top

Danh mục sản phẩm

Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào? Triệu chứng và cách phòng bệnh đau mắt đỏ

29/09/2023 11:06
Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Triệu chứng và cách phòng bệnh đau mắt đỏ
Hiện nay, ở nước ta bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh, có xu hướng thành dịch ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
dich-benh-dau-mat-do
Dịch bệnh đau mắt đỏ gia tăng mạnh ở nước ta
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Bệnh viện Mắt Trung Ương: những tuần gần đây, số người đến khám gia tăng đột biến. Trung bình mỗi tuần có khoảng 700 bệnh nhân đến khám liên quan đến đau mắt đỏ. Chỉ tính riêng trong tháng 7 và tháng 8, số trường hợp đến khám đã tăng gấp đôi so với tháng 6.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 2.000 người đến khám vì bệnh đau mắt đỏ. Số ca mắc của năm nay tăng 15.38% so với cùng kỳ năm ngoái (63.309 ca so với 53.573 ca) tính riêng trong 8 tháng đầu năm.
Thống kê cũng cho thấy số ca mắc ở trẻ em chiếm hơn một nửa tổng số ca bệnh. Điều này khá dễ hiểu khi dịch đau mắt đỏ bùng phát vào thời điểm năm học mới bắt đầu, học sinh tập trung đông nên bệnh dễ lây lan hơn.
Bệnh đau mắt đỏ tuy không nguy hiểm đến tính mạng, song lại ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, công việc và học tập của người bệnh. Khi mắc bệnh, người dân cần chủ động đến khám và điều trị, kết hợp với chế độ vệ sinh, sử dụng thuốc và chăm sóc mắt để nhanh khỏi bệnh và phòng tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng ở mắt thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra, hoặc cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân phản ứng dị ứng. 
benh-dau-mat-do
Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc)
Bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra vào mùa hè khi có nhiều mưa bão, cao điểm là khoảng thời gian giao mùa (từ mùa hạ sang mùa thu). Bệnh rất dễ lây lan và gây thành dịch, nhất là ở những nơi đông người như: trường học, công sở, chợ, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện công cộng (tàu hỏa, xe bus)
Bệnh đau mắt đỏ có nguy hiểm không?
Bệnh đau mắt đỏ hiếm khi gây ra biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan với căn bệnh này. Đau mắt đỏ có nhiều triệu chứng giống với bệnh viêm màng bồ đào cấp. Vì vậy, khi nghi ngờ mắc bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được khám và điều trị. Các bác sĩ cảnh báo người bệnh không được tự ý dùng thuốc. Việc chẩn đoán sai hoặc không kịp thời, dùng thuốc không đúng cách có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng: tổn thương giác mạc (viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc), tăng nhãn áp, gây suy giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ: do vi khuẩn, virus, dị ứng, kích ứng, tiếp xúc với hóa chất …
Do virus
Đây là tác nhân phổ biến gây bệnh đau mắt đỏ. Thống kê cho thấy có khoảng 65% - 90% số ca bệnh là do virus, trong đó chủ yếu là adenovirus, ngoài ra còn có một số loại virus khác nhưng ít phổ biến hơn như: virus Corona, Varicella zoster virus, herpes simplex. Đau mắt đỏ do virus thường lây nhanh hơn so với các yếu tố khác.
Người bị đau mắt đỏ do virus thường có triệu chứng: mắt đỏ, ngứa, chảy dịch trong và loãng.
Khi bị đau mắt đỏ do virus, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như: sốt, viêm họng, đau rát cổ họng, nổi hạch. 
Do vi khuẩn (nhiễm khuẩn)
Đây cũng là nguyên nhân thường gặp gây bệnh đau mắt đỏ. Các loại vi khuẩn hay gây ra bệnh: tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), phế cầu (Streptococcus pneumoniae), vi khuẩn Hib (Haemophylus influenzae), trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa)
Người bị đau mắt đỏ do vi khuẩn thường có triệu chứng: mắt đỏ, ngứa, chảy dịch mắt đặc, đục và dính, màu vàng hoặc hơi xanh.
Do dị ứng
Khi chúng ta bị dị ứng do phấn hoa, nấm mốc hoặc các tác nhân khác, cơ thể sẽ tạo ra một loại kháng thể có tên là immunoglobulin E. Kháng thể này sẽ kích hoạt cơ thể giải phóng các chất gây viêm (histamine) ở đường thở và màng nhầy của mắt gây ra các phản ứng dị ứng: đau mắt đỏ.
nguyen-nhan-gay-ra-benh-dau-mat-do
Một số nguyên nhân chính gây bệnh đau mắt đỏ
Do bị hóa chất bắn vào mắt
Trong sinh hoạt hằng ngày, một số yếu tố cũng có thể gây đau mắt đỏ như: quá trình tắm rửa bị các loại mỹ phẩm (dầu gội đầu, sữa tắm) dây vào mắt, tiếp xúc với khói (khói bụi, khói thuốc lá) hoặc chất clo trong hồ bơi gây kích ứng mắt. Thêm vào đó, việc rửa mắt để làm sạch hóa chất cũng khiến mắt bị đỏ hơn.
Do dị vật
Đây cũng là tác nhân phổ biến, trong đó hay gặp nhất là bụi và các loại côn trùng (muỗi, bọ).
Do sử dụng kính áp tròng
Khi dùng kính áp tròng, nếu vệ sinh không cẩn thận và đúng cách có thể gây đau mắt đỏ vì kính áp tròng tiếp xúc trực tiếp với mắt. Khi đau mắt đỏ, nếu thường xuyên đeo kính áp tròng sẽ khiến cho tình trạng nhiễm trùng ở mắt nặng hơn, thậm chí có trường hợp bị hỏng mắt.
Do tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ
Người bị đau mắt đỏ thường lây cho người khác qua tiếp xúc, vì vậy cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh cũng như các đồ dùng cá nhân của họ, không đưa tay lên mắt và cần rửa tay sạch sẽ nếu phải dụi mắt.
Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Các con đường lây lan của bệnh đau mắt đỏ:
Lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị đau mắt đỏ: bắt tay, qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nước mắt hoặc nước bọt của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi (trong dịch tiết đường hô hấp có chứa virus gây bệnh đau mắt đỏ, nếu bắn vào mắt người khác sẽ lây bệnh cho họ).
Lây gián tiếp qua việc cầm nắm hoặc chạm vào các đồ vật bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây bệnh đau mắt đỏ như: tay nắm cửa, điều khiển, nút bấm thang máy. Dùng chung các vật dụng cá nhân: khăn mặt, chậu rửa, cốc uống nước.
Lây qua nguồn nước
Việc sử dụng nước ở những nơi công cộng như bể bơi, ao hồ cũng là một yếu tố dễ bị nhiễm bệnh.
Nhìn người bị đau mắt đỏ có bị lây bệnh không?
Theo các chuyên gia nhãn khoa: việc nhìn người bị đau mắt đỏ không bị lây bệnh. Nhiều bệnh nhân cho rằng họ bị lây do nhìn người bị đau mắt. Thực tế không phải vậy, việc lây bệnh xuất phát từ nguyên nhân tiếp xúc (trực tiếp hay gián tiếp) với người bệnh mà họ không hề hay biết. Việc lây bệnh có thể xảy ra ngay ở thời kỳ ủ bệnh (khi chưa có triệu chứng rõ ràng). Thậm chí, ngay cả khi bệnh nhân đã khỏi bệnh (trong vòng một tuần) vẫn có thể lây cho người khác. Con đường lây phổ biến nhất là do tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh khi dụi mắt hoặc các giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi, qua đồ dùng cá nhân (khăn, chậu rửa mặt), qua nước nhiễm khuẩn (bể bơi, ao hồ).
Triệu chứng (dấu hiệu nhận biết) bệnh đau mắt đỏ
Người bị đau mắt đỏ thường có các triệu chứng sau:
Đỏ mắt
Đây là triệu chứng điển hình của bệnh. Triệu chứng này xuất hiện do các mạch máu ở lớp nông của kết mạc bị cương tụ. Mắt nổi nhiều gân đỏ ở phía kết mạc mi (thường gọi là cương tụ ngoại vi) và đến kết mạc nhãn cầu thì giảm dần. 
Mi mắt bị sưng, phù nề
Khi bị đau mắt đỏ, mắt sẽ sưng húp lên, đây là phản ứng bình thường của mắt khi bị viêm nhiễm. Tình trạng mắt đỏ, sưng đau thường diễn ra trong 7 – 10 ngày (khó chịu nhất trong 3 ngày đầu tiên rồi sau đó thuyên giảm dần) và thường không để lại di chứng nào. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này không giảm mà có dấu hiệu nặng hơn thì người bệnh cần đi khám bởi lúc này có thể mắt gặp phải tình trạng bội nhiễm hoặc biến chứng (giả mạc, viêm giác mạc)
Ra nhiều ghèn mắt
Ghèn mắt hay thường gọi là gỉ mắt được tạo thành bởi ba yếu tố: chất nhày, xác vi khuẩn và các tế bào biểu mô bị rụng và đóng kết lại. Khi bị viêm kết mạc, ghèn mắt sẽ xuất hiện nhiều hơn và đóng lại thành từng cục, đặc quánh và dính chặt vào lông mi hoặc đọng ở khóe mắt. 
Chảy nước mắt
Phản ứng viêm kích thích mắt tiết ra nhiều nước mắt làm cho bệnh nhân phải lau nước mắt liên tục. Một số trường hợp chảy nước mắt có màu hồng do máu hòa với nước mắt. Lúc này, rất có thể xuất hiện giả mạc (một lớp màng bên ngoài mắt), người bệnh cần phải đến bác sĩ chuyên khoa mắt để bóc đi thì việc tra thuốc mới có hiệu quả.
Ngứa hoặc cộm ở mắt
Người bệnh thường cảm thấy rất ngứa, nóng rát và khó chịu như có dị vật mắc kẹt trong mắt.
Mắt nhạy cảm với ánh sáng (dễ bị chói mắt)
Khi tiếp xúc với ánh sáng, người bệnh thấy chói mắt, khó nhìn, cảm giác sợ ánh sáng.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng khác như: sốt, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy)
Lúc đầu các triệu chứng thường xuất hiện ở một bên mắt, sau đó lan sang mắt còn lại. Trong một số trường hợp, người bệnh bị viêm nặng làm xuất hiện giả mạc bao bọc mặt trong của mi mắt khiến mắt bị sưng phù, đau nhức và khó mở mắt. Nếu chỉ bị viêm ở kết mạc thì bệnh nhân không bị ảnh hưởng đến thị lực mà chỉ thấy khó nhìn do mắt bị phù nề, xuất tiết. Nếu viêm tới giác mạc thì mắt sẽ nhìn mờ hơn và cảm giác bị chói, sợ ánh sáng.
trieu-chung-cua-benh-dau-mat-do
Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ
Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng cách hạn chế hoặc không đưa tay lên mắt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để loại bỏ mầm bệnh trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc ho, hắt hơi.
Không đưa tay lên mắt để gãi, dụi mắt.
Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân: khăn mặt, bàn chải đánh răng, kính mắt, khẩu trang, thuốc nhỏ mắt, ly (cốc) uống nước.
Đối với phụ nữ: không trang điểm khi đang bị đau mắt đỏ.
Những người đeo kính áp tròng: nên dừng việc đeo kính cho đến khi khỏi bệnh.
Hạn chế sử dụng nước ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như: bể bơi, ao, hồ …
Vệ sinh mắt hằng ngày bằng cách rửa mặt sạch sẽ, nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối (Nacl) 0.9%.
cach-phong-benh-dau-mat-do
Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ
Khi bị đau mắt đỏ thì tốt nhất nên chủ động cách ly hoặc hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh nhằm tránh lây lan bệnh. Người bệnh không nên đi học hoặc đi làm, tránh đến những nơi công cộng.
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh đau mắt đỏ, người đã khỏi bệnh vẫn có thể mắc lại sau một thời gian và có thể bị nhiều lần trong đời.
Theo Phó Giáo Sư Lê Xuân Cung – Bện viện Mắt Trung Ương: Khi bị bệnh, người dân không nên tự mua thuốc điều trị, không áp dụng các biện pháp dân gian như xông mắt, rửa mắt bằng lá trầu không có thể gây tổn thương các biểu mô ở giác mạc do hơi nóng của nước lá bốc lên.
Khi bị đau mắt đỏ, cần kiêng một số loại thức ăn, đồ uống như: đồ nếp, rau muống, các loại hải sản, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt và các chất kích thích (rượu, bia, cà phê). Hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính, tivi). 
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7