top

Danh mục sản phẩm

Bạch cầu là gì? Có mấy loại bạch cầu? Bạch cầu có vai trò gì? (Chức năng của bạch cầu)

01/11/2023 20:08
Bạch cầu là gì? Có mấy loại bạch cầu?
Bạch cầu có vai trò gì? (Chức năng của bạch cầu)
Như chúng ta đã biết, hệ miễn dịch giúp bảo vệ con người trước các tác nhân gây bệnh tiềm ẩn trong môi trường sống. Bạch cầu là một nhân tố quan trọng, được coi như “linh hồn” của hệ miễn dịch. 
Trong cơ thể có rất nhiều loại bạch cầu khác nhau và mỗi loại trong đó lại đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau. Vậy bạch cầu là gì? Bạch cầu có vai trò gì? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
I. Bạch cầu là gì?
Bạch cầu hay còn có tên gọi khác là bạch huyết cầu (tế bào máu trắng) hoặc tế bào miễn dịch, tên tiếng Anh là White Blood Cells (kí hiệu: WBC) là những tế bào máu hình cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch: chống lại các vật thể lạ và các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài như: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng … xâm nhập vào cơ thể.
bach-cau-la-gi
Hình ảnh tế bào bạch cầu (màu trắng)
II. Bạch cầu được sản xuất ở đâu?
Bạch cầu chủ yếu được sinh ra ở tủy xương, tuy nhiên, một số bộ phận khác cũng có khả năng sản xuất bạch cầu như: gan, lách và các hạch … Bạch cầu lưu hành trong máu, ngoài ra chúng còn đồn trú với số lượng lớn ở các mô để làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể.
Bạch cầu có thể chết ở nhiều nơi khác nhau, tuy nhiên, phần lớn chúng chết trong ruột, quá trình này giải phóng ra một số loại men (enzyme) có tác dụng kích thích sự tiêu hóa thức ăn.
bach-cau-sinh-ra-o-dau
Tủy xương là nơi sản xuất ra các tế bào bạch cầu
III. Bạch cầu gồm những loại nào (phân loại bạch cầu)? Bạch cầu có vai trò gì?
Bạch cầu chỉ chiếm khoảng 1% tổng số lượng các tế bào máu nhưng chúng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể
Dựa vào sự có mặt của bào tươnghình dáng của nhân trong tế bào bạch cầu, người ta chia bạch cầu thành ba loại chính là: bạch cầu hạt (bạch cầu đa nhân), bạch cầu lympho và bạch cầu đơn nhân.
1. Bạch cầu hạt
Bạch cầu hạt hay còn gọi là bạch cầu đa nhân là loại bạch cầu chứa các hạt lớn trong bào tương (thành phần chính của tế bào chất).
Có nhiều loại bạch cầu hạt khác nhau, người ta chia bạch cầu hạt thành ba loại: bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan và bạch cầu ái kiềm.
cac-loai-bach-cau-hat
Các loại bạch cầu hạt
Bạch cầu trung tính (neutrophil): NEU
Là loại bạch cầu có số lượng nhiều nhất trong các loại bạch cầu hạt (chiếm tỷ lệ 60 – 66%).
Bạch cầu trung tính có khả năng vận động và thực bào (ăn các tế bào lạ) rất mạnh, nhờ đó mà chúng tạo ra hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng chống viêm nhiễm và xử lý các mô khi bị tổn thương.
Sau khi cơ thể xuất hiện tổn thương ở các mô, trong vòng một vài giờ sau đó, các tế bào bạch cầu đa nhân trung tính sẽ di chuyển đến vị trí cơ quan bị tổn thương. Chúng ăn các loại vi khuẩn và các mô đã bị phân hủy (mô chết), sau đó bị nhiễm độc và chết dần tạo thành lớp mủ ở chỗ vi khuẩn xâm nhập.
Bạch cầu ái toan (eosinophil): EOS
Bạch cầu ái toan hay bạch cầu ưa axít là loại bạch cầu nhiều thứ hai trong các loại bạch cầu hạt (chiếm tỷ lệ 2 – 11%). Loại bạch cầu này giữ vai trò khử độc các chất lạ và các protein lạ trước khi chúng kịp gây hại cho cơ thể, chính vì thế nên khi bị dị ứng, nhiễm ký sinh trùng (giun đũa, giun móc, sán …), lượng bạch cầu ái toan thường tăng cao.
Bạch cầu ái toan cũng có khả năng thực bào nhưng yếu hơn so với bạch cầu đa nhân trung tính. Thông thường, chúng di động đến những nơi xảy ra dị ứng (có phản ứng kháng nguyên – kháng thể). Sau khi quá trình miễn dịch đã hoàn thành, chúng thực bào và tiêu hóa các phức hợp kháng nguyên – kháng thể.
Bạch cầu ái kiềm (basophil): BASO
Bạch cầu ái kiềm hay bạch cầu ưa bazơ (base) là loại ít gặp nhất trong số các loại bạch cầu (chỉ chiếm 0.5 – 1%).  Bạch cầu ái kiềm không có khả năng di chuyển cũng như thực bào nhưng chúng giữ vai trò quan trọng trong các phản ứng dị ứng do globulin miễn dịch tạo ra kháng thể IgE, loại kháng thể này có khuynh hướng gắn vào màng bạch cầu ái kiềm. Ngoài ra, loại bạch cầu này còn giải phóng heparin vào máu, từ đó giúp phòng ngừa quá trình đông máu.
2. Bạch cầu lympho: LYM
Bạch cầu lympho (tên đầy đủ là lymphocyte) là những tế bào chuyên biệt của hệ miễn dịch có khả năng tạo ra sức đề kháng cho cơ thể và rất phổ biến trong hệ bạch huyết. Loại bạch cầu này thường chiếm tỷ lệ 20 – 25% và được chia thành ba loại: bạch cầu lympho B, bạch cầu lympho Ttế bào giết tự nhiên (Natural Killer Cell) hay thường gọi là tế bào NK. Các tế bào lympho B có khả năng miễn dịch thể dịch qua trung gian là kháng thể, còn các tế bào lympho T có khả năng miễn dịch thông qua trung gian tế bào.
Chỉ số bình thường của bạch cầu lympho trong máu là 1.000 – 4.000 tế bào trong 1mm3 máu.
bach-cau-tang-mien-dich-bao-ve-co-the-nhu-the-nao
Cơ chế bảo vệ cơ thể của các tế bào bạch cầu
Bạch cầu lympho B
Là các tế bào bạch cầu có khả năng biệt hóa thành tương bào để sản xuất ra các loại kháng thể giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Có 5 loại kháng thể thường gặp là: IgM, IgG, IgA, IgDIgE.
Một số tế bào bạch cầu lympho B được biệt hóa thành các “tế bào nhớ”, chúng thường cư ngụ ở hệ bạch huyết. Khi gặp các kháng nguyên cũ (đã từng gây bệnh trước đây), chúng được kích hoạt lại, tìm và tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
Bạch cầu lympho T
Có vai trò nhận biết và tiêu diệt các tế bào gây nhiễm trùng. Sau khi nhận diện được yếu tố nhiễm trùng, các tế bào bạch cầu lympho T sẽ được hoạt hóa và bắt đầu tấn công các loại kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể. Chúng có thể tấn công trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc giải phóng lymphokin, sau đó những lymphokin này thu hút và dẫn dụ các bạch cầu hạt đến xâm nhập và tiêu diệt kháng nguyên.
Tế bào giết tự nhiên NK
Đây là một loại tế bào lympho đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch (nó được coi là tế bào miễn dịch ưu việt nhất của cơ thể). Tế bào NK giúp phòng bệnh ung thư cho cơ thể. Tế bào này có khả năng tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư theo cơ chế gây độc trực tiếp đến tế bào đích hoặc kích hoạt các tế bào miễn dịch khác đề kháng ung thư bằng cách tiết cytokine ra môi trường xung quanh tế bào ung thư.
Khác với tế bào lympho B và lympho T chỉ tiêu diệt các tác nhân có hại khi nhận diện được đã từng đối mặt với các tác nhân này trong quá khứ nhờ vào khả năng “ghi nhớ”. Tức là chúng chỉ nhận diện được các “yếu tố quen”, còn khi gặp các “yếu tố lạ” thì chúng trở nên “bất động”. Ngược lại, tế bào NK hoạt động như một người lính trinh sát, chúng tuần tra khắp cơ thể, khi phát hiện ra các yếu tố lạ có khả năng gây hại, các tế bào bị nhiễm virus hoặc tế bào phát triển bất thường, chúng sẽ huy động các tế bào miễn dịch khác đến tiêu diệt mà không cần quan tâm đến lịch sử “đối mặt” trước đó.
Ngoài tác dụng chống lại sự hình thành khối u, tế bào NK còn ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của phôi thai trong tử cung.
te-bao-lympho
Các loại tế bào lympho
3. Bạch cầu đơn nhân (monocyte) 
Bạch cầu đơn nhân là những bạch cầu mà trong bào tương không có hạt, có vai trò giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng mạn tính bằng cách phá hủy các tế bào gây nhiễm trùng. Bạch cầu đơn nhân có tác dụng giống như bạch cầu trung tính, tuy nhiên chúng thường tồn tại lâu hơn do có vai trò bổ sung khác.
Bạch cầu mono thường chiếm tỷ lệ 2 – 8% tổng số tế bào bạch cầu, chúng có kích thước khá lớn. Bạch cầu mono phát triển thành đại thực bào ở các mô liên kết, các đại thực bào này sẽ ăn những phân tử có kích thước lớn và các mô bị hoại tử. Nhiệm vụ chính của loại bạch cầu này là dọn dẹp sạch sẽ các mô bị tổn thương. Chính vì thế nên chúng được ví như cỗ máy dọn rác của cơ thể.
IV. Số lượng bạch cầu trong máu là bao nhiêu?
Bạch cầu có số lượng rất ít (ít hơn hồng cầu khoảng 500 lần). Trẻ em và phụ nữ mang thai thường có lượng bạch cầu cao hơn so với những người khác.
Ở người trưởng thành, số lượng bạch cầu trong máu khoảng 4.000 – 10.000 tế bào/ 1mmmáu.
Trẻ sơ sinh, lượng bạch cầu rất cao: từ 13.000 đến 38.000 tế bào/ 1mmmáu.
Trẻ từ 2 tuần tuổi trở lên, lượng bạch cầu giảm đi so với lúc mới sinh, nhưng vẫn ở mức cao: 5.000 – 20.000/ 1mmmáu.
Phụ nữ khi mang thai, lượng bạch cầu trong máu thường tăng. Ở những tháng cuối thai kỳ, số lượng bạch cầu trong máu nằm trong khoảng từ 5.800 đến 13.200 tế bào/1mmmáu.
Một người được coi là tăng bạch cầu khi số lượng bạch cầu trong máu ở mức trên 11.000 tế bào/ 1mmmáu.
Và ngược lại, một người được coi là giảm bạch cầu khi số lượng bạch cầu trong máu ở mức dưới 4.000 tế bào/ 1mmmáu.
Các loại bạch cầu khác nhau thì có tuổi thọ khác nhau. Có loại chỉ sống được 2 – 3 ngày, nhưng cũng những loại có tuổi thọ dài đến 200 ngày, chúng sẵn sàng hi sinh khi làm nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn, bảo vệ cơ thể.
V. Số lượng bạch cầu trong máu thay đổi phản ánh điều gì?
1. Khi số lượng bạch cầu trong máu tăng
Điều này có thể do một trong những nguyên nhân sau:
Cơ thể bị nhiễm khuẩn: vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng; nhiễm trùng máu
Hiện tượng viêm nhiễm: viêm đa khớp dạng thấp, viêm phổi, viêm ruột thừa …
Dị ứng: hen phế quản, các phản ứng dị ứng (thức ăn, thời tiết)
Bệnh lý nguy hiểm về máu: bạch cầu (cấp hoặc mạn)
Tế bào bị chết nhiều do các nguyên nhân: bỏng, chấn thương, đau tim, làm thủ thuật, phẫu thuật.
Các bệnh do rối loạn di truyền: hội chứng Down, Wiskott.
2. Khi số lượng bạch cầu trong máu giảm
Lượng bạch cầu trong máu thường giảm khi mắc bệnh suy tủy xương, hoặc khi cơ thể bị nhiễm chất độc, nhiễm phóng xạ.
Các trường hợp gây giảm số lượng bạch cầu trong máu:
Bệnh gây suy giảm miễn dịch: lupus ban đỏ, nhiễm HIV
Rối loạn tủy xương. Tủy xương bị tổn thương do điều trị ung thư bằng xạ trị, hóa trị hoặc tiếp xúc với các loại độc tố.
Bệnh bạch cầu (ung thư máu)
Ung thư hạch bạch huyết
Bệnh về máu: nhiễm trùng huyết, thiếu vitamin B12
tang-giam-bach-cau-la-mac-benh-gi
Số lượng bạch cầu thay đổi (tăng/giảm) đều có thể là dấu hiệu bất thường của cơ thể
Chỉ số bạch cầu trong máu (WBC) là một thông số quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe tổng quát của một người. Số lượng bạch cầu quá cao hoặc quá thấp đều báo hiệu những vấn đề bất thường của cơ thể. Dựa vào chỉ số này (tăng hay giảm), bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán tình trạng của người bệnh. Vì vậy, người dân cần khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu để phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm, từ đó có phương án chữa trị kịp thời. Việc này giúp tăng tỷ lệ thành công và giảm chi phí điều trị.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7