top

Danh mục sản phẩm

Bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg Ở Châu Phi nguy hiểm như thế nào? Triệu chứng và cách phòng bệnh do virus Marburg

23/03/2023 10:19
Bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg Ở Châu Phi nguy hiểm như thế nào?
Triệu chứng và cách phòng bệnh do virus Marburg
Ngày 13/02/2023, Guinea Xích đạo – một đất nước nhỏ bé ở Trung Phi đã thông báo về đợt bùng phát dịch bệnh do virus Marburg gây ra tại tỉnh Kie – Ntem của nước này khiến 9 người tử vong và 16 khác nghi ngờ nhiễm bệnh hiện đang được cách ly và theo dõi.
Lo ngại sự lây lan dịch bệnh, một số nước láng giềng như Gabon và Cameroon đã khuyến cáo công dân hạn chế di chuyển đến Guinea Xích đạo.
Trước diễn biến của dịch, Tổ chức Y tế Thế giới đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận các biện pháp phòng chống dịch, nghiên cứu sản xuất vắc xin và phương pháp điều trị bệnh.
Virus Marburg là gì?
Marburgvirus hiếm gặp thuộc họ filovirus, đây là loại cùng nhóm với virus gây bệnh Ebola. Loại virus được xác định lần đầu tiên vào năm 1967 tại một phòng thí nghiệm ở Marburg (Đức) và Belgrade (Nam Tư cũ, ngày nay là Serbia). Khi đó, trong quá trình nghiên cứu trên khỉ bị bệnh, có 31 người tiếp xúc với virus và 7 người trong số này đã thiệt mạng.
virus-marburg-gay-benh-sot-xuat-huyet 
Virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết
Cũng giống như virus Ebola, virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết (sốt xuất huyết Marburg). Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường sốt cao đột ngộtchảy máu ở nhiều bộ phận trong cơ thể dẫn đến sốc, suy đa tạng và tử vong nhanh.
Theo Trung tâm phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vật chủ chứa virus Marburgloài dơi ăn quả ở châu Phi có tên là Roussetus aegyptiacus. Đây là loài dơi thường sống trong hang động hoặc ở các hầm mỏ.
Bệnh do virus Marburg có nguy hiểm không?
Marburg là loại virus rất nguy hiểm, theo CDC Mỹ, tỷ lệ tử vong của bệnh do virus này rất cao (từ 23% – 88%). Năm 2004 tại Angola, trong một đợt bùng phát dịch, virus Marburg đã khiến 90% số bệnh nhân tử vong (trong số 252 người mắc bệnh). Tại Ghana, năm 2022 cũng ghi nhận 2 ca bệnh tử vong do loại virus này.
Đa số các trường hợp tử vong sau khi mắc bệnh hơn một tuần, các ca bệnh tử vong thường kèm theo tình trạng sốc cùng với mất máu nghiêm trọng.
Virus Marburg là loài có độc tính rất cao, xét về độc lực thì loại virus ngày gần như không có đối thủ. Nếu các loại virus khác cùng gây sốt xuất huyết như Dengue, Zika cũng thuộc họ Flaviviridae chỉ thuộc nhóm 2 (gây triệu chứng không quá nghiêm trọng, có thể phòng ngừa và điều trị) thì virus Marburg được xếp vào nhóm 4 (nhóm nguy cơ rất cao).
benh-sot-xuat-huyet-do-virus-marburg
Bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg
Bệnh do virus Marburg lây qua đường nào?
Theo Tiến sĩ Matshidiso Moeti – Giám đốc WHO tại châu Phivirus Marburg rất dễ lây lan. Loại virus này có thể lây từ động vật sang người hoặc giữa người với người qua đường máu hoặc tiếp xúc gần: dịch tiết (nước bọt, nước tiểu, mồ hôi, chất nôn, phân), nước ối của sản phụ, sữa mẹ, tinh dịch, hoặc vật dụng cá nhân của người bệnh: bơm kim tiêm, quần áo, ga trải giường.
Các con đường lây nhiễm của virus Marburg
Lây qua tiếp xúc
Con người có thể bị lây bệnh từ động vật nếu tiếp xúc với phân hoặc dịch tiết của loài dơi Rousettus trong hầm mỏ mắc bệnh. 
Virus Marburg cũng lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu (trầy xước da hay niêm mạc) hoặc dịch tiết khi ho hoặc hắt hơi. Bệnh cũng lây qua tiếp xúc gián tiếp với bề mặt hoặc vật dụng cá nhân của người bệnh hoặc thực phẩm bị nhiễm virus.
Lây qua đường tình dục
Virus Marburg có thể lây qua đường tình dục nếu tiếp xúc với tinh dịch của bệnh nhân mà không sử dụng các dụng cụ bảo vệ (bao cao su) hoặc các biện pháp quan hệ tình dục không an toàn: quan hệ bằng miệng hoặc hậu môn.
Lây truyền từ mẹ sang con
Virus Marburg cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai (virus tồn tại trong nước ối). Ngoài ra, virus còn tồn tại trong sữa mẹ, nếu phụ nữ bị nhiễm Marburg mà cho con bú thì có thể truyền bệnh cho thai nhi.
benh-marburg-lay-qua-duong-nao
Các con đường lây truyền của virus Marburg
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus Marburg có thời gian ủ bệnh từ 2 ngày đến 3 tuần.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh. Vài ngày sau, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, đau ngực, đau bụng (có thể kéo dài đến một tuần), vàng mắt. Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng rất giống với bệnh Ebola và sốt rét nên rất khó phân biệt.
WHO thông tin thêm, đối với các trường hợp bệnh nặng, có thể kèm theo tình trạng xuất huyết trong tuần đầu tiên. Bệnh nhân bị nôn ra máu hoặc chảy máu khi đi vệ sinh. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị chảy máu mũi, ở nướu răng và cơ quan sinh dục. Virus có thể tấn công hệ thần kinh khiến người bệnh bị lú lẫn, kích thích, dễ cáu gắt và tính tình hung dữ. Bệnh nhân có các biểu hiện bất thường rất “giống ma” như: gương mặt thất thần vô cảm, đôi mắt trũng, thâm quầng. Các trường hợp nặng, người bệnh bị xuất huyết nhiều dẫn đến mê sảng, rối loạn đông máu, sốc, suy gan hoặc suy đa tạng có thể dẫn đến tử vong.
Tình trạng xuất huyết có thể xảy ra trong 7 ngày đầu, nguy cơ xuất huyết ở nhiều cơ quan khác nhau và đây chính là nguyên nhân gây tử vong.
Xuất huyết tiêu hóa: nôn ra máu, đi tiểu ra máu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng. Xuất huyết âm đạo.
15 ngày tiếp theo, bệnh nhân có thể phát ban: xuất hiện các nốt sẩn hồng trên thân người: lưng, ngực, bụng. Trong giai đoạn này cũng có thể xuất hiện tình trạng viêm tinh hoàn.
Cần lưu ý các triệu chứng báo hiệu tình trạng bệnh nặng: vàng da, suy gan, viêm tụy, xuất huyết nặng, suy đa tạng.
cac-trieu-chung-cua-benh-do-virus-marburg
Các triệu chứng của bệnh Marburg
 
Chẩn đoán người bị nhiễm virus Marburg
Người nghi nhiễm virus Marburg, trong giai đoạn đầu có thể được chẩn đoán thông qua dịch mũi họng hoặc xét nghiệm dịch não tủy, xét nghiệm máu hoặc nước tiểu.
Một số phương pháp được sử dụng trong xét nghiệm virus Marburg như:
Xét nghiệm miễn dịch enzyme liên kết (xét nghiệm ELISA)
Xét nghiệm sinh học phân tử Realtime PCR (xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược)
Xét nghiệm kháng khuyên.
Xét nghiệm trung hòa huyết thanh
Phân lập virus bằng phương pháp nuôi cấy tế bào.
chan-doan-benh-marburg
Các phương pháp chẩn đoán bệnh Marburg
 Phương pháp điều trị bệnh do virus Marburg
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc hiệu hoặc phương pháp điều trị cụ thể bệnh Marburg. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: một số biện pháp có thể nâng cao khả năng sống sốt của bệnh nhân: phát hiện ca bệnh sớm, tiến hành các biện pháp chăm sóc hỗ trợ, bù nước và các chất điện giải, duy trì lượng oxy và tình trạng huyết áp, xử lý các yếu tố đông máu và giải quyết tình trạng xuất huyết. Cũng theo WHO, có một số phương pháp điều trị bằng thuốc và liệu pháp máu điều trị bệnh đang được nghiên cứu phát triển. 
phuong-phap-dieu-tri-benh-marburg
Phương pháp điều trị bệnh Marburg
Theo PGS. TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai: Để chẩn đoán một người bị nhiễm virus Marburg, các bác sĩ thường dựa vào xét nghiệm ELISART - PCR trong phòng thí nghiệm.
Cũng theo vị chuyên gia này, người mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg phải được cách ly nghiêm ngặt. Các biện pháp điều trị chủ yếu là bổ sung nước và các chất điện giải, chống xuất huyết, truyền máu. Những trường hợp nặng được cho thở oxy và hồi sức tích cực chống suy đa tạng. 
Đã có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg chưa?
Hiện nay, vẫn chưa có loại vắc xin nào được chấp thuận để sử dụng trong việc phòng bệnh do virus Marburg. Các loại vắc xin mới được thử nghiệm trên động vật. Đã có 3 công ty là: Janssen Pharma, Public Health Vaccines và Sabin Vaccine, Institue đăng ký cung cấp các liều vắc xin thử nghiệm cho Guinea Xích đạo.
Trong 3 công ty trên thì hai vắc xin của Janssen và Sabin đã trải qua giai đoạn 1 của quá trình thử nghiệm lâm sàng. Riêng vắc xin của Public Health đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người do được xác định là có khả năng bảo vệ khỉ chống lại virus Marburg.
Phương pháp phòng bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg
Do đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để ngăn ngừa sự lây lan bệnh từ người sang người và sự lây nhiễm từ vật chủ hoặc động vật bệnh sang người.
Các phương pháp phòng bệnh:
Tránh du lịch đến châu Phi và tránh tiếp xúc với những người về từ vùng dịch.
Tránh tiếp xúc với dơi hoặc ăn thịt các loài động vật hoang dã: linh dương, khỉ, các loại thú gặm nhấm.
Nấu chín các loại thực phẩm trước khi ăn (nhất là thịt).
Phát hiện sớm những người mắc bệnh và cách ly kịp thời các bệnh nhân này.
Truy vết nhanh chóng và giám sát chặt những người tiếp xúc với người bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Nếu phải tiếp xúc với người bệnh, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ: mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang. Thận trọng khi tiếp xúc với chất thải của bệnh nhân: máu, nước bọt, nước tiểu, phân, dịch nôn và các vật dụng cá nhân của người bệnh.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn.
Lựa chọn các biện pháp quan hệ tình dục an toàn. WHO khuyến cáo nam giới sau khi khỏi bệnh cần kiêng quan hệ trong 12 tháng hoặc sau khi xét nghiệm tinh dịch có kết quả âm tính 2 lần khác nhau.
cach-phong-benh-marburg
Các biện pháp phòng bệnh Marburg
Mặc dù đến nay bệnh do virus Marburg chưa xuất hiện ở nước ta nhưng người dân không được chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này. Mọi người cần tuân theo các khuyến cáo của cơ quan y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7