top

Danh mục sản phẩm

Estrogen là gì? Estrogen có tác dụng gì đối với phụ nữ?

04/09/2022 11:42
Estrogen là gì? Estrogen có tác dụng gì đối với phụ nữ?
Estrogen là hormone được tìm thấy ở cả con người và động thực vật, cả ở nam và nữ (hàm lượng ở nam giới thấp hơn rất nhiều so với nữ giới), nó được ví như “nhựa sống” trong cơ thể phụ nữ. Hormone này quy định giới tính và các đặc điểm của phụ nữ, nó tham gia vào quá trình sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận khác trong cơ thể.
Estrogen là gì?
Estrogen (hay còn gọi là nội tiết tố nữ) là một loại hormone sinh dục quan trọng ở phụ nữ. Hormone này chủ yếu do buồng trứng tiết ra (một phần nhỏ được tiết ra bởi tuyến thượng thận và nhau thai).
estrogen-la-gi
Hormone sinh dục nữ Estrogen
Cơ thể bắt đầu sản xuất estrogen ở giai đoạn dậy thì, trong thời kỳ này buồng trứng tiết ra estrogen, lượng hormone được tiết ra tùy theo từng thời điểm của chu kỳ kinh nguyệt. Ở giữa chu kỳ, lượng estrogen tăng cao đột ngột ở mức cao nhất gây ra hiện tượng rụng trứng, sau đó lượng hormone này giảm nhanh.
Lượng estrogen thay đổi như thế nào trong cơ thể phụ nữ?
Estrogen đóng vai trò vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý nữ. Tuy nhiên, lượng hormone này bị giảm dần theo thời gian, các nghiên cứu cho thấy cứ mỗi 10 năm, lượng estrogen trong cơ thể nữ giới giảm đi 15%, đến năm 50 tuổi, lượng estrogen còn lại chỉ bằng 10% so với lúc trẻ.
Trong giai đoạn dậy thì, estrogen tăng mạnh nhất gây ra chu kỳ kinh nguyệt biến bé gái thành thiếu nữ với các đặc điểm: eo thon, ngực nở. Khi đến tuổi thanh xuân, lượng estrogen đạt mức cực đại, đây cũng chính là thời điểm phụ nữ xinh đẹp và sức khỏe sung mãn nhất.
Sau khi sinh, lượng estrogen trong cơ thể nữ giới đột ngột xuống thấp để nhường chỗ cho Prolactin – một loại hormone khác có vai trò tăng tiết sữa ở phụ nữ cho con bú. Lượng estrogen bắt đầu giảm dần ở phụ nữ sau tuổi 30 hoặc bước vào độ tuổi trung niên. Đến giai đoạn tiền mãn kinh (ngoài 40 tuổi), lượng estrogen suy giảm mạnh và đến thời kỳ mãn kinh thì buồng trứng ngừng hẳn việc sản xuất estrogen. Điều này lý giải vì sao phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh thường gặp các triệu chứng: mất ngủ, bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm và già đi nhanh chóng.
luong-estrogen-trong-co-the-phu-nu-theo-thoi-gian
Lượng Estrogen trong cơ thể phụ nữ theo thời gian
Estrogen gồm những loại nào? (có mấy loại estrogen)
Có hai loại estrogen chính là estrogen nội sinh (được sản xuất tự nhiên trong cơ thể người) và estrogen ngoại sinh (nguồn gốc từ các loại thực vật, động vật).
Estrogen nội sinh lại được chia thành 3 loại là Estrone, Estradiol và Estriol. Ba loại estrogen này không xuất hiện đồng thời trong cơ thể. Sự có mặt hay vắng mặt và nồng độ của từng loại estrogen nội sinh phụ thuộc vào tình trạng của phụ nữ (mang thai hay không mang thai).
Estrone (E1): C18H22O2
Là một loại estrogen nội sinh có ở trong các mô, nhiều nhất ở cơ bắp và mỡ, đây là một loại estrogen yếu được tìm thấy ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và thời kỳ sau khi mãn kinh.
Estrone có hoạt tính mạnh hơn Estriol (E3), estrone có thể chuyển đổi thành estriol hoặc estradiol có hoạt tính mạnh hơn trong trường hợp cần thiết.
Estradiol (E2): C18H24O
Estradiol là loại estrogen mạnh nhất và phổ biến trong cơ thể nữ giới, các nghiên cứu cho thấy estradiol có tác dụng mạnh hơn estrone 12 lần và cao hơn estriol tới 80 lần. Estradiol bản chất là một loại steroid do buồng trứng sản xuất ra, loại estrogen này tham gia trực tiếp vào quá trình sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Estradiol cũng chính là hormone quyết định các đặc trưng ở nữ giới: ngực nở, eo thon … Lượng estradiol bất thường trong cơ thể phụ nữ là nguyên nhân chính gây ra hàng loạt vấn đề phụ khoa như: lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung.
Estriol (E3): C18H24O3
Trong 3 loại estrogen của cơ thể thì estriol là loại yếu nhất, đây là loại hormone được cơ thể tạo ra sau khi sử dụng estradiol (nói cách khác, estriol chính là chất thải của estradiol). Estriol chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ đang mang thai (nó được tổng hợp bởi nhau thai) và hầu như không tìm thấy ở phụ nữ không mang thai. Estriol không có khả năng chuyển đổi thành estrone và estradiol.
cac-loai-estrogen
Các loại Estrogen trong cơ thể
Estrogen có tác dụng gì?
Estrogen có hai chức năng quan trọng là tạo ra các điểm khác biệt trên cơ thể phụ nữ so với nam giới và tham gia vào quá trình sinh sản.
1. Estrogen tạo ra các điểm đặc trưng của phụ nữ
Estrogen tác động lớn đến sự phát triển khung xương ở nữ giới: khung xương nhỏ và ngắn (điều này lý giải vì sao phụ nữ thường thấp hơn nam giới cùng lứa tuổi). Nhưng xương chậu ở nữ giới lại phát triển hơn nam giới, sự khác biệt này là do phụ nữ đảm nhận chức năng sinh đẻ nên họ thường có xương chậu to hơn. Xương vai ở nữ cũng thường nhỏ và hẹp hơn so với nam giới.
Ở các vùng: mông, ngực, đùi; estrogen có vai trò tích mỡ và các chất béo lên các bộ phận này giúp tạo ra các đường cong trên cơ thể phụ nữ, từ đó chị em có vóc dáng mềm mại hơn.
Về giọng nói: estrogen tác động lên dây thanh quản ở nữ giới khiến cho nó có kích thước nhỏ hơn, điều này khiến giọng nói của nữ thường trong, cao và thanh hơn so với nam giới.
Đến giai đoạn dậy thì và sinh đẻ, estrogen kích thích tuyến vú phát triển giúp phụ nữ có bộ ngực đầy đặn bằng cách làm lắng đọng chất béo đến các mô liên kết ở tuyến vú. Hormone này cũng tác động đến ống sữa giúp chúng phát triển hoàn thiện phục vụ cho việc tiết sữa sau khi sinh.
Estrogen cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của lông, tóc trên cơ thể: phụ nữ thường có mái tóc dài và ít lông hơn nam giới.
estrogen-tao-ra-cac-diem-dac-trung-cua-phu-nu-phan-biet-nam-nu
Estrogen giúp tạo ra các điểm đặc trưng của phụ nữ
2. Tác dụng đối với sinh sản
Estrogen tác động hầu hết tới các bộ phận trong hệ sinh sản nữ giới: âm đạo, buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung.
Buồng trứng
Estrogen do buồng trứng tiết ra có tác dụng kích thích các nang trứng phát triển. Estrogen cũng có tác động trở lại, giúp buồng trứng phát triển và hoàn thiện ở nữ giới bước vào tuổi dậy thì. Đối với phụ nữ trưởng thành, estrogen giúp duy trì sự ổn định của các nang trứng.
Tử cung
Đến thời điểm rụng trứng, estrogen làm cho niêm mạc tử cung (lớp chất nhày lót trong cùng của tử cung) dày lên, tạo điều kiện cho bào thai làm tổ (trong trường hợp sự thụ tinh diễn ra thành công).
Nếu quá trình mang thai xảy ra, estrogen sẽ làm tăng kích thước nội mạc tử cung, tăng lưu lượng máu và hàm lượng protein đến tử cung, giúp đảm bảo việc cung cấp các dưỡng chất cho thai nhi.
Đến chu kỳ kinh nguyệt, nếu quá trình thụ tinh không thành công, lớp niêm mạc trong tử cung bị bong ra lẫn với máu và dịch nhầy sẽ tạo thành hỗn hợp máu kinh. Lúc này, estrogen sẽ kích thích cơ trơn tử cung gây ra các cơn co thắt nhằm đẩy hỗn hợp máu kinh ra bên ngoài. Điều này giúp tử cung loại bỏ các mô chết trong chu kỳ kinh nguyệt.
Đến ngày sinh nở, estrogen kích thích cơ trơn tử cung khiến tử cung co thắt và đẩy thai nhi ra ngoài.
Âm đạo
Estrogen kích thích sự phát triển của âm đạo, làm cho thành âm đạo dày hơn giúp âm đạo đạt kích thước của một người trưởng thành. Hormone này cũng có vai trò làm giảm hiện tượng nhiễm khuẩn của âm đạo do tăng độ a xít ở âm đạo, ngoài ra nó còn giúp bôi trơn âm đạo, giảm hiện tượng khô âm đạo, đau rát khi quan hệ tình dục.
Cổ tử cung
Cổ tử cung là bộ phận nối âm đạo với tử cung, cơ quan này có vai trò vừa là ống dẫn tinh trùng, vừa bảo vệ tử cung tránh khỏi sự xâm nhập của các loại vi khuẩn từ âm đạo. Estrogen có tác dụng làm tăng khả năng di chuyển của tinh trùng, giúp tinh trùng bơi đến trứng dễ hơn, tạo điều kiện cho quá trình thụ tinh diễn ra thuận lợi. Cơ chế của estrogen trong vai trò này là điều chỉnh độ dày và dòng chảy của lớp dịch tiết ở niêm mạc tử cung.
Ống dẫn trứng (vòi trứng)
Estrogen giúp ống dẫn trứng, các thành cơ trong ống dẫn trứng phát triển và duy trì độ dày, đồng thời chịu trách nhiệm đảm bảo cho sự co thắt của các cơ vòi trứng giúp trứng chín và rụng hoặc bào thai (nếu sự thụ thai diễn ra thành công) di chuyển về phía tử cung.
Tuyến vú 
Estrogen có mối liên quan mật thiết với một số loại hormone khác ở tuyến vú. Chúng kết hợp với nhau giúp cho quá trình phát triển của vú ở giai đoạn dậy thì và trưởng thành: hình dáng, kích thước và sắc tố của núm vú. Sau khi sinh, ở thời điểm bé không còn bú mẹ, estrogen giúp ngừng tiết sữa ở người mẹ.
tac-dung-cua-estrogen-voi-nu-gioi
Tác dụng của Estrogen với nữ giới
3. Các tác dụng khác của Estrogen
Sự phát triển của hệ xương
Estrogen giúp làm tăng tái hấp thu canxi ở ruột đồng thời giảm sự đào thải canxi qua ống thận, hormone này còn làm giảm quá trình hủy xương qua đó làm giảm hiện tượng loãng xương ở phụ nữ, đặc biệt trong giai đoạn mãn kinh. Các nghiên cứu cho thấy estrogen làm tăng khối lượng xương và có thể giúp giảm nguy cơ gẫy xương tới 50%. Estrogen ảnh hưởng đến mật độ xương và sự trưởng thành của xương, vì vậy khi nồng độ chất này suy giảm (ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh) sẽ gây ra các vấn đề về xương khớp: loãng xương, các bệnh xương khớp.
Ở giai đoạn dậy thì, estrogen chịu trách nhiệm về quá trình tăng trưởng của con gái, hormone này làm tăng tốc độ tăng trưởng cũng như quá trình đóng các đầu sụn khớp lại qua đó giới hạn chiều cao (nữ thường thấp hơn nam giới) và chiều dài của các chi.
Làn da
Estrogen là nhân tố chính trong quá trình sản xuất collagenelastin – hai chất quan trọng, đóng vai trò quyết định sự săn chắc, đàn hồi và quá trình phục hồi, duy trì độ ẩm của da. Ngoài ra, estrogen còn giúp cho làn da trắng sáng, mịn màng do khả năng kiểm soát MSH – một loại hormone của tuyến yên có tác dụng kích thích sản xuất sắc tố melanin dưới da.
Bộ não
Estrogen có tác dụng tăng tốc độ truyền tín hiệu của các tế bào não, qua đó làm tăng sự kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não. Điều này giúp cải thiện tâm trạng, cảm xúc và tư duy của con người. Mặt khác, hormone này còn làm tăng nồng độ serotonin – chất giúp ăn ngủ ngon, tránh mệt mỏi, stress. Điều hòa nồng độ endorphin trong não giúp giảm các cơn đau, cho tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc.
Tim mạch
Theo các nhà khoa học, estrogen có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ tim mạch. Cụ thể, hormone này giúp hỗ trợ và phòng ngừa các bệnh về tim mạch, nhất là xơ vữa mạch máu (có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim). Kết luận này được chứng minh vào năm 2010 bởi INSERM - Viện nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe và Y tế Pháp.
Đến thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen trong cơ thể giảm dần khiến tác dụng bảo vệ các mạch máu của hormone này cũng giảm đi.
estrogen-co-tac-dung-gi
Lợi ích to lớn của estrogen với sức khỏe phụ nữ
Qua các phân tích trên, chúng ta có thể thấy được vai trò quan trọng của estrogen đối với sức khỏe phụ nữ. Theo thời gian (nhất là ở giai đoạn mãn kinh) lượng hormone này trong cơ thể nữ giới bị suy giảm, có thể gây ra một số vấn đề như: giảm ham muốn tình dục, da khô sạm, nhăn nheo, chảy sệ, bốc hỏa, đau đầu, mất ngủ, tiểu đêm … Điều này khiến một số chị em tìm cách bổ sung estrogen từ bên ngoài như liệu pháp hormone thay thế (HTR), việc này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể gây ra bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú, suy tim, đột quỵ. Thêm vào đó, nếu dùng estrogen tổng hợp liều cao có thể gây ức chế ngược khiến cơ thể ngừng sản xuất estrogen điều này có thể ngăn cản quá trình thụ thai do trứng không phát triển và không bám vào niêm mạc tử cung. Khi dùng estrogen tổng hợp có thể gây ra một số tác dụng phụ như: buồn nôn, đau đầu, căng tức ngực, ứ mật, vàng da, tăng cân, tăng canxi huyết. Liệu pháp này chỉ được chỉ định trong một số trường hợp rất hạn hẹp như: dậy thì muộn, rối loạn mãn kinh, sau khi cắt buồng trứng, điều trị ung thư tiền liệt tuyến, phụ nữ mắc bệnh nam hóa (có râu, mụn trứng cá).
Để đảm bảo an toàn, phụ nữ có thể tìm đến các loại estrogen từ thực vật (phytoestrogen) như chiết xuất mầm đậu nành. Việc bổ sung này cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý dùng các sản phẩm nói trên.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7