top

Danh mục sản phẩm

Ăn nhiều mì tôm có hại không?

30/03/2024 11:39
Ăn nhiều mì tôm có hại không?
Mì ăn liền là sản phẩm được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là học sinh – sinh viên, người lao động, những người bận rộn ít có thời gian nấu nướng bởi sự nhanh chóng và thuận tiện của món ăn này. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng, bên cạnh mặt tích cực, mì tôm còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe nếu lạm dụng. Vậy tác hại của mì tôm là gì? Việc ăn nhiều mì tôm có sao không?, là thắc mắc của rất nhiều người.
1. Mì ăn liền là gì?
Mì ăn liền hay còn gọi là mì tôm là một loại thực phẩm chế biến sẵn được đóng gói theo khẩu phần ăn. Mì tôm là một sản phẩm ngũ cốc được làm dưới dạng sợi ăn liền với nguyên liệu chính là bột mì, bột gạo hoặc các loại tinh bột khác được bổ sung hoặc không bổ sung một số thành phần khác.
mi-tom
Mì ăn liền (mì tôm)
Hiện nay, nhằm mục đích thuận tiện cho người dùng, mì ăn liền thường được các nhà sản xuất đóng gói trong các loại cốc hoặc bát nhựa dùng một lần kèm theo dĩa hoặc thìa để người ăn dễ dàng sử dụng.
2. Có mấy loại mì ăn liền?
Có hai cách phân loại mì ăn liền
Phân loại theo bao bì đựng:
- Mì gói
- Mì ly (cốc)
- Mì tô (bát)
Phân loại theo phương pháp sản xuất (chế biến):
- Mì chiên
Là loại mì sử dụng phương pháp chiên qua dầu ở nhiệt độ cao (140 – 165℃) trong thời gian ngắn (2.5 phút) ở công đoạn làm khô trong quy trình sản xuất. Mì chiên thường có độ ẩm thấp (độ ẩm của vắt mì < 3%)
- Mì không chiên
Là loại mì sử dụng phương pháp sấy bằng nhiệt (gió nóng) ở nhiệt độ thấp (khoảng 80℃) trong thời gian dài (30 phút) ở công đoạn làm khô trong quy trình sản xuất.
Mì không chiên thường có độ ẩm cao hơn so với mì chiên, độ ẩm trong vắt mì dưới 10%.
Mì chiên có hàm lượng chất béo cao hơn so với mì không chiên (10 – 15 gam so với 4 – 6 gam).
co-may-loai-mi-tom
Phân loại mì tôm
3. Mì tôm ra đời khi nào? Ai là người phát minh ra mì tôm?
Mì tôm được ra đời vào năm 1958 do Momofuku Ando – người Nhật Bản phát minh ra ở tuổi 48. Ông cũng chính là nhà sáng lập của Nissin – một Tập đoàn lớn về thực phẩm. Ngày 25/08/1958, gói mì ăn liền đầu tiên trên thế giới ra đời với tên gọi “Chicken Ramen” đánh dấu bước phát triển mới của ngành ẩm thực. Cách sử dụng rất đơn giản: chỉ cần cho nước sôi vào gói mì và chờ trong 2 – 3 phút là có thể ăn ngay. Không dừng lại ở đó, vào ngày 18/09/1971 nhà khoa học này còn phát minh ra mì ly có tên gọi là “Cup Noodle” khiến cho việc ăn mì trở nên tiện dụng và phổ biến hơn.
Quá trình phát minh ra mì ăn liền của Momofuku Ando gặp rất nhiều khó khăn bởi ông vốn không phải là đầu bếp chuyên nghiệp. Những thử nghiệm của ông liên tiếp gặp thất bại, nhưng ông vẫn không bỏ cuộc. Vào thời điểm đó, thách thức lớn nhất đối với nhà phát minh này là “làm thế nào để bảo quản sợi mì được lâu?”. Ông đã thử mọi cách để tách nước ra khỏi sợi mì, bởi độ ẩm cao sẽ khiến mì nhanh bị hỏng. Bỗng một hôm, khi quan sát vợ mình làm món Tempura (một món chiên của người Nhật), ông nhận thấy rằng khi thực phẩm được chiên trong dầu sẽ tạo ra lớp bột áo ngoài bị mất nước và trở nên khô giòn, có thể giúp bảo quản phần bên trong trong thời gian dài. Từ đó, ông đã áp dụng phương pháp này vào công đoạn chiên mì, khởi đầu cho phát minh vĩ đại sau đó.
ai-la-nguoi-phat-minh-ra-mi-tom
Momofuku Ando - cha đẻ của mì ăn liền
4. Mì tôm có chứa chất gì?
Mì ăn liền có chứa hai thành phần chính là vắt mì (sợi mì) và các loại gia vị (dạng gói) kèm theo.
Vắt mì (thường gọi là sợi mì) được làm chủ yếu từ lúa mì.
Gói gia vị: Tùy thuộc vào từng loại mì ăn liền mà gói gia vị kèm theo gồm một hoặc nhiều loại.
Các loại gói gia vị thường dùng:
- Gói súp: gồm muối, tiêu, bột ngọt, ớt, tỏi …
- Gói dầu: gồm dầu thực vật, ớt, tỏi, hành tím, rau om …
- Gói rau sấy: hành lá, nấm, ngô, cà rốt …
5. Ăn nhiều mì tôm có hại không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mì tôm được coi là một loại thực phẩm rất “nghèo dinh dưỡng”. Mì tôm có chứa nhiều carbonhydrate nhưng lại chứa rất ít chất xơ, các vitamin và khoáng chất. Trong khi đó, để cơ thể khỏe mạnh, cần được cung cấp đủ 6 loại dưỡng chất cơ bản: nước, chất đạm (protein), carbonhydrate, mỡ, vitamin. 
Nếu ăn mì tôm thường xuyên, mà bỏ qua các loại thực phẩm khác sẽ khiến cơ thể bị thiếu chất, không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, lâu ngày sẽ sinh bệnh.
tac-hai-cua-mi-tom
Tác hại khi ăn nhiều mì tôm
Việc ăn nhiều mì tôm sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như:
Đầy bụng, khó tiêu.
Sở dĩ mì ăn liền bảo quản được lâu là bởi trong quá trình sản xuất, nó được sấy khô sau khi đã chiên qua dầu. Trong mì tôm có chứa rất nhiều chất bảo quản, chất phụ gia và hương liệu, hơn nữa chúng còn chứa nhiều chất béo (chủ yếu là chất béo không bão hòa), khi ăn vào cơ thể rất khó tiêu. Sau khi ăn 1 bát mì, chúng ta thường thấy no bụng, thậm chí là đầy bụng. Việc ăn nhiều mì tôm sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, cơ quan này mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa thức ăn.
Để chứng minh tác hại gây khó tiêu của mỳ tôm, bác sĩ Braden Kuo – Bệnh viện bang Masachusetts (Mỹ) đã thực hiện một thí nghiệm. Trong thí nghiệm này, ông đã đặt 1 máy quay phim rất nhỏ (kích thước chỉ bằng viên thuốc) bên trong dạ dày. Kết quả cho thấy, 2 giờ sau khi ăn, quá trình tiêu hóa mì tôm diễn ra rất chậm và khó khăn, sợi mì bị phân hủy không đáng kể, dường như vẫn còn nguyên khiến hệ tiêu hóa phải làm việc vất vả. Điều này hoàn toàn trái ngược so với ăn mì tươi.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là trong mì tôm có chứa nhiều chất bảo quản, có hại cho sức khỏe, điển hình là chất TBHQ (Tertiary Butyl HydroQuinone). Đây là một chất chống oxy hóa thường được sử dụng trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, giàu chất béo nhằm mục đích kéo dài thời gian sử dụng. Chất TBHQ còn được tìm thấy trong mỹ phẩm, nước hoa, thuốc trừ sâu, vecni, sơn mài.
Theo FDA, lượng TBHQ chỉ an toàn khi sử dụng ở mức 0 – 0.5 mg/kg. Còn nếu tiêu thụ nhiều (> 5 gam) thì có thể gây ra các triệu chứng: buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, mê sảng, đột quỵ, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.
Tạp chí Journal of Nutrition đăng tải một nghiên cứu khác cho thấy: phụ nữ ăn nhiều mì tôm có nguy cơ cao bị rối loạn chuyển hóa kể cả khi họ có lối sống khoa học và chế độ ăn lành mạnh. Cụ thể: những người ăn mì tôm trên 2 lần mỗi tuần thì khả năng bị rối loạn chuyển hóa lên tới 68% với các triệu chứng như: thừa cân, béo phì; cao huyết áp; tăng đường huyết, giảm cholesterol tốt (HDL cholesterol).
tac-hai-cua-mi-tom-voi-he-tieu-hoa
Quá trình phân hủy của mì tôm (hình bên trái) và mì tươi (hình bên phải) 2h sau khi ăn
Dư thừa muối 
Trong mì tôm có chứa nhiều natri, nghiên cứu cho thấy: trong mỗi gói mì và các loại gia vị có chứa đến hơn 4 gam muối (4.2g). Lượng này tương đương 88% mức khuyến nghị (dưới 5 gram/ngày) mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Việc mỗi ngày ăn 1 gói mì tôm cùng với tiêu thụ các loại thực phẩm khác sẽ khiến cho lượng muối trong cơ thể bị dư thừa.
Các chuyên gia cho biết các loại thực phẩm chế biến sẵn như mì tôm là một trong những yếu tố đóng góp chủ yếu vào lượng muối trong chế độ ăn hằng ngày.
Việc dư thừa natri sẽ gây ra rất nhiều vấn đề nguy hiểm cho cơ thể như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim), bệnh thận, đột quỵ, loãng xương, ung thư dạ dày.
tac-hai-cua-mi-tom-doi-voi-suc-khoe
Mì tôm chứa nhiều muối, gây hại thận, xương, răng
Yếu xương
Để cải thiện mùi vị thức ăn làm món ăn hấp dẫn hơn, các nhà sản xuất thường cho thêm một lượng phosphate vào mì ăn liền giúp chúng ta ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, chất này lại gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như: loãng xương, xương giòn và dễ gãy, răng cũng đi nếu ăn nhiều.
Bệnh tim mạch, tiểu đường
Nếu ăn mì tôm thường xuyên thì bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch như: tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đột quỵ. Lí do là bởi trong mì ăn liền có chứa nhiều chất béo xấu (chủ yếu là chất béo bão hòa và transfat) rất có hại cho sức khỏe, nhất là đối với những người có bệnh lý về tim mạch, người cao tuổi. Khi ăn các chất béo này sẽ làm tăng mức cholesterol xấu (LDL cholesterol) trong máu.
an-nhieu-mi-tom-bi-benh-tim-mach
Ăn nhiều mì tôm có thể dẫn tới các bệnh về tim mạch
Ăn mì tôm có bị nóng trong người không?
Nhiều người nghiện ăn mì tôm vì thích cảm giác dai, giòn mà món ăn này đem lại. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng mì ăn liền được chiên trong dầu ở nhiệt độ cao. Khi ăn vào, sợi mì sẽ trương nở nên hút rất nhiều nước của cơ thể. Vì vậy, sau khi ăn mì tôm, chúng ta thường thấy khát nước, người nóng phừng phừng, ruột gan cồn cào.
Ăn mì tôm không đúng cách có thể dẫn đến nóng trong: nhiệt miệng, mụn nhọt, táo bón …
Mì tôm có thực sự gây nóng trong?
Theo PGS – TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia: Không có loại thực phẩm nào gây nóng trong, mà do cách ăn uống của con người mới gây ra hiện tượng này. Nếu chúng ta kết hợp đa dạng các món ăn với nhau thì sẽ tạo ra bữa ăn phong phú, đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể.
Bản thân mì ăn liền không trực tiếp gây nóng trong mà do thói quen ăn uống thiếu khoa học: thường xuyên ăn mì, uống ít nước, không ăn rau xanh, hoa quả, không ăn kèm với các loại thực phẩm khác.
Ăn mì tôm có bị béo phì không?
Bản thân việc ăn mì tôm đơn thuần không gây ra béo phì bởi trong mỗi gói mì ăn liền 75 gam (loại phổ thông trên thị trường) chỉ cung cấp cho cơ thể mức năng lượng khoảng 350 calo. Trong khi đó, với một người phụ nữ có vóc dáng trung bình thì nhu cầu năng lượng của họ vào khoảng 2.000 calo/ngày, chia bình quân, mỗi bữa họ cần khoảng 650 calo. Vậy nên năng lượng do mỗi gói mì tôm mang lại thấp hơn nhu cầu của cơ thể (350 < 650). Do đó, nếu chỉ ăn mì tôm riêng lẻ thì không thể gây tăng cân được.
Với nam giới, nhu cầu về năng lượng sẽ cao hơn, dao động trong khoảng 2.300 – 2.800 calo/ngày (trung bình mỗi bữa cần từ 750 – 900 calo). Nếu mỗi bữa ăn 2 gói mì tôm thì mức năng lượng được bổ sung là 700 calo, vẫn thấp hơn nhu cầu của cơ thể.
Có lẽ nhiều người cho rằng mì tôm có chứa nhiều tinh bột (từ sợi mì) và chất béo (từ dầu chiên mì và trong các gói gia vị, nên ăn nhiều sẽ dẫn đến tăng cân và béo phì. Nhưng thật ra, lượng tinh bột trong mỗi gói mì chỉ vào khoảng 40 – 50g (tương đương với 1 bát cơm/ bát bún/ phở). Lượng chất béo trong mỗi gói mì cũng chỉ trong khoảng 11 – 13 gam, thấp hơn nhu cầu của cơ thể (60g/ngày – đối với người bình thường)
Việc tăng cân phụ thuộc vào chế độ ăn uống hằng ngày: mất cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng, giữa năng lượng nạp vào cơ thể và năng lượng sử dụng chứ không phải do một loại thực phẩm cụ thể nào.
Ăn mì tôm như thế nào để không gây hại sức khỏe?
Các chuyên giá dinh dưỡng khuyến cáo: mì tôm chỉ có tác dụng cung cấp năng lượng (calo) mà không cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vì thế, cần sử dụng mì ăn liền đúng cách để cơ thể không bị thiếu chất và hạn chế được tác hại của mì tôm.
cach-an-mi-tom
Lưu ý khi ăn mì ăn liền
Không dùng mì tôm thay thế cho các bữa ăn chính hằng ngày. 
Chỉ xem mì ăn liền là “giải pháp tình thế”, một “biện pháp chữa cháy khi bị “nhỡ bữa”. Chưa có Cơ quan Y tế nào khuyến cáo số lần ăn mì tôm bao nhiêu lần trong tuần, trong ngày là hợp lý. Chúng ta không nên lạm dụng mì tôm, chỉ thỉnh thoảng mới ăn (1 – 2 lần/tuần).
Tuyệt đối không nên ăn “mì úp”. Cách ăn mì tôm khoa học nhất là chần mì với nước sôi rồi bỏ nước đầu đi (bởi trong sợi mì có chứa nhiều dầu mỡ, cần loại bỏ trước khi ăn), sau đó pha hoặc nấu lại với nước nóng rồi mới ăn.
Nên bỏ các gói gia vị trong mì ăn liền, bởi những gói này thường chứa nhiều chất bảo quản và các chất béo không có lợi cho sức khỏe.
Nên ăn kèm với các thực phẩm khác để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể: rau xanh, thịt, trứng … Mỗi bát mì cần được bổ sung thêm 25 – 30 g chất đạm (từ thịt bò, thịt lợn hoặc tôm).
Sau khi ăn mì nên uống nhiều nước (nước lọc hoặc nước trái cây), ăn hoa quả để tránh bị thiếu nước có thể dẫn đến táo bón đồng thời giúp cơ thể giải nhiệt, tránh bị nóng trong, nổi mụn hoặc béo bụng.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7