top

Danh mục sản phẩm

Làm thế nào để biết được hiệu quả của Vắc xin phòng bệnh Covid – 19? Có cần thiết tiêm mũi bổ sung (mũi 3) hay không?

11/11/2021 16:54
Làm thế nào để biết được hiệu quả của Vắc xin phòng bệnh Covid – 19?
Có cần thiết tiêm mũi bổ sung (mũi 3) hay không?
Hiện nay, câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là: làm thế nào để biết được hiệu quả của các loại vắc xin phòng Covid – 19 mà cơ thể họ được tiêm và có cần thiết phải tiêm các mũi bổ sung (mũi 3, mũi 4 …) hay không? Nếu có thì sau bao lâu cần tiêm nhắc lại.
Câu hỏi đầu tiên: Làm thế nào để biết được hiệu quả của các loại vắc xin phòng Covid – 19?
Để biết được hiệu quả của các loại vắc xin nói chung và vắc xin phòng Covid – 19, các nhà chuyên môn thường dựa vào xét nghiệm kháng thể.
Xét nghiệm kháng thể Covid – 19 là gì?
Để biết về xét nghiệm kháng thể, trước tiên chúng ta cần hiểu khái niệm về kháng nguyên và kháng thể.
Kháng nguyên (Antigen) là các protein của virus – bộ phận quan trọng không thể thiếu của các loại virus giúp chúng có thể xâm nhập vào tế bào vật chủ, tồn tại, sao chép và nhân lên. Trong các loại protein của virus thì Protein – S là loại cơ bản, giữ vai trò quan trọng. Các loại vắc xin phòng Covid – 19 phổ biến hiện nay như: Pfizer – BioNTech, Astrazeneca, Johnson & Johnson đều phát triển dựa trên loại protein này.
Kháng thể (Antibody) là một loại protein do vật chủ (đối tượng mà virus xâm nhập vào) tạo ra khi tế bào miễn dịch tiếp xúc với các protein của virus (hay còn gọi là các kháng nguyên). Các kháng thể này có nhiệm vụ “nhận dạng” các kháng nguyên (tác nhân gây bệnh) một cách đặc hiệu. Sau khi nhận dạng được các kháng nguyên, kháng thể sẽ bám lên, bất hoạt chúng, đồng thời dẫn dụ các tế bào miễn dịch khác của cơ thể đến để tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
khang-nguyen-khang-the-covid-19
Sự khác nhau giữa kháng nguyên và kháng thể 
Khi một người bị nhiễm Covid – 19, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều loại kháng thể khác nhau để nhận biết không chỉ protein S mà còn nhiều loại protein khác nữa của virus. Bên cạnh protein S thì một loại protein khác của virus cũng rất được quan tâm là protein N (protein nucleocapsid) nằm phía trong virus.
Xét nghiệm kháng thể Covid – 19 là xét nghiệm nhằm mục đích xác định trong máu của người nào đó đã có kháng thể (protein – S) chống lại virus Sars – CoV – 2 hay chưa. Các kháng thể này là IgM và IgG
Có hai loại xét nghiệm kháng thể Covid – 19 là xét nghiệm định tính và xét nghiệm định lượng. Tùy theo mục đích chẩn đoán và điều trị mà bác sĩ sẽ có chỉ định thích hợp cho người làm xét nghiệm.
- Xét nghiệm định tính
Là xét nghiệm cho biết trong máu của người được lấy mẫu có sự xuất hiện của kháng thể chống lại virus Sars – CoV – 2 hay không? Xét nghiệm định tính chính là phương pháp test nhanh Covid – 19 mà chúng ta vẫn thường làm. Phương pháp xét nghiệm này chỉ cho biết có hay không có sự xuất hiện của kháng thể virus Sars – CoV – 2, chứ không cho biết nồng độ của các loại kháng thể này.
- Xét nghiệm định lượng
Là xét nghiệm cho biết chính xác trong 1ml máu của người được xét nghiệm có chứa bao nhiêu kháng thể IgM và IgG. Xét nghiệm định lượng giúp đo nồng độ kháng thể virus Sars – CoV – 2 trong máu, qua đó các chuyên gia có thể đánh giá được hiệu quả của các loại vắc xin được chích cũng như kết luận một người có bị nhiễm Covid – 19 hay không.
Những ai nên làm xét nghiệm kháng thể Covid – 19?
Những người sau đây nên làm xét nghiệm kháng thể:
Người có triệu chứng mắc bệnh Covid – 19 (sốt, ho, khó thở, mất vị giác …) hoặc đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh Covid – 19, xét nghiệm sàng lọc để biết mình có bị mắc bệnh hay không.
Người đã tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid – 19 để biết trong người đã có kháng thể của virus Sars – CoV – 2 hay chưa
Người từng mắc bệnh Covid – 19, đã khỏi bệnh, xét nghiệm để xem trong máu đã xuất hiện kháng thể của virus Sars – CoV – 2 hay chưa.
Khi nào thì nên làm xét nghiệm kháng thể Covid – 19?
Việc xác định thời điểm làm xét nghiệm kháng thể Covid – 19 rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán. Nên thực hiện xét nghiệm này vào các thời điểm sau:
- 3 tuần tính từ thời điểm hoàn thành mũi tiêm thứ 2 vắc xin phòng Covid – 19 
- 2 – 3 tuần kể từ thời điểm xuất hiện các triệu chứng của bệnh Covid – 19.
- 3 – 4 tuần sau khi tiếp xúc với người mắc Covid – 19 hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
thoi-diem-thich-hop-lam-xet-nghiem-khang-the-covid-19 
Thời điểm thích hợp làm xét nghiệm kháng thể Covid - 19
Lưu ý quan trọng khi xét nghiệm kháng thể Covid – 19
Xét nghiệm kháng thể Covid – 19 nên thực hiện đúng thời điểm: sau khi tiêm mũi vắc xin thứ hai 3 tuần (thời gian cần thiết để cơ thể sinh ra miễn dịch), nhưng cũng không nên để lâu quá (sau 6 tháng kể từ lúc tiêm) bởi theo thời gian, lượng kháng thể trong máu sẽ giảm dần.
Có nhiều loại kháng thể được sinh ra như: IgM, IgG, IgA trong đó IgG là kháng thể tồn tại lâu nhất, vì vậy chúng ta nên chọn loại kháng thể này để kết quả dễ thấy và chính xác hơn.
Việc xét nghiệm kháng thể phải dựa trên loại vắc xin mà người làm xét nghiệm được tiêm. Những người được tiêm vắc xin chế tạo trên nền tảng kháng nguyên là protein – S (vắc xin Pfizer – BioNTech, Astrazeneca, Johnson & Johnson, Moderna) thì phải xét nghiệm tìm loại protein này chứ không phải loại protein khác (như protein N). Còn đối với các vắc xin chế tạo theo cơ chế virus bất hoạt như vắc xin của Sinopharm hoặc Hayat – Vax thì ngoài protein S còn có các protein khác (protein N), nên xét nghiệm phải tìm cả loại protein này.
Sau khi tiêm vắc xin phòng Covid – 19, lượng kháng thể trong máu bao nhiêu là đủ?
Đây là câu hỏi rất được quan tâm, là thắc mắc chung của nhiều người
Sau khi tiêm vắc xin phòng Covid – 19 vào người, cơ thể sẽ sản sinh ra các kháng thể. Lượng kháng thể này ở từng người khác nhau do khả năng đáp ứng với vắc xin ở mỗi người là không giống nhau. Mặt khác, lượng kháng thể cao hay thấp tùy thuộc vào loại vắc xin được tiêm, lứa tuổi, giới tính và tình trạng bệnh lý của người được tiêm.
Việc xét nghiệm kháng thể cho chúng ta biết nồng độ kháng thể virus Sars – CoV – 2 trong máu. Tuy nhiên, hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa kết luận được nồng độ kháng thể tối thiểu được tạo ra bởi vắc xin sau khi tiêm ở mức bao nhiêu là an toàn hoặc có tác dụng phòng bệnh. Vì thế các chuyên gia khuyên người dân không nên dựa vào chỉ số này mà vội cho rằng mình được bảo vệ an toàn nên có tâm lý chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế nhiều công trình nghiên cứu cho thấy khi lượng kháng thể trong máu càng cao thì khả năng bảo vệ càng tốt.
Câu hỏi thứ hai: có cần thiết tiêm mũi bổ sung (mũi 3, mũi 4 …) vắc xin phòng Covid – 19 hay không?
Việc xét nghiệm kháng thể mang ý nghĩa nhất định trong việc đánh giá hiệu quả của các loại vắc xin. Nồng độ kháng thể trong máu cũng là tiêu chí cơ bản mà các nhà nghiên cứu và nhà dịch tễ học sử dụng trong việc đánh giá hiệu quả của miễn dịch cộng đồng.
Dựa trên số liệu nghiên cứu về kháng thể ở người được tiêm vắc xin phòng Covid – 19, theo Tiến sĩ Miles Davenport (thuộc Đại học New South Wales – Australia): sau 108 ngày (hơn 15 tuần) kể từ thời điểm tiêm chủng, lượng kháng thể sẽ giảm khoảng một nửa.
Ở một số người (nhất là người mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch) và một số loại vắc xin có hiện tượng sau khi tiêm nồng độ kháng thể trong máu rất thấp hoặc giảm nhanh theo thời gian, nhất là các vắc xin của Trung Quốc (Sinopharm) khiến hiệu quả bảo vệ của chúng rất kém. Chính vì thế, nhiều nước đã khuyến cáo về việc tiêm bổ trợ vắc xin phòng Covid – 19 cho người già (trên 60 tuổi), người có bệnh lý nền hoặc mắc các bệnh về hệ miễn dịch, người có nguy cơ cao mắc Covid – 19: lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân. Thời gian tiêm các mũi này thường cách mũi trước đó ít nhất 6 tháng đến 1 năm.
tiem-mui-3-vac-xin-phong-covid-19
Cần thiết tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid - 19 cho một số người
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và FDA, một số trường hợp đặc biệt có thể tiêm mũi 3 sớm hơn (chỉ 28 ngày sau khi tiêm mũi 2) như: bệnh nhân đang điều trị ung thư, người cấy ghép nội tạng, bệnh nhân nhiễm HIV hoặc mắc bệnh gây suy giảm miễn dịch. 
Lý do nhóm đối tượng này cần được tiêm mũi thứ 3 sớm hơn thường lệ là bởi với 2 mũi vắc xin thông thường sẽ không đáp ứng đủ mức độ miễn dịch như đối với những người khỏe mạnh. Việc tiêm mũi thứ 3 sẽ giúp hệ miễn dịch của họ đủ kháng năng chống lại virus Sars – CoV – 2.
Tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid - 19 có an toàn không?
CDC đã theo dõi mức độ an toàn của liều vắc xin thứ 3 thông qua việc theo dõi thử nghiệm 171 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) trong vòng 6 tháng. Kết quả cho thấy các tác dụng phụ phổ biến như: đau tại chỗ tiêm, sốt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, đau cơ, đau khớp, sưng hạch ở nách.
Các thống kê của CDC và FDA cho thấy: có sự gia tăng các bệnh về tim mạch như viêm cơ tiêm, viêm màng trong và màng ngoài tim sau khi tiêm vắc xin của Moderna, nhất là sau khi tiêm liều thứ hai một vài ngày, nguy cơ này ở nam giới cao hơn so với nữ giới (nhất là nam giới trong độ tuổi từ 18 – 24 tuổi).
Ai không nên tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid – 19?
Theo FDA không nên tiêm mũi 3 cho nam giới trẻ tuổi (từ 18 – 30 tuổi) do một số trường hợp hiếm gặp các vấn đề về tim mạch khi tiêm vắc xin như: viêm cơ tim, viêm màng tim.
Sau một thời gian được kiểm soát tốt, dịch Covid – 19 đang có dấu hiệu bùng phát tại nhiều tỉnh thành nước ta, việc bao phủ vắc xin vẫn là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế. Một số địa phương sau khi hoàn thành mũi thứ hai đã triển khai tiêm liều thứ ba cho những người có nguy cơ cao mắc Covid – 19. Bên cạnh vắc xin, người dân vẫn cần thận trọng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch do Bộ Y Tế ban hành. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7