top

Danh mục sản phẩm

Bệnh ung thư tuyến giáp là gì? Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không? Triệu chứng bệnh ung thư tuyến giáp

21/12/2023 09:24
Bệnh ung thư tuyến giáp là gì? Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?
Triệu chứng bệnh ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giápbệnh phổ biến nhất trong các bệnh lý ung thư tuyến nội tiết (chiếm tỷ lệ 92 - 95%). Mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 567.033 ca mắc mới và 40.017 ca tử vong do ung thư tuyến giáp. Tỉ lệ chung mắc ung thư tuyến giáp là 3.1%, trong đó tỉ lệ ở nữ là 10.2/100.000 (cao gấp 3 lần so với nam giới).
Tại nước ta, hàng năm có khoảng 5.814 trường hợp mắc mới và 528 ca tử vong vì căn bệnh này, ung thư tuyến giáp xếp ở vị trí thứ 5 trong các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới với tỉ lệ mắc 5.6/100.000 dân, con số này ở nam giới là 1.8/100.000 dân.
vi-tri-cua-tuyen-giap
Vị trí của tuyến giáp trong cơ thể
Ung thư tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ có hình dạng giống con bướm nằm ở vùng cổ trước, phía trước khí quản.
Mặc dù có kích thước nhỏ, nhưng tuyến giáp lại giữ vai trò vô vùng quan trọng đối với cơ thể: điều hòa quá trình trao đổi chất (ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển), điều hòa nhịp tim, ảnh hưởng đến hoạt động của các các cơ quan khác trong cơ thể: hệ thần kinh, não bộ, tuyến sữa, tuyến sinh dục …
Bệnh ung thư tuyến giáp là gì?
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý xảy ra ở tuyến giáp trong đó các tế bào bình thường biến đổi thành các tế bào ác tính (ung thư), khi đó các tế bào phát triển một cách bất thường (không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể)
benh-ung-thu-tuyen-giap
Bệnh ung thư tuyến giáp
Bệnh ung thư tuyến giáp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhiều nhất trong độ tuổi 40 - 50 tuổi, nữ giới mắc bệnh nhiều hơn so với nam giới (cao hơn 2 – 4 lần).
Có mấy loại ung thư tuyến giáp?  
Bệnh ung thư tuyến giáp được chia thành hai loại chính:
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa
Đây là dạng ung thư tuyến giáp phổ biến nhất (chiếm khoảng 90% số trường hợp). Những bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thể này thường tiến triển chậm và tiên lượng tốt.
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang
- Ung thư biểu mô tuyến giáp kết hợp thể nhú và thể nang.
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa
Dạng này ít gặp hơn (chiếm khoảng 10%). Người bị ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thường có tiên lượng xấu: tiến triển nhanh và di căn nhanh.
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hóa.
co-may-loai-ung-thu-tuyen-giap
Các loại ung thư tuyến giáp
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tuyến giáp
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tuyến giáp, trong đó các nguyên nhân phổ biến là:
Rối loạn hệ miễn dịch
Đây là nguyên nhân đầu tiên và phổ biến gây bệnh ung thư tuyến giáp. Ở những người khỏe mạnh, hệ miễn dịch có vai trò sản xuất ra các loại kháng thể để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng … Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, khả năng bảo vệ cơ thể giảm đi, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn tấn công vào các bộ phận trong cơ thể (trong đó có cả tuyến giáp). Hệ miễn dịch bị rối loạn không chỉ gây ra ung thư tuyến giáp mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm khác.
Mắc các bệnh lý ở tuyến giáp
Những người có bệnh ở tuyến giáp như: basedow, bướu giáp, viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto … có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp cao hơn so với những người khác. Những người bị viêm tuyến giáp, mặc dù đã điều trị khỏi nhưng nguy cơ tái phát bệnh vẫn rất cao.
Nhiễm phóng xạ
Người bị nhiễm phóng xạ thụ động từ môi trường bên ngoài qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa do I - ốt phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ khi điều trị các bệnh ở vùng đầu, mặt, cổ bằng phương pháp xạ trị thì có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp. Thực tế đã từng ghi nhận sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine, tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp của cư dân vùng này tăng lên sau 12 – 25 năm tiếp xúc với chất phóng xạ.
Trước đây (những năm 1960), một số bệnh ở trẻ em (nấm da đầu, mụn trứng cá, phì đại amidan) được điều trị bằng các chất phóng xạ liều thấp, những năm sau đó người ta nhận thấy rằng những người này có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn nhiều lần so với những người không tiếp xúc. Một số bệnh được điều trị bằng phương pháp xạ trị như: ung thư hạch, u nguyên bào thần kinh cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư tuyến giáp.
Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm và tổn thương với các chất phóng xạ, vì vậy các bậc cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những chất này để bảo vệ sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
nguyen-nhan-gay-ung-thu-tuyen-giap
Các nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp
Tuổi tác, thay đổi nội tiết (hormone)
Các thống kê cho thấy: tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp càng lớn. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người trẻ mắc căn bệnh này. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới 2 – 4 lần. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: những người thay đổi nội tiết (đặc biệt là phụ nữ mang thai và sau khi sinh) có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp. Khi mang thai, hormone trong cơ thể nữ giới thay đổi, điều này kích thích quá trình hình thành các loại hạch và bướu tuyến giáp. Sau khi sinh, các chị em cũng dễ bị viêm tuyến giáp hoặc suy giáp tạm thời do thay đổi nội tiết của quá trình mang thai trước đó.
Di truyền
Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 70% số người bị ung thư tuyến giáp có tiền sử người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh/chị em ruột) đã từng mắc căn bệnh này. Đặc biệt, ung thư tuyến giáp thể tủy có liên quan đến yếu tố di truyền. Thực tế, Trung tâm Y học hạt nhân – Bệnh viện Bạch Mai đã từng ghi nhận 3 người trong cùng một gia đình (mẹ, con trai, con gái) cùng mắc bệnh.
Các nhà khoa học đã tìm thấy đột biến gen RET ở nhiễm sắc thể số 10, gen BRAF và PTC có thể dẫn đến ung thư tuyến giáp thể nhú và thể tủy, đột biến gen RAS gây ung thư tuyến giáp thể nang.
Các yếu tố khác
- Chế độ ăn uống
Thực tế cho thấy những người chế độ ăn thiếu i - ốt hoặc thừa i - ốt cũng dẫn đến khả năng bị các bệnh ở tuyến giáp trong đó có ung thư tuyến giáp.
Người hút thuốc hoặc uống rượu bia trong thời gian dài cũng có khả năng bị ung thư tuyến giáp.
- Người bị thừa cân, béo phì
Những người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn so với người bình thường.
Triệu chứng của bệnh ung thư tuyến giáp
Triệu chứng ở giai đoạn sớm
Khối u
Xuất hiện khối u nhỏ nhô lên ở vùng cổ, khối u này thường do người nhà phát hiện ra hoặc cũng có thể do chính bệnh nhân tìm thấy khi soi gương hoặc khi sờ lên cổ. Theo thời gian, khối u to dần và chuyển động khi nhai hoặc nuốt. Có thể gồm một hoặc nhiều khối u nằm ở hai bên thùy tuyến giáp. Khối u có đặc điểm: bề mặt gồ ghề, mật độ chắc.
Hạch
Bệnh nhân có hạch ở vùng cổ, hạch có thể xuất hiện đồng thời hoặc trước khối u. Hạch thường nằm ở cùng một bên với khối u. Tuy nhiên, triệu chứng này không đặc trưng và có thể nhầm lẫn với các khối u lành tính. Vì vậy, khi thấy có hạch cùng bên với khối u ở cổ thì cần đi khám chuyên khoa để chẩn đoán ung thư tuyến giáp.
cac-trieu-chung-cua-benh-ung-thu-tuyen-giap-giai-doan-som
Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm
Triệu chứng ở giai đoạn muộn
Khàn tiếng
Những bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp có thể bị khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói. Nguyên nhân gây ra triệu chứng này là do khối u ở tuyến giáp khi đã phát triển lớn thì chèn ép vào thanh quản cũng như các dây thần kinh thanh quản (nằm ngay phía sau tuyến giáp) có chức năng kiểm soát các cơ và dây thanh quản. Khi các dây này bị chèn ép sẽ làm cho giọng nói của người bệnh thay đổi: giọng khàn, đặc khó nghe hơn. Trường hợp nặng, hộp thanh quản có thể bị ảnh hưởng bởi các tổn thương ở tuyến giáp lan rộng đến thanh quản.
Nuốt vướng
Khi khối u lớn sẽ chèn ép vào thực quản ảnh hưởng đến việc ăn uống: bệnh nhân nuốt vướng, cảm thấy đau khi nhai, nuốt thức ăn.
Khó thở
Triệu chứng này xuất hiện khi kích thước khối u đã lớn, chèn vào khí quản, cản trở việc hít thở của người bệnh.
Các triệu chứng: khan tiếng, khó nuốt, nuốt nghẹn, khó thở thường gặp ở phần lớn bệnh nhân (nhất là ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa).
Cổ bị căng tức, bó chặt
Đây cũng là triệu chứng thường gặp do khối u chèn ép vào các đám rối thần kinh ở cổ.
Hạch to ở dọc vùng cổ
Xuất hiện hạch to dọc hai bên khí quản, dọc cơ ức của xương đòn chũm hoặc ở góc quai hàm, hố thượng đòn.
Khối u
Khối u thường xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh. Khối u thường là một khối lớn xâm lấn ra phía trước hoặc phía sau, lên góc hàm hoặc xuống lồng ngực (khi thăm khám lâm sàng không thể sờ thấy khối u). Khối u có đặc điểm: bề mặt gồ ghề, mật độ không đều nhau (chỗ cứng, chỗ mềm). Khi khối u xâm lấn và dính chặt vào các cơ quan vùng cổ thì khả năng di động kém và ranh giới cũng không rõ ràng. Trường hợp khối u xâm lấn đến vùng da cổ sẽ gây ra hiện tượng vỡ, loét, chảy máu và nhiễm trùng tại chỗ.
trieu-chung-ung-thu-tuyen-giap-giai-doan-muon
Triệu chứng ưng thư tuyến giáp giai đoạn muộn
 Bệnh ung thư tuyến giáp có chữa được không?
Đa số các thể ung thư tuyến giáp (thể nhú, thể nang, thể tủy), nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tiên lượng đều rất tốt (tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến trên 90%)
Với ung thư tuyến giáp thể nhú, tỷ lệ sống trên 5 năm là 95% và trên 10 năm là 90%.
Với ung thư tuyến giáp thể nang, con số thấp hơn so với thể nhú: tỷ lệ sống trên 5 năm là 90% và trên 10 năm là 70%.
Với ung thư tuyến giáp thể tủy, tỷ lệ sống trên 5 năm là 90% và trên 10 năm là 86%.
Riêng đối với ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa, đây là dạng nặng nhất, tiên lượng xấu, người bệnh ít có cơ hội phẫu thuật nên thời gian sống khá ngắn (trung bình dưới 1 năm).
Một điều quan trọng cần lưu ý đối với những bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp là bệnh có nguy cơ tái phát do các tế bào ung thư vẫn còn sót lại trong cơ thể nhưng chưa được phát hiện, dần dần theo thời gian số lượng các tế bào này tăng lên gây ra các triệu chứng của bệnh. Vì vậy, người bệnh cần theo dõi tình trạng của bản thân, tái khám định kỳ. Việc này không chỉ nhằm mục đích kiểm tra xem bệnh ung thư có tái phát lại hoặc lan rộng hay không mà còn để phát hiện những tác dụng phụ của các phương pháp điều trị.
Ung thư tuyến giáp ngày càng trở nên phổ biến nhưng do các triệu chứng của bệnh không điển hình nên rất dễ bị bỏ qua. Bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn khi các triệu chứng đã rõ ràng hoặc tình cờ phát hiện khi siêu âm, thăm khám các bộ phận khác. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, siêu âm tuyến giáp, đặc biệt là những người có nguy cơ cao: phụ nữ sau sinh, trên 40 tuổi, người bị thừa cân béo phì, người có thân nhân bị ung thư tuyến giáp, người bị phơi nhiễm với các chất phóng xạ.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7