạc. Điều này gây ra hiện tượng huyết tương thoát từ trong mạch máu ra bên ngoài (thoát huyết tương) dẫn đến tràn dịch màng phổi, suy hô hấp.
Nếu huyết tương bị thoát quá nhiều, người bệnh sẽ bị cô đặc máu, sốc với các biểu hiện: người li bì, vật vã, chân tay lạnh, mạch chậm, huyết áp tụt. Khi bị sốc, nếu không được chống sốc kịp thời và tích cực, bệnh nhân sẽ bị rối loạn đông máu trầm trọng, việc tưới máu tới các cơ quan giảm mạnh dẫn đến tổn thương các cơ quan nội tạng: gan, thận, phổi, não, nguy cơ tử vong cao.
6. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Tùy thuộc vào từng giai đoạn và mức độ (nặng/nhẹ) của bệnh mà các triệu chứng của sốt xuất huyết sẽ khác nhau
Thời gian ủ bệnh: thường kéo dài từ 3 – 6 ngày, có trường hợp kéo dài tới 15 ngày.
Sốt xuất huyết thể nhẹ (sốt Dengue)
Triệu chứng chủ yếu là sốt cao đột ngột (39 – 40℃), khó hạ sốt, sốt thường kéo dài 4 – 7 ngày, người mỏi rũ rượi, đau đầu dữ dội (vùng trán), đau sau hai hốc mắt, đau nhức các cơ và các khớp, có thể kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn, đau vùng bụng trên (thượng vị), tiêu chảy, nổi mẩn đỏ, phát ban.
trieu-chung-cua-benh-sot-xuat-huyet
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Ở trẻ em, triệu chứng nổi bật nhất là đau họng và đau bụng. Bệnh nhân sẽ hạ sốt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8, sau đó là triệu chứng xuất huyết nhẹ: xuất hiện các chấm, nốt xuất huyết dưới da, chảy máu mũi. Sau khi hạ sốt, trên da thường xuất hiện ban (dạng dát sần với nhiều hình thái khác nhau), có khi gây ngứa. Đầu tiên ban mọc ở thân mình rồi lan rộng theo hướng ly tâm lên mặt, đến các chi, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Trong một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Sốt xuất huyết thể nặng (sốt xuất huyết Dengue)
Người bệnh có triệu chứng xuất huyết nặng, toàn thân: chấm xuất huyết trên da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đại tiện phân đen, trên người xuất hiện nhiều nốt bầm tím. Người bị sốt xuất huyết nặng thường có các dấu hiệu cảnh báo như: người mệt mỏi, li bì, hốt hoảng, vật vã, tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều. Bệnh nhân nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Thống kê cho thấy có khoảng 10 – 20% bệnh nhân sốt xuất huyết có nguy cơ tiến triển thành nặng.
dau-hieu-bi-sot-xuat-huyet-nang
Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng
Một số trường hợp, bệnh nhân bị sốc Dengue – đây là thể nghiêm trọng nhất đối với người bệnh sốt xuất huyết. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có thể bị nguy kịch (do suy đa tạng) sau 24 – 48 giờ và tử vong sau đó.
Sốc sốt xuất huyết là tình trạng sốc do giảm thể tích máu xuất phát từ nguyên nhân tăng tính thấm thành mạch máu làm thoát huyết tương ra bên ngoài.
Sốc sốt xuất huyết làm giảm số lượng tiểu cầu, gây chảy máu các cơ quan. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân chỉ bị xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Trường hợp nặng, người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa: nôn ra máu, đi ngoài phân đen, hoặc xuất huyết nội tạng.
7. Cần làm xét nghiệm gì để biết mình có bị sốt xuất huyết hay không?
Để chẩn đoán sốt xuất huyết, các bác sĩ thường chỉ định cho người dân thực hiện test Dengue NS1Ag hoặc xét nghiệm kháng thể IgM. 
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần làm xét nghiệm máu (công thức máu) thường xuyên, lưu ý hai chỉ số quan trọng sau:
- Số lượng tiểu cầu (giá trị bình thường là 150 – 450 G/L)
- Hematocrit (chỉ số bình thường là 0.40 – 0.45). Thông số này cần được theo dõi hàng ngày.
Hematocrit là chỉ số phản ánh khối lượng thể tích các thành phần tế bào trong máu (gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu).
Nếu chỉ số này tăng, điều này phản ánh có hiện tượng thoát huyết tương khỏi lòng mạch, máu bị cô đặc. Người bệnh cần phải được truyền dịch, uống nhiều nước. Nếu không, bệnh nhân sẽ bị tụt huyết áp, sốc do giảm thể tích máu.
can-phai-lam-gi-khi-bi-sot-xuat-huyet
Những lưu ý quan trọng khi bị sốt xuất huyết
Theo PGS. TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai): Không phải cứ bị sốt xuất huyết là phải truyền máu hay truyền tiểu cầu. Tiểu cầu chỉ là một yếu tố tiên lượng tình trạng bệnh, không phải là thông số đánh giá mức độ nặng/nhẹ của bệnh. Bộ Y Tế đã hướng dẫn: khi bệnh nhân có chỉ số tiểu cầu < 5 G/L hoặc < 10 G/L kèm theo triệu chứng xuất huyết thì mới cần truyền tiểu cầu. Nhiều trường hợp, bệnh nhân có chỉ số tiểu cầu thấp (< 20 G/L), nhưng không bị xuất huyết thì cũng chưa cần truyền tiểu cầu.
Cũng theo chuyên gia này, nhiều người chỉ chú ý đến tình trạng sốt, xuất huyết mà quên mất hoặc không để ý đến tình trạng thoát huyết tương ra khỏi mạch máu. Điều này dẫn đến một số trường hợp bị sốc do rối loạn đông máu, máu bị cô đặc, suy đa phủ tạng khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân này cũng cao hơn so với những người chỉ bị hạ tiểu cầu đơn thuần.
Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 10% số ca sốt xuất huyết chuyển thành nặng, tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan với căn bệnh này. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm và điều trị theo phác đồ của Bộ Y Tế để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chúng ta cần phun thuốc muỗi, tránh để nước đọng ở những nơi muỗi thường đẻ trứng: chum, vại … Khi ngủ, cần mắc màn để tránh bị muỗi đốt, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7