top

Danh mục sản phẩm

Bệnh máu trắng là gì? Bệnh máu trắng có nguy hiểm không? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh máu trắng

21/10/2023 22:14
Bệnh máu trắng là gì? Bệnh máu trắng có nguy hiểm không?
Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh máu trắng
A. Bệnh máu trắng là gì?
Bệnh máu trắng là tên thường gọi của bệnh bạch cầu cấp, trong y khoa gọi là bệnh Leukemia (Lơ – xê – mi). Đây là tên gọi chung của một nhóm các bệnh máu ác tính. Bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều hơn so với người lớn.
Bệnh máu trắng hay còn gọi là ung thư máu là bệnh lý của hệ tạo máu. Căn bệnh này bắt nguồn từ sự tăng sinh của tế bào blast – đây là một loại tế bào non (chưa trưởng thành) trong tủy xương.
benh-mau-trang-ung-thu-mau
Bệnh máu trắng (ung thư máu)
Trong máu có chứa các thành phần tế bào là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Bạch cầu (các tế bào máu trắng) có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại các nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây bệnh). Các tế bào bạch cầu do tủy xương sản sinh ra, thông thường chúng được phân chia một cách có trật tự và theo quy luật. Tuy nhiên, khi bị bệnh máu trắng, cơ thể (cụ thể là tủy xương) tạo ra quá nhiều tế bào bạch cầu. Lúc này, chúng hoạt động không đúng chức năng gây ra nhiều vấn đề bất thường cho người bệnh như:
Ảnh hưởng (ức chế) khả năng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu của tủy xương.
Khi tế bào bạch cầu tăng lên bất thường, chúng sẽ cạnh tranh trực tiếp về dinh dưỡng và không gian sống với hồng cầu và tiểu cầu.
Với hồng cầu – loại tế bào máu có vai trò chính là vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các mô. Khi mắc bệnh máu trắng, bệnh nhân thường bị giảm hồng cầu dẫn đến các triệu chứng thiếu máu: mệt mỏi, khó thở, da xanh xao, người gầy yếu, sút cân …
Với tiểu cầu – loại tế bào máu đảm nhận chức năng đông máu của cơ thể. Khi bị bệnh máu trắng, người bệnh thường bị giảm tiểu cầu dẫn đến rối loạn đông máu: xuất huyết, khó cầm máu.
Các tế bào blast xâm nhập vào các cơ quan
B. Bệnh máu trắng có mấy loại?
Có hai cách phân loại bệnh máu trắng
Cách 1: dựa vào tốc độ phát triển, người ta chia bệnh máu trắng thành hai loại:
Bệnh bạch cầu tủy cấp tính (AML)
Bệnh bạch cầu tủy mạn tính (CML)
Cách 2: dựa vào loại tế bào mắc bệnh, người ta chia bệnh máu trắng thành hai loại:
Bệnh bạch cầu dòng tủy (ALL)
Bệnh bạch cầu dòng lympho (CLL)
co-may-loai-benh-mau-trang
Phân loại bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu dòng tủy
Bệnh bạch cầu dòng tủy xuất hiện do các tế bào dòng bạch cầu hạt mà không phải dòng bạch cầu lympho bị ung thư hóa dẫn đến tổn thương. Người ta chia thể bệnh này thành 8 loại khác nhau (từ M0 đến M7) dựa vào sự phát triển của tế bào ung thư máu.
Bệnh bạch cầu dòng lympho
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho xảy ra do sự tăng sinh ác tính của các tế bào lympho còn non trong tủy xương. Bệnh này ảnh hưởng đến các tế bào lympho hình thành nên mô bạch huyết mà mô bạch huyết thành phần chính tạo ra hệ thống miễn dịch. Nói cách khác, bệnh bạch cầu cấp dòng lympho ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng. Khi bị bệnh này sẽ dẫn đến ức chế sự tạo máu bình thường và thâm nhiễm các cơ quan bên ngoài tủy xương. Đây là bệnh lý ác tính, nếu không được điều trị sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho thường gặp ở trẻ nhỏ nhiều hơn so với người lớn (trên 65 tuổi), thể này chiếm tới 75% các bệnh bạch cầu ở trẻ em. Lứa tuổi hay bị mắc bệnh nhất là 3 - 5 tuổi, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở trẻ em cũng cao hơn người lớn (> 85%).
Khi bị bạch cầu cấp dòng lympho, người bệnh thường có các triệu chứng: mệt mỏi, xanh xao, đau xương khớp, hay bị nhiễm trùng và bầm tím.
Bạch cầu cấp dòng lympho gồm 3 thể khác nhauL1, L2L3.
1. Bệnh bạch cầu tủy cấp tính
Bệnh bạch cầu tủy cấp tính xảy ra do ADN của các tế bào bình thường (đang phát triển) trong tủy xương bị phá hủy dẫn đến những bất thường trong quá trình sản xuất tế bào máu. Cụ thể là tủy xương tạo ra nhiều tế bào máu non (tế bào máu chưa trưởng thành) myeloblasts, các tế bào này phát triển một cách không bình thường, tích tụ lại, lấn át hoạt động của các tế bào máu khỏe mạnh khác. Khi cơ thể có quá nhiều tế bào tủy xương chưa trưởng thành, chúng không thể đảm nhận được chức năng bình thường dẫn đến một số hậu quả như:
- Thiếu máu (do lượng hồng cầu thấp)
- Thiếu bạch cầu (lượng bạch cầu trung tính giảm): người bệnh dễ bị nhiễm trùng: sốt, ho, nhiều đờm dãi.
- Thiếu tiểu cầu (lượng tiểu cầu giảm): dễ bị chảy máubầm tím trên da.
cac-loai-bach-cau-cap-dong-tuy-aml
Các loại bạch cầu cấp dòng tủy
Bạch cầu cấp dòng tủy có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở người lớn (tuổi trung bình: 63 tuổi). Thống kê cho thấy bạch cầu cấp dòng tủy chiếm tới 80% bạch cầu cấp ở người lớn, nam bị nhiều hơn nữ. 
Bệnh diễn tiến rất nhanh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong trong thời gian ngắn (vài tuần đến vài tháng).
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy có nhiều loại khác nhau, mỗi loại sẽ có phương pháp điều trị và tiên lượng bệnh khác nhau.
Hiện nay có hai phương pháp chính điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy là: hóa trị liệu (dùng hóa chất đưa vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư) hoặc ghép tế bào gốc tạo máu.
2. Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính
Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính xảy ra khi có sự tăng sinh bất thường của các tế bào bạch cầu hạt 
Bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy hay gặp ở người lớn (thường gặp ở độ tuổi 60), ít gặp ở trẻ em. Tuy nhiên trong những năm gần đây bệnh có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Quốc Gia về ung thư Mỹ, những người mắc bệnh này có tỷ lệ sống trên 5 năm là 65.1%. 
So với bệnh bạch cầu cấp thì các triệu chứng của bệnh bạch cầu mãn ít rầm rộ hơn và tiến triển cũng chậm hơn do các tế bào bạch cầu trung tính vẫn còn khả năng biệt hóa tốt, có thể đảm nhiệm một phần chức năng của cơ thể.
3. Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho cấp tính (ALL)
Đây là dạng bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh xảy ra do các sai lệch về di truyền ở tế bào gốc tạo máu trong tủy xương. Dựa trên dòng của tế bào người ta chia bạch cầu lympho cấp thành 2 thể: u lympho tiền thân dòng tế bào T và tế bào B.
Bệnh bạch cầu lympho cấp tính khi ảnh hưởng đến não và tủy sống sẽ gây ra các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, yếu cơ, liệt mặt …
Theo Chương trình giám sát Dịch tễ học của Mỹ, trong giai đoạn từ 2009 – 2015 tỷ lệ sống sót chung sau 5 năm của những người mắc bạch cầu cấp tính dòng lympho là 68.6%. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh là: độ tuổi, sức khỏe, và loại tế bào lympho bị ảnh hưởng cũng như yếu tố di truyền cá nhân.
4. Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính (CLL)
Là loại bệnh bạch cầu thường gặp ở người lớn, ít gặp ở trẻ em, phổ biến ở các nước phương Tây. Lứa tuổi trung bình mắc bệnh là 70 tuổi. Người ta nhận thấy rằng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trong trong bệnh này. Bệnh CLL rất hiếm gặp ở Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng lại gặp nhiều ở những người Do Thái gốc Đông Âu và người Mỹ (ước tính năm 2022 có khoảng 20.000 người Hoa Kỳ mắc mới và 4.400 trường hợp tử vong).
Thời gian sống thêm của những người mắc CLL dao động từ 2 – 20 năm, trung bình khoảng 10 năm. Những bệnh nhân ở giai đoạn đầu (từ 0 đến II) có thể sống thêm từ 5 – 20 năm mà không cần điều trị can thiệp.
Người bị CLL thường có các triệu chứng: gan to, lách to, sưng hạch; hay bị nhiễm trùng tái phát; sốt; sút cân, mệt mỏi, ra mồ hôi vào ban đêm. Khi di căn đến tủy xương thì gây thiếu máu, giảm tiều cầu.
benh-bach-cau-cap-dong-lympho
Bệnh bạch cầu cấp dòng Lympho
C. Bệnh máu trắng có nguy hiểm không?
Bệnh máu trắng là một loại ung thư rất nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, đây là loại ung thư duy nhất không sinh ra khối u nên rất khó phát hiện. 
Điều nguy hiểm ở bệnh máu trắng là khi lượng bạch cầu được tạo ra quá nhiều, chúng sẽ ăn chính các tế bào hồng cầu và tiểu cầu dẫn đến các vấn đề nghiêm trong cho cơ thể như: thiếu máu, chảy máu …
Bạch cầu cấp không phải là bệnh truyền nhiễm hay di truyền.
D. Nguyên nhân gây ra bệnh máu trắng
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh máu trắng. Nhiều giả thuyết cho rằng bệnh bạch cầu cấp được hình thành khi các gen của tế bào máu bị tổn thương. Người ta đã xác định được một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Các yếu tố đó là:
Tia phóng xạ
Những người bị nhiễm phóng xạ: nạn nhân của bom nguyên tử, bệnh nhân mắc các bệnh (chủ yếu là bệnh ung thư) được điều trị bằng tia phóng xạ (xạ trị) có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao hơn so với những người không tiếp xúc.
Hóa chất
Việc tiếp xúc với hóa chất độc hại như benzene hoặc thuốc hóa chất sử dụng trong điều trị ung thư (hóa trị) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Di truyền
Những người có người thân: bố, mẹ, anh/chị em ruột trong gia đình bị bệnh ung thư máu thì cũng có khả năng bị bệnh do gene di truyền.
Mắc các bệnh bẩm sinh như hội chứng Down
Trẻ em bị hội chứng Down có nguy cơ bị bệnh máu trắng cao hơn (10 - 20 lần) so với trẻ em bình thường. Nguyên nhân có thể do những thay đổi nhiễm sắc thể nhất định.
Nhiễm một số loại virus
Việc bị nhiễm một số loại virus cũng có khả năng gây ra bệnh máu trắng như virus HLLV – I có thể gây bạch cầu cấp dòng lympho tế bào T hoặc virus T – lymphotropic (HTLV – 1), virus HIV
Nghề nghiệp
Một số nghề như làm tóc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại (thuốc nhuộm tóc) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các thói quen xấu: hút thuốc, uống rượu …
nguyen-nhan-gay-ra-benh-mau-trang
Các yếu tố gây ra bệnh ung thư
E. Triệu chứng (dấu hiệu nhận biết) bệnh máu trắng.
Người bị bệnh máu trắng sẽ có rất nhiều triệu chứng khác nhau: thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng
1. Triệu chứng thiếu máu
- Người bệnh thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt nhất là khi thay đổi tư thế (đứng lên/ ngồi xuống), thậm chí có trường hợp bị ngất.
- Da xanh xao, niêm mạc miệng (lợi), niêm mạc mắt nhợt nhạt. Lòng bàn tay, bàn chân kém hồng.
- Tóc khô xơ, dễ bị gãy rụng. Móng tay có khía, hay bị gãy.
- Tim đập nhanh, người thở mạnh và gấp
Các triệu chứng thiếu máu thường diễn biến nhanh khiến bệnh nhân khó thích nghi và thường không tìm được nguyên nhân gây thiếu máu tương xứng.
2. Triệu chứng xuất huyết
Người bệnh thường bị chảy máu một cách tự nhiên (không bị chấn thương hay va đập). Các loại xuất huyết phổ biến:
- Chảy máu lợi (chân răng) tự phát, chảy máu cam.
- Xuất huyết trên da với những mảng bầm tím, có thể bắt gặp ở mọi vị trí, chúng xuất hiện một cách tự nhiên và không tìm ra nguyên nhân.
- Trong trường hợp nặng người bệnh có thể bị xuất huyết tiêu hóa: nôn ra máu, tiểu tiện ra máu, đi cầu ra máu đỏ tươi hoặc phân đen. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong do mất máu cấp.
3. Triệu chứng nhiễm trùng
- Người bệnh bị sốt cao và thường kéo dài.
- Xuất hiện dấu hiệu viêm loét miệng, họng; nhiễm khuẩn da, có trường hợp bị hoại tử.
- Triệu chứng viêm phổi: ho, thở khò khè, khó thở
- Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn huyết dẫn tới tử vong.
4. Triệu chứng thâm nhiễm
Khi các tế bào ác tính nhân lên với số lượng lớn, chúng tràn vào máu, thâm nhiễm các cơ quan, gây ra các triệu chứng:
- Gan to, lách to, dùng tay sờ thấy hạch to và cứng chắc.
- Tế bào ác tính thâm nhiễm lợi khiến lợi bị phì đại, thâm nhiễm vào da gây u cục dưới da.
- Trường hợp nặng, khi hệ thần kinh trung ương bị thâm nhiễm khiến bệnh nhân bị đau đầu, liệt.
5. Các triệu chứng của bệnh lý ác tính
Cũng giống như các loại ung thư khác, bệnh máu trắng có các triệu chứng của căn bệnh ác tính như:
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- Sút cân nhanh mà không rõ lý do.
- Bị nhiễm khuẩn (triệu chứng sốt cao, kéo dài) mà không tìm được nguyên nhân.
trieu-chung-cua-benh-mau-trang-ung-thu-mau
Triệu chứng của bệnh ung thư máu
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh máu trắng vẫn chưa được làm rõ nên không có cách phòng bệnh triệt để. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên tránh tiếp xúc với các loại tia phóng xạ và các hóa chất độc hại như: benzene, toluene; tránh các thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe như: uống rượu bia, hút thuốc lá. Nếu có các dấu hiệu bất thường về máu như: thiếu máu, hay bị chảy máu, bầm tím trên da hoặc các triệu chứng khác như: lách to, đau xương, hay bị sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi ban đêm, sút cân, sưng nướu răng hoặc chảy máu chân răng … cần đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh, đặc biệt là những người tiền sử gia đình có người bị bệnh máu trắng.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7